Nét đẹp văn hóa của lễ hội làng xã độc đáo ở Hải Phòng

Thứ Hai, 26/02/2018, 14:11
Lễ hội cầu ngư được đầu tư qui mô, gắn với nhiều hoạt động văn hoá phong phú hơn đáp ứng nhu cầu chiêm ngưỡng, lễ bái của ngư dân vùng biển Hải Phòng cũng như du khách thập phương....

Lễ hội cầu ngư - Rước cá Sủ vàng là một trong những lễ hội độc đáo có truyền thống từ lâu đời, mang nét đặc trưng riêng của ngư dân làng Ngọc Tỉnh, xã Tân Trào, huyện Kiến Thuỵ, TP Hải Phòng, được tổ chức 3 năm 1 lần vào sau dịp Tết Nguyên đán (mùng 10 tháng giêng) để cầu mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, một vụ mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn.

Vào ngày lễ hội, người dân trong làng cùng nhau tổ chức lễ rước cá Sủ vàng được làm từ gỗ vàng tâm cùng với mâm bày lợn "ông Bồ" vào đình làng để làm lễ tế thần. Theo ông Nguyễn Bá Gan, Trưởng thôn Ngọc Tỉnh cùng các vị bô lão trong thôn cho biết, sở dĩ người dân trong làng Ngọc Tỉnh chọn cá Sủ vàng để tôn thờ trong lễ hội chính bởi sự quý hiếm cùng giá trị kinh tế cao do loài cá này đem lại. Từ những năm trước, nhiều gia đình ngư dân tại đây đã thoát nghèo và trở nên giàu có nhờ loài cá Sủ vàng quí hiếm này.

Hình ảnh tại lễ rước cá Sủ vàng.

Theo Ban tổ chức lễ hội cho hay, cá Sủ có nhiều tên gọi khác như: cá Sủ vây vàng, cá Sủ vàng kép, cá Thủ, cá Đường. Đây là loại cá lớn nhất trong họ cá đù thuộc bộ cá vược. Chiều dài mỗi con cá Sủ lớn có thể đạt đến 160cm, nặng trên 100 kg và có trị giá hàng tỷ đồng.

Tại Lễ hội năm nay, nhiều con cháu của làng từ nước ngoài, làm ăn ở các miền Tổ quốc trở về quê sum họp với gia đình cũng lán lại cùng dân làng dự lễ.Cùng trong ngày 10 tháng giêng âm lịch tại làng Kỳ Sơn (một trong 4 làng của xã) cũng diễn ra lễ hội Rước lợn "ông Bồ" một sinh hoạt văn hóa dân gian, một minh chứng sức sống mãnh liệt của hội làng truyền thống.

Đặc điểm chung vẫn là "lễ hội của nông dân", lễ Rước lợn "ông Bồ" còn mang sắc thái địa phương với nguyện ước mong sao cuộc sống thanh bình, mùa màng tốt tươi, cây trồng vật nuôi sinh sôi nảy nở. Tìm hiểu về lễ Rước lợn "ông Bồ" của Kỳ Sơn, nhiều nhà nghiên cứu sưu tầm văn hóa văn nghệ dân gian không muốn chỉ dừng lại ở các hình thức tế rước…

Theo các bậc cao niên trong làng thì ông Bồ" không phải là tên một cá nhân mà có nghĩa là "to". Người ta vẫn viết hoa chữ "Bồ", bởi đó là một thành tố tạo nên tên riêng của một lễ hội vốn có từ lâu đời ở Kỳ Sơn. Về dự lễ hội ai cũng thấy cách giải thích trên là có lý, bởi con lợn trong lễ rước rất to, cho dù đã được mổ thịt và làm sạch sẽ.

Lịch sử làng Kỳ Sơn, từ những năm xa xưa, các giáp trong làng rất khuyến khích việc nuôi lợn giỏi, chuẩn bị lợn cho lễ tế đám. Dịp ấy, làng quy định gia đình nào sinh con trai phải gánh tế đám thì người ấy có nhiệm vụ nuôi một con lợn to, do trong giáp đóng tiền ra mua giống và quy định về trọng lượng lợn mà người nuôi phải đạt tới. Lợn nuôi nhiều hay ít là do các giáp quyết và đều có treo giải (bằng cái thủ lợn) tùy theo trọng lượng lợn. Sau khi được nuôi trong chuồng sạch sẽ, đến mùng 9 tháng Giêng thì chủ lợn mở cửa chuồng để bà con biết.

Lợn mổ thịt xong mới cân để ghi điểm, ai là người có lợn nuôi nặng cân nhất sẽ được thủ lợn mang về... Lợn đem vào tế đám tính theo trọng lượng móc hàm. Trong khi mổ lợn, các giáp cũng giã bánh dày.Vì thế, vào lễ rước, làng Kỳ Sơn có đủ lợn to, bánh dày...

Lễ  hội Rước lợn "ông Bồ" được khôi phục lại vào năm 1997 và cũng được tổ chức 3 năm 1 lần. Ngày nay, làng không còn nuôi lợn treo giải, nhưng vẫn cơ bản bảo đảm các quy trình như chọn gia đình nuôi lợn giống tốt để khi vào lễ đúng là lợn "ông Bồ" nặng cân, nhiều thịt, đẹp mắt. Và không thể thiếu bánh dày, ngũ quả. Phần tế trong hội được tiến hành dưới sự huớng dẫn của các cụ cao niên và một số cụ đại diện trong làng..... 

Sau lễ tế là đoàn khiêng kiệu rước lợn trên những đoạn đường mà làng quy định để trở về đình làng. Rước lợn xong, dân làng được "thụ lộc "thịt lợn, bánh dày và hoa quả. Các hộ chăn nuôi giỏi được biểu dương và khen thưởng.


Văn Thịnh
.
.
.