Tọa đàm về “Có tiếng người trong gió”

Thứ Tư, 30/03/2016, 18:06
Chiều 30-3, buổi tọa đàm về cuốn tiểu thuyết “Có tiếng người trong gió” của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy do Nhà Xuất bản Trẻ tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều nhà văn và nhà phê bình văn học.

 


“Có tiếng người trong gió” lấy một chuyên án về tội phạm bắt cóc và buôn bán người làm cái cớ và xuyên suốt là câu chuyện đậm tính nhân văn của một người mẹ đi tìm con lưu lạc suốt 15 năm liền, tác phẩm đặt ra các vấn đề thời nóng hổi trong cuộc sống với khao khát kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn, nơi người với người ứng xử với nhau văn minh, nhân ái hơn.

Tiểu thuyết “Có tiếng người trong gió”.

Với sự sáng tạo trong hình thức thể hiện, “Có tiếng người trong gió” đã mang đến cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc liên tục trong sự đan quyện của 3 tuyến truyện song song vừa cụ thể trần trụi, vừa bảng lảng mơ hồ khó nắm bắt, để rồi gặp nhau ở một điểm đầy bất ngờ.

Các nhà phê bình, nhà văn bày tỏ quan điểm về “Có tiếng người trong gió” tại buổi tọa đàm.

Đặc biệt, dù tác giả đang phác thảo về hình hài của cái ác, đang nhận diện về cái ác theo một cách có rùng rợn và sợ hãi, có để lại nơi người đọc một dư chấn bàng hoàng, thì những trang văn vẫn ấm áp tình đời, tình người. “Có tiếng người trong gió” như một băn khoăn về nhân tính, một rùng mình về cái ác, một tiếng kêu về thiên lương.

Những ai đang tự hỏi: “Con người có thể ác đến đâu? Những ai có thể ác? Liệu con người, sau những bước tiến dài của sự phát triển, có hướng đến sự tiến bộ nhân văn hay vẫn chỉ là những cạnh tranh hủy diệt và sát phạt lẫn nhau được chuyển đổi về mặt hình thức?” có thể tìm thấy câu trả lời trong cuốn tiểu thuyết tâm lý hình sự đầy hồi hộp này.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy là tác giả của hơn 10 đầu sách, trong đó có 4 tiểu thuyết “Biển xanh màu lá”, “Sát thủ online”, “Nhắm mắt nhìn trời” và “Có tiếng người trong gió”. Các tiểu thuyết của anh đều gây được tiếng vang với bạn đọc và giới chuyên môn bởi tính thời sự và tính nhân văn sâu sắc.
Thanh Hằng
.
.
.