Cần có các nhà in đạt chuẩn để bảo vệ thị trường nội địa

Thứ Sáu, 29/09/2023, 13:13

Với mong muốn trang bị cho các nhà in những khái niệm cơ bản, bước đầu hình thành ý thức về các tiêu chuẩn quốc tế, sáng 29/9, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức hội thảo “Quản lý chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế”.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Phạm Tuấn Vũ, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho rằng, trên thực tế ngành in đóng góp một phần trong giá trị sản phẩm xuất khẩu và tiêu biểu nhất là bao bì đóng gói sản phẩm.

Cần có các nhà in đạt chuẩn để “bảo vệ” thị trường nội địa -0
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành phát biểu tại hội thảo.

Tổng giá trị sản xuất của ngành in trong các năm từ 2019-2022 đạt gần 5 tỷ USD nhưng không có số liệu thống kê giá trị xuất khẩu vì các sản phẩm xuất khẩu không được tính như một sản phẩm độc lập mà thông thường tính vào giá trị hàng hóa. Như vậy, chúng ta chỉ có thể nêu một vài ví dụ về in xuất khẩu cho các tập đoàn đa quốc gia ở các khu chế xuất như Samsung, LG…

Cũng theo ông Phạm Tuấn Vũ, cho đến nay chúng ta chưa có số liệu cụ thể về hoạt động in xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, các số liệu thống kê chưa chính thức cho thấy chỉ riêng doanh số in bao bì của các doanh nghiệp tại Việt Nam lên đến trên 2 tỷ USD và đang tăng trưởng khoảng 38% mỗi năm, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp FDI với các ấn phẩm thương mại cho thị trường Mỹ, bao bì thuốc lá, bao bì thực phẩm, bao bì nhựa các loại…

“Vấn đề của các doanh nghiệp Việt Nam là làm sao có thể tham gia vào chuỗi cung ứng và có thể xuất khẩu trực tiếp sản phẩm in. Thị trường in xuất khẩu là lối ra cho các doanh nghiệp Việt Nam, nó không chỉ giảm bớt áp lực cạnh tranh cho thị trường in nội địa vốn đã bão hòa mà còn mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp xét trên các phương diện phát triển nguồn lực, hệ thống quản trị sản xuất, trình độ ứng dụng công nghệ cũng như đưa ngành in Việt Nam phát triển lên một trình độ được thế giới công nhận”, ông Phạm Tuấn Vũ nhấn mạnh.

Chia sẻ về quản lý chất lượng in hiện nay, ông Đoàn Đắc Trưởng, Phó Giám đốc Công ty in Tiến Bộ cho biết, quản lý chất lượng hiện nay đối với các doanh nghiệp in Việt Nam chủ yếu là sản phẩm sách, báo, tạp chí và bao bì nội địa. Các sản phẩm này chủ yếu áp dụng tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001. Các doanh nghiệp in sản phẩm xuất khẩu thì bắt buộc phải áp dụng tiêu chuẩn quốc tế và theo yêu cầu của từng khách hàng.

“Việc duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế tại các doanh nghiệp Việt Nam là rất khó. Thực tế hiện nay tiêu chuẩn thường do doanh nghiệp viết ra và làm theo để sản xuất ra những sản phẩm giống nhau của mỗi lần sản xuất. Bởi vậy, qua hội thảo này sẽ giúp cho các doanh nghiệp chuẩn hóa hơn các quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu khách hàng và hội nhập quốc tế”, ông Đoàn Đắc Trưởng nói.

Để ngành in hội nhập quốc tế, PGS.TS. Hoàng Thị Kiều Nguyên (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, ngành phải trả lời được ba câu hỏi: Tại sao lại cần tiêu chuẩn? Cần chứng chỉ nào? Làm gì để đạt tiêu chuẩn?

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nhấn mạnh, hiện nay ngành in đang thiếu sự đổi mới và tiếp cận thông tin với thế giới, bởi vậy cần có sự kết nối các doanh nghiệp in Việt Nam với các nước trên thế giới. Hội thảo này mở ra các thông tin cần thiết về các tiêu chuẩn. Tới đây Việt Nam cần đẩy mạnh làm tốt hơn nữa các vấn đề để giới thiệu các nội dung mới cho các đơn vị doanh nghiệp in, đưa ngành in phát triển mạnh mẽ, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Điều đáng nói ở đây là chúng ta không những cần các nhà in đủ chuẩn để tham gia thị trường xuất khẩu mà cần phải có các nhà in đạt chuẩn để “bảo vệ” thị trường nội địa, nếu không các công ty FDI với trình độ sản xuất cao hơn, năng lực quản lý hiệu quả hơn và năng lực tài chính dồi dào cũng sẽ lấn áp thị trường in nội địa ngay khi có điều kiện”, ông Nguyễn Nguyên lưu ý.

Ngô Khiêm
.
.
.