Cố đô Huế nỗ lực thu hút khách du lịch

Thứ Ba, 02/11/2021, 07:44

Nghị quyết của Bộ Chính trị khẳng định, đến năm 2030, Thừa Thiên-Huê là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á vê văn hoá, du lịch và đến năm 2045 là thành phố Festival đặc sắc của châu Á dựa trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô, bản sắc văn hoá Huế. Để thực hiện được điều này, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có nhiều cách làm mới để phát triển du lịch và thu hút du khách đến với vùng đất Cố đô.

Những năm qua, Cố đô Huế nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam như một điểm đến hội tụ của nhiều loại hình di sản vật thể và phi vật thể hấp dẫn du khách trong nước lẫn quốc tế.Trong Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định, du lịch chính là thế mạnh đặc thù của tỉnh Thừa Thiên-Huế và từ lâu, tỉnh đã xem đây là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó văn hóa và di sản là thế mạnh riêng có. Với định hướng này, nhiều năm qua, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, chính quyền các cấp, ngành du lịch và các Sở ngành, đơn vị liên quan đã triển khai xây dựng nhiều kế hoạch, thực hiện hàng loạt các giải pháp với mục đích làm “Huế luôn luôn mới” trong mắt du khách.

Theo thống kê của ngành du lịch Thừa Thiên-Huế, chỉ tính trong tháng 4/2021, khi đợt dịch COVID thứ 4 chưa bùng phát, lượng khách từ TP Đà Nẵng ra Huế du lịch cao nhất trong tất cả các thị trường, hơn 22.000 lượt, cao hơn cả khách đến từ TP Hà Nội với 20.000 lượt và TP. Hồ Chí Minh là 15.000 lượt khách. Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, để thúc đẩy ngành Du lịch phát triển, hiện Sở đã và đang tích cực triển khai thực hiện đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực”.

Theo đó, Sở đã thực hiện điều tra, thống kê được 1.300 món ăn xứ Huế với 3 dòng ẩm thực gồm các món cung đình, chay và dân gian. Tiếp đó, đơn vị đã chọn những nhà hàng đạt chuẩn, có những món ăn phù hợp để xây dựng chuỗi không gian ẩm thực, gắn logo “Huế - Kinh đô ẩm thực” và quảng bá thương hiệu. Với cách làm này, đề án sẽ dần thay đổi cách thức khai thác ẩm thực, phục vụ nhu cầu của mọi tầng lớp du khách từ bình dân đến sang trọng.

Cố đô Huế nỗ lực thu hút khách du lịch -0
Tỉnh Thừa Thiên-Huế thực hiện nhiều giải pháp kích cầu du lịch, thu hút du khách đến tham quan di sản.

Cùng với “Huế - Kinh đô áo dài”, “Huế - Kinh đô ẩm thực” sẽ được xây dựng thành những dòng sản phẩm chủ đạo mang thương hiệu xứ Huế để đưa vào khai thác dịch vụ. Và một trong những đổi mới của ngành du lịch địa phương là thay đổi công tác quảng bá truyền thống sang quảng bá số, tối ưu hóa quảng cáo, tập trung vào từng lứa tuổi, thị hiếu thị trường với sự hỗ trợ tối đa của các công ty, tập đoàn công nghệ, các mạng xã hội mà ngành Du lịch Thừa Thiên-Huế hợp tác. Nhờ thế đã thu hút được một lượng lớn khách từ các tỉnh thành lân cận đến Huế du lịch trong thời gian qua. Dự kiến đến cuối năm 2021, sẽ có khoảng 30 triệu lượt người tiếp cận các dòng sản phẩm du lịch Huế qua các kênh quảng bá số…

Đặc biệt, hàng trăm công trình di tích thuộc Di sản Huế đã được thực hiện trùng tu, tu bổ, bảo tồn nhằm phát huy giá trị di sản, phục vụ du khách đến tham quan. Tiêu biểu có các công trình như Ngọ Môn, điện Thái Hòa, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, Duyệt Thị Đường, Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình và nhiều công trình tại các lăng tẩm của các vua, như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định…

Bên cạnh đó, hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ VH-TT&DL phát động với chủ đề “Miền Di sản diệu kỳ”, ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế đã liên kết với các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, TP Đà Nẵng tổ chức nhằm thu hút khách du lịch đến 4 địa phương với nhiều sản phẩm, dịch vụ mới lạ, độc đáo, chất lượng cao, giá kích cầu hấp dẫn. Chương trình đã góp phần phát huy thế mạnh du lịch của các địa phương trong vùng, tạo đà phục hồi cho ngành Du lịch trong trạng thái bình thường mới.

Tiếp đó, Trung tâm BTDT Cố đô Huế cũng đã nối lại việc tổ chức bắn lửa súng thần công tại Kỳ Đài Huế vào 20h thứ Bảy hàng tuần và trong những ngày lễ lớn của đất nước, tạo ra sản phẩm du lịch về đêm hấp dẫn du khách. Tại trung tâm TP Huế, các tuyến đường đi bộ ven sông Hương được đầu tư xây dựng hoàn thiện khang trang tạo ra không gian mới để du khách khám phá vẻ đẹp thơ mộng của Huế.

Ngoài công tác bảo tồn di tích, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, tỉnh Thừa Thiên-Huế còn chú trọng ứng dụng công nghệ 4.0 hình thành nên các sản phẩm du lịch mới, giúp du khách trải nghiệm ấn tượng. Đơn cử như chương trình “Đi tìm hoàng cung đã mất” tại Đại Nội Huế. Với công nghệ thực tế ảo VR360, du khách có thể tận mắt thấy được không gian Hoàng cung Huế xưa với những công trình kiến trúc không gian đa chiều có từ hàng trăm năm trước. Tiếp đó là hệ thống bản đồ 3D các điểm di sản và thuyết minh tự động 12 ngôn ngữ khác nhau tại Hoàng cung và các lăng tẩm.

Ngoài ra, du khách có thể sử dụng mã QR của ứng dụng VN Guide để trải nghiệm tham quan các cổ vật qua không gian 3D tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Có thể khẳng định, những đổi thay nói trên nhằm đem lại sự mới lạ, hấp dẫn để thu hút du khách khi đến Huế.

Anh Khoa
.
.
.