Đề xuất thành lập Trung tâm quản lý phổ biến phim trên không gian mạng

Thứ Bảy, 31/12/2022, 07:11

Ngày 1/1/2023, Luật Điện ảnh sửa đổi chính thức có hiệu lực. Việc thi hành Luật Điện ảnh sửa đổi với rất nhiều điểm mới được kỳ vọng góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc trong phát triển Điện ảnh nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu đề ra, nhất là trong quản lý phim trên không gian mạng thì cần thêm nhiều điều kiện khác.

Theo Cục Điện ảnh, Luật Điện ảnh sửa đổi đã thể chế hóa đường lối của Đảng, các chính sách của Nhà nước để phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh. Về thẩm quyền cấp Giấy phép phân loại phim, Luật đã phân cấp cho UBND cấp tỉnh cấp Giấy phép phân loại phim khi đáp ứng các quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định, phân loại phim. Luật Điện ảnh sửa đổi cũng đã tạo điều kiện để có thể huy động được mọi nguồn lực, các thành phần kinh thế tham gia hoạt động điện ảnh. Đây là một trong những nội dung chính sách quan trọng để xây dựng và phát triển nền công nghiệp điện ảnh.

6.jpg -0
Quản lý hiệu quả phổ biến phim trên không gian mạng là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều năm trở lại đây. Ảnh minh họa.

Cụ thể, về hoạt động cung cấp dịch vụ sử dụng bối cảnh quay phim tại Việt Nam, theo Luật Điện ảnh sửa đổi, hồ sơ xin cấp phép chỉ yêu cầu cung cấp kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay tại Việt Nam cùng văn bản cam kết không vi phạm quy định tại Điều 9 (những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh) của Luật Điện ảnh. Về sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, Luật quy định sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước được thực hiện dưới ba hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Luật đã mở rộng đối tượng chủ đầu tư sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp ở trung ương và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Về tổ chức liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam, Luật mở rộng chủ thể được tổ chức liên hoan phim nhằm huy động nguồn lực xã hội tham gia quảng bá, tôn vinh điện ảnh trong nước. Chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam (Điều 41) là nội dung hoàn toàn mới được quy định tại Luật, nhằm thúc đẩy phát triển điện ảnh, du lịch và các ngành dịch vụ liên quan.

Đặc biệt, với quản lý phim trên không gian mạng – vấn đề đang rất được quan tâm nhiều năm trở lại đây, Luật quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể phổ biến phim. Cụ thể, trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, phải bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim; trường hợp chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim thì đề nghị Bộ VHTTDL.

Chủ thể phổ biến phim phải thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ VHTTDL trước khi thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng; thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết và hướng dẫn để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi xem phim; để người sử dụng dịch vụ báo cáo về phim vi phạm; cung cấp đầu mối, thông tin liên hệ để tiếp nhận, xử lý yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước; phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người sử dụng dịch vụ. Chủ thể phổ biến phim buộc phải gỡ bỏ phim vi phạm quy định khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Luật Điện ảnh sửa đổi cũng đồng thời quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số như triển khai các giải pháp kỹ thuật, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền gỡ bỏ, ngăn chặn phim vi phạm và các nghĩa vụ theo quy định của Luật Điện ảnh. Tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông có trách nhiệm ngăn chặn truy cập phim vi phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bộ VHTTDL tổ chức nhân lực, phương tiện kỹ thuật để thực hiện việc kiểm tra nội dung phim, phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Cục Điện ảnh cũng cho rằng, để có thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nâng cao năng lực quản lý phim phổ biến trên không gian mạng, các cơ quan quản lý nhà nước cần được đầu tư về nguồn nhân lực và trang thiết bị cần thiết để thực hiện mục tiêu Luật Điện ảnh đề ra. Vì vậy, cần thành lập Trung tâm quản lý phổ biến phim trên không gian mạng trực thuộc Cục Điện ảnh, nhằm quản lý có hiệu quả, chuyên nghiệp hình thức phổ biến phim trên không gian mạng, đồng thời tạo môi trường pháp lý minh bạch thu hút hoạt động phổ biến phim ở Việt Nam.

N.Nguyễn
.
.
.