Độc đáo lễ “bắt chồng” của người K’ho ở Lâm Đồng

Thứ Tư, 21/06/2023, 12:21

Mặt trời rướn mình qua dãy núi xa, một hồi tù và dài ù ù vang lên phá toang không gian yên ắng thường nhật cuối ngày. Đám trẻ con người đồng bào K’ho Sre nhốn nháo đổ ra các ngả đường, háo hức hóng về nơi có tiếng tù và đang ồm ồm cất vang. Tối nay, nhà bà K’Phen (ngụ buôn Bồ Liêng, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) có tiệc mừng. Cô con gái lớn Ka Phương Lan (SN 1996) đã bắt được chồng, bây giờ là lúc mở tiệc...

Xin bắt rể lúc hoàng hôn

Thế nhưng, trước khi đi đến tiệc cưới, hai bên gia đình buộc phải trải qua nghi thức xin hỏi theo phong tục truyền thống. Người K’ho Sre ở Lâm Đồng theo chế độ mẫu hệ. Phụ nữ có vai trò quyết định trong vấn đề hôn nhân. Dù vậy, con trai vẫn là người chủ động đi tìm kiếm và tỏ tình với người mình yêu.

Độc đáo lễ “bắt chồng” của người K’ho ở Lâm Đồng_SODACBIET_21-6_T31 -0
Vợ chồng Ka Phương Lan và K’Trung được gia đình nhà trai tặng một số vật dụng trong lễ cưới.

Khi chàng trai đã “say nắng” cô gái, chờ cho bóng đêm buông xuống, với chiếc kèn môi truyền thống, chàng trai K’ho tìm tới nhà người mình yêu, đứng bên cửa sổ đầu giường cô gái, thổi lên những giai điệu yêu thương da diết, thổn thức ước mong…

Tuy vậy, rất hiếm cô gái K’ho Sre nào chấp nhận tình yêu ngay từ những lần gặp và tiếng kèn môi thổn thức đầu tiên của chàng trai. Tình yêu của họ thường được nhen nhóm sau nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Khi cô gái chấp nhận ra mở cửa, đó là tín hiệu cho thấy cô gái ấy đã thuộc về chàng trai. Lúc cả hai đã tỏ ra “ưng cái bụng” nhau, cô gái chủ động lấy của chàng trai một chiếc khuy áo hoặc bất cứ vật gì. Điều này như một thỏa thuận ngầm rằng từ nay chàng trai đã chính thức thuộc về cô gái, chuyện tiến tới hôn nhân chỉ còn là vấn đề thời gian.

Thế nhưng, trước khi tổ chức tiệc cưới, nhà gái buộc phải thực hiện nghi thức xin bắt rể theo phong tục truyền thống. Với người K’ho Sre ở Lâm Đồng, trong lễ hỏi chồng cho các cô gái bắt buộc phải có người mai mối. Người này thường có tài ăn nói, kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh, nhất là khi phía nhà trai đặt ra những đòi hỏi vượt quá khả năng của nhà gái hoặc tìm cách từ chối, không muốn gả con trai của họ cho cô gái. Thông thường, người đứng ra làm mai mối cho lễ xin cưới là cậu của cô gái. Trước khi đi, phía nhà gái chuẩn bị sẵn một cái vòng bằng đồng hoặc bạc, khi được phía nhà trai đồng ý, chiếc vòng này sẽ được đeo ngay vào cổ chàng trai như một điều khẳng định chàng trai “đã có chủ”.

Lễ hỏi chồng của Ka Phương Lan (SN 1996) bắt đầu lúc mặt trời vừa khuất sau dãy núi xa. Khi ấy, gia đình nhà K’Trung (SN 1996) đã trở về nhà sau một ngày lên rẫy chăm sóc cà phê đang mùa kết trái. Trong nhà K’Trung, manh chiếu lớn được trải ngay dưới sàn. Đây sẽ là nơi hai bên gia đình thực hiện các nghi thức truyền thống về việc xin bắt chồng cho Ka Phương Lan. Trong lần đầu xin bắt chồng về cho con của phía nhà gái thường không đem lại kết quả như mong muốn. Nhà trai hay bắt phía nhà gái chứng minh lòng thành bằng việc liên tục chối khéo, như: “Con tôi còn nhỏ, chưa biết làm ăn, còn đang ăn bám bố mẹ, chưa có kinh nghiệm trong gia đình đâu. Anh chị thông cảm!..”. Nếu không có thiện chí bắt chàng trai về cho con gái làm chồng, phía nhà gái liền ra về và không bao giờ quay trở lại. Khi vẫn quyết tâm lựa chọn chàng trai này làm rể, ít ngày sau, phía nhà gái cùng người mai mối lại tới nhà chàng trai.

Lần này, phía gia đình Ka Phương Lan tiếp tục dùng những lời lẽ thuyết phục các thành viên nhà trai. Vai trò của người mai mối được khẳng định bằng việc dẫn dắt câu chuyện, đưa ra những lý lẽ để thuyết phục, như: “Con anh chị hôm nay còn trẻ, không có kinh nghiệm, ngày mai nó sẽ lớn. Người ta có sức đi làm được mười ngày, con anh chị cũng sẽ làm được bảy, tám ngày đó thôi!..”.

Cắt đứt lòng gà tiễn con về nhà vợ

Trường hợp nhà gái đã nhiều lần tới xin bắt rể về cho cô gái mà vẫn bị nhà trai khước từ, không chịu cho cưới, lúc này nhà gái sẽ đưa vật chứng ra và bắt vạ. Vật chứng chính là chiếc khuy áo hay bất cứ vật gì mà cô gái đã lấy từ chàng trai. Thậm chí, có những trường hợp nhà gái còn lấy chuyện chàng trai đã “ăn trái cấm” cô gái để “phạt vạ” thật nặng, buộc chàng trai phải có trách nhiệm đối với cô gái.

Trường hợp nhà trai đồng ý, nhà gái sẽ trở về chuẩn bị cho việc thách cưới. Tới ngày đã định, ông mối và cô gái đến nhà chàng trai. Ông mai của nhà trai đưa cho ông mối nhà gái một bó lạt, gồm nhiều sợi ngắn dài. Theo quy ước từ xưa của người K’ho Sre, sợi dài nhất tượng trưng cho một con trâu, ngắn hơn là con heo, cái ùi, hạt cườm…

Theo tục lệ, mọi người trong dòng họ nhà trai đều được nhận quà cưới từ phía nhà gái. Ông mối sẽ về bàn bạc lại với cha mẹ nhà gái cho đến khi hai họ thống nhất với nhau về lễ vật thách cưới. Từ lúc này, chàng trai phải ở lại bên nhà gái và mặc định rằng chàng trai, cô gái đã trở thành vợ chồng. Trước ngày tổ chức lễ cưới, chàng trai trở về nhà mình để chuẩn bị cho nhà gái đến rước rể.

Người K’ho có quan điểm về hôn nhân rất linh hoạt. Trường hợp gia đình nhà gái chưa có điều kiện để nộp đủ lễ vật thách cưới, nhà trai sẽ cho nợ đến khi nào có thì trả. Hoặc do nghèo khó, chưa tổ chức được đám cưới thì đến khi nào có khả năng sẽ tổ chức mời dân buôn tới ăn mừng sau. Nếu đời cha mẹ chưa tổ chức được đám cưới thì các con sẽ tổ chức cho cha mẹ trước khi tổ chức đám cưới cho mình.

Để đón tiếp nhà gái tới bắt K’Trung về cho Ka Phương Lan làm chồng, bà K’Phen đã chuẩn bị sẵn một con heo và một con gà. Cả hai được cột ngay dưới chân cầu thang lên xuống của căn nhà sàn. Các thành viên nhà gái trước khi bước lên cầu thang phải lần lượt đụng vào con heo này. Tục gọi là heo đụng (sur cõh), với hàm ý rằng: Hôm nay Yang (trời) cùng chúng tôi đã chứng kiến đám cưới của chàng trai và cô gái. Sau đó, heo, gà được làm thịt để mọi người cùng ăn mừng. Để thể hiện tấm lòng trân quý đối với các thành viên nhà gái, bố mẹ K’Trung còn chuẩn bị sẵn một chậu nước sạch ở cửa ra vào. Mẹ của chàng trai dùng tay vẩy nước lên chân từng thành viên nhà gái đang lần lượt bước qua để vào nhà.

Các nghi thức truyền thống trong lễ cưới của Ka Phương Lan và K’Trung được thực hiện ngay trong gian giữa, trước sự chứng kiến của hai bên gia đình lúc trời vừa sẩm tối. Bên ngoài, tiếng chiêng, tiếng tù và náo nức vang lên dồn dập từng hồi, hối thúc dân buôn gần xa đổ về ăn mừng. Các cô gái K’ho đang tuổi cập kê thỏa sức thể hiện những vũ điệu quyến rũ trong trang phục thổ cẩm truyền thống. Những chàng trai vai trần cơ bắp cuồn cuộn thể hiện tài năng đánh chiêng, thổi tù và, kèn môi và nhảy nhót quanh đống lửa. Đây chính là dịp các cô gái, chàng trai làm quen, mở đầu cho những buổi bắt chồng bên dòng sông Đạ Đờn ở dãy Nam Trường Sơn.

Trời vừa tối, những nghi thức bắt buộc trong lễ cưới của Ka Phương Lan và K’Trung cũng hoàn tất. Bà K’Phen tay cầm con liềm dẫn theo con dâu, con trai và người mai mối đi 8 vòng trong nhà. Đến vòng cuối cùng, bà K’Phen giơ con liềm lên cắt đứt sợi lòng gà được treo trước đó ngay cửa ra vào. Điều này tượng trưng cho việc K’Trung đã thực sự trưởng thành, không còn phụ thuộc vào cha mẹ đẻ. Đây cũng là nghi thức tiễn đứa con trai ruột thịt về với nhà vợ. Từ nay, K’Trung có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ vợ, sống thủy chung với Ka Phương Lan.

Theo ông Trương Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, lễ cưới truyền thống của người K’ho Sre tại địa phương đang bị mai một. Đám cưới chị Ka Phương Lan và anh K’Trung được tổ chức theo phong tục truyền thống là điều cần nhân rộng để giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của người K’ho Sre.

Khắc Lịch
.
.
.