Phim tài liệu Việt Nam trên trường quốc tế

Thứ Sáu, 07/04/2023, 08:38

Gần đây, bộ phim tài liệu "Những đứa trẻ trong sương" của đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm đã gây tiếng vang khi lọt vào top 15 phim tài liệu Oscar, và được liên tục trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc. Trong dịp Liên hoan phim thực tế Quốc tế Pháp diễn ra từ ngày 24 tháng 3 đến ngày 2 tháng 4 năm 2023, bộ phim lại là 1 trong 3 bộ phim được trình chiếu trong liên hoan, cùng với "Ước mơ làm công nhân" của Trần Phương Thảo, hay "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng"…

Nhìn từ những phim tham gia Liên hoan phim lần này, có thể thấy, phim tài liệu Việt Nam đã có vị trí trên trường quốc tế.

"Những đứa trẻ trong sương" là một bộ phim tài liệu thực tế về cuộc sống của các thiếu nữ dân tộc thiểu số, mà ở đây là người Mông ở Việt Nam - cô bé tên Di, 12 tuổi, sống trong bản cách trung tâm thị trấn Sapa 12 cây số. Có lẽ thân phận một người phụ nữ - một thiếu nữ mới lớn, tuy sống trong thời hiện đại, nhưng vẫn phải tuân theo những tập tục xưa cũ, đó là tục lệ bắt vợ của người thanh niên trong bản về làm vợ, đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Sống trong bản miền núi xa xôi, chỉ với núi rừng, chim muông, cô bé lớn hồn nhiên như cây cỏ. Nhưng tuổi thơ hồn nhiên ấy chưa được bao lâu, chỉ mới 12 tuổi, dù còn ham học, ham chơi, còn chưa hoàn thiện cả về cơ thể và nhân cách, đã phải dừng lại mọi thứ, khi phải tuân theo tục lệ bắt vợ của bản làng.

Phim tài liệu Việt Nam trên trường quốc tế -0
Một cảnh phim trong "Những đứa trẻ trong sương". Ảnh: Beta Cinema

Bộ phim dài gần 100 phút, là hành trình tuổi thơ vỡ vụn của cô bé trong sự giằng xé giữa một bên là giá trị truyền thống cần gìn giữ với một bên là sự xâm lấn của giá trị hiện đại. Cùng là một phụ nữ, Hà Lệ Diễm không muốn thấy tục lệ đó còn hiện diện trong xã hội hiện đại, khi cuộc sống đã thay đổi và cái nhìn về người phụ nữ được cởi mở hơn. Cô bé tên Di trong phim, khi vào phim của Hà Lệ Diễm, sau đó đã không rơi vào cuộc hôn nhân kéo vợ như chị gái và mẹ của em. Em kết hôn với người mình yêu khi bước sang tuổi 17 và hiện đã có con gái.

"Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" có đề tài về người chuyển giới trong gánh hát nghèo và cuộc đời của những con người khao khát được xã hội công nhận và tôn trọng. Giống như "Những đứa trẻ trong sương, "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" cũng nhận được sự quan tâm của dư luận và giới làm phim.

3 bộ phim được chọn trình chiếu được thực hiện trong khuôn khổ các khóa đào tạo về làm phim tài liệu do trại sáng tác Varan Việt Nam tổ chức. Đây là cách làm phim hiện đại và trải nghiệm của điện ảnh trực tiếp, âm thanh đồng bộ và hạn chế lời bình, các phim tài liệu được dẫn dắt bằng chính hình ảnh và lời nói của nhân vật trong phim, từ đó cuốn hút khán giả bằng sự đồng cảm với các nhân vật trong cuộc sống hằng ngày của họ.

Chia sẻ về quá trình làm phim "Những đứa trẻ trong sương",  Hà Lệ Diễm cho biết, cô có những tháng ngày ăn ngủ, sinh hoạt cùng gia đình bé Di, và bằng sự quan sát tinh tế, nắm bắt được những tình cảm, sự biến động nội tâm trong cô bé, cũng như hiểu và cảm thông hơn với cuộc sống của đồng bào dân tộc. Quá trình sinh sống tại đây, Hà Lệ Diễm cũng tham dự các sự kiện như đám cưới, đám ma của dân làng. Còn "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng", đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, để có thể thâm nhập vào cuộc sống và hiểu về cuộc sống của những người chuyển giới. Bộ phim được đạo diễn Nguyễn Thị Thắm quay vào tháng 10/2010. Sau khoảng thời gian dài trở thành người của đoàn hát, rong ruổi khắp nơi để cùng ăn, cùng ngủ, cùng lắng nghe những tâm sự, cùng họ trải qua những biến cố, để chị có đủ tư liệu sống động và khán giả có thể có cái nhìn về chân dung những con người bị cho là dị biệt trong xã hội.

Trung tâm đào tạo điện ảnh thực tế Varan do ông Jean Rouch thành lập năm 1978 với mục tiêu đào tạo các nhà làm phim trẻ tại Pháp và nhiều nước trên thế giới. Năm 2004, một nhóm giảng viên do André Van In đứng đầu đã đến Việt Nam tổ chức khóa đào tạo đầu tiên tại Hà Nội nhằm giúp các bạn trẻ làm những thước phim tài liệu phản ánh thực tế cuộc sống với góc nhìn của chính họ. Kể từ đó đến nay, 9 khóa học đã được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, với sự hỗ trợ của Ateliers Varan, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và nhiều tổ chức phi chính phủ khác. Vào năm 2012, một số học viên đã thành lập công ty sản xuất của riêng họ mang tên Varan Vietnam và từ năm 2016 bắt đầu đào tạo các bạn trẻ khác.

Khánh Linh
.
.
.