Sân khấu kịch lại lo thiếu kịch bản?

Thứ Sáu, 29/10/2021, 08:58

Sân khấu kịch muốn thoát khỏi khủng hoảng, phục hồi sau đại dịch COVID-19 thì không thể không có các kịch bản mới, có giá trị, phản ánh được những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội đương đại. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là một trong những vấn đề nan giải của sân khấu kịch.

Theo NSND Lê Huy Quang, nếu tính từ năm 1954 đến nay, đội ngũ các tác giả tài năng đã có nhiều sáng tạo với không ít vở kịch có chất lượng nghệ thuật làm xao xuyến và lay động lòng người…

Tuy nhiên, khoảng trên dưới một thập kỷ cho đến thời gian gần đây, hình như đội ngũ tác giả đã bắt đầu chững lại. Kịch bản không mới mẻ, cả về nội dung và hình thức, chưa đặt ra những vấn đề bức xúc của cuộc sống đương đại đầy biến động và phức tạp, đa chiều, cả những mặt tốt và mặt xấu trong công cuộc đổi mới của đất nước.

Vì thế, hình ảnh con người bằng xương, bằng thịt với những suy nghĩ, trăn trở, dằn vặt, tình yêu, danh lợi, ước mơ, khát vọng... nghĩa là những gì cao thượng hay thấp hèn của các tính cách nhân vật đều mờ nhạt, đơn điệu, không để lại những ấn tượng sâu đậm trong trí nhớ khán giả. Một số tác phẩm đề tài dã sử, dân gian, huyền thoại, lịch sử, còn ít những tìm tòi độc đáo, mới lạ và hấp dẫn nên chưa vượt ra khỏi những đường mòn cũ, khuôn sáo.

Nhiều vở diễn về anh hùng dân tộc còn trùng lặp, khô cứng với nhiều mô típ cũ kỹ, thậm chí không trung thực với sự thực lịch sử. Các vấn đề này, nhiều nhà nghiên cứu, phê bình, lý luận sân khấu đã và đang có ý kiến nhưng chưa được khắc phục.

NSND Trần Minh Ngọc cũng cho rằng, sau 2 năm trì trệ do dịch COVID-19, để sân khấu kịch phục hồi, giới sân khấu cần kịch bản mới. Tuy nhiên, để kịch không nhàm chán, các tác giả cần suy nghĩ thấu đáo về nhiều mặt, từ sắp xếp, bố cục, kết cấu logic, đến những đột phá mới, hình thức mới. Ví dụ, sau đại dịch, toàn thế giới có nhiều thay đổi. Trước những hiểm nguy, thử thách, con người đã tạo ra những giá trị mới rất nhân văn, nhiều xử thế rất đời và rất người. Hiện thực về đại dịch, ai cũng có trải nghiệm, cái khó là tác giả phải tìm được ra mâu thuẫn, xung đột, cái mới cho sân khấu…

NSƯT Đỗ Kỷ cũng nhận định: Hiện nay, nhiều tác giả vẫn sáng tác theo phương thức cũ, chưa có sự đột phá trong cấu trúc, những phát hiện mới có tính cảnh báo, dự báo; đối thoại thiếu chọn lọc, ít mang tính văn học. Có những vở diễn ra đời mà người xem không hiểu êkíp sáng tạo muốn gửi gắm thông điệp gì, bởi câu chuyện kịch lộn xộn, mối quan hệ giữa các nhân vật, xung đột kịch thiếu tính logic… Các tác giả hiện nay đa phần là “tay ngang”, làm những công việc khác để sinh sống, lúc nào hứng lên thì viết chơi. Công việc sáng tác kịch bản như một việc làm thêm chưa phải là một công việc chính thống để tồn tại nuôi sống bản thân và gia đình. Lực lượng tác giả chưa đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay và còn rất thiếu. Phản ánh các vấn đề “nóng” của xã hội là thế mạnh của kịch nói nhưng các tác giả còn né tránh những vấn đề nổi cộm trong đời sống đương đại, đặc biệt là phản ánh những tiêu cực, những cái xấu đang hoành hành, làm cho kịch bản sân khấu có phần xa dời với đời sống.

NSƯT Đỗ Kỷ đề xuất, để từng bước khắc phục tính nghiệp dư trong sáng tạo nghệ thuật, cần nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp hóa ở tất cả các khâu, các thành phần sáng tạo, trong đó có kịch bản. Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam nên là đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban ngành mở những lớp bồi dưỡng ngắn hạn, tạo điều kiện cho các tác giả đi thực tế ở các địa phương, các ngành có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Sau khi đi thâm nhập cuộc sống về, các tác giả sẽ viết bản thu hoạch là những đề cương kịch bản sân khấu, từ đó mới mở trại sáng tác. Trong trại sáng tác nên có những buổi tọa đàm nhằm nâng cao kỹ năng sáng tác gồm những nhà viết kịch lâu năm có nhiều tác phẩm chất lượng, những chuyên gia sân khấu trong và ngoài nước, những đạo diễn, họa sỹ đang hoạt động có hiệu quả ở các đơn vị. Như vậy, ngay từ khâu đầu tiên, kịch bản sân khấu sẽ có được sự đồng thuận giữa tác giả và đạo diễn. 

NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thì gợi ý, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nên phối hợp với  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Vụ, Cục chức năng của Bộ chủ động mở nhiều trại sáng tác có tiêu chí thử nghiệm. Hội có thể tổ chức phát động cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu có tính thử nghiệm để trao giải định kỳ 3 năm/lần. Những kịch bản thử nghiệm được giải, Hội hỗ trợ cho các đơn vị  đầu tư dàn dựng, đặc biệt là các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập, để các đơn vị có kinh phí, chủ động tham gia liên hoan và đi biểu diễn phục vụ nhân dân.

N.Hoa
.
.
.