14 ngày lần tìm kẻ thủ ác giết người vì nghi "ma chài"

Thứ Sáu, 09/10/2015, 09:31
Bản Lả Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái gồm vài chục nóc nhà nằm lưng chừng núi, quanh năm mây mù che phủ. Những người sống xung quanh phần lớn đều là dòng họ Vàng, quanh năm tối lửa tắt đèn có nhau. Bởi thế mà cái chết bất ngờ của ông Vàng Xú Rùa (SN 1940) khiến cả bản hoang mang. Nạn nhân Rùa bị bắn tử vong, khi đang ngồi ăn cơm cùng vợ tại nơi ở thuộc bản Lả Khắt.

Sau 14 ngày tìm kiếm, Công an tỉnh Yên Bái đã bắt giữ đối tượng gây án là Vàng A Sinh. Ngày 22/9, cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố bị can đối với Sinh về hành vi giết người.

Từ dấu hiệu nghi vấn 

21h’45 ngày 5/9, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45), Công an tỉnh Yên Bái, nhận tin báo về vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại bản Lả Khắt. Vụ việc xảy ra tại một bản vùng cao, nằm heo hút trên đỉnh đồi khiến dư luận vô cùng hoang mang. Ngay trong đêm, Phòng PC45 phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Yên Bái gấp rút lên đường. 

Từ thành phố Yên Bái vào đến trung tâm của huyện Mù Cang Chải, phải vượt hơn 180km đường rừng núi hiểm trở, với những khúc cua 3 tầng rợn tóc gáy. Để vào đến hiện trường, các đơn vị nghiệp vụ còn phải đi bộ mất nhiều giờ đồng hồ. 

Vợ nạn nhân Vàng Xú Rùa, người chứng kiến vụ việc do hoảng loạn không cung cấp được nhiều thông tin cho cán bộ điều tra. Trong khi đó, công tác khám nghiệm hiện trường, tử thi cũng gặp nhiều khó khăn. Quá trình rà soát, lực lượng đánh án tập trung vào những mâu thuẫn của nạn nhân Rùa. Rùa làm nghề thầy cúng nên nhiều khả năng vụ án liên quan đến “ma chài”. Rất có thể, người dân do bị bệnh tật, đã đổ lỗi cho Rùa. 

Trong số đối tượng rà soát, các trinh sát tập trung vào trường hợp của gia đình Vàng A Sinh. Trong vài năm trở lại đây, trong dòng họ của Sinh có một số người bị chết. Bố Sinh bị bệnh nhiều năm nay đã chạy chữa nhiều nơi nhưng không rõ nguyên nhân. Cùng vào thời điểm này, trong dư luận có thông tin ông Rùa biết “thả ma”. 

Từ những căn cứ đã thu thập được, Phòng PC45 tập trung dựng lại hành trình của Sinh, đồng thời bí mật nắm bắt diễn biến tâm lý của đối tượng này. Ngày 19/9, tức là sau 14 ngày rà soát, Sinh đã khai nhận hành vi phạm tội: Vì trong gia đình thường xuyên ốm đau, Sinh nghĩ rằng việc xảy ra là do gia đình ông Rùa thả ma nên nảy sinh ý định giết ông Rùa.

Thực hiện ý định trên, 19 giờ 30 phút ngày 5/9, Sinh cầm khẩu súng kíp đã nạp sẵn đạn đi từ quán bán hàng của gia đình đến nhà ông Rùa. Qua ánh điện, Sinh nhìn thấy ông Rùa đang ngồi ở bàn ăn cơm cùng vợ là bà Chư. Qua lỗ hổng ở đầu nhà, Sinh dùng súng bắn vào đầu nạn nhân. Trên đường bỏ chạy, Sinh tháo khẩu súng kíp ra thành 4 bộ phận rồi giấu tại bốn địa điểm khác nhau trên đồi thuộc bản Lả Khắt. 

Sau khi gây án, Sinh quay về quán bán hàng nằm ngủ cho đến 21 giờ cùng ngày thì nghe thấy tiếng loa thông báo mời ra cộng đồng của bản họp thì anh ta cũng có mặt. Trong khi mọi người đang họp thì Sinh bỏ về trước và đến nhà ông Rùa thì biết ông Rùa đã chết nên vô cùng lo sợ. 

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 22/9, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Sinh về hành vi giết người.

Sự thiếu hiểu biết pháp luật

Do nhận thức còn hạn chế, nhiều người dân ở vùng cao vẫn tin rằng có “ma chài”. Họ cho rằng những người này có một quyền lực siêu phàm, làm bùa chú để hại chết người khác. Chính niềm tin đó đã khiến nhiều người dân trở nên sợ hãi. Giải mã những vụ trọng án liên quan đến “ma chài”, các trinh sát Phòng PC45 Công an tỉnh Yên Bái, tốn khá nhiều công sức để đưa sự thật ra ánh sáng. 

Chia sẻ với chúng tôi, cán bộ Phòng PC45 Công an tỉnh Yên Bái cho biết: Khi điều tra các vụ án này, ngoài sự phức tạp về địa hình, việc tiếp cận xác minh thông tin cũng không dễ dàng. Để làm rõ một nguồn tin có khi phải mất vài ngày, vì theo phong tục tập quán, bà con lên nương, làm rẫy cả tháng ròng. Ngay cả cách tiếp cận người làm chứng, gặp người bị hại, trao đổi thông tin cũng khác dưới xuôi. Ở đây, điều tra viên phải động viên, gợi mở chứ không thể đi thẳng vào vấn đề.

Ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu… có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với các phong tục, tập quán và cách sống khác nhau. Vì thế, mỗi điều tra viên ngoài những kiến thức đã học được trên ghế nhà trường còn phải tìm hiểu về phong tục, tập quán của từng dân tộc, có như vậy mới thu được hiệu quả cao.

Ngày mùng 2 Tết Ất Mùi, xác của thầy mo Giàng A Súa được phát hiện trong tình trạng đang phân hủy. Cái chết bất thường ấy khiến cả bản Chảng Phàng, xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) không có Tết. Nhà nhà đều lo sợ, Súa biết cúng ma, sau khi chết vẫn có thể làm hại bà con trong bản. Hảng A Vư  (SN 1980, ở cùng bản) là một trong những nghi vấn số một. 

Trước đó, trong đám tang của cậu con trai xấu số, Vư có nói rằng con bị bùa phép hại chết và sẽ trả thù kẻ gây ra vụ án trên. Xác minh về con người Vư, Phòng PC 45 Công an tỉnh Lai Châu nhận thấy Vư có nhiều biểu hiện bất thường. Khi phát hiện xác chết của thầy mo Súa, Vư ra lán nương và đem nồi nấu cơm (cách hiện trường vụ án khoảng 15 phút đi bộ) mời cán bộ về ăn. Đến sau này, khi vụ việc được làm sáng tỏ, Vư trả lời rằng muốn mời cơm để xem cán bộ làm gì, để thăm dò tình hình và xem có ai nói gì đến Vư không.

Sau khi cán bộ không nhờ, Vừ bỏ sang lán khác, không về nhà. Trong vụ án này, việc khoanh vùng, truy tìm đối tượng gây án của các trinh sát gặp nhiều khó khăn do người bị hại là đối tượng nghiện ma túy. Người đàn ông này thường xuyên đánh vợ, chửi con. Hơn nữa, do phong tục lạc hậu, một số người cho rằng Súa bị hổ cắn, nên vào ngày Tết sẽ đưa đi mai táng ngay từ đầu. Và nếu như vậy, vụ án sẽ bỏ lọt tội phạm. 

Trong những ngày đó, cả đơn vị vào cuộc, song vất vả nhất là anh em các tổ cơ sở, toàn bộ người dân hình thành các lán nương, thực phẩm không có, chủ yếu là đi bộ. Vừa tổ chức họp dân, họp bản bởi nạn nhân Súa khi còn sống là đối tượng côn đồ nên sau khi chết, có rất nhiều người vẫn mù quáng cho rằng, ông ta sẽ quay về để trả thù nên đã không chịu hợp tác với cơ quan Công an.

Còn nhớ vụ trọng án xảy ra tại tỉnh Lai Châu cách đây một thời gian. Trước thời điểm xảy ra vụ việc khoảng 13 năm, Tẩn Sài Phụ bị ốm. Phụ không đi bệnh viện mà chỉ tìm thầy cúng hỏi về bệnh tình. Khi thầy cúng trả lời rằng Phụ bị ốm là do ông Tẩn Chỉn Khai ở Mồ Sì San - Phong Thổ làm ma chài (ông Khai và Phụ, làm lán gần nhau chỉ cách nhau khoảng 100m ). 

Trước đó (tháng 3/2011 âm lịch), Tẩn Sài Phụ có sang nhà xin ông Tẩn Chỉn Khai chữa bệnh cho Phụ. Ông Khai có hứa là sẽ chữa khỏi bệnh cho Phụ nhưng từ lúc đó đến nay Phụ không khỏi bệnh thỉnh thoảng Phụ lại bị đau ngực, đau tai. Sau đó, Tẩn Sài Phụ hai lần mơ thấy ông Khai dùng dao đuổi đánh nên Phụ quyết định phải bắn chết ông Khai. 

Thực hiện ý định đó, Tẩn Sài Phụ đi lên đầu nguồn phá mương nước nhà ông Khai để nước không chảy vào mương của ông này. Rồi khi ông Khai lên nương, Phụ phục sẵn ở đó đã bắn chết ông Khai. 

Đấu tranh với vụ án này rất vất vả vì bị can không biết tiếng phổ thông. Trong vụ án này, để vào được hiện trường, anh em đi bộ từ chỗ đi ôtô đến được vào khu vực nương, ruộng từ 8 giờ sáng đến 15h30’ mới lên được nơi Phụ đang sinh sống vì chưa có đường ôtô, xe máy, chỉ có duy nhất là đi ngựa. Rồi kế đó là việc tìm được người phiên dịch vừa am hiểu ngôn ngữ, am hiểu pháp luật và nghiệp vụ đấu tranh của cơ quan Công an.

Trong vụ án này, ngoài việc nắm bắt mâu thuẫn của Phụ với nạn nhân, các trinh sát còn phải dựng lại quá trình sử dụng thời gian của đối tượng này. Điều quan trọng nhất là phải làm công tác tư tưởng, giải thích cho họ rằng, nếu ốm phải đi bệnh viện và xóa đi được sự lo sợ. Những vụ án “ma chài” được giải mã, bình yên trên địa bàn đã được trả lại.

Xuân Mai
.
.
.