Án mạng từ cái "nhìn đểu"

Thứ Tư, 19/02/2014, 08:31

Dù là kẻ Nam, người Bắc nhưng họ là đồng nghiệp của nhau. Thế mà, chỉ vì một ánh mắt nhìn, kẻ này cầm gậy, người kia cầm dao gây náo loạn vùng quê khi cái Tết đến gần kề. Kết cục, một người mất mạng ngay ngày ông Táo về trời, một người đón Xuân Giáp Ngọ trong Trại tạm giam.

Án mạng từ cái "nhìn đểu"

Khoảng 20h ngày 22/1, 3 công nhân quê miền Bắc của công ty xây dựng Xuân Thành gồm Lê Văn Nam (SN 1987), Bùi Văn Hùng (SN 1983, cùng trú Ninh Bình) và Nhật (SN 1985, Nam Định) đi bộ từ lán trại của công nhân ra quán của bà Nguyễn Thị Liên (SN 1961, thôn Kim Đới, xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) để uống nước giải khát. Khi họ vào quán được 10 phút thì Mai Văn Lực (SN 1995, thôn Thăng Tân, xã Tam Thăng, công nhân của Công ty Xuân Thành) đi ngang qua quán. Thấy Lực, cả nhóm của Nam quay ra nhìn cười rồi họ lại tiếp tục trò chuyện.

Đang mệt vì dắt xe máy bị xì lốp nên Lực bực tức khi thấy nhóm của Nam nhìn mình và cho rằng nhóm công nhân kia đang "nhìn đểu" mình. Lực liền vào quán và đến bên bàn của Nam quát "Bọn mày nhìn đểu tao à?".

Biết gặp dân bản địa hung dữ, Nhật liền nói "Bọn em đâu có nhìn đểu anh đâu". Thế nhưng Lực vẫn không bằng lòng mà lại lao đến giơ tay định tát vào mặt Nhật nhưng cái tát không trúng. Thấy tình hình có chiều hướng phức tạp, Hùng liền đứng dậy xin lỗi Lực. Không những không bớt giận, Lực còn hung hăng cầm chai bia trên bàn đánh vào đầu Nhật nhưng Nhật đỡ được. Nhật cùng Hùng qua bàn bên cạnh nhờ mọi người can ngăn, riêng Lê Văn Nam vẫn ngồi im tại chỗ. Thấy những kẻ "nhìn đểu" đứng dậy, Lực quay sang lấy bia, ly, chén đang có trên bàn đập phá và dùng ly sứ ném vào đầu Nam khiến Nam bị thương ở đuôi lông mày trái. Đến lúc này nhóm công nhân người miền Bắc không dám ở lại quán nữa, ai nấy đều chạy về lán trại của công ty nằm ngay phía đối diện quán.

Dù nhóm công nhân người miền Bắc đã chạy về lán trại nhưng Mai Văn Lực vẫn không buông tha, Lực liền nhặt 1 khúc cây cùng 2 thanh niên khác chạy sang lán công nhân để trả thù ánh mắt "nhìn đểu". Lúc này, một số công nhân đang ngủ nghe nhóm của Nam về kể nên họ ra để ngăn cản cuộc ẩu đả, trong đó có anh Nguyễn Văn Tâm. Không nghe anh Tâm phân trần, Lực liền xông đến đánh anh Tâm. Tình hình lúc này rất hỗn loạn, một bên là 3 thanh niên địa phương, một bên là các công nhân miền Bắc, trên tay Lực, Tâm, Hùng đều có gậy gộc để đánh nhau. Ngay lúc đó, Lê Văn Nam từ trong nhà bếp của lán chạy ra, trên tay cầm con dao phay dài 37 cm. Thấy Nam, anh Tâm kêu "Anh bị đánh gãy tay rồi Nam ơi". Lực nghe vậy quay sang nhìn Nam thì bất ngờ bị ngã ngửa ra phía sau.

Bà Nguyễn Thị Liên kể lại sự việc với phóng viên.

Nghe đồng nghiệp kêu gãy tay, lại thấy kẻ vừa đánh mình bị ngã nên Nam thừa cơ xông đến, cầm dao đâm thẳng vào ngực Lực 3 nhát rồi đứng dậy chạy vào lán xuống bếp cất dao. Mai Văn Lực được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng vết thương quá nặng nên đã tử vong sau đó. Riêng Lê Văn Nam, ngay sau khi gây án đã đến Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Nam để đầu thú.

Kẻ không nhường, người không nhịn

Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo Cảnh sát toàn cầu đã có mặt tại thôn Thăng Tân vào chiều 24 Tết Giáp Ngọ. Trong khi người dân trong thôn rộn ràng đón xuân thì gia đình vợ chồng ông Mai Văn Quyền (SN 1967) và bà Đỗ Thị Nhung (SN 1975) không vơi nỗi tang thương bởi cái chết của cậu con trai Mai Văn Lực. Trao đổi với phóng viên, ông Mai Văn Quyền cho biết, trưa ngày 22/1, Lực đi dự đám tất niên nhà cô ruột tên Mai Thị Thùy (SN 1978), sau đó đi chơi luôn với bạn.

20h45’ hôm ấy, vợ chồng ông đang xem tivi thì có người đến báo tin con trai ông bị đâm trọng thương tại công trường của Công ty Xuân Thành, cách nhà khoảng 1 km. Khi vợ chồng ông đến hiện trường thì được biết Lực đã được người dân đưa đến Trạm xá xã Tam Thăng và sau đó được chuyển thẳng vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam. Các bác sĩ cho biết Lực bị đâm 3 nhát gây thủng phổi, đứt cuống phổi, thủng tim. Mặc dù đã được khẩn trương mổ cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên 8h50' sáng ngày 23/1 thì Lực tử vong.

Bà Đỗ Thị Nhung trước bàn thờ người con trai duy nhất.

Trong đau đớn khôn xiết, bà Đỗ Thị Nhung tâm sự, Mai Văn Lực là con trai duy nhất trong số 2 người con của vợ chồng bà. Lực học rất khá nhưng năm 2012, khi gần đến kỳ thi tốt nghiệp THPT thì Lực bị tai nạn giao thông nên bỏ lỡ kỳ thi. Học lại thì sợ gia đình tốn kém nên Lực nghỉ học luôn để giúp đỡ cha mẹ. Giữa năm 2013, Lực xin vào làm công nhân cho Công ty Xây dựng Xuân Thành. Công việc của Lực là gia công cốt thép cho các cấu kiện bê tông công trình. Lực làm việc tại công trường được 6 tháng thì xảy ra xô xát dẫn đến bị đâm tử vong. Theo gia đình, Lực là một thanh niên ngoan hiền, chưa từng quậy phá xóm làng. Tuy nhiên, một vài hàng xóm thì cho biết, khi có rượu vào thì Lực rất trái tính trái nết.

Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến án mạng, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Liên, chủ quán nơi diễn ra "cái nhìn đểu". Bà Liên cho biết, khoảng 20 giờ ngày hôm đó, nhóm của Lê Văn Nam vào quán. Đầu tiên họ uống nước ngọt. Sau đó họ gọi bia ra uống. Tuy nhiên, khi bà đưa bia ra mọi người chưa kịp rót vào ly thì Lực cùng nhóm bạn từ ngoài vào quán. Lực dùng tay đánh vào một người trong bàn của Nam rồi cầm ly, chai bia trên bàn ném xuống đất, khiến mọi người bỏ chạy. Lực quay sang đạp mạnh tủ kính trưng bày hàng của bà khiến tủ kính vỡ toang.

Chưa hả giận, Lực quay sang lấy ly sứ ném vào đầu Lê Văn Nam, người còn lại của nhóm công nhân chưa kịp về khiến Nam bị chảy máu và ôm đầu chạy về lán trại. Khi thấy bà Liên nhìn mình kinh hãi, Lực liền cầm chai bia vung lên đánh vào đầu bà, nhưng bà cúi xuống tránh được. Lực gằn giọng: "Bà nhìn cái gì, tôi giết bà luôn chừ, tôi đốt quán bà luôn chừ". Sau đó Lực được 2 người bạn can ngăn, kéo ra ngoài và cả 3 cùng đi về phía lán trại để tiếp tục đánh nhóm công nhân người miền Bắc.

Từ khi xảy ra án mạng, quán bà Liên đã đóng cửa.

Bà Nguyễn Thị Liên còn cho biết thêm, quán nhậu bình dân của bà thỉnh thoảng lại bị vỡ cốc, chén do Lực ném khi gây gổ. Có lần đã 12h khuya, vợ chồng bà đang ngon giấc thì Lực đến gõ cửa quán đòi mua mồi nhậu. Khi bà Liên bảo hết mồi thì Lực nói: "Bà không muốn bán chứ hết gì", rồi Lực đạp vỡ cửa quán và hậm hực ra về. Trong vài lần mời bạn bè nhậu, Lực nợ bà Liên gần 200 ngàn đồng nhưng lâu không trả.

Cách đây 1 tháng, nhân dịp công nhân lĩnh lương, bà Liên nhắc nhở thì bị Lực gạt phăng, đe dọa đập quán nên bà Liên không dám đòi nữa. Bà Liên cho biết, thái độ của Lực hôm xảy ra án mạng rất hung hăng, nhìn Lực đập phá quán bà chỉ biết kêu trời mà không thành tiếng. Khi bị Lực tấn công, bà đã chạy vào buồng trốn trong hoảng sợ, đến nỗi tay bị mảnh thủy tinh đâm chảy máu ướt cả áo quần mà bà không hay biết. Cũng theo bà Liên, Lê Văn Nam là người khá điềm đạm, thường ghé quán uống nước, thỉnh thoảng có uống bia rượu nhưng chưa gây gổ bao giờ. Một số nhân chứng hôm đó nhận định, có lẽ vì quá tức tối trước sự hung hăng vô lối của Lực mà Nam đã gây ra án mạng kinh hoàng này.

Sự hối hận muộn màng của chàng lái xe

Tuy Mai Văn Lực có hung hãn thế nào thì việc dùng dao đâm chết Lực của Lê Văn Nam cũng là hành động bị pháp luật nghiêm cấm và trừng trị thích đáng. Nam đã để cơn bực tức lấn át lý trí. Sau khi gây án, biết mình đã gây ra việc tày đình nên Nam đã đến cơ quan Công an đầu thú ngay sau đó.

Được biết, Nam là con trai đầu trong gia đình có 2 anh em. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, Nam học lái xe và xin vào lái xe cho tập đoàn Xuân Thành tại xã Tam Thăng, Tp Tam Kỳ. Theo những công nhân nơi Nam làm việc cho biết, chàng lái xe này tính tình hiền lành. Còn những người dân địa phương xung quanh trụ sở công ty cho biết, trong thời gian làm việc ở đây, Nam chưa bao giờ gây sự với ai.

Chúng tôi gặp Lê Văn Nam vào ngày 25/1, ngày mà Nam bị cơ quan Công an tống đạt quyết định khởi tố tội danh "Giết người" theo điều 93, Bộ luật Hình sự. Nỗi đau khổ, hối hận hiện rõ trên khuôn mặt của chàng lái xe hiền lành và càng xót xa hơn vào thời điểm cận Tết. Nam bảo, Nam rất nhớ gia đình, nhất là cậu con trai 5 tuổi ở quê nhà.

Tôi hiểu tâm trạng của chàng tài xế lúc này. Nếu không có án mạng xảy ra thì Nam giống như những người đi làm ăn xa khác, đang rạo rực giây phút trở về quê đón xuân cùng gia đình. Phải chi đêm ấy, Nam bình tĩnh xử lý tình huống theo hướng tích cực thì giờ đây Nam vẫn còn đang vui xuân với gia đình ở quê hương của mình. Có lẽ, Nam đã thấm thía hậu quả do mình gây nên. Và Tết Giáp Ngọ này sẽ là cái Tết khó phai mờ, để lại bài học sâu sắc cho Nam cũng như nhiều người muốn giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực

Phương Hiền
.
.
.