Bài học đắt giá về nghĩa vợ, tình chồng

Thứ Năm, 04/06/2015, 17:00
Khi quyết định tái hôn với chị Đàm Thị Nhung, Nguyễn Chí Tưởng (trú tại Thụy Trà, Thượng Đạt, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) đã ngoại lục tuần, còn chị Nhung cũng lên chức bà. Cái cảnh "rổ rá cạp lại", lại đã ở vào cái tuổi chẳng còn bồng bột gì, những tưởng hai con người ấy sẽ nương tựa vào nhau để bầu bạn, sống hạnh phúc phần đời còn lại...! Những mâu thuẫn về kinh tế, sự thiếu tôn trọng trong hôn nhân đã đẩy gia đình Tưởng, Nhung vào cảnh nhà tan, cửa nát.
Trong cơn bĩ cực, Tưởng âm thầm lên kế hoạch sát hại chị Nhung rồi dùng điện tự sát nhưng bất thành. Sau khi gây án, 4 giờ ngày 25/5, đối tượng đến cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an thành phố (CATP) Hải Dương tự thú.

1. Được sự đồng ý của lãnh đạo CATP Hải Dương, tôi có dịp tiếp xúc với Nguyễn Chí Tưởng, ngay khi đối tượng vừa đến cơ quan Công an tự thú. Tưởng khá bình thản, trước những câu hỏi của tôi và các cán bộ điều tra, anh ta trả lời một cách rất trôi chảy. Sự lạnh lùng đến tàn nhẫn của người đàn ông luống tuổi khiến tôi gai người.

Vợ chồng một ngày nên nghĩa, nếu không thể sống hạnh phúc với nhau cũng có thể chia tay, mỗi người sẽ tìm được cuộc sống của riêng mình. Trong vụ án này, dù chị Nhung có phạm lỗi thế nào (theo lời khai ban đầu của Tưởng) thì cũng có biện pháp để giải quyết… Cách suy nghĩ và hành xử tiêu cực của Tưởng, sát hại người vợ đã từng chung chăn, chung gối rồi tìm cách kết thúc đời mình là quá ích kỷ và không thể chấp nhận được.

"Bây giờ, tôi cảm thấy rất thanh thản. Pháp luật muốn xử lý như thế nào cũng được, tôi chỉ muốn được chết. Tôi đã buộc dây điện vào chân và tay, rồi cắm vào ổ điện tự sát mà sao lại không chết được…" - Tưởng mở đầu câu chuyện với tôi. 

- Anh và ch Nhung đến vi nhau t bao gi?

Thông qua mai mối, tôi và Nhung quen biết rồi kết hôn với nhau vào khoảng năm 2013. Nhung từng có một đời chồng và hai đứa con, một trai, một gái, đều đã yên bề gia thất. Còn bản thân tôi lúc đó cũng vừa ly hôn người vợ đầu…

- Anh quen ch Nhung trước khi ly hôn người v đu tiên?

Khoảng cuối năm 2012, tôi quen biết chị Nhung. Lúc đó, tôi đang sống ly thân với vợ... Tôi và người vợ đầu ly thân với nhau gần 20 năm.

- Sau khi quen ch Nhung, anh mi np đơn ly hôn v?

Tôi và người vợ đầu là Vương Thị Nga có với nhau 4 đứa con. Khi Nga mang thai cặp song sinh thì vợ chồng tôi xảy ra mâu thuẫn, do nhiều nguyên nhân. Tôi muốn thoát ly ra bên ngoài làm công nhân, còn Nga thì muốn tôi ở nhà, phụ bà ấy công việc đồng áng. Sau khi xảy ra mâu thuẫn, tôi bỏ ra ngoài sinh sống, tình cảm vợ chồng vì thế cũng sứt mẻ. Bao nhiêu năm qua, bà vợ đầu của tôi không muốn ly hôn, còn tôi cứ dùng dằng… cho đến khi quen Nhung, tôi mới quyết định ly hôn.

Đối tượng Tưởng khai báo tại cơ quan điều tra.

Nhắc đến người vợ đầu tiên, đôi mắt Tưởng đỏ hoe. Tưởng ngậm ngùi: ''Bà cũ nhà tôi tần tảo, không như bà này...''.

Rồi Tưởng lấy chiếc áo trắng để ở gần đó, lau vội những giọt nước mắt trên gò má già nua, chai sạn. Đây là lần duy nhất trong buổi nói chuyện với tôi, Tưởng nhỏ lệ. "Cỏ ở đồi bên kia bao giờ cũng xanh hơn", tâm lý con người thường là vậy và Tưởng cũng không thoát khỏi suy nghĩ đó.

Khi người vợ cả vác chiếc bụng lùm lùm, với hai đứa con song sinh cần nhất sự chăm sóc của người chồng thì Tưởng bỏ đi. Nơi Tưởng làm việc, một xí nghiệp gạch và nhà cách nhau chẳng bao xa nhưng chẳng mấy khi anh ta ngó ngàng đến vợ, con. Trong câu chuyện với tôi, Tưởng nhận hết lỗi về phía mình…

Song Tưởng vẫn khẳng định rằng, trong thời gian ly thân, anh ta vẫn có trách nhiệm với vợ, con. Trong gần 20 năm đó, Tưởng có đến 4 năm bị bắt giữ về tội gây rối trật tự công cộng, rồi sau đó là những mối quan hệ ngoài luồng mà chỉ anh ta mới biết được…

Mãn hạn tù, Tưởng không có nghề nghiệp ổn định, ai thuê gì anh ta  làm nấy, việc nuôi sống bản thân cũng đã khó chứ đừng nói trách nhiệm với ai. Và giả sử, nếu Tưởng có chuyển về cho người vợ cả một chút tiền ít ỏi để chăm con như anh ta nói thì đối với nghĩa vụ và trách nhiệm của một người cha, điều đó cũng chưa đủ.

Bao nhiêu năm đằng đẵng, cả quãng đời xuân trẻ, người vợ cả của Tưởng đằng đẵng chờ chồng nuôi con. Còn Tưởng thì cứ "lửng lơ" con cá vàng, chẳng hiểu anh ta quyết định như thế nào. Rồi cho đến khi gặp chị Nhung, thấy người đàn bà này nhan sắc còn mặn mà, anh ta lại quyết tâm bỏ vợ cho bằng được.

2. Nhưng mọi việc không thuận chiều như suy nghĩ của Tưởng… khi việc "góp gạo thổi cơm chung", giữa Tưởng và chị Nhung nảy sinh mâu thuẫn. Không tuần nào giữa Tưởng và chị Nhung không xảy ra lục đục. Ban đầu còn mặt nặng, mày nhẹ… Về sau, chị Nhung coi thường Tưởng ra mặt, nguyên nhân một phần cũng xuất phát từ mâu thuẫn về kinh tế. Chị Nhung có lương hưu, còn Tưởng thì chỉ lao động chân tay.

Đúng nghĩa với từ "góp gạo", họ chia nhau trách nhiệm cụ thể trong việc chi tiêu, ví như Tưởng lo tiền gạo, còn chị Nhung chăm lo một số việc khác. Mối quan hệ vốn không xuất phát từ tình cảm, cả hai đều có những toan tính của riêng mình nên chỉ một thời gian ngắn đã bộc lộ những điểm yếu. Hằng ngày, Tưởng đi làm từ sáng đến tối, còn chị Nhung thì suốt ngày ở nhà…

Nhưng theo lời Tưởng thì ngay cả người mẹ già vừa mới khuất núi cách đây không lâu, chị Nhung cũng bỏ mặc, chẳng chịu chăm sóc. Những mâu thuẫn nhỏ nhặt, lâu dần như giọt nước tràn ly, sau này chị Nhung thẳng thắn đuổi Tưởng ra khỏi nhà… Chẳng những vậy, Tưởng không ít lần trở thành nạn nhân của bạo hành gia đình khi bị chị Nhung đánh đập. Tưởng cũng chẳng hiền, lúc đầu anh ta cũng chống trả nhưng do sức khỏe yếu nên bị lép vế…

Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Dương lấy lời khai của đối tượng Tưởng.

- Trước khi đến vi ch Nhung, anh đã có s tìm hiu k lưỡng?

Tôi quen Nhung qua mai mối cũng chỉ trong thời gian ngắn. Khi đến với Nhung, tôi cũng nghe nhiều về lai lịch của cô ấy. Nhung từng có một đời chồng… Trong khi chồng Nhung đi lao động ở Đức thì Nhung ở nhà ăn, chơi hết số tiền trên, sau đó vợ chồng bỏ nhau. Khi biết tôi lấy Nhung, các con trai và gái đều phản đối quyết liệt vì Nhung là người tai tiếng. Ngay cả căn nhà tôi và Nhung đang ở, giờ cũng đứng tên của người khác…

- Biết ch Nhung như vy, ti sao anh vn quyết đnh tiến ti hôn nhân?

Tôi già rồi, cũng muốn an phận… Tôi nghĩ, thời trai trẻ còn bay nhảy, chứ đến lúc này thì còn chơi bời gì nữa. Và tôi nghĩ có thể thay đổi được bà ấy. Nhưng kỳ thực, không thể. Bà ấy rất nóng tính, mỗi khi tôi khuyên can là bà ấy lại đá thúng, đụng nia. Bà ấy đánh tôi, bắt tôi ra ngoài vườn ngủ…

- Như anh nói thì cuc sng ca anh vô cùng cùng cc, vì sao anh không gii thoát cho bn thân?

Tôi già rồi, nếu bỏ vợ lần nữa thì vô cùng xấu hổ. Lúc trước, các con khuyên can, nhưng tôi không nghe lời của nó nên mới xảy ra cơ sự như thế này…

- Ch Nhung gi đã thit mang. Tt c nhng li nói ca anh ch là mt phía…

Tôi có một chiếc thẻ nhớ ghi lại cuộc nói chuyện giữa tôi và mẹ vợ của tôi. Trong cuộc nói chuyện này, tôi tâm sự với mẹ vợ tôi về thái độ của Nhung đối với tôi… Nếu chị không tin có thể nghe lại.

Theo lời tâm sự của Tưởng thì trước những bất hòa trong cuộc sống vợ chồng, Tưởng nhiều lần ghi âm lại các cuộc nói chuyện, những lời nói xúc phạm, lăng mạ của chị Nhung đối với anh ta. Không những vậy, Tưởng còn nhờ chị em trong gia đình khuyên giải Nhung nhưng Nhung vẫn chứng nào tật nấy. Nhung đi tối ngày, công việc gia đình bê trễ…

Những đêm vò vò một mình trong căn lều dột nát giữa vườn, Tưởng ứa nước mắt. Nghĩ đến cảnh "chó chui gầm chạn" bị vợ đối xử ghẻ lạnh, Tưởng ân hận và tiếc nuối những chuỗi ngày đã qua. Rồi Tưởng chán ngán cho số phận hẩm hiu của anh ta…

Khi ở với người vợ đầu tiên, Tưởng luôn cho mình như một ông tướng, anh ta nói gì mọi người đều phải nghe theo. Thế nhưng, khi ở với chị Nhung, anh ta bị đối xử không được như ý. Khi anh ta vào nhà nằm ngủ thì chị Nhung ra ngoài hiên nằm và ngược lại… Mỗi khi Tưởng muốn gần gũi vợ thì cũng bị chửi bới không thương tiếc.

Trong tình cảnh ấy, Tưởng vẫn phải cắn răng chịu đựng, đơn giản chỉ vì anh ta chẳng có nơi nào mà đi, mà về. Tâm sự với tôi, Tưởng kể rằng, trong những lúc cùng cực nhất, anh ta luôn nghĩ đến người vợ cũ và những đứa con. Tưởng chẳng có mặt mũi nào để quay về. Những năm tháng trai trẻ, Tưởng "đánh Đông, dẹp Bắc" anh ta đâu nghĩ đến cái ngày hôm nay. Khi vợ Tưởng và những đứa con thơ dại cần nhất sự dạy bảo của người cha thì Tưởng lại đang mải vui ở một nơi nào đó…

3. Mâu thuẫn giữa Tưởng và chị Nhung nảy sinh trước thời điểm xảy ra vụ án khoảng một ngày. Buổi chiều hôm đó, Tưởng ngồi tại một quán nước ven đường, có gọi chị Nhung mang xe đón Tưởng về nhà… Chị Nhung thấy Tưởng ngồi ở đó thì cho rằng Tưởng đi "giải trí" ở bên ngoài nên cả hai lớn tiếng cãi nhau. Trong lúc không kiềm chế được, chị Nhung tát Tưởng trước mặt nhiều người, khiến anh này cảm thấy xấu hỗ, bẽ bàng trước mặt những người xung quanh.

Mẫu thuẫn lên đến đỉnh điểm vào khoảng 6h sáng 24/5. Sáng sớm hôm đó, Tưởng lên nhà làm vệ sinh cá nhân thì bị chị Nhung chửi bới, lăng mạ và sau đó tát vào mặt. Từ đây, Tưởng nảy ý định sát hại chị Nhung. Ngay sáng hôm đó, đối tượng mua công cụ gây án là một chiếc tô vít với giá 10.000đ…

Suốt ngày hôm đó, trong đầu Tưởng quẩn quanh lên kế hoạch sát hại người vợ đã từng tay gối má kề. Ý định của Tưởng là sau khi giết chết chị Nhung, anh ta sẽ tìm cách kết liễu cuộc đời mình. Suốt đêm hôm đó, Tưởng trằn trọc chẳng ngon giấc.

Khoảng 2h ngày 25/5, biết chị Nhung ngủ say, Tưởng lẻn vào nhà, thực hiện hành vi phạm tội… Khi biết chị Nhung tử vong, Tưởng cắt đoạn dây điện trước đó đã dùng gây án, buộc vào tay và chân mình tự tử. Do chiếc ổ điện bị nổ nên Tưởng bị ngất lịm đi. Khi tỉnh dậy, Tưởng đã đến cơ quan Công an đầu thú.

"Tôi có tội với các con… Tôi không muốn làm phiền gì đến người vợ cũ cũng như các con tôi, tôi làm thì tôi chịu", Tưởng trả lời như vậy khi tôi hỏi Tưởng có muốn nhắn gì đó cho người vợ đầu và những đứa con. Sự hối hận của Tưởng lúc này quá muộn. Nguyên nhân của vụ trọng án đang được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Hải Dương, đơn vị tiếp nhận hồ sơ vụ án tiếp tục điều tra, làm rõ. Song dù đó là lỗi của bên nào thì Tưởng cũng không thể biện minh cho hành vi phạm tội của mình…

Xuân Mai
.
.
.