Bắt gọn ổ lừa đảo quốc tế bằng công nghệ cao

Thứ Sáu, 27/04/2012, 11:00

Lúc 14 giờ ngày 6/4/2012, hàng trăm cán bộ chiến sỹ thuộc lực lượng Công an thành phố Hồ Chí Minh đồng loạt tấn công bất ngờ vào 4 địa điểm tại các quận Tân Phú, Bình Tân, Hóc Môn và quận 12 bắt quả tang một tổ chức tội phạm quốc tế đang thực hiện hành vi lừa đảo các nạn nhân qua hệ thống viễn thông để lấy tiền từ tài khoản cá nhân. Đây là chiến công xuất sắc của lực lượng Công an thành phố.

Hành vi đáng ngờ của những người ngoại quốc

Cách nay hơn 1 tháng, thông qua tin tổng hợp từ các nguồn đổ về, Ban Giám đốc Công an thành phố phát hiện một số đối tượng người Đài Loan có nhiều biểu hiện khả nghi tại 2 căn liền kề ở số 297A - 299, đường Trịnh Đình Trọng, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú. Đáng chú ý nhất là một đối tượng tên Lai Ting Ho, sinh năm 1973, có vẻ như là "đại ca" của nhóm cùng với khoảng trên dưới 30 đối tượng tay chân.

Nhóm người này chấp nhận thuê với giá cao kèm theo điều kiện chủ nhà phải giao toàn quyền sử dụng ngôi nhà cho họ. Ngoài ra, họ còn yêu cầu chủ nhà phải thuê lắp đặt đường truyền internet dung lượng cao.

Sau khi được giao toàn quyền sử dụng ngôi nhà, nhóm đối tượng Đài Loan này đưa về hàng chục thanh niên nam nữ khác mang quốc tịch Trung Quốc đến tá túc rồi tự lắp đặt một loạt thiết bị như hàng chục điện thoại để bàn, nhiều bộ modum router chia cổng net, hàng chục bộ voice IP, hàng chục máy laptop và bộ đàm vô tuyến…

Điều lạ đặc biệt là, kể từ khi đến các ngôi nhà này, số thanh niên nam nữ Trung Quốc không hề bước chân khỏi cửa. Các ngôi nhà luôn đóng cửa im ỉm một cách bí ẩn. Những đối tượng trong nhà hoàn toàn sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Những người hàng xóm tò mò nhất cũng không biết số người lạ này làm điều gì trong nhà. Chỉ có những đối tượng trưởng nhóm người Đài Loan mới thỉnh thoảng rời nhà đi mua sắm thực phẩm  hoặc các vật dụng thiết yếu cho cả nhóm.

Các đối tượng trong vụ án.

Mỗi khi ra ngoài, các đối tượng này chỉ hé cửa vừa đủ len người qua rồi đóng sầm sau lưng. Những đối tượng trưởng nhóm cũng hầu như không tiếp xúc với người dân địa phương. Mọi vấn đề sinh hoạt, hậu cần chúng đều thông qua người môi giới thuê nhà hoặc thuê một người giúp việc nấu ăn (cũng là người gốc Hoa).

Tuy nhiên, tất cả những biểu hiện đáng ngờ của nhóm người có hành tung bí ẩn này không qua mắt được các trinh sát lành nghề.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ liên hoàn, Ban Giám đốc Công an TP HCM xác định, đây là các nhóm tội phạm lừa đảo quốc tế bằng công nghệ cao mà "ông trùm" là người đang cư trú tại Đài Loan. Theo các nguồn tin thu thập được, tổ chức lừa đảo này có nhiều đường dây nằm ở một số nước thuộc khu vực châu Á như: Campuchia, Malaysia, Singapore, Thái Lan… Mỗi đường dây hoạt động hoàn toàn độc lập bởi một "ta cơ".

Thủ đoạn của bọn chúng là sử dụng hộ chiếu du lịch để nhập cảnh hợp pháp vào rồi tìm thuê nhà biệt lập để lập "trung tâm". Sau khi thuê được nhà, chúng thuê người Trung quốc ở nhiều địa phương khác nhau của Trung quốc cùng giọng thổ âm với nạn nhân mà chúng nhắm đến, làm hộ chiếu du lịch đưa vào "trung tâm" tại Việt Nam giam lỏng để làm việc. Nạn nhân mà chúng chọn là người Trung Quốc.

Khi đã có con mồi, chúng phân công 1 tổ giả giọng cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc (Cục Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Ngân hàng…) nơi nạn nhân đang cư ngụ nại rằng, nạn nhân đang có nguy cơ mất tài khoản để yêu cầu cung cấp mã số tài khoản, mật khẩu để "cơ quan công quyền điều tra" hoặc chuyển vào một tài khoản bí mật để chúng "bảo vệ"…

Để nạn nhân hoàn toàn tin tưởng, mỗi khi điện thoại cho nạn nhân bằng công cụ voice IP, bọn chúng dàn dựng cảnh trí trong phòng như một đồn cảnh sát có cảnh hỏi cung, có máy bộ đàm cảnh sát… Chúng còn sử dụng công nghệ đổi số điện thoại, để số gọi của chúng hiển thị trong máy luôn mang số của cơ quan công quyền nơi nạn nhân cư trú. Khi nạn nhân  gọi điện thoại lại, chúng sẽ phân công nhóm khác trả lời để dẫn dụ nạn nhân vào bẫy mà chúng đã giăng sẵn.

Khi nạn nhân giao mã số, mật mã tài khoản, hoặc tự chuyển tiền thì nhóm "trung tâm" sẽ chuyển nội dung về cho "ông trùm" để thực hiện phần cuối của kịch bản là  rút sạch tiền trong tài khoản của nạn nhân. Chúng đã dày công xây dựng hàng trăm kịch bản khác nhau để lừa nhiều nạn nhân.

Với thủ đoạn tinh vi như thế, những nhóm lừa đảo bằng phương tiện công nghệ cao đã khiến cảnh sát các quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc rất vất vả trong phòng ngừa và đấu tranh.

Liên quan đến nhóm tội phạm quốc tế sử dụng thiết bị viễn thông và công nghệ cao, ngày 7/7/2010, Công an TP HCM bắt quả tang 99 đối tượng và ngày 13/9/2011, Công an TP HCM bắt quả tang 11 đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc, Đài Loan.

Ngày 5/9/2011, Cơ quan an ninh Bộ Công an phối hợp cùng Công an tỉnh Phú Yên bất ngờ ập vào 5 tụ điểm trên địa bàn thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), bắt giữ 57 đối tượng. Trong đó phần lớn là người Trung Quốc.

Ngày 17/10/2011, Công an tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Tổng cục An ninh I kiểm tra hai khách sạn ở Nha Trang, bắt quả tang 23 người Trung Quốc và một người Việt Nam.

Nông Huyền Sơn
.
.
.