Bệnh nhân tiền mất tật mang vì "xe ôm giả danh bác sĩ"

Thứ Tư, 09/12/2015, 16:44
"Xuất thân" là xe ôm chính hiệu, một chữ bẻ đôi về y khoa cũng không có, từ chân chạy việc ở một phòng khám, hai đối tượng Nguyễn Đình Hạp và Huỳnh Thất đã tự xưng danh "thần y" để khám bệnh, bốc thuốc cho bệnh nhân. Tán tận hơn, trong khi bệnh nhân nghèo đang chật vật với bệnh tật, giữa sự sống và cái chết, thì Hạp, Thất lại móc nối với nhiều "đồng nghiệp xe ôm" khác chực sẵn tại cổng hoặc các khoa ở bệnh viện Trung ương Huế để dụ dỗ, mồi chài bệnh nhân tới phòng khám thu lợi.

Bệnh nhân tố lương y rởm

Cuối tháng 11-2015, cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận được đơn tố cáo của vợ chồng ông Võ Thời (55 tuổi, trú thôn Ngọc Giáp, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) phản ánh: Bị ông Nguyễn Đình Hạp (trú 95 Ông Ích Khiêm, TP Huế) giả danh lương y bán thuốc để lừa đảo với số tiền lớn. Theo ông Thời, cuối tháng 7-2015, sau khi được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam chẩn đoán mắc bệnh ung bướu, vì lo cho sức khỏe của mình, vợ chồng ông Thời đã lặn lội từ Quảng Nam ra Bệnh viện Trung ương Huế để khám và chữa bệnh.

Tại đây, các bác sĩ phát hiện ông Thời bị ung thư lưỡi sàn miệng. Giữa lúc đang bi quan với bệnh tật, số tiền điều trị bệnh quá lớn so với khả năng tài chính của gia đình… thì vợ chồng ông Thời tình cờ được một người chạy xe ôm ngay trước cổng bệnh viện "mách nước" gặp "thần y" Nguyễn Đình Hạp. Người xe ôm này còn đánh vào tâm lý "túng thiếu tiền bạc" của vợ chồng ông Thời rằng: Thần y Hạp chỉ chuyên chữa bệnh cho người nghèo. Và nếu không chữa lành bệnh ung thư cho ông Thời, thì sẽ không lấy tiền thuốc?!.

Chân dung lương y dỏm Nguyễn Đình Hạp...

Có bệnh phải vái tứ phương, lại cả tin nghe gã xe ôm nổ tung trời về khả năng khám chữa bệnh của "thần y" Hạp nên ngày 16-8, vợ chồng ông Thời dắt díu nhau đến phòng khám của vị thần y này để "tìm thầy giỏi". Tại đây, vợ chồng ông Thời lại tiếp tục được Hạp thuyết giáo: Đã chữa cho rất nhiều bệnh nhân mắc các loại bệnh ung thư. Riêng đối với bệnh của ông Thời, "thần y" Hạp tuyên bố khỏi bệnh chỉ là chuyện ngày một ngày hai, chỉ cần mua thuốc đem về nhà uống là sẽ khỏi. Và 4 hộp thuốc có chứa các viên thuốc vo tròn màu đen mà Hạp phán là chữa bách bệnh kể cả ung thư, bán cho vợ chồng ông Thời với giá cắt cổ lên đến 2,4 triệu đồng.

Sau đúng 2 tháng điều trị bằng thuốc của Hạp, ngày 16-10, ông Thời trở lại Bệnh viện Trung ương Huế để tái khám. Tại đây, cũng đúng gã xe ôm dắt mối trước tiếp tục lôi kéo đến phòng khám của "thần y" Hạp để lấy thêm 8 hộp thuốc nữa với giá 4,8 triệu đồng… Tuy nhiên, tiền mất, bệnh vẫn hoàn bệnh, thậm chí có biểu hiện nặng hơn!…

Bệnh nhân Lê Thị Xuân (trú tại xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) cũng tố giác: Bà được một gã xe ôm lôi kéo tìm đến cơ sở chữa bệnh của "thần y Huỳnh Thất" tại phường Thuận Lộc, TP Huế. Tại đây, bằng thủ đoạn tương tự như ông Hạp, thần y Huỳnh Thất cũng chém gió về khả năng chữa bách bệnh của mình, sau đó bán thuốc cho bà Xuân với giá cắt cổ. Rất may, vào ngày 12/11/2015, trong lúc tái bán thuốc chữa bệnh cho bà Xuân thì Huỳnh Thất đã bị Thanh tra Sở Y tế phối hợp với Công an tỉnh bắt quả tang hành vi giả danh bác sĩ để khám, chữa bệnh trái phép.

Qua đấu tranh, "thần y" dỏm Huỳnh Thất khai nhận: Thất đã chung chi 35-40% hoa hồng đối với một lượt khám bệnh và bán thuốc cho cánh xe thồ, xe ôm để lôi kéo bệnh nhân đến cơ sở khám bệnh của Thất. 

Cụ thể, những đối tượng xe thồ, xe ôm này sẽ lân la tại bến xe, khu vực các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, tiếp cận người bệnh và người nhà bệnh nhân. Trước giới thiệu khả năng siêu phàm của bác sĩ, "thần y" trị bách bệnh - Huỳnh Thất, sau trực tiếp, ép bệnh nhân chở đến cơ sở của "thần y" Thất để cuối cùng tất cả bệnh nhân đều phải ngậm ngùi chịu cảnh tiền mất tật mang. 

Đáng nói, theo điều tra của cơ quan chức năng, ông Huỳnh Thất, trước đây hành nghề xe thồ và từ khoảng năm 2008 ông ta tự cho mình có khả năng siêu việt, chữa nhiều bệnh hiểm nghèo và giả danh là bác sĩ đa khoa để khám, chữa bệnh. Vào năm 2012, Thanh tra Sở Y tế đã từng kiểm tra và xử lý về hành vi hành nghề khám, chữa bệnh trái phép đối với  Huỳnh Thất với số tiền 25 triệu đồng. Tuy nhiên, phạt xong thì vẫn đâu vào đấy, ông Thất vẫn tiếp tục ngoan cố vi phạm với chiêu thức tinh vi hơn là sử dụng ôtô "cấp cứu" riêng và móc nối với những người hành nghề xe ôm để lừa đảo người bệnh... 

...và lương y dỏm Huỳnh Thất.

Hiểm họa khôn lường

Xung quanh những vị "lang y" lừa bịp này, dư luận tại Thừa Thiên - Huế cũng không khỏi lo lắng và thắc mắc: Vì sao tồn tại, lừa đảo bán thuốc cho người bệnh suốt một thời gian dài như vậy mà đến nay cơ quan chức năng mới phát hiện? Một người dân ở gần nhà ông Hạp cho biết: "Trước đây, từ một người chạy xe ôm, ông ta bắt đầu nghĩ ra kế sách giả danh bác sỹ, lương y kiếm tiền. Hạp kết hợp với một lương y có bằng cấp, có giấy phép tên là Dương V. T., ra mắt phòng khám có tên Tự Lập Đường, đóng ở số 95 Ông Ích Khiêm, TP. Huế để khám chữa bệnh". Hạp còn tự ý may áo quần blouse trắng cho tất cả các nhân viên là anh, em trong nhà.

Thông thường lương y Dương V.T. có bằng cấp, người chịu trách nhiệm trước pháp luật khám bệnh cho bệnh nhân. Nhưng khi lương y Dương V. T. bận, Hạp "xe ôm" cũng bắt tay vào khám, kê đơn, bốc thuốc luôn cho bệnh nhân. Sau một thời gian làm ăn, giữa lương y thật và lương y giả nảy sinh mâu thuẫn. Lương y Dương V.T. đã tự tách ra khỏi phòng khám và cắt đứt việc hợp tác với ông Hạp. Tuy bảng hiệu Tự Lập Đường đã tháo xuống, nhưng ông Hạp không trả lại giấy phép "được phép hành nghề y dược tư nhân" cho lương y Dương V. T. mà vẫn cố tình cất giữ.

Nguy hiểm hơn, việc Hạp không có lấy một chuyên môn, kiến thức gì về y khoa nhưng vẫn chễm chệ ngồi phòng khám, mặc áo blouse lòe người bệnh, lấy danh nghĩa của phòng khám để khám bệnh, bán thuốc thu lợi trên bệnh tật và sự cả tin của bệnh nhân. Nhiều lần được cơ quan chức năng nhắc nhở việc làm bất chính của ông Hạp, nhưng ông ta vẫn bất chấp. Nghiêm trọng hơn,  Hạp còn móc nối với xe ôm, xe thồ đứng chực sẵng tại các bệnh viện để dụ dỗ hoặc lôi kéo người bệnh tới phòng khám của Hạp để thu lợi và chi phần trăm.

Bằng đủ chiêu thức để mồi chài, lòe bịp, Thất, Hạp và những cộng tác viên xe ôm đã lừa bệnh nhân sập bẫy.

Qua một thời gian theo dõi, mới đây Thanh tra Sở Y tế phối hợp với lực lượng Công an bất ngờ kiểm tra nhà ông Hạp, phát hiện có 113 mẫu thuốc Bắc chuẩn bị được ông Hạp bán cho người bệnh. Điều đáng nói là tại thời điểm kiểm tra, ông Hạp chỉ cung cấp được một giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh mang tên Dương V. T. Tuy nhiên giấy phép này cũng đã hết thời hạn sử dụng. Ngoài ra, ông Hạp không cung cấp được bất kỳ một giấy phép, bằng cấp nào có liên quan đến chứng chỉ hành nghề, giấy phép kinh doanh, hoạt động có liên quan đến khám, chữa bệnh. Những hành vi sai phạm này, đoàn kiểm tra của Công an tỉnh, thanh tra sở Y tế đã quyết định xử phạt hành vi giả danh lương y uy tín bằng cách dùng giấy tờ của người khác đối với ông Hạp…

Trường hợp tài xế xe ôm Huỳnh Thất cũng giả danh bác sỹ khám và chữa bệnh thu lợi bất chính. Thất còn nổi danh đến độ, khi nhắc đến cái tên Thất "bác sỹ", giới xe ôm ai cũng biết. Bởi Thất luôn miệng khoe rằng mình là bác sỹ chuyên khoa, bất kì bệnh gì hễ xe ôm, xe thồ móc nối tới đều nói có thể chữa khỏi. Dù lúc nào Thất cũng chém gió "bác sỹ Thất rất tâm huyết với việc chữa bệnh cho người dân"... nhưng những hàng xóm, thậm chí là nhiều cánh xe ôm, xe thồ chân chính lại gọi Thất với biệt danh "Thất đức". Cái biệt danh này rất chính xác với những hành vi bất chấp tính mạng, bệnh tật của những bệnh nhân nghèo, miễn sao Thất và cánh xe ôm, xe thồ cộng tác thu được  càng nhiều tiền càng tốt. Những "cộng tác viên xe ôm" của Thất luôn túc trực 24/24h ở các bệnh viện như Bệnh viện Đại học y dược Huế, Bệnh viện Trung ương Huế, bến xe phía Bắc, bến xe phía Nam... dùng đủ chiêu thức để mồi chài người bệnh khi đến Huế, lừa họ sập bẫy đến phòng khám chui của Thất rồi bắt chẹt tiền thuốc của bệnh nhân...

Các bác sĩ, lương y dỏm như Thất, Hạp thậm chí còn mở rộng địa bàn, vươn tay đến tận các tỉnh, thành lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam.  Và với số tiền phần trăm hoa hồng cánh xe ôm, giang hồ làm cò lên đến 35- 40%, việc lôi kéo, thậm chí ép bệnh nhân và người nhà đến phòng khám của Thất, Hạp đã trở thành một tệ nạn, một mối nguy hại cho xã hội.

Hoài Thu
.
.
.