Bi kịch từ những chuyến xuất ngoại

Thứ Ba, 17/01/2017, 22:05
Vì kinh tế, vì hoàn cảnh gia đình, một số ông chồng ở nông thôn chấp nhận cảnh xa cách để vợ lưu lạc xứ người, lao động kiếm tiền gửi về gia đình. Kinh tế khá giả đâu chưa thấy, chỉ thấy bi kịch triền miên, vì những mối nghi ngờ, ghen tuông cứ như con rắn độc len lỏi trong suy nghĩ của các ông chồng. Và cái chết của người vợ vừa hết hạn lao động ở Malaysia về nhà được vài hôm do bị chồng sát hại tại Thạch Thất, Hà Nội ngày 12-1 là minh chứng rõ nhất cho chuỗi bi kịch này.


Bi kịch xuất ngoại

Hai tay ôm đầu, mặt thẫn thờ, thỉnh thoảng lại giật thót vì những câu hỏi của điều tra viên, cho đến giờ, sau khi sự việc xảy ra đã 1 tuần, Vương Văn Hải vẫn không tin đó là sự thật. Anh ta nói ân hận lắm, đau xót lắm và thương các con không sao kể xiết, nhưng đã muộn quá rồi. Vì chính anh ta chứ không ai khác, đã cướp đi sinh mạng của vợ, vì những mâu thuẫn vô lý mà lẽ ra nếu cả hai biết nhường nhịn nhau, thì đã không xảy ra cơ sự.

Năm 2001, Hải lấy chị Nguyễn Thị H., rồi lần lượt sinh hai đứa con. Hải sinh năm 1977, hơn vợ 5 tuổi. Cuộc sống vợ chồng không tránh được những mâu thuẫn, nhưng đó chỉ là những trận cãi vã lặt vặt.

Khi cuộc hôn nhân đã vượt qua được giai đoạn nguy hiểm nhất, thì vợ chồng Hải mới bắt đầu phát sinh mâu thuẫn nặng nề. Đó là năm 2012, Hải nghi vợ có người khác nên ghen tuông, những trận cãi vã xảy ra thường xuyên. Có lúc thiếu kiềm chế, anh ta đánh vợ không tiếc tay. Tuy nhiên sau đó, mọi việc được hai bên gia đình hoà giải.

Đối tượng Vương Văn Hải tại cơ quan điều tra.Đối tượng Vương Văn Hải tại cơ quan điều tra.

Cuối năm 2012, chị H. vay mượn tiền rồi đi xuất khẩu lao động ở Malaysia. Ở xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, nơi gia đình Hải sinh sống, nhiều phụ nữ cũng lựa chọn đi xuất khẩu lao động với mong muốn kinh tế gia đình khấm khá hơn, vì vậy, anh ta đồng ý vì cho đó là quyết định hợp lý.

Ba năm đầu, chị H .làm lụng chăm chỉ, gửi về cho chồng được hơn 100 triệu đồng. Đến năm thứ 4, chị H. xin gia hạn hợp đồng và tiếp tục ở lại thêm 1 năm nữa. Nhưng từ đó đến khi về nước, theo lời Hải khai thì vợ anh ta không gửi thêm bất cứ một đồng nào nữa.

Cách hôm xảy ra vụ án vài ngày, chị H. xách valy về nước trong tình trạng hai bàn tay trắng, đi chợ bữa nào phải ngửa tay xin chồng bữa đấy, khiến Hải thấy khó chịu và có lời ra tiếng vào. Cộng với thái độ lạnh nhạt, thờ ơ của vợ, Hải càng thêm khẳng định, vợ mình đang mơ tưởng đến người khác chứ không có tâm trí dành cho mình, anh ta càng thêm điên tiết.

Sáng 12-1, chị H. dậy sớm nấu cơm cho cả nhà ăn, sau đó Hải chở các con đi học. 7h30, anh ta trở về nhà và hai vợ chồng ngồi nói chuyện. Hải hỏi vợ, làm ăn kiểu gì mà không có đồng nào, đi chợ cũng xin, muốn mua đồ gì cũng phải xin người ở nhà. Chị H. cãi lại vài câu, cho rằng tiền làm ra phải trả nợ một số người, nhưng Hải không tin, bởi theo anh ta thì số nợ nần đã được giải quyết hết từ trước đó.

Lời qua tiếng lại, hai bên xô xát, không kìm chế được cơn giận dữ, Hải đã dùng dao bầu sát hại vợ, rồi lên xe máy bỏ trốn. Những người hàng xóm nghe tiếng cãi vã đã chạy sang can ngăn thì chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng. Họ tìm cách bắt giữ Hải và gọi điện gấp cho Công an huyện. 

Sau khi gây án chừng 1 giờ, người chồng tội lỗi này đã bị Đội CSHS, Công an huyện Thạch Thất bắt giữ khi anh ta đang tìm đường lẩn trốn.

Vương Văn Hải vẫn không hề biết rằng, chị H đã tử vong tại chỗ, dưới những nhát dao oan nghiệt của anh ta. Ngày gần cuối năm trời rét đậm, khiến gương mặt người chồng ấy càng thêm xám xịt, tê tái. Anh ta không bao giờ ngờ được rằng, cái tết này, sau 4 năm vợ xa nhà, lại là một cái tết chia ly mãi mãi:

- Vợ chồng anh đã ăn ở với nhau gần 20 năm, sao vẫn không nhường nhịn mà hành xử thô lỗ thế?

+ Tại vợ thách thức khiến em nóng nảy, không kìm chế được nên đã có hành động dại dột. Giờ em ân hận lắm. Em đã làm khổ vợ, làm khổ chính mình và gia đình, làm khổ các con.

- Anh có biết tình trạng của vợ mình bây giờ như thế nào không?

+ Đó là điều em lo lắng nhất, chắc cô ấy vẫn được cấp cứu ở bệnh viện. Mong là không sao.

- Một người phụ nữ phải chấp nhận xa các con để phiêu bạt nơi xứ người kiếm đồng tiền, nếu chẳng may chị ấy vướng vào chuyện tiền bạc, nợ nần mà không còn tiền, thì tư cách người chồng, anh phải cảm thấy day dứt chứ, cớ sao lại dằn vặt vợ mình về chuyện đó?

+ Chuyện kinh tế chỉ là một phần, em vẫn bực tức và ghen tuông từ trước đó nên mỗi khi cãi vã là em lại không kìm nén được. Gần đây, em lại nghe dư luận cô ấy có người khác. Nhưng dù thế thì em cũng sai rồi, em ân hận lắm...

Làng quê ai oán

Những ngày mùa đông, trời rét mướt thê lương, tìm về vùng đất Ninh Giang, Hải Dương, chúng tôi được chứng kiến một bi kịch khác, thương tâm không kém, cũng bắt nguồn từ việc ghen tuông vợ mình trong thời gian đi lao động ở nước ngoài đã có người khác.

Nhưng ở vụ án này, nạn nhân lại là người chồng, và thủ phạm gây ra vụ án tày đình, là người vợ cả đời lam lũ, có thời gian 9 năm làm ô sin nơi xứ người để có tiền gửi về nuôi các con ăn học. Chồng chị ta - một người đàn ông làm nghề mổ trâu, đã chết ngay trước sân nhà mình từ nhát dao của vợ.

Đượm khi bị bắt tròn 44 tuổi, nhưng nhìn già và khắc khổ hơn rất nhiều so với tuổi. Người phụ nữ nông thôn chân chất ấy vừa nói vừa khóc, kể lể cuộc sống đắng cay ở Đài Loan.

Bên đó, chị làm giúp việc cho một gia đình có người già bị liệt, chấp nhận làm những công việc mà nếu không phải người thân, chưa chắc đã có ai dám làm. Nhưng Đượm cắn răng vượt qua tất cả, vì gia đình người chủ cũng đối xử tử tế, sau vài năm, chị trả nợ hết anh em và đã có tiền gửi về cho chồng nuôi các con.

Nhưng chồng chị thì không nghĩ thế, người đàn ông mổ trâu này chỉ canh cánh trong đầu một suy nghĩ duy nhất, vợ mình đã có người khác nên vừa về nhà được một thời gian ngắn đã đòi đi làm tiếp. Thế nên, anh ta cứ ra lườm vào nguýt, gặp vợ ở đâu là nhiếc móc, dằn hắt.

Dù chỉ là những suy nghĩ một chiều, không có căn cứ, nhưng cũng khiến anh ta khổ sở, tự mua dây buộc mình, trong khi thực tế, Đỗ Thị Đượm chỉ biết nai lưng ra làm kiếm tiền. Những trận đòn vô cớ thỉnh thoảng lại diễn ra nhưng Đượm vẫn cắn răng chịu đựng, không một lời oán thán.

Đối tượng Đỗ Thị Đượm.

Sáng hôm đó, Đượm ngồi ở sân làm lông vịt để đón cậu con trai đang học đại học ở Hà Nội về thăm nhà. Như một thói quen, cứ nhìn thấy vợ, là chồng Đượm lại kiếm cớ gây chuyện. Lần này bắt đầu từ chuyện người phụ nữ hàng xóm đi đám cưới, Đượm và người phụ nữ này nói vui về việc mặc váy đi đám cưới, không ngờ chồng chị ta lại lấy đó làm điều, cơn ghen lại nổi lên, anh ta xông vào đánh vợ.

Đè nghiến người vợ nhỏ bé, yếu ớt ra sân, giữa tiết trời hơn 10 độ, anh ta bóp cổ vợ và đổ chậu nước đỏ lòm bẩn thỉu làm lông vịt vào mồm vợ. Đượm trợn mắt ngắc ngứ vì sặc nước. Sẵn tay đang cầm con dao mổ vịt, Đượm phản xạ chống đỡ và nhát dao không có mắt đã đâm vào đùi người chồng, khiến anh ta tử vong sau đó do mất máu nhiều.

Không ít những câu chuyện đau lòng tương tự mà chúng tôi được tiếp xúc trong quá trình về cơ sở công tác và chúng tôi gọi đó là "bi kịch làng quê", xuất phát nguyên nhân từ việc đi xuất khẩu lao động của những người nông dân vốn trước đây chỉ quen với đồng ruộng. Nhẹ nhất là vợ chồng bỏ nhau vì một trong hai người hoặc cả hai đều có người mới.

Bi kịch vừa vừa là những đứa con hư hỏng, lang thang, sa ngã vào tệ nạn xã hội hoặc gây án, vì không nhận được sự quan tâm đầy đủ từ bố mẹ. Bi kịch nhất là xảy ra trọng án như hai câu chuyện kể trên. Nhưng, hậu quả để lại không chỉ là người chết, người vào tù, mà nó còn kéo dài trong nhiều năm nữa, gây hệ lụy không thể lường được đối với thế hệ con cái, những đứa trẻ trót được sinh ra bởi những người làm cha, làm mẹ này.

Một vấn đề nữa cũng cần phải đặt ra, đó là tình trạng nhiều lao động xuất khẩu khi về nước đều trong tình trạng trắng tay. Theo lời một đồng chí Phó trưởng Công an huyện Thạch Thất thì, không chỉ có trường hợp chị H. - nạn nhân bị chồng sát hại, lâm vào cảnh không còn đồng nào khi trở về mà còn nhiều trường hợp khác, cũng gặp cảnh tương tự, liệu họ có bị khống chế bởi một cá nhân, tổ chức nào đó ở nước ngoài hay không, rất cần các cơ quan chức năng tìm hiểu để có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn người lao động. Rõ ràng, đã có điều gì đó không bình thường ở những trường hợp này, cần được làm rõ.

Đinh Hiền
.
.
.