Bóc lột lao động trẻ em, ẩn họa từ những ‘công ty môi giới việc làm’

Thứ Bảy, 12/09/2015, 09:00
Sau trường hợp 7 em học sinh 14 tuổi ở hai xã Trà Vinh và Trà Cang (huyện Nam Trà My) bị ép lao động như khổ sai tại Lâm Đồng được cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm trật tự xã hội (PC45), Công an tỉnh Quảng Nam giải cứu vào ngày 4/8; thì vào ngày 6/9, cũng tại Nam Trà My lại tiếp tục có 3 thanh thiếu niên người dân tộc Xê Đăng ở xã Trà Linh tố cáo bị một chủ rừng bóc lột sức lao động, quỵt tiền lương.
Tại cơ quan điều tra, các nạn nhân đều cho biết: "Hằng ngày, có nhiều đối tượng tìm về tận thôn, bản để môi giới việc làm. Không ít người đã theo chân chúng, tin vào lời hứa hão huyền ban đầu và mức lương cao đâu chưa thấy. Hiện, một số thanh thiếu niên vùng cao đã phải gánh chịu nhiều ẩn họa về cả sức khỏe và tinh thần nơi chốn rừng thiêng, nước độc...

Chủ rừng truy đuổi đến cùng

Sáng 6/9, tuy đã được đưa về Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Nam tiếp nhận và chăm sóc sức khỏe, nhưng sự bàng hoàng vẫn còn nguyên trên gương mặt của ba thanh thiếu niên người dân tộc Xê Đăng. Chặng đường bị lừa ép lao động nặng nhọc ở vùng núi sâu, hành trình bỏ trốn khỏi sự đuổi ép của chủ trại và sự giải cứu kịp thời của lực lượng Công an xã đã được Hồ Văn Điếu (14 tuổi), Hồ Văn Đồi (13 tuổi) cùng Hồ Văn Băng (21 tuổi), đều trú tại thôn 4 xã Trà Linh, Nam Trà My, Quảng Nam chia sẻ:

Khoảng đầu tháng 7/2015, một phụ nữ tên Năm vào bản lân la làm quen với nhiều thanh niên, bà ta xưng là quen với rất nhiều chủ trại rừng đang cần người làm thuê. Trong đó, nếu trai bản đồng ý làm cho một chủ rừng tên Phước thì sẽ chỉ nhận những công việc nhẹ nhàng, hưởng lương cao. Nếu siêng năng, làm từ 1 đến 3 tháng hè còn có thể đem tiền về nhà giúp cha mẹ nộp học phí đến trường…

Nhưng nào ngờ, chỉ vừa rời bản theo chân bà Năm, lập tức các em bị dẫn đến tận một khu lán trại trong rừng sâu. Thế rồi, mỗi ngày mải miết từ sáng sớm đến tối các em phải làm công việc vất vả, phải đốn cây, vác gỗ rừng với khối lượng nặng quá sức. Ăn uống thiếu thốn, tiền lương cũng chưa thấy đâu, quá vất vả, lại sợ chủ đánh nên không ít lần tìm cách trốn về nhà, nhưng không thể thoát được do ông chủ cho người canh giữ.

Ba thanh thiếu niên người dân tộc Xê Đăng ở Nam Trà My vừa được Công an xã Bình Lâm giải cứu.

Nhỏ tuổi và gầy gò nhất là Hồ Văn Đồi, nhưng theo em kể thì chủ trại chẳng hề ưu tiên gì. Ngược lại, em còn phải vác những cây gỗ to bằng cả thân người và dài hơn 1,5 mét. Có lúc bữa cơm rau muối chỉ kịp nuốt vội, lại bị chủ trại bắt vào rừng để tiếp tục xẻ gỗ. Việc nặng quá sức, nhớ nhà, nhớ mẹ, em nằng nặc đòi chủ trại cho về nhưng họ đã không hề đoái hoài đến nguyện vọng của em, còn dọa đánh nếu em có ý định bỏ trốn về nhà.

Chẳng khá hơn Đồi là bao, em Hồ Văn Điếu chỉ những vết trầy xước trên chân tay, rồi lắp bắp thuật lại một cách không đầu không cuối về cuộc trốn chạy của cả 3 anh em: ''Sáng 4-9, bị chủ bắt vào rừng làm việc, ba anh em cháu lợi dụng lúc chúng lơ là không để ý bèn cùng nhau bỏ chạy thật nhanh ra khỏi khu làm việc. Cắm cúi băng rừng từ sáng sớm cho đến gần trưa thì tới được xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức. Bấy giờ một người dân tốt bụng tại quán nước ven đường đã giúp báo sự việc với Công an xã''.

Cũng theo lời kể của Băng, Điếu và Đồi: Lúc các em gặp được anh Hồ Quang Hải (Công an viên thôn Việt An, xã Bình Lâm) và được anh dẫn về trụ sở UBND xã Bình Lâm thì có hai thanh niên tự xưng là "người nhà" của chủ trại keo nơi các em làm việc đến xô xát với anh Hải. Rất may, nhờ sự cương quyết của lực lượng Công an xã và sự hỗ trợ giúp đỡ của người dân địa phương đã kịp thời ngăn cản không cho hai thanh niên kia "giành người".

Theo điều tra ban đầu của Công an xã, chủ sử dụng 3 lao động trẻ có tên là Đoàn Văn Phước trú tại xã Bình Trị, hai đối tượng chống đối lực lượng Công an xã tên Thọ và Lộc. Hai đối tượng này cũng chính là những kẻ đã truy đuổi và lôi kéo cả 3 em về lại lán trại để tiếp tục lao động. Đồng thời, bọn chúng cho rằng, nếu các em tiếp tục quay lại làm việc thì sẽ được nhận tiền lương 1 tháng rưỡi rồi cho về nhà.

Tuy nhiên, khi bị lực lượng Công an kiên quyết không để 3 em trở lại làm việc, 1 trong 2 đối tượng đã có hành vi chống đối, xúc phạm lực lượng Công an xã, buộc Công an xã phải khống chế dẫn về trụ sở xã làm việc. Cũng theo Hồ Văn Băng và hai em Điếu, Đồi, ngoài bóc lột sức lao động thì số tiền 360 ngàn đồng ứng để mua điện thoại cũng đã bị chủ rừng tịch thu mất…

Nhức nhối nạn lừa lao động khổ sai

Trao đổi với PV Chuyên đề CSTC về tình trạng thanh thiếu niên vùng cao bị sa vào chốn lao động khổ sai đang là mối quan tâm lớn của dư luận tại Quảng Nam, ngày 7/9, ông Nguyễn Văn Thoại, Giám đốc Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Nam cho biết: Đã có nhiều vụ việc "lừa lao động khổ sai" được cơ quan chức năng phát hiện và giải cứu.

Tuy nhiên, hầu hết các nạn nhân đều ở lứa tuổi thanh thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số, sống tại huyện miền núi Quảng Nam. Thậm chí, đã phát hiện nhiều trường hợp đang là học sinh, lứa tuổi rất nhỏ, chỉ từ 13-15 tuổi. Các em đa phần do cả tin, nghe theo lời dụ dỗ của những đối tượng "cò việc làm", để rồi bị đưa lên các tỉnh Tây Nguyên hoặc vùng núi cao, bị ép lao động nặng nhọc, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn…

Ngoài việc 3 thanh thiếu niên người dân tộc Xê Đăng ở Nam Trà My tố chủ trại rừng bóc lột sức lao động không lâu, vào ngày 4/8, Phòng PC45, Công an tỉnh Quảng Nam cũng đã phối hợp với Công an các tỉnh Tây Nguyên giải cứu và đưa được 7 em học sinh bị dụ dỗ đi lao động ở Tây Nguyên về nhà an toàn.

Trước đó, Phòng PC45 tiếp nhận tin báo từ người dân có một số trẻ em ở các xã vùng núi huyện Nam Trà My, Quảng Nam bị một phụ nữ tên Nguyễn Thị Kim D. (47 tuổi, trú Nga Sơn, Thanh Hóa - hiện đang thường trú tại thôn 2, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) lừa đưa đi lao động "với mức lương cao" ở Tây Nguyên.

Kim D. đã tìm gặp các em là Nguyễn Thành Quốc, Hồ Văn Tuấn, Hồ Văn Giáp và Nguyễn Thành Tưởng (cùng 14 tuổi, đều là học sinh) và hứa hẹn sẽ giới thiệu việc làm tại tỉnh Lâm Đồng với thu nhập cao cho các em trong dịp nghỉ hè để các em có tiền nộp học phí cho năm học mới.Nghe lời dụ dỗ của bà D., 4 em học sinh Quốc, Tuấn, Giáp, Tưởng đã đồng ý theo bà D. vào tỉnh Lâm Đồng để làm việc. Tuy nhiên, khi đến nơi, bà D. giao các em cho một công ty chuyên môi giới việc làm và buộc các em phải làm công việc rất nặng nhọc cho một số chủ sử dụng lao động khác.

7 học sinh được Công an tỉnh Quảng Nam giải cứu khỏi lao động khổ sai vào tháng 8/2015.

Do công việc quá nặng vượt quá khả năng của các em, điều kiện ăn ở cũng thiếu thốn nên sau một tuần làm việc, các em đã bỏ trốn về nhà. Ngay khi tiếp nhận tin báo, Phòng PC45 đã cử một số cán bộ trực tiếp đến địa bàn huyện Nam Trà My để xác minh làm rõ sự việc. Nhận thấy có dấu hiệu tội phạm, lừa đảo đưa trẻ em lên các tỉnh Tây Nguyên để bóc lột sức lao động nên lãnh đạo Phòng PC45 đã cử một tổ trinh sát vào các tỉnh Tây Nguyên để điều tra.

Sau một tuần, các trinh sát đã xác minh nắm được thông tin các em đang làm vườn, khai thác gỗ trên vùng núi cao của tỉnh Lâm Đồng. PC45, Công an tỉnh đã giải cứu thành công các em này và tiếp tục phối hợp với các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương bàn giao các em về cho gia đình. Và tiếp tục vào cuộc giải cứu thêm 5 học sinh cùng trú huyện Nam Trà My cũng đang bị ép phải làm việc tại đây. Đồng thời,  điều tra làm rõ hành vi đưa trẻ em đi lao động trái phép của các đối tượng liên can để xử lý theo quy định của pháp luật.

 Được biết, không chỉ riêng tại tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, lực lượng Công an các tỉnh bạn như Quảng Ngãi, Đắk Lắk cũng đã phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ lừa "việc làm", lừa thanh thiếu niên lên các tỉnh Tây Nguyên hoặc vào các tỉnh miền Nam để "bán" cho các chủ rẫy làm việc như khổ sai. Cũng theo cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi, vài năm trở lại đây, tại tỉnh Lâm Đồng xuất hiện một số Công ty môi giới việc làm.

Lợi dụng các rẫy, vườn thiếu người lao động, các công ty, cơ sở này đã lập nhiều đường dây, chân rết khắp miền Trung - Tây Nguyên lừa gạt giới thiệu việc làm. Tuy đã có nhiều phương tiện thông tin phản ánh tình trạng lừa đảo này, chính quyền địa phương một số nơi cũng lập đoàn lên tận huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng giải thoát, đưa người dân địa phương bị lừa về, nhưng gần đây, một số công ty lừa lao động chuyển sang huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng lại tiếp tục hoạt động trở lại.

 Các chân rết, "cò" vẫn có mặt nhiều vùng quê ở miền Trung để lừa thanh niên lên Tây Nguyên. Cụ thể như vụ việc vào tháng 9/2012, từ đơn tố cáo của nhiều thanh niên trước đó bị lừa, Công an xã Sơn Hạ (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) đã giải cứu 7 thanh niên ở xóm Nham, thôn Đèo Gió, xã Sơn Hạ, bị đối tượng Lê Quang Kiên (31 tuổi, ở phường Trần Phú, TP Quảng Ngãi) hành nghề lái xe ôm lừa đưa xuống TP Quảng Ngãi để lên Tây Nguyên "bán lao động".

Từ vụ này, Công an xã Sơn Hạ còn phát hiện thêm một  đường dây lừa đảo, chuyên dụ dỗ những thanh niên ở xã Sơn Hạ lên huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, rồi bán lại cho các chủ rẫy, chủ cửa hàng ép lao động khổ sai.

Đại diện Phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH) tỉnh Đắk Lắk cho biết: Giữa năm 2014, cơ quan chức năng đã phát hiện các đối tượng móc nối với một số chủ cơ sở may mặc tại TP Hồ Chí Minh, đưa hàng chục trẻ em dân tộc ÊĐê tới làm việc tại các xưởng may, giày da. Trong số này, hầu hết các em bị chủ bắt làm việc từ 7 giờ sáng đến 22 giờ, không có hợp đồng lao động.

Khi vào TP Hồ Chí Minh làm việc, các em bị vắt kiệt sức, làm việc nhiều tháng liền nhưng không được trả lương, mất liên lạc với gia đình. Cho đến khi một em trong số này đã tìm cách liên lạc được với gia đình và sự việc được báo cơ quan chức năng, vụ việc môi giới vi phạm pháp luật mới dần lộ rõ…

Hoài Thu
.
.
.