Búa rìu dư luận và phút truy vấn lương tâm của hai ác mẫu

Thứ Ba, 28/01/2014, 11:27

Hàng ngàn người đã kéo về chật cứng hội trường Nhà văn hóa thiếu nhi quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), trong đó có hàng trăm bà mẹ bồng theo con em mình để cùng chứng kiến giờ phút nhận tội của hai bảo mẫu Phương và Lý. Họ quăng những cái nhìn đầy căm phẫn về phía hai người phụ nữ đang đứng trước vành móng ngựa. Phương và Lý đã khóc nức nở khi chứng kiến búa rìu dư luận nhất loạt hướng về phía mình.

Phút "hiền lành" nhất của hai "ác mẫu"

Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, chủ cơ sở mầm non Phương Anh, khu phố 6 phường Hiệp Bình Phước) vốn dĩ là một phụ nữ có học thức, đã tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh khoa Mầm non, đồng nghĩa với việc được đào tạo bài bản và chuyên sâu về nghiệp vụ nuôi dạy trẻ. Gia đình Phương là một tấm gương sáng về đạo đức và bề dày văn hóa.

Chồng Phương hiện đang là giảng viên Nhạc viện Âm nhạc thành phố. Ra đời hành nghề với tấm áo choàng lộng lẫy không tì vết ấy, Phương đã được các bậc cha mẹ đặt nhiều niềm tin và kỳ vọng. Một bảo mẫu gánh trên vai trách nhiệm yêu thương, nuôi dạy trẻ khỏe mạnh, thông minh như là người mẹ hiền thứ hai. Cho đến giờ phút đứng trước vành móng ngựa, Phương vẫn sụt sùi trải lòng rằng: "Bản thân tôi vẫn rất yêu trẻ". Nhưng bằng chứng không thể chối cãi đã được phơi bày rõ mười mươi trên đoạn clip cho thấy hành động đánh đập trẻ em của Phương là có chủ ý chứ không phải vô thức.

Hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần, với sự xuống tay mạnh bạo, dã man đã "phản" lại hoàn toàn một chút tình người le lói trỗi dậy mà bảo mẫu Phương cố vớt vát. "Cùng là mẹ, là phụ nữ mà sao họ ác độc thế. Nhẫn tâm, thất đức chẳng còn tính người nữa". Đó là suy nghĩ chung mà nhiều người có thể dễ dàng "đọc được" trên gương mặt của những bà mẹ có mặt trong phiên tòa lưu động sáng 20/1.

Bản thân Phương cũng là một người mẹ, hơn ai hết Phương hiểu được nỗi đau cắt ruột cắt gan khi nhìn thấy con mình bị người ta hành hạ. Sự phẫn nộ của phụ huynh là điều tất nhiên. Họ không chấp nhận việc một bảo mẫu tàn độc như vậy.

Sau khi biết Phương đã có con nhỏ 8 tuổi, vị chủ tọa phiên tòa hỏi Phương rằng tại sao đã là một người mẹ có con nhỏ, nếu đặt trường hợp con mình cũng bị những bảo mẫu khác đánh đập hành hạ như hành động của bị cáo đã thực hiện thì bị cáo thấy sao? Phương lí nhí bảo rằng "Bị cáo biết mình sai rồi".

Cùng trạng thái tâm lý như bảo mẫu Phương, bảo mẫu Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi, tạm trú đường Hiệp Bình, khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) tỏ vẻ sợ hãi thật sự. Thiên Lý run run cúi đầu nhận tội, cô không dám ngẩng mặt lên dù chỉ một lần. Trong khi những ánh nhìn dồn dập hướng về phía Thiên Lý như băm bổ, như gào thét, như uất hận. Cái tên Thiên Lý có lẽ trở thành gánh nặng trong suốt cuộc đời còn dài sau này của cô, nó đã không thể đẹp như cái tên được nữa. Thiên Lý quê tận Kiên Giang, sinh ra trong gia đình nghèo chất phác. Thiên Lý tự sự trước tòa rằng, bản thân không được học hành đến nơi đến chốn, sớm phải rời quê lên thành phố mưu sinh và bản tính của Lý không phù hợp với nghề nuôi dạy trẻ nhưng bị ba mẹ ép theo nghề (?!).

Khác với bảo mẫu Phương, bảo mẫu Thiên Lý không được đào tạo qua trường nọ lớp kia. Nên kinh nghiệm nuôi dạy trẻ, bảo mẫu Lý chỉ vận dụng theo bản ngã, theo cảm quan nhận thức. Vì muốn trẻ ăn được nhiều, không bị sút ký nên Lý mới dùng biện pháp "cưỡng ép" thô bạo như vậy... Lý trở nên nhỏ bé trước vành móng ngựa. Lý chia sẻ, từ ngày bị bắt giam, cô ăn năn hối cải vô cùng. Cô thấy thương cha mẹ ở quê, bao năm lam lũ hiền lành nay phải chịu điều tiếng vì đứa con gái mà ông bà rất mực kỳ vọng. Những người phụ nữ dự tòa đã hất vào mặt Thiên Lý câu nói chua chát: "Trông mặt mũi xán lạn thế kia, trẻ trung thế kia, chồng con chưa có sao lại tàn độc như vậy. Sau này có làm mẹ, cô mới cảm nhận được nỗi đau khúc ruột của mình bị người khác đánh đập".

Thực tế đáng buồn là hai bị cáo Phương, Lý và có lẽ không ít người dân đã không nhận thức được tầm quan trọng của việc nuôi dạy trẻ. Bởi khi nghe vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân đặt câu hỏi: "Tại sao biết Thiên Lý là người chưa có bằng cấp mà vẫn thuê để chăm sóc trẻ", bị cáo Phương đã thừa nhận, do nhận thức còn kém, bản thân nghĩ rằng việc chăm sóc trẻ khá đơn giản nên không cần bằng cấp gì nhiều. Nghe xong câu trả lời này, nhiều người đã ồ lên ngạc nhiên và phản đối. Bày tỏ quan điểm của mình, vị công tố cho rằng, chăm sóc và bảo vệ trẻ là chăm lo cho tương lai của đất nước, không thể cho rằng đây là việc làm đơn giản, "chính vì nghĩ là nó đơn giản, nên ngày hôm nay bị cáo mới phải đứng ở đây", vị công tố nhấn mạnh.

Người dân đến theo dõi phiên tòa quá đông đã gây ra tình trạng quá tải.

Tại phiên tòa, hai bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Theo đó, các bị cáo đã có nhiều hành vi đánh đập, hành hạ ảnh hưởng trực tiếp tới tinh thần, sức khỏe của trẻ. Đáng nói hơn, hành vi của các bị cáo đã lặp lại nhiều lần với nhiều cháu chứ không phải là hành động nhất thời, bộc phát vì tức giận, vì "muốn các cháu ăn nhiều" như lời các bị cáo khai tại phiên tòa...

Bản án nào cho tội ác lương tâm?

Những năm tháng tù giam dành cho Phương, Lý có lẽ không phải là điều khủng khiếp nhất trong quãng đời dài đằng đẵng sau này. Mà bản án lương tri, bản án búa rìu dư luận sẽ là nỗi ám ảnh mịt mờ, phủ đen tương lai và khát vọng làm người chân chính của Phương và Lý. Nhiều người đã chua cay thay cho chồng con của Phương. Hôm xét xử, không ai nhìn thấy chồng con hay người thân nào của Phương và Lý đến tham dự. Một bản án nữa, bảo mẫu Phương phải hứng chịu là nỗi đau ê chề với gia đình, chồng con. Thân là bảo mẫu, nhưng suốt cuộc đời này, Phương sẽ rất khó khăn và xấu hổ khi buông lời dạy dỗ con cái của mình.

Bà C.T.A. (64 tuổi), mẹ ruột bảo mẫu Lê Thị Đông Phương đã từng rất bàng hoàng khi biết con gái mình là nhân vật chính trong clip bạo hành trẻ em. Bà A. đau đớn cho biết: "Gia đình không hề hay biết sự việc cho đến khi báo chí đăng tải thông tin sáng ngày 17/12 vừa qua". Theo đó, chồng Phương là anh L.Đ.P. biết thông tin vợ bị triệu tập sớm nhất trong vụ bạo hành trẻ em. Anh P. không dám cho mọi người biết vì sợ cha mẹ vợ đều mắc bệnh tim mạch sẽ lên cơn sốc. Bà A. nước mắt ngắn dài khi buột tiếng than về đứa con gái của mình: "Phương là con gái út trong gia đình có năm chị em.

Trước đây, Phương tốt nghiệp hệ trung cấp sư phạm mầm non. Phương ra trường đi làm vài nơi rồi học thêm lên đại học chuyên ngành mầm non. Có thời gian 7 năm, Phương từng công tác tại trường mầm non Hoa Lư (quận 1, TP Hồ Chí Minh). Tuy nhiên do áp lực công việc, Phương đã xin nghỉ và lên kế hoạch thành lập trường mầm non tư thục tại phường Hiệp Bình Phước và lấy tên là Phương Anh. Thời gian đầu, chủ cơ sở Phương Anh chỉ nhận trông giữ vài cháu nhỏ, dần dần mở rộng và nhận thêm nhiều trẻ tuổi mầm non.

Vào thời điểm bị tạm đóng cửa đồng thời hai bảo mẫu bị bắt tạm giam, cơ sở này nhận nuôi 22 cháu nhỏ. Trong quan hệ gia đình, xã hội, bảo mẫu Phương được cho là vui vẻ, hiền lành. "Từ ngày thuê mặt bằng kinh doanh trường mầm non, vợ chồng nó chuyển ra sống riêng. Mới hôm trước nó khoe vừa nhận bằng tốt nghiệp lớp quản lý gì đó. Vài hôm sau thì xảy ra sự việc", bà A. thất thần kể lại.

Đó là những lời tâm sự hiếm hoi của người thân bảo mẫu Đông Phương. Xấu hổ, bẽ bàng là trạng thái chung của người thân hai gia đình bảo mẫu Phương, Lý. Sự trải lòng của bà A. là những thông tin vô cùng hiếm hoi vào thời điểm này. Những người mẹ người cha có con bị đánh đập đang phỉ báng vào gia đình họ. Điển hình trong phiên xét xử, họ đã nháo nhào muốn xông vào để vạch mặt hai "tội đồ" trước vành móng ngựa. Dường như nước mắt ăn năn suốt phiên tòa của Phương, Lý không thấm vào đâu. Chẳng ai mảy may động lòng với giọt nước mắt ấy. Thiết nghĩ, cái giá phải trả của hai người phụ nữ này quá đắt.

Trong lời nói sau cùng, Phương đã làm một việc được cho là làm vơi bớt cơn cuồng nộ của phụ huynh các cháu bé. Phương ngoái đầu quay lại hàng ghế bị hại, nơi những cặp mắt ngây thơ, thanh khiết của các em bé đang ngơ ngác nhìn mình và bất giác, rồi Phương khoanh tay cúi thật thấp nói lời xin lỗi, xin được tha thứ vì những việc sai trái mà mình gây ra.

Có thể nói, đây là một trong những vụ án có thủ tục tố tụng ngắn nhất từ xưa đến nay bởi từ khi vụ án được phát hiện cho đến khi xét xử chỉ hơn một tháng. Theo vị đại diện Viện kiểm sát cho hay, thời gian gần đây có nhiều vụ hành hạ trẻ em xảy ra, đây là một trong những vụ án điển hình nên cần thiết phải xét xử nghiêm minh để răn đe.

Ngày 13/12/2013, Công an phường Hiệp Bình Phước nhận được đoạn clip từ người dân quay lại cảnh Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý hành hạ dã man trẻ em được gửi tại cơ sở Phương Anh. Ngay trong ngày, Công an phường đã lập biên bản xử lý vụ việc và mời các đương sự về trụ sở phường lấy lời khai. Chiều ngày 17/12/2013, Công an quận Thủ Đức quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 3 tháng đối với hai bảo mẫu Phương và Lý. Ngày 20/1/2014, Tòa án nhân dân quận Thủ Đức mở phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm vụ bạo hành trẻ em. Kết thúc phiên tòa, Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý cùng bị tuyên phạt 3 năm tù giam về tội hành hạ người khác.

Những ngày trong trại giam của Phương và Lý!

Theo một cán bộ Công an quận Thủ Đức thì từ khi bị bắt tạm giam chờ ngày bị đưa ra xét xử, hai bảo mẫu Đông Phương, Thiên Lý luôn tỏ ra lo lắng, buồn bã. Trước đó, những ngày đầu bị tạm giam, khi tiếp xúc với phóng viên, Phương và Lý đã bày tỏ sự ăn năn, hối hận về những hành vi mình gây ra. Tuy nhiên, điều đáng nói là cả hai đều không nghĩ đó là sự bạo hành nghiêm trọng và vi phạm pháp luật. Ngoài ra, cả hai cũng khẳng định sau này sẽ không theo nghề dạy trẻ nữa.

"Trong những ngày bị tạm giam, tôi đã suy nghĩ rất nhiều, chỉ vì hành động thiếu suy nghĩ mà tôi đã làm ảnh hưởng tới gia đình, tương lai, sự nghiệp của mình, gây ra sự đau lòng cho phụ huynh. Tôi nghĩ tôi sẽ không tiếp tục theo nghề dạy trẻ nữa", Phương bày tỏ. Nhưng ngay sau đó, Phương vẫn cố "bao biện": "… Tôi vẫn nghĩ mình không phạm tội, những hành động của tôi chỉ là muốn để các bé ăn nhiều hơn". Giống như Phương, Lý cũng tỏ ra ân hận: "Lúc nóng em cũng không suy nghĩ được nhiều, em chỉ hù các bé thôi… Trong thời gian ở trại giam em rất hối hận, suy nghĩ rất nhiều về hành vi sai trái của mình. Sau lần này em cũng sẽ không làm việc gì liên quan đến trẻ em nữa".

Ngọc Thiện - Phú Lữ
.
.
.