Xét xử vụ cựu chiến binh bị hành hung đến tàn phế:

Cần làm rõ vai trò của kẻ chủ mưu

Thứ Năm, 16/07/2020, 16:59
Chỉ vì một mâu thuẫn rất nhỏ, ông Phạm Văn Hiền bị nhiều đối tượng dùng xẻng, gạch đá đánh liên tiếp vào đầu. Hậu quả là ông Hiền bị chấn thương sọ não, vỡ xương chẩm trái, tụ máu dưới màng cứng.


Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cho thấy, ông Hiền bị tổn hại 80% sức khỏe. Điều đáng nói, mặc dù gây ra tổn thất nặng nề về sức khỏe cho người cựu binh nhưng các đối tượng chỉ bị truy tố hành vi "cố ý gây thương tích" gây bức xúc không chỉ với gia đình nạn nhân mà còn gây phẫn nộ dư luận.

Bị đánh vì mâu thuẫn nhỏ

Dù đã gần 2 năm kể từ khi vụ việc xảy ra, gia đình ông Phạm Văn Hiền (thương binh hạng ¾, trú tại thôn Trung Thành 2, xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) vẫn chưa thể nào nguôi ngoai khi kể lại cái ngày ông bị các đối tượng hành hung. Từ đó đến nay, ông Hiền chịu một đời sống gần như thực vật, bị liệt toàn thân, mọi sinh hoạt đều phải phụ thuộc vào gia đình, vợ con.

Chị Phương, con gái của ông Hiền cho biết, vào sáng 27-10-2018, khi bố chị ra bãi Găng thuộc xã Xuân Hòa, khu đất của gia đình thuê để trồng mía, ngô - nơi này thường xuyên có nhiều người hay đến xin và lấy cát. 

Khi ra tới nơi, ông Hiền nhìn thấy ông Nguyễn Văn Sơn là người cùng thôn đang kéo một xe cát đi ra từ khu vực bãi liền nói: "Nếu ông lấy cát thì phải hỏi ý kiến tôi chứ sao lại tự lấy". Ngay sau đó, ông Sơn chửi và cầm xẻng định hành hung ông Hiền. Thấy vậy, anh Phạm Ngọc Thảo, con trai ông Hiền đã xông vào can ngăn.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử các đối tượng gây án.

Tưởng chừng mâu thuẫn nhỏ này sẽ dừng lại, nhưng sau đó ông Sơn đã gọi 3 đối tượng là Nguyễn Bá Hùng, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Bá Quang đều là anh em trong nhà chặn đường để đánh anh Thảo nhưng được người dân can ngăn. Nghe tin con bị đánh, ông Hiền chạy đến thì gặp nhóm của ông Sơn. Tại đây, Nguyễn Bá Hùng đã lấy bình xịt hơi cay xịt vào mắt ông Hiền và những đối tượng còn lại dùng xẻng, gạch đá đánh liên tiếp vào đầu khiến ông Hiền bất tỉnh.

Hậu quả vụ việc, ông Hiền bị chấn thương sọ não, vỡ xương chẩm trái, tụ máu dưới màng cứng vùng trán thái dương phải, tụ máu dưới màng cứng liềm đại não; các ổ tụ máu lớn nhu mô não thùy trán hai bên, phù não xung quanh; tụ máu trong não và một số tổn thương phần mềm khác. Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an: ông bị tổn hại 80% sức khỏe.

Sau khi cơ quan điều tra vào cuộc tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố và bắt tạm giam các bị can, đến ngày 25-11-2019, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã ra Cáo trạng số: 80/CT-VKSTX đề nghị truy tố Nguyễn Bá Quang, Nguyễn Bá Hùng, Nguyễn Văn Trường về tội "Cố ý gây thương tích" theo Khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Ông Phạm Văn Hiền phải điều trị tích cực nhiều tháng trong bệnh viện.

Xác định chưa đúng hành vi

Ngày 2-7-2020, Tòa án nhân dân huyện Thọ Xuân đã đưa vụ án ra xét xử với 3 bị cáo Nguyễn Bá Quang, Nguyễn Bá Hùng và Nguyễn Văn Trường. Trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thọ Xuân vẫn giữ nguyên quan điểm hành vi của các đối tượng được xác định thuộc về tội "Cố ý gây thương tích".

Tuy nhiên theo luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính pháp), người bảo vệ quyền lợi cho bị hại lại cho rằng, có căn cứ để xác định hành vi của các bị cáo nói trên thỏa mãn tội "Giết người" theo Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Lý giải quan điểm này, luật sư Cường cho rằng, việc truy tố, xét xử các bị cáo về tội "Cố ý gây thương tích" là chưa đúng với sự thật khách quan vụ án, chưa đúng với diễn biến hành vi của các bị cáo cũng như chưa phù hợp với các thương tích của bị hại.

Theo cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thọ Xuân, các bị cáo không có hành vi tấn công trực tiếp vào vùng đầu người bị hại mà chỉ dùng gậy đánh 1 nhát, đuổi theo ném viên gạch vào ngực khiến ông Hiền loạng choạng ngã ngửa, đập đầu xuống đất. Sau đó bị cáo Trường dùng tay dằn đầu ông Hiền xuống đất và đấm vào mặt ông Hiền hai ba nhát, gây tổn hại 80% sức khỏe. Việc xác định hành vi như vậy là thiếu sót, không đầy đủ và không phù hợp với thương tích của bị hại, mâu thuẫn với lời khai của các bị cáo và người làm chứng.

Căn cứ vào các kết luận pháp y cho thấy, thương tích của ông Phạm Văn Hiền tập trung hoàn toàn ở phần đầu, cả vị trí trước và sau gáy. Như vậy cần phải có một lực tác động rất mạnh trực tiếp đến phần đầu của người bị hại thì mới có thể gây tổn thương não nặng đến như vậy.

"Cáo trạng cho rằng thương tích ông Hiền một phần do tác động hành vi của bị cáo Trường dùng tay đấm vào mặt 2 cái. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thọ Xuân lại không xác định bị cáo đấm vào vùng nào trên mặt và thương tích tương ứng là gì, đồng thời hành vi dằn đầu được xác định cụ thể như thế nào, đó có phải là hành vi liên tiếp dập đầu người bị hại xuống đất hay không, cũng là một thiếu sót nghiêm trọng của cơ quan tố tụng. 

Việc đấm vào mặt người bị hại có thể phù hợp với 1 vết thương của ông Hiền tại hiện trường là bầm tím mi mắt, vậy những thương tích còn lại, bao gồm não thùy trán 2 bên bị giập, khuyết sọ vùng trán là do hành vi nào tác động gây nên? Việc xác định bị cáo đấm 2 phát vào mặt bị hại đã đầy đủ và nó có tạo ra thương tích tổn thương não như vậy hay không đều không được làm rõ?", luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

Ông Cường cũng cho rằng, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thọ Xuân đã có nhiều thiếu sót khi bỏ qua lời khai quan trọng của người làm chứng là bà Nguyễn Thị Dung. Lời khai này có nhiều tình tiết phù hợp với thương tích và vật chứng thu được tại hiện trường vụ án.

Cụ thể bà Dung khai rằng, khi vụ việc xảy ra, ông Phạm Văn Hiền chạy được khoảng 40-50m về phía bà này thì bị người đàn ông mặc áo trắng cầm xẻng, đánh phần cán xẻng vào vùng đầu phía sau. Sau đó ông Hiền ngã ngửa ra sau, nằm ra đường bê tông cách chỗ bà Dung đứng khoảng gần 30m. 

Khi ông Hiền ngã thì Quang liền bỏ chạy về hướng ngã tư, Hùng thì dùng tay không túm tóc ông Hiền nâng lên rồi đập phần đầu phía sau ông Hiền xuồng mặt đường bê tông 2-3 cái, vừa dập xuống vừa nói "mi chết luôn đi, mi chết luôn đi" rồi mới dừng lại. Thấy ông Hiền nằm ngất ở đường bê tông thì Hùng và hai người đàn ông liền bỏ đi...

Căn cứ lời khai của nhân chứng, hành vi dập đầu nhiều lần xuống mặt đường bê tông có phải là hành vi "dằn đầu" mà Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thọ Xuân đang buộc tội bị cáo Trường hay không cũng chưa được làm rõ.

"Tôi cho rằng lời khai của người làm chứng này là vô cùng quan trọng, có thể làm thay đổi bản chất vụ án nhưng không được các cơ quan tố tụng làm rõ và đưa vào nội dung vụ án. Nếu làm rõ hành vi này thì có đầy đủ căn cứ xác định các bị cáo có hành vi sử dụng hung khí nguy hiểm đánh vào vùng trọng yếu cơ thể người bị hại, thực hiện hành vi với lỗi cố ý và bỏ mặc hậu quả xảy ra, đủ căn cứ để chuyển tội danh của các bị cáo sang tội Giết người", luật sư Cường phân tích và cho rằng, kết hợp với việc Viện kiểm sát nhân dân huyện Thọ Xuân bỏ qua lời khai buộc tội của chính bị cáo cũng gây ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án.

Sinh hoạt hằng ngày của ông Hiền đều phải nhờ người khác giúp.

Cần làm rõ vai trò của kẻ chủ mưu

Theo luật sư Đặng Văn Cường, ngoài việc làm rõ hành vi của 3 bị cáo nói trên, cần phải làm rõ hành vi, vai trò của kẻ chủ mưu trong vụ việc là ông Nguyễn Văn Sơn. Theo nội dung cáo trạng, diễn biến sự việc cũng như lời khai của các bị cáo, người bị hại có thể thấy nguyên nhân ban đầu của vụ việc là mâu thuẫn giữa ông Nguyễn Văn Sơn và nạn nhân Phạm Văn Hiền.

"Tuy nhiên, đối tượng này luôn phủ nhận mình không tham gia vụ việc, chỉ cầm xẻng đứng giữ xe trâu. Trong khi mâu thuẫn trực tiếp đến từ đối tượng và 3 bị cáo trong vụ việc là người tấn công. Đó là điều không bình thường", luật sư Cường nhận định.

Qua hồ sơ vụ án cho thấy, lời khai của ông Sơn có nhiều điểm không trung thực và mâu thuẫn với lời khai của các bị cáo khác và người làm chứng. Như lời khai của bị cáo Nguyễn Bá Hùng cho thấy, ông Sơn đã cầm xẻng đập một cái theo hướng từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới vào cùng vai bên trái của ông Hiền. 

Lời khai của bị cáo Nguyễn Bá Quang cũng khẳng định, trong lúc xảy ra xô xát có thấy ông Sơn cầm xẻng cán sắt chạy đến chỗ ông Hiền. Cuối cùng là lời khai của bị cáo Nguyễn Văn Trường thì cho thấy, ông Sơn cầm xẻng cán sắt và không giữ xe trâu trong lúc xảy ra vụ việc. Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, lời khai của các bị cáo cũng phù hợp với lời khai của nhân chứng về việc thấy một người mặc áo trắng cầm xẻng, đánh trúng vào vùng đầu của ông Hiền.

Qua lời khai của các bị cáo và người làm chứng có trong hồ sơ vụ án nêu trên đều thể hiện ông Nguyễn Văn Sơn có tham gia vào vụ việc. Tại phiên tòa, luật sư Đặng Văn Cường cũng đề nghị cơ quan tố tụng tiếp tục đấu tranh, làm rõ hành vi, vai trò của Nguyễn Văn Sơn trong vụ án này vì lời khai của đối tượng này là không trung thực, không khách quan, có dấu hiệu trốn tránh.

Trước những luận cứ được các luật sư đưa ra, sau 4 ngày nghị án, chiều 8-7, Tòa án nhân dân huyện Thọ Xuân đã tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ các vấn đề được nhắc đến trong phiên tòa, đó là cơ chế hình thành vết thương, vật gây lên thương tích, ý thức chủ quan của các bị cáo khi phạm tội và đặc biệt là vai trò của ông Nguyễn Văn Sơn trong vụ việc.

Đinh Hiền
.
.
.