Cảnh báo tình trạng giả tìm người thân để lừa đảo

Thứ Tư, 05/08/2015, 16:00
Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Châu Phú, tỉnh An Giang xuất hiện tình trạng đối tượng giả vờ tìm người thân lâu ngày mới gặp. Sau đó, tạo vỏ bọc là người giàu có đến cho tiền, vàng nhằm tạo lòng tin để chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân.

Vào khoảng 10h ngày 9/6/2015, dựng lên kịch bản tìm cha mẹ nuôi thất lạc hơn 20 năm, Trần Văn Kiệt, sinh năm 1967, ngụ ấp Suối Nhum, xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiếp cận với gia đình bà Lê Thị Tiếm, ngụ ấp Mỹ An, xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú.

Để tạo lòng tin, Kiệt tạo vỏ bọc là một người sang trọng, giới thiệu mình hiện là chủ tiệm vàng ở TP.HCM và tặng ngay sợi dây chuyền 7 chỉ vàng 18K đang đeo ở cổ cho bà Tiếm. Nhận thấy các thông tin mà Kiệt cung cấp về các thành viên trong gia đình chính xác và biết rõ câu chuyện về đứa con nuôi của vợ chồng bà Tiếm là một chiến sĩ quân đội bị mất liên lạc nhiều năm. Sau đó, Kiệt còn hứa hẹn cho các nạn nhân số tiền 300 triệu đồng để trả ơn nuôi dưỡng trước kia, khiến cho gia đình bà Tiếm rất tin tưởng.

Đối tượng Kiệt tại cơ quan điều tra.

Theo bà Lê Thị Tiếm cho biết: "Nhìn đối tượng ăn mặc sang trọng, đeo nhiều vàng và nói chuyện rất lịch sự, biết tên nhiều người trong nhà, nên cứ tưởng là đứa con nuôi của mình ngày xưa thật. Trao đổi một lúc, đối tượng xin tôi một số tiền nói để làm kỷ niệm. Thấy vậy, tôi vét túi đưa cho 1.200.000 đồng. Ai ngờ lại gặp kẻ lừa đảo". Do nhà ở cạnh nhau nên ông Đỗ Văn Chất cũng sang chúc mừng anh chị của mình tìm lại được đứa con nuôi.

 Thấy được gia đình bà Tiếm tin tưởng nên Kiệt tiếp tục tạo lòng tin với ông Chất. Sau khi Kiệt hứa hẹn giúp đỡ ông Chất 100 triệu đồng để làm ăn và viện cớ đi mua hoa quả về cúng ông bà, tổ tiên trong gia đình nhưng không mang theo tiền mặt, nghe Kiệt đề nghị vay mượn, vợ chồng ông Chất đã không một chút nghi ngờ đưa ngay cho Kiệt 3 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đối tượng lên xe tẩu thoát thì các nạn nhân vẫn chưa biết mình bị lừa, chỉ đến khi chờ quá lâu không thấy Kiệt trở lại như đã hẹn thì các nạn nhân mới biết mình sập bẫy lừa của Kiệt.

Trước đó, cũng với phương thức, thủ đoạn tương tự, vào ngày 24/1/2015, Kiệt đến nhà bà Lê Thị Ngọc, ngụ xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang giả vờ làm con nuôi và trở về đền ơn cho bà Ngọc. Sau khi Kiệt tặng bà Ngọc sợi dây chuyền bằng vàng giả và hứa hẹn cho 300 triệu đồng, bà Ngọc đã không chút nghi ngờ đưa cho Kiệt 600 ngàn đồng.

Tại cơ quan Công an, Kiệt khai nhận: "Trước khi thực hiện lừa đảo, Kiệt đã tìm hiểu trước về gia đình các nạn nhân thông qua việc hỏi thăm hàng xóm để biết về các thành viên trong gia đình, tài sản của nạn nhân. Sau đó, tạo vỏ bọc giàu có là chủ tiệm vàng về tìm người thân để trả ơn và tặng nhiều vàng giả, hứa hẹn cho nhiều tiền tạo lòng tin cho nạn nhân. Nhưng chủ yếu là đánh vào lòng tham của các nạn nhân, chứ thật sự họ chẳng biết tôi mà tôi cũng không biết họ".

Lực lượng chức năng đang dẫn giải Kiệt.

Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Châu Phú đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Kiệt về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" để tiếp tục điều tra làm rõ. Đây là đối tượng từng có một tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vừa mới chấp hành án phạt tù 6 năm 6 tháng tù, ra tù vào năm 2014 thì lại tiếp tục phạm tội.

Vụ án trên là hồi chuông cảnh báo cho người dân, nhất là khu vực nông thôn cần hết sức thận trọng khi có người lạ đến tìm người thân quen. Không nên cho người lạ vào nhà cũng như cho vay mượn tiền khi chưa biết họ là ai. Phải cân nhắc, xem xét trước khi cho người mới quen vay mượn tài sản khi không có gì đảm bảo. Nếu phát hiện những đối tượng có biểu hiện nghi vấn nên nhanh chóng báo ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý kịp thời.

Quỳnh Mai
.
.
.