Chấm dứt hoạt động “bảo kê” do Loan “cá” cầm đầu

Thứ Sáu, 08/05/2020, 13:33
Ngày 5/5/2020, các trinh sát Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Đồng Nai đã triệt phá thành công băng nhóm chuyên “bảo kê” khu chợ, ghi lô đề, tổ chức cờ bạc do “nữ quái” Lý Thị Loan cầm đầu.


Giúp sức tích cực cho hoạt động của Loan có các đối tượng Hoàng Thị Tuyết Dung, Trần Công Đại, Nguyễn Văn Tuấn, Vũ Minh Tiến, Châu Cóp, Đỗ Xuân Dũng, Lê Trung Hiếu, Nguyễn Thanh Tuân, Đặng Thái Quốc và Huỳnh Minh Tuấn.

Khám xét khẩn cấp nơi ở của Loan, Nhung, Cơ quan điều tra thu giữ 11 cuốn sổ và 19 tờ giấy ghi chép họ tên những tiểu thương mà chúng thu tiền hàng ngày và hàng tháng, 1 máy iPad, gần 300 triệu đồng tiền mặt và một số  tang vật khác có liên quan đến hoạt động “bảo kê”do Loan “cá”cầm đầu...

Tóm gọn các đối tượng đang thu tiền bảo kê của tiểu thương.

1. Sinh năm 1981 trong một gia đình nông dân nghèo ở tỉnh Đồng Tháp, nhà đông anh chị em, nên từ nhỏ các anh chị em Loan đã phải ra chợ, bến xe huyện bán bánh tét, bánh ú kiếm tiền nuôi sống bản thân.

Trong thời gian này, các anh chị em của Loan đều chí thú làm ăn nên đã dành dụm được chút vốn kha khá để lo cho gia đình riêng, còn Loan thì suốt ngày theo đám con trai hư hỏng đi cờ bạc. Chưa đủ 18 tuổi, cô ta đã cặp bồ với một gã trai nghiện hút ngoài phố huyện nên bao nhiêu tiền kiếm được đều đem cung phụng cho người yêu phủ phê trong vũng lầy ma túy và cờ bạc. Nhiều lúc bí bách, Loan còn mượn tiền của đám giang hồ mang về cho người yêu.

Đầu năm 2002, đám giang hồ cứ liên tục thúc ép phải trả tiền, nhưng trong túi không có một xu, lại bị người yêu ruồng rẫy, Loan trốn lên TP.Hồ Chí Minh kiếm việc làm. Nhưng có lẽ đất Sài Thành không phải chỗ dành cho Loan nên chỉ hơn một năm đã phải trôi dạt lên xã Hóa An, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai xin được một chân làm công nhân giày trong khu công nghiệp Pou Yuen.

Với cá tính ngang tàng từ khi còn ở quê nên thấy lương ba cọc, ba đồng, tiết kiệm lắm cũng chỉ đủ trả tiền thuê nhà và sinh hoạt cá nhân nên chỉ ít thời gian sau, Loan bỏ xí nghiệp, lang thang tìm việc mới với hy vọng có thu nhập cao hơn, nhưng tìm mãi vẫn không có công việc nào phù hợp.

Trần Công Đại trình bày hoạt động của nhóm “bảo kê” với PV.

Buổi chiều tan tầm một ngày đầu năm 2010, đang lang thang trước cổng khu công nghiệp giày may Pu Yuen ở xã Hóa An, TP. Biên Hòa, nhìn thấy một số người dựng xe đẩy bán đủ loại từ rau, củ, quả, thịt, cá cho đến những món bò bía, cá viên chiên…thu hút rất đông công nhân xúm lại mua nên ngay ngày hôm sau Loan cũng  ra bán cá diêu hồng.

Được một thời gian, khi thấy có nhiều người tụ về tìm chỗ bán hàng hóa các loại, Loan nảy sinh ý định làm giàu nhanh bằng cách thâu nạp một số đối tượng giang hồ, nghiện hút về dưới trướng mình rồi hàng ngày ra chợ ép tiểu thương phải nộp tiền với lý do để đảm bảo cho mọi người buôn bán mà không bị ai chèn ép…   

2. Trở lại với vụ án, theo Thượng tá Bùi Văn Đại - Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Đồng Nai, tháng 10-2019, các trinh sát phát hiện dấu hiệu về một băng nhóm tổ chức các hoạt động thu tiền bảo kê, cho vay nặng lãi, ghi lô đề đang hoạt động tại khu vực xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu nên tổ chức theo dõi.

Cuối năm 2019, khi đã xác định được danh tính, nơi ở của các đối tượng cầm đầu là Lý Thị Loan và Hoàng Thị Tuyến Dung, Ban chỉ huy Phòng đã quyết định báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh cho thành lập chuyên án đấu tranh. Thời gian đầu, công tác tiếp cận thu thập thông tin, củng cố chứng cứ gặp không ít khó khăn bởi Loan từng có tiền sự về hành vi gây rối nên cô ta thường xuyên tổ chức đội quân cảnh giới cài cắm khắp khu vực để theo dõi và bất cứ mọi nghi vấn dù là nhỏ nhất đều được báo ngay.

Ngoài ra, các nạn nhân bị chúng thu tiền “bảo kê” hầu hết là những người tha phương cầu thực, buôn bán nhỏ xung quanh Khu công nghiệp Thạnh Phú nên sợ bị trả thù, không ai chịu hợp tác mà chỉ cắn răng chịu đựng vì miếng cơm manh áo của cả gia đình.

Ban chỉ huy Phòng đã yêu cầu các trinh sát phải bám sát các đối tượng, kiểm soát chặt chẽ các khu vực mà chúng thu tiền “bảo kê”, đặc biệt phải tìm đến từng nhà những tiểu thương kiên trì giải thích để họ hiểu. Khi nạn nhân nào tự nguyện hợp tác hoặc làm đơn tố cáo thì Công an có biện pháp bảo vệ an toàn cho bản thân họ và những người thân trong gia đình. Với các biện pháp này, một số người buôn bán nhỏ đã mạnh dạn đứng ra tố cáo và phương án đấu tranh nhanh chóng được triển khai.

 14 giờ, ngày 5/5/2020, nắm được thông tin nhóm đối tượng đang tụ tập ở bãi trông giữ xe của cô ta để bàn chuyện chiếm lãnh địa của một băng nhóm khác. Ngoài ra Loan cũng yêu cầu đám “tay chân” nhanh chóng thu tiền của các hộ tiểu thương tại khu vực chợ Công ty TNHH Chang Shin thuộc ấp 1, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu nên Ban chỉ huy Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Đồng Nai đã triển khai kế hoạch vây bắt.

Các đối tượng Loan, Dung, Đại

Đến 17h cùng ngày, cơ quan điều tra bắt quả tang Lý Thị Loan, Hoàng Thị Tuyết Nhung cùng 9 đối tượng “đàn em” của Loan - Nhung đang thực hiện việc thu tiền “bảo kê” của những người buôn bán nhỏ, đồng thời thu giữ tại hiện trường 10 điện thoại di động, 4 xe gắn máy, và 160 triệu đồng tiền mặt.

Tiến hành khám xét nơi ở của đối tượng Lý Thị Loan và Hoàng Thị Tuyết Dung, thu giữ 4 cuốn vở học sinh, 7 cuốn sổ, 19 tờ giấy có ghi tên và số tiền của người nộp, 1 ipad, 1 điện thoại di động, 1 đầu thu camera, 1 xe mô tô, và 60.994.000đồng.

Sau khi các đối tượng trong nhóm của Loan bị bắt giữ, đã có hàng chục tiểu thương tại khu vực công ty Chang Shin đứng ra làm đơn tố cáo hành vi cưỡng đoạt tài sản của Loan và đồng bọn. Chúng thu tiền “bảo kê”, nhưng lấy danh nghĩa là tiền rác theo ngày và theo tháng. 

Các tiểu thương cũng bị đám đàn em của Loan dằn mặt trước, không được nói chuyện này với bất kỳ người lạ mặt nào, nhất là cơ quan chức năng, nếu không sẽ cho người đánh đập. Cứ mỗi ca của một người bán hàng vãng lai trong thời gian 1h đồng hồ trên diện tích 2m2, chúng thu từ 10.000-20.000 đồng tùy theo vị trí mặt tiền hoặc lùi sâu bên trong. Tiền tháng thì thu từ 400.000 đồng đến 1,6 triệu đồng/tháng/chỗ bán.

Theo trình bày của bà N: “Tôi từ quê Miền Trung vào Đồng Nai tìm kiếm việc làm và qua giới thiệu của một người bạn, tôi sắm xoong, nồi, bát, đũa, hàng ngày nấu chè mang ra chợ bán kiếm tiền nuôi hai con nhỏ ăn học. Vừa tìm được một chỗ thuận lợi để đặt gánh xuống, lập tức có hai thanh niên mặt mày bặm trợn đến dằn mặt rằng: “Muốn buôn bán ngon lành thì mỗi giờ phải nộp 20.000 đồng, còn nếu tính tháng sẽ được bán cả ngày mà phải nộp 1,6 triệu đồng. Thấy không chịu nổi thì biến đi nơi khác…”.

Vì miếng cơm, manh áo cho cả gia đình, tôi đành chấp nhận nộp tiền, nhưng suy đi tính lại thấy nộp tháng sẽ nhẹ hơn nên bà chọn loại hình này. Những tháng nắng, có đông công nhân ra ăn chè thì thu nhập còn khá và có tiền nộp cho Loan, còn những tháng mưa, buôn bán ế ẩm không có tiền nộp liền bị Loan xua đám “đàn em” đến chửi rủa, hăm dọa, thậm chí có khi còn đánh dúi mặt xuống nền đường gây thương tích mà không dám trình báo với Công an địa phương…”.

Tại cơ quan điều tra, lúc đầu, Loan, Dung cho rằng bản thân chỉ là tiểu thương bán cá như mọi người khác chứ không có chuyện hoạt động “bảo kê” thu tiền. Việc phát hiện tại hiện trường là do đám thanh niên tự ý đi xin chứ Loan hoàn toàn không biết. Tuy nhiên, trước những bằng chứng không thể chối cãi được, Loan, Dung đã phải cúi đầu nhận tội, nhưng biện minh rằng do làm ăn thua lỗ quá nên làm liều để kiếm tiền nuôi con và trả nợ…

Tuy nhiên theo lời khai của Trần Công Đại, trước đây, lúc còn bán cá ở khu vực cổng khu công nghiệp Pou Yuen thuộc địa bàn xã Hóa An, TP. Biên Hòa, Đại vào xin phụ việc thì Loan giao cho nhiệm vụ cứ lúc gần tan chợ thì đi thu tiền của những người cùng bán trong khu vực.

Nếu là người buôn gánh, bán bưng, ngồi ở vị trí không đẹp thì thu 5.000 đồng/ca, còn người ngồi chỗ đẹp thì thu 10.000 đồng/ca, và như vậy, mỗi ngày Đại thu và nộp cho Loan số tiền giao động từ 700.000-1.000.000 đồng.

Từ khi chuyển về địa điểm mới ở xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu (từ tháng 3/2019 đến nay), Loan giao bớt việc thu tiền cho Hoàng Thị Tuyết Dung và yêu cầu Dung tăng giá thu lên thành 10.000-20.000 đồng/ca/chỗ bán hàng trong thời gian 1 giờ đồng hồ, và nếu thuê ngày thì cứ nhân lên theo giờ. 

Riêng Đại dù là đệ tử ruột, nhưng khi lấy một ô cho người vợ đang mang thai bán cá để kiếm tiền chuẩn bị cho việc sinh nở cũng bị Loan đặt giá phải nộp mỗi tháng từ 400.000-600.000 đồng theo mùa nắng hay mùa mưa.

Loan, Dung cũng tổ chức một đội quân khoảng hơn chục đối tượng giang hồ, nghiện hút sẵn sàng dằn mặt và dùng hung khí đánh phủ đầu những tiểu thương nào chậm nộp tiền hoặc nói chuyện thu tiền “bảo kê” với người lạ hoặc chính quyền địa phương.

Cho đến nay, đã có trên 30 tiểu thương đến tố cáo hành vi thu tiền bảo kê của Loan, Dung. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục vận động những tiểu thương khác đứng ra tố cáo Loan, Dung để hoàn tất hồ sơ nhanh chóng đưa băng nhóm này ra xét xử trước pháp luật.

Đức Cương - Văn Hào
.
.
.