Chân dung kẻ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề

Thứ Ba, 26/08/2014, 15:11

Một trong hai đối tượng mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề mà Công an Hà Nội vừa bắt giữ là Phạm Thị Nguyệt, 35 tuổi, ở Ninh Bình. Nguyệt là kẻ thường xuyên đi chùa lễ bái. Một trong những ngôi chùa Nguyệt thường lui tới là chùa Bồ Đề. Cũng tại đây, Nguyệt kết thân với Nguyễn Thị Thanh Trang (quản lý nhà mở của chùa Bồ Đề) và hai kẻ sống dưới chân đức Phật này đã rắp tâm thành lập một đường dây mua bán trẻ em, khiến dư luận vô cùng căm phẫn.

Mặc cả với điều tra viên

Khi các điều tra viên Đội 12 Phòng PC45 Công an Hà Nội đến ngôi nhà trọ của Phạm Thị Nguyệt tại phường Giáp Nhị, quận Hoàng Mai thì thấy chị ta đang ở cùng 2 cháu bé. Trong căn phòng nhỏ xíu, bừa bộn, cháu Đức Anh (22 tháng tuổi) và Gia Hân (8 tháng tuổi) đang bò chơi trên đất. Vừa nghe một điều tra viên yêu cầu đến trụ sở Công an làm việc, vì nghi ngờ Nguyệt liên quan đến sự mất tích của cháu Cù Nguyên Công, Nguyệt biến đổi ngay sắc mặt. Chị ta lập tức bù lu bù loa khóc lóc, chống đối, đồng thời ôm chặt hai đứa trẻ khiến chúng sợ hãi khóc toáng lên.

Vừa khóc lóc, Nguyệt vừa ráo hoảnh quay sang một điều tra viên gạ gẫm: "Các anh ơi tha cho em, hết bao nhiêu để em lo liệu". Cơ quan điều tra đã thu giữ tại nhà Nguyệt nhiều tờ giấy chứng sinh, chứng nhận việc Nguyệt đã từng sinh con, nhưng khoảng cách giữa hai lần sinh chỉ cách nhau vài ngày. Một số giấy khai sinh đứng tên Nguyệt là mẹ đẻ, có tên các cháu khác nhau, nhưng phần tên của người bố để trống. Những giấy tờ này, cơ quan điều tra đang nghi ngờ được làm giả để phục vụ cho mục đích hợp thức hóa nguồn gốc của những đứa trẻ mà Nguyệt đang nuôi.

Khi được đưa về cơ quan Công an, Nguyệt luôn ôm chặt cháu bé Gia Hân nhằm cản trở, gây khó khăn cho công tác lấy lời khai của điều tra viên. Ban đầu, chị ta nhất định không chịu trao bé Gia Hân cho một nữ điều tra viên bế, chỉ đến khi nữ điều tra viên nói: "Tôi chăm trẻ con chắc chắn tốt hơn chị", Nguyệt mới miễn cưỡng trao cháu bé. Đúng thời điểm ấy, một điều tra viên nam phát hiện ở cánh tay cháu Đức Anh có một vết cấu bong cả lớp da, hóa ra là từ lúc ở nhà, khi thấy Công an đến đề nghị về trụ sở làm việc, Nguyệt đã cố tình cấu cháu Đức Anh để cho cháu bé khóc toáng lên, nhằm ngăn cản các điều tra viên thực thi nhiệm vụ.

Phạm Thị Nguyệt khai nhận, khi đi lễ ở chùa Bồ Đề, chị ta đã gặp Nguyễn Thị Thanh Trang - bảo mẫu kiêm quản lý khu nhà mở trong chùa Bồ Đề và năm 2012, Nguyệt đã mang một cháu bé chị ta nhận làm con nuôi, (nhưng sau này phát hiện ra cháu có HIV) gửi vào chùa Bồ Đề.

Sau đó, Nguyệt đã nhờ Trang tìm giúp một đứa bé làm con nuôi, hứa sẽ bồi dưỡng tiền. Khi chị H gửi con vào chùa, Trang đã đặt vấn đề với H., cho cháu Cù Nguyên Công làm con nuôi "một người chị dâu của Trang" (thực chất là Nguyệt). Đưa được bé Công ra khỏi chùa, Trang trao cho Nguyệt và đòi số tiền 40 triệu đồng nhưng Nguyệt mới đưa 35 triệu đồng.

Bà T - mẹ chồng của Nguyệt.

Tại cơ quan Công an, Nguyệt liên tục kêu khóc, ăn vạ, nằm lăn ra đất và đòi… chết. Khi biết hai cháu Đức Anh và Gia Hân được gửi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội, chị ta gào lên những lời lẽ thống thiết: "Trả con cho em, để em còn cho nó… bú", rồi "các anh muốn bắn, muốn giết cũng được nhưng em không thể xa con em một phút". Chỉ đến khi những tờ giấy của bệnh viện xác nhận Nguyệt không thể sinh con được đưa ra, chị ta mới chịu ngồi im và thừa nhận, cả hai đứa trẻ đều không phải là con của chị ta và nguồn gốc hai cháu bé này hiện cơ quan điều tra đang làm rõ.

Dựng vở kịch "cặp bồ với chồng chị"

Khi Trần Thị Thu H. (mẹ cháu Cù Nguyên Công) gọi điện cho Nguyệt thông báo về sự "quấy nhiễu" của anh Nguyễn Thanh Long (cha đỡ đầu của cháu Công), khi anh Long liên tục hỏi H. về tung tích của bé Công, Nguyệt đã gọi điện cho anh Long, nói mình là người đang nuôi bé Công, đồng thời thông báo tình trạng sức khỏe của Công rất tốt. Tuy nhiên, chị ta lại không cho anh Long địa chỉ để người cha đỡ đầu này đến thăm cháu.

Nguyệt "nổ" với anh Long, mình là nhà thiết kế thời trang, có xưởng may và cửa hàng riêng tại Giáp Bát, Hà Nội, chồng làm quan chức và đề nghị anh Long cứ yên tâm, không phải lo lắng gì cho cháu bé. Sau đó, Nguyệt và Trang đã hẹn Thu H. xuống Hà Nội vào ngày mùng 8 Tết năm 2014 để thống nhất một vở kịch hoàn hảo. Tại một nhà nghỉ gần ga Giáp Bát, Nguyệt đã đọc cho Thu H. viết một bản cam kết với nội dung, H. đã có quan hệ với chồng của Nguyệt nên sinh ra cháu Cù Nguyên Công. Do không có khả năng nuôi dưỡng nên H. đã nhường quyền nuôi dưỡng cho vợ của người tình (tức là Phạm Thị Nguyệt).

Tuy nhiên, người chồng của Nguyệt (người có tên trong bản cam kết này) đã chết từ trước đó khá lâu. Nghĩa là, H. sinh con với một người đã chết. Trong một số tin nhắn mà Nguyệt gửi cho H, Nguyệt đã dặn dò, nếu ai hỏi thì H. chỉ cần nói "đã trả cháu bé lại cho bố của nó" là xong.

Khi còn ở quê Ninh Bình, Nguyệt lấy chồng sớm và sinh được hai con gái, nhưng khai tại cơ quan Công an, Nguyệt vẫn leo lẻo nói đó là con riêng của chồng. Năm 2001, Nguyệt quen biết rồi yêu anh Phạm Văn H., 35 tuổi, quê ở Phú Túc, Phú Xuyên, Hà Nội. Nguyệt lấy tên là Minh Trang để che giấu thân phận. Hai người thuê nhà trọ tại Hà Nội và chung sống với nhau như vợ chồng.

 Năm 2006, anh H. đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Nguyệt đưa mẹ anh H. lên nhà trọ tại Định Công ở, nhờ bà trông nhà giúp mấy ngày vì chị ta có việc đi vắng. Bà T - mẹ anh H tình cờ phát hiện ra Nguyệt không phải tên là Minh Trang vì có lần bà nghe điện thoại gọi đến, đầu dây bên kia nói: "Cháu là con của cô Nguyệt". Âm thầm tìm hiểu sự việc, bà T. đã phát hiện ra sự thật, Minh Trang chỉ là tên giả của chị ta. Đến năm 2010, khi con trai bà về nước, nằng nặc đòi cưới Nguyệt, bà T đã cất công tìm về nhà Nguyệt ở Ninh Bình để điều tra thì được biết Nguyệt đã có chồng và có hai con.

Cháu Đức Anh và nhà báo Thu Trang (người đã cung cấp thông tin cho cơ quan Công an về vụ mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề).

Tuy nhiên, anh H. không tin vào sự "điều tra" của bố mẹ và vẫn một hai đòi cưới Nguyệt, dù bà T. đã xòe ra một tập ảnh bà thu thập được tại gia đình của Nguyệt. Bà yêu cầu con trai chấm dứt quan hệ với người phụ nữ đã có chồng con này, nhưng như bị ăn bùa mê thuốc lú, anh H. vẫn quyết tâm lấy Nguyệt làm vợ. Khi bà T gọi Nguyệt về, đưa ảnh cho chị ta xem thì Nguyệt giả ngây giả ngô như người vô can, phủ nhận việc đã có chồng và hai con, sau đó bỏ đi.

Tháng 3/2014, Nguyệt đưa về nhà bà T. 3 đứa trẻ là Phạm Đức Anh, Phạm Gia Hân và Phạm Gia Bảo (Gia Bảo chính là cháu Cù Nguyên Công) và nói với vợ chồng bà T, đó là con của Nguyệt và H., trong đó Gia Bảo và Gia Hân khoảng 3 tháng tuổi là sinh đôi.

Đến chiều 21/6, bà T. nhận được điện thoại của con trai thông báo bé Gia Bảo ốm nặng khó qua khỏi, đang ở bệnh viện. Bà T. vội vàng chạy đến bệnh viện nhưng đến chiều 27/6 thì cháu Gia Bảo (tức Cù Nguyên Công) đã qua đời. Hiện cháu bé được gia đình bà T chôn cất chu đáo tại nghĩa trang của thôn. Chỉ cách hôm bị bắt một tuần, Nguyệt và H. đã về xã làm thủ tục đăng ký kết hôn và nếu cơ quan điều tra không kịp thời phanh phui đường dây mua bán người ở chùa Bồ Đề thì một đám cưới chắc chắn sẽ diễn ra.

Vì sao Nguyệt lại nhận nuôi nhiều đứa trẻ dù chị ta đã có hai con gái ở quê, trong khi điều kiện kinh tế  không lấy gì làm khá giả? Những tờ giấy chứng sinh trong nhà trọ của chị ta liệu có liên quan đến những vụ mất tích bí ẩn của một số em bé trong chùa Bồ Đề hay không, là những điều cơ quan điều tra sẽ làm rõ.

 Trước khi Phạm Thị Nguyệt bị bắt, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với người đàn bà xảo quyệt này:

- Mỗi tháng chị kiếm được bao nhiêu tiền mà nhận nuôi nhiều trẻ thế?

- Thu nhập của em khoảng 6-7 triệu một tháng. Em yêu trẻ con lắm nên thấy hoàn cảnh của các cháu đáng thương thì xin về nuôi thôi.

- Chị đã có hai đứa con gái rồi mà!

- Đâu có. Đấy là hai đứa con riêng của chồng em. Chồng em đã mất vì tai nạn. (Ban đầu, Phạm Thị Nguyệt luôn nói mình chưa có con và phải nuôi hai con riêng của chồng, nhưng cả hai đứa con này hiện lại ở với bố mẹ Nguyệt).

- Tại sao chị lại nói dối hai cháu Đức Anh và Gia Hân là con đẻ của mình?

- Vì em không còn khả năng sinh con nên em nhận hai cháu về nuôi. Em sợ sau này người ta đến đòi con, nên em vào bệnh viện xin cái giấy chứng sinh cho chắc chắn. Các anh chị trong bệnh viện thương hoàn cảnh em không sinh nở được nên tạo điều kiện giúp đỡ, cũng không tốn kém gì nhiều. Bây giờ, nếu phải xa chúng nó, em thà chết còn hơn, đời em chỉ có mỗi hai đứa trẻ ấy thôi.

- Chị nói yêu thương trẻ con mà từ hôm cháu Cù Nguyên Công mất, chị đã về thắp hương cho cháu được mấy lần rồi?

- Sau 3 ngày của cháu, em nhờ mẹ chồng em (tức bà T, mẹ đẻ anh H) thắp hương. Em cũng định 49 ngày sẽ về cúng cho cháu.

- Thế còn đứa trẻ chị gửi vào chùa Bồ Đề từ năm 2012 khi biết cháu bị HIV thì sao? Vứt nó vào chùa và không một lần quay lại đúng không?

- Làm gì có chuyện đó. Chắc chị nhầm với ai.

- Chị xin hai cháu Đức Anh và Gia Hân từ ai?

- Im lặng.

- Tổng cộng, chị đã đưa bao nhiêu tiền cho Nguyễn Thị Thanh Trang để mua cháu Cù Nguyên Công?

- Em đưa cho Trang 35 triệu. Số tiền này em phải đi vay mượn. Thằng bé này hay ốm lắm, em tốn không biết bao nhiêu tiền cho nó. Khi nó bị bệnh sởi biến chứng chạy vào trong, em tốn mấy chục triệu chữa trị cho nó mà không khỏi.

- Giờ chị bị cơ quan điều tra bắt, không ai chăm sóc hai cháu, hay là đưa hai cháu vào chùa Bồ Đề gửi các thầy nuôi?

- Không, các anh chị gọi bố mẹ đẻ chúng nó lên bế về đi, em không cho vào chùa đâu. (khóc vật vã)

Đinh Hiền
.
.
.