Chiêu trò cũ, nạn nhân mới

Thứ Hai, 20/07/2020, 19:02
Những phụ nữ cô đơn, những người tham gia vào các hội nhóm tìm bạn tâm giao, tìm chồng ngoại quốc... là đối tượng mà những kẻ lừa đảo nhắm tới. Chúng thường đóng giả quân nhân giải ngũ, có triệu đô, tỷ đô  nhưng không có người thừa kế để cho, tặng bị hại. Loá mắt trước những tờ đô la ảo đó, hàng loạt phụ nữ bị mất tình, mất tiền, có người lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì tin "cựu chiến binh" từ phương trời Tây.


Một trong những nạn nhân của những kẻ lừa đảo đó là chị H.T.H, sinh năm 1980 ở phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn, Thanh Hoá. Vì hám lợi, chị H bị đối tượng người nước ngoài quen qua mạng xã hội lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền gần 900 triệu đồng.

Theo lời khai của nạn nhân thì quen một người đàn ông có nick name Johnson Alex vào khoảng đầu năm 2020. Qua nhắn tin trên mạng, Johnson Alex nói rằng mình là cựu chiến binh, chiến đấu ở Iran, có tài sản hàng triệu USD, qua tìm hiểu trên mạng thấy Việt Nam là nơi đáng sống nên muốn gửi tiền, nhờ chị H mua nhà, đất để về Việt Nam sinh sống tận hưởng tuổi già. 

Đối tượng còn vẽ ra viễn cảnh sẽ mang cả tỷ đô về Việt Nam sinh sống, giúp đỡ người nghèo. "Tôi thấy bạn là người hiền lành, có tâm nên tôi muốn nhờ bạn làm cầu nối để tôi mang tiền đến cho người nghèo. Tôi sẽ tặng tiền cho bạn và gia đình"... Hai người "tâm sự" nhiều ngày, nhiều lần khiến chị H ngày càng tin tưởng hơn. Johnson Alex còn chụp cho chị H xem vali đô la, các chứng từ tài khoản ngân hàng để chứng minh anh ta có tài sản lớn.

Sau đó, Johnson Alex bắt đầu "gửi triệu đô" về cho chị H để nhờ chị H mua giúp nhà. Tưởng đã cầm chắc trong tay số tiền lớn, chị H bắt đầu hi vọng. Tuy nhiên, mọi việc không dễ dàng như chị nghĩ, khi có người ở "sân bay" yêu cầu gửi tiền bảo lãnh để chị được nhận số tiền lớn gửi qua đường hàng không, yêu cầu chị chuyển 300 triệu.

Đối tượng Godwin khai báo hành vi phạm tội tại Công an Thanh Hóa.

Tiếp đó, lại có người ở "Hải quan" gọi điện yêu cầu nộp tiền bảo lãnh...Trong nhà, chỉ có hơn 200 triệu, ngay từ lần đầu tiên chị H đã gửi hết nhưng vì quá ham số tiền triệu đô, chị chạy vạy khắp nơi, thậm chí vay lãi ngày để nộp tiền "bảo lãnh". Khi số tiền quá lớn, lên đến gần 900 triệu đồng, biết chị H không còn khả năng nữa, lập tức Johnson Alex lộ nguyên hình là tên lừa đảo. Hắn và đồng bọn tắt điện thoại, không cho liên lạc. Trước khi tắt điện thoại, "tỷ phú" Johnson Alex còn "dội nước lạnh" chị H bằng câu nói chia tay: ngu và tham thì chết chứ đứa nào tự nhiên cho triệu đô. Đến lúc đó, chị H mới ngã ngửa vì số tiền quá lớn, nợ nần chồng chất, có thể mất nhà, mất gia đình.

Đến trình báo tại Công an tỉnh Thanh Hoá, chồng chị H cho biết, hai vợ chồng đã thống nhất bán nhà để trả nợ cho những người chị H đã vay tiền.

Sau 45 ngày kiên trì điều tra, xác minh và áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an Thanh hóa đã phát hiện đối tượng Ajearo Chuckwugekwu Godwin mang quốc tịch Nigeria là thủ phạm chính trong vụ án lừa đảo gần 900 triệu đồng của chị H.T.H và cũng là đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo xuyên quốc gia qua mạng Internet.

Tại cơ quan Công an, đối tượng Ajearo Chuckwugekwu Godwin khai nhận: Do biết tâm lý phụ nữ Việt Nam rất thích được nhận quà từ nước ngoài về nên Ajearo Chuckwugekwu Godwin đã sang Việt Nam, câu kết với một số đối tượng ở TP Hồ Chí Minh và lên mạng xã hội facebook với nick name Johnson Alex để làm quen với một số phụ nữ người Việt Nam. Sau khi làm quen, bọn chúng đã trò chuyện và hứa hẹn sẽ gửi quà là vàng bạc, trang sức và ngoại tệ cho những người phụ nữ "nhẹ dạ cả tin" này qua các nhân viên hàng không cầm về với điều kiện là những người nhận quà phải gửi một khoản phí qua tài khoản ngân hàng cho những nhân viên hàng không. Bằng thủ đoạn đó, Ajearo Chuckwugekwu Godwin đã lừa chị H.T.H tổng số tiền gần 900 triệu  đồng.

Cũng chính nhóm đối tượng Ajearo Chuckwugekwu Godwin cầm đầu đã lừa đảo hàng chục phụ nữ, bị Công an Thừa Thiên -Huế bắt giữ.

Theo hồ sơ điều tra từ cơ quan công an, khoảng cuối tháng 4-2020, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận được đơn trình báo của bà C.T.N.H (TP Huế) về việc bị một đối tượng người nước ngoài lừa đảo chiếm đoạt số tiền 3,9 tỷ đồng. Từ thông tin do bà N.H cung cấp, đơn vị đã lần theo dấu vết dòng tiền tại các ngân hàng, phát hiện số tiền 3,9 tỷ đồng của bà N.H được chuyển vào nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau, mọi hoạt động rút tiền đều thực hiện tại các cây ATM trên khắp địa bàn TPHCM...

Sau hơn 15 ngày điều tra, nắm địa bàn, triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ khác nhau, tổ công tác đã phát hiện và truy tìm được các đối tượng có liên quan đến việc lừa đảo tiền của bà C.T.N.H là: Ugochukwu Samuel Nnaemeka, Stanley Chidiebere Umed, Nnaka Chibuzor Frankline, Ngô Hãi Nghi, Vũ Ái Linh.

Tại cơ quan Công an, đối tượng Ngô Hãi Nghi khai nhận: "Tôi được phân công dùng CMND giả để mở tài khoản và giao lại cho Ugochukwu Samuel Nnaemeka quản lý. Sau khi Ugochukwu Samuel Nnaemeka nhận được thông tin chuyển tiền từ các vụ lừa đảo sẽ chỉ đạo tôi, Stanley Chidiebere Umed, Nnaka Chibuzor Frankline và Vũ Ái Linh đi rút và được trả công từ 2 đến 10% trên tổng số tiền rút được. Số tiền chúng tôi được giao rút từ một nạn nhân ở Huế là 470 triệu đồng...".

Từ lời khai của nhóm 5 đối tượng cùng với tài liệu, chứng cứ thu được, Ban chuyên án xác định và bắt giữ thêm một mắt xích quan trọng trong đường dây này là đối tượng Phạm Ngọc Duy. Đối tượng này chịu trách nhiệm tìm mua các tài khoản ngân hàng rồi bán cho nhóm đối tượng người nước ngoài với giá từ 7-8 triệu đồng.

CMND giả để mở tài khoản ngân hàng phục vụ cho việc rút tiền lừa đảo.

Đồng thời, các đối tượng người nước ngoài này cũng giao lại tài khoản cho Duy để Duy rút tiền cho chúng, mỗi lần Duy rút tiền sẽ được hưởng 2% trên tổng số tiền rút. Từ thông tin do Phạm Ngọc Duy cung cấp, cơ quan chức năng xác minh và tạm giữ thêm 3 đối tượng người Nigeria gồm Chukwugekwe Godwin Ajearo Ugochukuwu Okechukwu James  và Ogo Emeka  Donal.

Các đối tượng này không liên quan đến vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà C.T.N.H nhưng lại liên quan đến nhiều vụ án lừa đảo ở các tỉnh, thành phố khác như Thanh Hóa, Nghệ An, TPHCM, Tuyên Quang, Quảng Nam. Qua kết quả điều tra, có thể xác định đây là một tổ chức tội phạm quốc tế lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất quy mô, xuyên quốc gia, có tổ chức cấu kết chặt chẽ với đối tượng trong và ngoài nước.

Đối tượng cầm đầu đường dây này là Dalaxy Dave (người Nigieria, hiện ở Campuchia) điều hành mọi hoạt động trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Daxaly trực tiếp sử dụng Facebook, Zalo, Whatsapp… kết bạn với các bị hại người Việt Nam, trò chuyện, làm quen, tạo lòng tin với bị hại, dùng các thủ đoạn như giả danh quân nhân Mỹ gửi tặng quà có giá trị lớn về Việt Nam, rủ đầu tư, góp vốn kinh doanh tại nước ngoài.

Dalaxy còn chỉ đạo các đối tượng tại Việt Nam hack các tài khoản Facebook, liên hệ mua hàng online rồi gửi các đường link yêu cầu người bán hàng cung cấp mã OTP từ đó lấy trộm tiền trong tài khoản. Chúng còn giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án... gọi điện cho nhiều nạn nhân đe dọa khiến nhiều người lo sợ phải nộp tiền vào các tài khoản ngân hàng đối tượng cung cấp.

Khi bị hại đã "dính câu" thì Dalaxy gửi số tài khoản ngân hàng để người bị hại chuyển vào đó. Sau khi số tiền được chuyển vào tài khoản, Dalaxy chỉ đạo các nhóm đối tượng rút tiền.

Bằng thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, chỉ trong thời gian ngắn, nhóm này đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 120 tỷ đồng của nhiều nạn nhân trên cả nước.

Lực lượng công an đã phát hiện, thu giữ tại nhà của các đối tượng nhiều tang vật liên quan đến hoạt động phạm tội gồm: 71 tài khoản ngân hàng, hơn 50 CMND giả cùng nhiều điện thoại di động và xe máy, tài khoản Facebook phục vụ cho việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trung tá Trịnh Văn Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, các đối tượng thường đánh vào tâm lý hám lợi hoặc cô đơn, cần tình cảm của phụ nữ để lừa đảo. Chúng thường sử dụng điện thoại trên nền Internet và nhiều sim rác khác nhau để liên lạc. Sau khi lừa đảo được, chúng sẽ tắt máy.

Trung tá Trịnh Văn Sơn đề nghị, để phòng ngừa, trước hết, các bị hại cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không tin các đối tượng lừa đảo bởi sẽ không có khoản tiền nào "từ trên trời rơi xuống", các ngân hàng nên triển khai hệ thống nhận dạng bằng sinh trắc (nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng bằng vân tay) khi người dân mở tài khoản, rút tiền. Có như vậy sẽ ngăn chặn được các đối tượng làm CMND giả để mở tài khoản ngân hàng phục vụ cho việc rút tiền lừa đảo.

Thủy Phương
.
.
.