Chuyện ly kỳ và ghê rợn về một đại ca mù chữ của băng cướp tuổi teen ở Quảng Ninh

Thứ Tư, 02/01/2013, 17:27

Vài tháng vào khoảng thời gian cuối năm 2011, đầu năm 2012, trên địa bàn thành phố Hạ Long và các vùng lân cận của tỉnh Quảng Ninh liên tục xảy ra các vụ cướp táo tợn ngay ở những tuyến quốc lộ. Dồn dập các vụ cướp xảy ra khiến quần chúng nhân dân vô cùng hoang mang. Dù lực lượng chức năng ngay lập tức vào cuộc nhưng băng cướp này vẫn “coi trời bằng vung” và liên tiếp gây án.

Điên cuồng gieo rắc tội ác

Toàn bộ câu chuyện về băng cướp này bắt đầu từ một nhóm thanh niên trẻ tuổi sống ở khu vực phường Hà Lầm - Hạ Long (Quảng Ninh), khi đối tượng tên Nguyễn Đình Huy, sinh năm 1994, cầm đầu một nhóm đối tượng tổ chức đi cướp giật trên đường phố. Huy cùng nhóm bạn của mình vốn nổi tiếng ở khu vực bản địa bởi thói ăn chơi, tụ tập gây nhũng nhiễu cho đời sống nhân dân. Đều là đám thanh niên “trẻ trâu” không nghề nghiệp, để có tiền tiêu xài, Huy đã huy động đám ong ve đi cướp đường. Cách gây án mà băng nhóm của Huy áp dụng rất đơn giản, chúng sử dụng dao, kiếm, bình xịt hơi cay rồi đi xe máy “lượn phố” tìm con mồi thích hợp sẽ ra tay. Thường thì nhóm của Huy sẽ đi từ 2-3 xe máy kẹp đôi hoặc ba, 1-2 đối tượng sẽ trực tiếp gây án còn những kẻ khác sẽ đóng vai trò hỗ trợ.

Vụ án đầu tiên mà nhóm của Huy gây ra là vào ngày 28/12/2011, khi đó Huy rủ bạn là Nguyễn Duy Ninh xuống khu vực Quang Hanh - Cẩm Phả để gây án. Bản thân Huy nắm rất rõ địa bàn nên đã quyết định chọn đây là địa điểm để “mở hàng”. Trước khi cùng đối tượng Ninh đi xe máy đến Cẩm Phả, Huy đã chuẩn bị một con dao quắm để làm hung khí. Đêm ngày 28, Huy cùng Ninh “lượn đường” ở khu vực Cẩm Phả để săn mồi. Khi 2 đối tượng này di chuyển đến khu vực dốc Đèo Bụt thì phát hiện anh Phạm Văn Thắng đang đi trên chiếc xe máy hiệu Yamaha theo hướng về thành phố Cẩm Phả. Lợi dụng lúc nửa đêm vắng người, nạn nhân lại đi một mình nên Huy và Ninh quyết định sẽ ra tay.

Huy và Ninh áp sát vào anh Thắng sau đó dùng dao quắm tấn công. Bị tấn công bất ngờ nhưng anh Thắng đã may mắn nhanh chân tháo chạy nên đã giữ được tính mạng. Cướp được xe của anh Thắng, Huy và Ninh mang về khu vực phường Hà Trung sau đó chúng tháo biển số rồi bán cho một người không quen biết được hơn 4 triệu đồng chia nhau tiêu xài. Có được số tiền tiêu xài một cách quá dễ dàng, Huy và Ninh bàn tính với nhau rủ thêm đám bạn để cùng đi gây án. Cách gây án của Huy vẫn chẳng có gì thay đổi và ngay cả địa bàn gây án chúng vẫn chọn Cẩm Phả vì nghĩ rằng đây là “mảnh đất lành”. Đêm ngày 8/1/2012, Huy, Ninh rủ thêm bạn là Tạ Mạnh Tuấn cùng bàn kế hoạch “lượn đường”. Thực ra, nhóm của Huy chẳng bàn luận nhiều mà chỉ thống nhất phương thức gây án cũng như phân công nhiệm vụ của từng người khi thực hiện việc cướp.

Khoảng 22 giờ, nhóm của Huy có mặt tại khu vực thành phố Cẩm Phả. Vào khoảng thời gian này, trên các con đường của thành phố này đều đã vắng vẻ người dân qua lại nên Huy quyết định chọn đây là thời điểm gây án. Theo phân công, Huy sẽ cầm dao quắm, Tuấn cầm bình xịt hơi cay còn Ninh điều khiển xe máy. Chúng cùng lượn lờ trên các con đường để săn con mồi thích hợp. “Lượn đường” được một lúc thì nhóm của Huy phát hiện ra anh Thân Văn Phương, quê ở Bắc Giang đang đi một chiếc xe máy tay ga rất mới. Lúc này, đường phố đã rất vắng vẻ nên Huy quyết định ra tay. Nhóm của Huy đi xe áp sát vào anh Phương rồi dùng bình xịt hơi cay tấn công. Trước tình huống đó, anh Phương đã bỏ xe để tháo chạy nên nhóm của Huy đã dễ dàng chiếm đoạt được chiếc xe.

Ảnh minh họa

Nhóm của Huy tiếp tục mang “chiến lợi phẩm” về khu vực phường Hà Trung để tiêu thu. Vì xe mới mua nên giá trị lớn, nhóm của Huy bán được 14,5 triệu đồng sau đó chia nhau cùng tiêu xài. Với số tiền có được từ những chiếc xe đi ăn cướp, Huy cùng đồng bọn thỏa thích ăn chơi, hút chích. Điều quan trọng là sau 2 vụ án chúng gây ra vẫn chưa có dấu hiệu bị lực lượng điều tra sờ gáy nên tất cả đều cảm thấy hả hê và tự mãn. Riêng về Huy, sau 2 vụ “lượn đường” ở thành phố Cẩm Phả đã quyết định án binh bất động chưa vội ra tay. Tuy nhiên, Huy im tiếng nhưng những đồng bọn trong hội lại chẳng ngồi yên vì thấy việc “kiếm tiền” là quá dễ dàng.

Đến đêm ngày 7/2/2012, Tạ Mạnh Tuấn, kẻ trong hội của Huy đã rủ Cao Thành Long, Vũ Hoàng Long đi gây án. Không giống như Huy, Tuấn quyết định gây án ngay ở thành phố Hạ Long chứ không đi xuống các vùng xa xôi để hoạt động. Tuấn chọn đoạn đường bê tông Hùng Thắng để gây án vì ở đây mỗi khi trời tối thường khá vắng vẻ.

Phương thức thủ đoạn của Tuấn cũng chẳng khác nhiều so với Huy, cũng dùng dao kiếm, bình xịt hơi cay để tấn công. Đêm ngày 7/2, nhóm của Tuấn tấn công anh Vũ Văn Bình là người sống ở thành phố Hạ Long khi đang đi chơi cùng với bạn gái. Sau khi cướp được xe của anh Bình, nhóm của Tuấn giao “chiến lợi phẩm” cho đối tượng Cao Thành Long nhiệm vụ đi tiêu thụ. Tuy nhiên, trong quá trình mang xe đi tẩu tán, Long lại bị một nhóm khác cướp mất. Vậy là nhóm của Tuấn đã “công cốc” sau cả đêm lần mò gây án.

Quá uất ức với việc bị nẫng tay trên chiến lợi phẩm, Tuấn gặp Huy để cùng bàn kế hoạch đi cướp vụ tiếp theo. Lần này, chúng tập hợp lực lượng đông hơn và đi trên 2 chiếc xe máy tới khu vực phường Hồng Hà (thành phố Hạ Long) để gây án. Phi vụ này, chúng cướp được chiếc xe của anh Phạm Hồng Quảng khi anh đang ngồi tâm sự với bạn gái ở trên đường. Chiếc xe cướp được, cả nhóm không mang đi tiêu thụ như lần trước mà cùng định giá, Huy sử dụng và có trách nhiệm phải đưa tiền cho những đối tượng khác. Huy cầm chiếc xe và đi được 4 ngày thì chuyển giao cho một người khác để lấy tiền. Bản thân người nhận mua xe của Huy cũng biết đó là xe phạm tội mà có nhưng vì tham rẻ nên vẫn lấy. Tuy nhiên, người mua xe của Huy sau đó cũng chuyển nhượng lại chiếc xe này cho một cô gái tên Lê Phương Thảo, sinh năm 1996. Thảo điều khiển và sau khi mua chỉ vài hôm đã gây ra vụ tai nạn chết người nên chiếc xe này đã bị lực lượng chức năng giữ lại.

Vì việc thực hiện các vụ cướp quá dễ dàng nên nhóm của Huy chẳng hề mảy may đến việc sẽ bị Công an điều tra, bắt giữ. Các vụ cướp sau đó diễn ra một cách thường xuyên hơn ở trên nhiều địa bàn khác nhau. Khi mà quần chúng nhân dân đồn thổi nhau về các vụ cướp do băng hội của Huy gây ra, đời sống nhân dân ở thành phố Hạ Long rất hoang mang. Vì nhóm của Huy thường gây án vào buổi đêm nên người dân Hạ Long càng cảm thấy lo lắng hơn mỗi khi ra đường vào khoảng thời gian này. Tuy nhiên, khi mà băng nhóm của Huy đang hả hê với những chiến lợi phẩm mình có được thì cũng là lúc lực lượng Công an tỉnh Quảng Ninh vào cuộc điều tra. Do tất cả các nạn nhân đều không thể nhận dạng được các đối tượng gây án nên việc điều tra của Công an lúc ban đầu gặp rất nhiều khó khăn. Huy và đồng bọn chưa cảm nhận được việc mình đang bị điều tra nên vẫn tiếp tục gây án một cách điên cuồng.

Giăng lưới truy bắt băng cướp “trẻ trâu”

Sau khi nhận được thông tin từ các nạn nhân bị cướp, Công an tỉnh Quảng Ninh đã ngay lập tức xác lập chuyên án để điều tra. Rất nhiều mũi trinh sát đã tỏa đi các hướng để truy tìm dấu vết của băng cướp. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là ở chỗ, nạn nhân không thể nhận dạng được các đối tượng gây án, địa bàn xảy ra các vụ cướp lại ở các khu vực khác nhau nên việc khoanh vùng gặp vô vàn khó khăn. Tuy nhiên, việc điều tra phải được thực hiện một cách gấp rút vì trong đời sống nhân dân vẫn đồn thổi về hàng loạt các vụ cướp diễn ra.

Đối tượng Nguyễn Đình Huy, tức Cò "điên". Đối tượng Vũ Hoàng Long, đồng bọn của Cò "điên".

Đến khoảng tháng 3/2012, khi công tác điều tra của lực lượng Công an vẫn chưa thu được nhiều kết quả thì băng cướp của Huy lại tiếp tục gây án. Rạng sáng ngày 14/3/2012, Huy cùng với Tuấn, Long mang theo hung khí đến khi vực cầu Đôi Cây thuộc phường Hà Khánh, thành phố Hạ Long để gây án. Huy xác định trước lúc lên đường là phải chọn được ai đi xe đẹp, có giá trị cao mới cướp chứ không thèm đả động đến mấy chiếc xe cũ nát. Ngồi ở khu vực này đến hơn 5 giờ sáng, nhóm của Huy phát hiện ra anh Đỗ Bình Dương điều khiến chiếc xe ga hiệu Yamaha vừa đi qua cầu. Nhận thấy đây là con mồi dễ “xơi” nên nhóm của Huy đã nhanh chóng bán theo để tiến hành cướp. Khi đã đuổi kịp được nạn nhân, nhóm của Huy ngay lập tức áp sát và tấn công, nạn nhân lúc này chỉ còn cách “bỏ của chạy lấy người”. Cướp được xe, nhóm của Huy nhanh chóng mang đi tẩu tán để lấy tiền tiêu xài.

Trước tình hình băng cướp của Huy vẫn điên cuồng gây án, Ban chuyên án của Công an tỉnh buộc phải tăng cường lực lượng để đẩy nhanh tiến độ điều tra. Lực lượng trinh sát tỏa đi rất nhiều hướng khác nhau để nhanh chóng tìm ra đầu mối thông tin của băng cướp. Những khu vực vắng vẻ, nhạy cảm vào mỗi buổi đêm đều được lực lượng Công an tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác. Không chỉ những khu vực từng xảy ra các vụ cướp mà trên hầu hết các địa bàn của thành phố Hạ Long đều có lực lượng tuần tra quyết liệt. Sự tăng cường của lực lượng Công an vào mỗi buổi đêm đã khiến cho nhóm của Huy không còn manh động gây án như trước.

Về phía Công an, ngoài việc thu thập thông tin từ quần chúng nhân dân, việc dò tìm thông tin từ những tang vật của các vụ cướp cũng là một hướng điều tra vô cùng hiệu quả. Sau một thời gian tích cực điều tra, Ban chuyên án bước đầu đã tìm được đầu mối thông tin về băng nhóm của Huy là thủ phạm gây ra hàng loạt vụ cướp. Kế hoạch bắt giữ được xây dựng kèm theo đó là việc củng cố tài liệu, chứng cứ cũng được gấp rút hoàn thành. Khi đã có trong tay đầy đủ các tài liệu để chứng minh tội trạng của Huy cùng đồng bọn, Công an tỉnh Quảng Ninh đã quyết định triển khai lực lượng bắt giữ các đối tượng nghi vấn. Huy bị bắt giữ đầu tiên, sau đó đến hàng loạt những đối tượng như Tuấn, Long, Ninh… cũng lần lượt sa lưới. Sau khi các đối tượng bị bắt giữ, ban đầu chúng tỏ rõ thái độ chống đối, bất hợp tác với cơ quan điều tra. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ hiệu quả, Huy cùng với đồng bọn của mình cuối cùng đã phải cúi đầu nhận tội.

Huy và đồng bọn đã thừa nhận gây ra tổng số 8 vụ cướp ở nhiều địa bàn thuộc tỉnh Quảng Ninh. Vụ gần nhất với thời điểm bị bắt là nhóm của Huy gây án ở khu vực quán cà phê Bản Xứ nằm ở khu vực phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long. Tang vật của vụ án cũng được nhóm của Huy nhanh chóng tẩu tán lấy tiền chia chác nhau. Ban chuyên án sau khi bắt được Huy và đồng bọn đã nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để ra quyết định khởi tố vụ án. Tổng số có 8 đối tượng được đưa vào diện khởi tố với 3 tội danh là: Cướp tài sản, Không tố giác tội phạm và Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Tên đầy đủ của 8 đối tượng trong băng cướp bị Công an bắt giữ là Nguyễn Đình Huy, Nguyễn Duy Ninh, Tạ Mạnh Tuấn, Cao Thành Long, Vũ Hoàng Long, Hoàng Anh Cường, Lê Văn Hùng và Lê Văn Hòa. Bắt gọn được nhóm cướp, chuyên án của Công an tỉnh Quảng Ninh cũng thu được kết quả thắng lợi. Tuy nhiên, giá trị cụ thể nhất mà chuyên án này mang lại chính là việc đời sống của quần chúng nhân dân ở một số địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã trút bỏ đi được gánh nặng. Người dân ra đường vào buổi tối không còn cảm giác lo lắng như trước.

Chân dung tên tướng cướp trẻ tuổi

Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, đối tượng cầm đầu Nguyễn Đình Huy vẫn thường được giới giang hồ gọi bằng cái tên Còi “điên”. Huy sinh năm 1994, nhà ở khu vực phường Hà Trung, thành phố Hạ Long. Bản thân Huy là một kẻ sống lang thang từ nhỏ, nổi tiếng là hư hỏng ở khu phố sinh sống, từng gây ra nhiều vụ đánh nhau gây náo loạn.

Tìm hiểu sâu hơn về gia cảnh của Huy thì từ nhỏ đối tượng này đã thiếu sự quan tâm, giáo dục của cha mẹ. Khi Huy còn nhỏ, bố mẹ đã chia tay nhau. Sống cùng người cha suốt ngày rượu chè, Huy dường như không có được sự quan tâm cần thiết để phát triển như những đứa trẻ bình thường khác. Trưởng thành trong một môi trường phức tạp, từ bé Huy đã sớm hấp thụ những thói hư tật xấu của xã hội. Huy không đi học, chỉ ở nhà lêu lổng, chơi bời. Bản thân người cha của Huy cũng không quan tâm nhiều đến con nên cũng chẳng cho đi học. Chính vì lý do này mà khi lớn lên Huy trở thành một kẻ mù chữ, ngay đến cả tên mình cũng không biết viết.

Thiếu hẳn sự quan tâm của gia đình và trường lớp, không được giáo dục như những đứa trẻ bình thường, tuổi thơ của Huy chỉ biết đến đánh nhau, rồi trộm cắp vặt. Huy trưởng thành một cách hết sức tự nhiên và theo bản năng, dĩ nhiên với một môi trường phức tạp như ở thành phố Hạ Long, cậu bé này sẽ chẳng thể nào tìm được một hướng đi đúng đắn cho bản thân mình. Chưa đầy 20 tuổi nhưng nhìn Huy đã có dáng vẻ phong trần, cứng cáp hơn so với những bạn bè cùng tuổi. Đua đòi theo đám trẻ hư hỏng cùng khu phố, để theo kịp được lớp đàn anh, đàn chị, Huy đã phải tự làm hỏng bản thân mình bằng cách tham gia vào hầu hết các cuộc chơi. Huy có sở thích hay đi chơi đêm, mọi hoạt động đều vào lúc khi mặt trời đã tắt, cũng chính từ đây, bạn bè đặt cho biệt danh là cò đi ăn đêm. Tính cách ngông cuồng, điên loạn, chẳng biết phân biệt phải trái, trắng đen, sống hoang dã nên mọi người gọi Huy là Cò “điên”.

Cho đến khi tập tụ được đám bạn hư hỏng ở khu phố đi gây án, Huy đã nổi lên là một đại ca đầu bò, đầu biếu. Là một trong những kẻ thường xuyên cầm hung khi trong các vụ cướp nhưng thực chất Huy phải làm vậy thì đám đệ tử bên dưới mới nghe theo lời. Số tiền có được sau mỗi vụ cướp, Huy đều đốt vào các cuộc ăn chơi, hút chích, khi hết lại tập trung đồng bọn để đi cướp. Ngày Huy bị Công an bắt, cả gia đình và những người hàng xóm xung quanh không tỏ ra quá bất ngờ vì đó cũng chỉ là một hệ quả tất yếu cho một con người đã sa ngã vào các tệ nạn từ khi còn rất nhỏ.

Sau khi bị bắt vào trại giam, Huy đã được các cán bộ tạo điều kiện cho học chữ. Khi có thể tự tay viết được tên tuổi của mình, Huy đã phần nào hiểu được giá trị của những đạo đức, của lối sống nghiêm túc. Gặp Huy khi đã thực sự thấu hiểu những điều sai trái mình gây ra, gã tướng cướp trẻ tuổi này tâm sự rằng, đến khi vào trại giam thì bản thân mới hiểu hệ quả của những việc làm gây ra. Trước kia, sống buông thả ngoài xã hội, nghĩ rằng việc ra oai, xưng hùng, xưng bá với đám trẻ trâu là cao cả, là hơn người. Nhưng bây giờ khi được các cán bộ chỉ bảo cho những điều đúng đắn thì Huy đã hiểu rằng những việc làm của mình đều là sai trái. Sự hối hận của Huy có thể là đã muộn nhưng là điều cần thiết vì trước mắt y vẫn còn cả một quãng đời rất dài. Huy còn cơ hội để sửa sai, để làm lại cuộc đời của bản thân.

18 tuổi cầm đầu một băng nhóm gây ra cả chục vụ cướp táo tợn ở một thành phố nổi tiếng là phức tạp, Huy đã khiến cho nhiều dân “anh chị” phải “kiêng nể”. Hắn bảo rằng, từ nhỏ em đã sống như một con thú hoang dã, không người giáo dục, không sự quản thúc, làm sai hay làm đúng thì chỉ bản thân tự suy nghĩ. Từ bé đã quen tụ tập đầu đường xó chợ, khi về nhà thì chẳng bao giờ có được giây phút bình yên vì bố suốt ngày rượu chè, Huy đã dần dấn sâu hơn vào con đường sai trái khi không được một ai đó chỉ bảo cho những điều đúng đắn. Có thể tuổi đời của Huy còn rất trẻ nhưng về sự lăn lộn xã hội, va vấp với những tệ nạn thì Huy còn dạn dày gấp vài phần so với một số người hơn tuổi mình.

Phía trước của Huy sẽ là một thời gian dài trả giá trong trại giam bởi những gì đã gây ra. Có lẽ thời gian trôi đi sẽ giúp Huy hiểu được điều đúng, điều sai và cũng hy vọng ngày tháng cải tạo sẽ giúp chàng trai này gột rửa được đi hết những suy nghĩ, lối sống sai lầm. Bản thân Huy cũng đang dần hiểu được những điều gì là đúng đắn, khát khao trở về nẻo thiện, có cơ hội làm lại cuộc đời

Đan Thủy - Ngọc Cương
.
.
.