'Có gan làm liều thì có gan chịu tội'

Thứ Tư, 24/06/2015, 16:00
Gặp lại trùm ma túy nổi tiếng một thời Hà Ngọc Lương, 42 tuổi, dân tộc Thái ở xã Tân Sơn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình sau 4 năm kể từ ngày bị kết án tử, hắn vẫn giữ thái độ lạnh lùng, bình thản. Có lẽ quãng thời gian “xưng hùng, xưng bá” trong giới giang hồ, có mặt ở những chốn ăn chơi khét tiếng, hay những chuyến áp tải “hàng trắng” về xuôi bằng vũ khí nóng… góp phần định hình bản tính của hắn là kẻ mưu mô, xảo quyệt, máu lạnh. Từng ngày, từng phút đếm ngược tới cái chết, hắn chấp nhận kết cục bởi tội ác hắn gây ra là quá lớn, không thể dung thứ. “Có gan làm liều thì có gan chịu tội” – hắn tự nhủ.

Tiếp nối truyền thống... buôn ma túy

Quê của hắn, bản Bò Báu, xã Tân Sơn, huyện Mai Châu (Hòa Bình) tiếp giáp với “vùng đất nóng” Hang Kia, Pà Cò với “đặc sản ma túy”. Là địa phương tiếp giáp với biên giới Việt - Lào nên nhiều đối tượng dưới xuôi thường móc ngoặc với các địa phương của huyện Mai Châu để mua bán bất hợp pháp. Từ đây, hình thành các đường dây mua bán ma túy có tổ chức, câu kết chặt chẽ và được trang bị các vũ khí, phương tiện hiện đại phục vụ việc vận chuyển ma túy. 

Bọn chúng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mắt lực lượng chức năng như: sử dụng người già, phụ nữ, em nhỏ, thậm chí sử dụng ngay chính người thân trong gia đình. Khi bị phát hiện thì chống trả quyết liệt, sẵn sàng liều chết để mở đường sống. 

Đã có biết bao đường dây ma túy bị triệt phá, biết bao đối tượng bị lĩnh án tử hình, chung thân về ma túy, biết bao gia đình sống trong cảnh màn trời chiếu đất, bị xã hội lên án. Ấy vậy mà tội phạm ma túy đâu có giảm mà có xu hướng ngày càng tăng, diễn biến phức tạp và khó kiểm soát hơn.

Bò Báu được biết đến nhiều hơn với danh xưng “bản không chồng”. Với những người dân lương thiện thì đó là biệt danh không lấy gì là vui. Song đó là thực tế phải chấp nhận. 

Chia sẻ trong nước mắt, những người phụ nữ nơi đây cho biết: cuộc sống gia đình vốn khó khăn, thiếu thốn càng trở nên cơ cực. Từ khi người chồng, người cha vốn là “giường cột” trong gia đình bị lĩnh án tử, người vợ thay chồng nuôi con khôn lớn. Các chị luôn sống trong tâm trạng lo lắng, rối bời bởi các con họ sẽ sống ra sao khi người cha mang trọng tội, gương sáng bị vẩn đục. Thậm chí, một gia đình có nhiều thế hệ lĩnh án tử hình, chung thân vì ma túy không phải là hiếm. Thực tế đó biến miền quê sơn cước này trở nên kiệt quệ hơn vì “cơn lốc ma túy”.

Sinh ra và lớn lên trong môi trường xã hội như vậy thật khó để Hà Ngọc Lương có thể đứng vững. Từ nhỏ, Lương từng có cơ hội để tách xa cái gia đình có truyền thống phạm tội về ma túy này, nhưng hắn không tận dụng cơ hội đó để trở thành người tốt mà lại cho rằng, phải thật giàu thì mới rửa hận cho gia đình. 

Ở vùng quê hắn, làm giàu nhanh nhất chỉ là mua bán ma túy. Sau khi mẹ và chị ruột của hắn lần lượt “xộ khám”, không lấy đó làm bài học, Hà Ngọc Lương trở thành ông trùm các đường dây vận chuyển ma túy để phục vụ cho lợi ích của hắn. Có như vậy, hắn mới có thật nhiều tiền để phục vụ các cuộc ăn chơi trác táng và bao “người đẹp”. 

Hắn liên kết với các đối tượng khác để hình thành đường dây mua bán, vận chuyển ma túy hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia với số lượng lớn. Hắn được sự hỗ trợ đắc lực của Trần Lê Quang ở Thanh Trì, Hà Nội, một trùm ma túy đất Hà thành, là cầu nối để cung cấp “hàng trắng” cho các đối tượng miền xuôi.

Đường dây vận chuyển ma túy do Hà Ngọc Lương và Trần Lê Quang cầm đầu đã thực hiện trót lọt hàng chục chuyến hàng với số lượng ma túy lên tới hàng trăm bánh heroin. Đường dây ấy chỉ bị phát hiện và triệt phá do sơ sẩy, chủ quan của Hà Ngọc Lương và Trần Lê Quang. Hắn từng tự tin khi tuyên bố, Công an không thể bắt được chúng.

Hà Ngọc Lương và đồng bọn trước vành móng ngựa.

Lộ diện đường dây ma túy lớn

Vào khoảng 21h30’ ngày 8/9/2009 tại km 109 quốc lộ 6 thuộc địa phận xã Phong Phú (Tân Lạc) tổ công tác của Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đã phối hợp với Công an tỉnh Hòa Bình tiến hành kiểm tra xe ôtô BKS 30T - 2233 do Hà Ngọc Lương điều khiển đi từ Sơn La về Hà Nội. Qua kiểm tra đã phát hiện, bắt quả tang Hà Ngọc Lương và Trần Lê Quang đang vận chuyển 5 bánh heroin. Quá trình điều tra đấu tranh, mở rộng, Cơ quan CSĐT tội phạm về ma túy đã khởi tố về các tội mua bán trái phép chất ma túy; tàng trữ trái phép chất ma túy; không tố giác tội phạm...

Có thể chia đường dây này thành 3 nhóm. Nhóm trung gian là cặp tình nhân Hà Ngọc Lương và Trần Thị Thu Điệp ở Quảng Ninh. Lương có mẹ và chị gái từng trong "nghề" mua bán ma túy và đang bị thi hành án về tội này nên hắn rất quen thuộc với các đầu mối cung cấp heroin tại Hòa Bình. Chính vì thế, từ đầu năm 2007, Lương đã đứng ra làm trung gian, chắp mối cho các nhóm đối tượng ở Hòa Bình và Hải Phòng mua bán ma túy để lấy tiền công mỗi bánh là 10 triệu đồng.

Nhóm cung cấp hàng tại Hòa Bình do anh em Hà Công Khánh, Hà Công Thành ở huyện Mai Châu cầm đầu. Mỗi khi có mối mua hàng do Lương đưa lên, Khánh tập kết heroin ra lán để cả nhóm đóng gói, rồi vận chuyển theo từng chặng giao cho nhóm Hải Phòng.

Nhóm ở Hải Phòng do Vũ Đức An cầm đầu, gồm các đối tượng Vũ Đức An, Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Ngọc Sơn, Đặng Văn Lập và một đối tượng tên là Vinh… Các đối tượng này mua heroin chuyển về Hải Phòng, Quảng Ninh và đem đi tiêu thụ. Giá mua bán giữa An và Khánh là 7.500USD/bánh, ngoài ra, An trả công thêm cho Khánh và Lương mỗi người 10 triệu đồng/bánh. Bình quân mỗi tháng bọn chúng mua bán 2 chuyến, chuyến ít là 10 bánh, chuyến nhiều 20 bánh, với tổng số khoảng 720 bánh heroin.

Vụ án Hà Ngọc Lương, Trần Lê Quang cùng đồng bọn tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, không tố giác tội phạm xảy ra tại các địa bàn các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Lạng Sơn, Quảng Ninh là vụ án lớn; tính chất tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và rất phức tạp, có nhiều bị can tham gia được tổ chức chặt chẽ, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố. 

Đến ngày 18-2-2013, tên Hà Văn Quân, SN 1983, trú tại thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu (Hòa Bình), đối tượng còn lại trong đường dây ma túy lớn bị bắt giữ, khép lại một trong những chuyên án ma túy đặc biệt nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt, với sự tham gia của nhiều bị can nhất từ trước tới nay trên địa bàn tỉnh. Đã có 6 án tử hình, 4 án chung thân và 131 năm tù giam cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật đối với hành vi gieo rắc “cái chết trắng” của Hà Ngọc Lương và đồng bọn. 

Bản án lương tâm đày đọa.

Khác hẳn vẻ lạnh lùng của tội đồ khi gây án, hay lời lẽ quay co chối tội khi đối mặt với các điều tra viên, khi cái chết cận kề, Hà Ngọc Lương thật sự ăn năn sám hối, tự vấn lương tâm. Nhưng tất cả đã quá muộn. Sự đời "có vay, có trả", có tử tù đã chấp nhận ra đi, bởi chính họ biết rất rõ rằng, chỉ có cái chết mới khiến họ thanh thản, gột rửa hết tội ác tày trời.

 Trung tá Nguyễn Khắc Hùng – Đội trưởng Đội Quản giáo Trại tạm giam Công an Hòa Bình cho biết, hôm bị bắt, hắn vẫn giữ thái độ bĩnh tĩnh đến lạnh lùng cho đến khi dẫn giải về Trại tạm giam. Với bản tính lỳ lợm, hắn không nói cũng chẳng rằng, ngay cả khi điều tra viên hỏi cung, hắn trả lời vòng vo, đối phó. Chỉ đến khi tòa tuyên án tử hình, hắn trở nên ngoan ngoãn hơn, hắn biết trước kết cục nên không có biểu hiện chống đối. 

Từ khi bị bắt, cơ thể hắn suy sụp, bạc nhược một cách ghê gớm. Ðã có lúc, hắn định phó thác cho số phận nhưng rồi khát khao được sống lại thôi thúc. Nghe bạn tù khuyên "sống được ngày nào quý ngày ấy, biết đâu được giảm xuống chung thân, sẽ có ngày về", hắn cũng an lòng phần nào. Nếu không may, hắn cũng chỉ mong được ra đi thanh thản.

Không người thân thích, không lời thăm hỏi, động viên, từng giờ, từng phút trôi qua, hắn trải qua quãng đời còn lại của cuộc đời trong sự ghẻ lạnh, cô quạnh, héo hon. Có một lần, do nhịn ăn quá lâu, cơ thể tiều tụy, suy nhược, chân tê cứng do bị cùm, hắn đau đớn, quằn quại. Hắn cho rằng, đằng nào cũng chết, cứ để cơ thể chết dần chết mòn. Thế rồi, hắn tiếp tục hành cơ thể mình bằng những trận nhịn ăn dài dài. 

Thế nhưng, đến một ngày, không thể chịu đựng thêm nữa, hắn cầu cứu cán bộ quản giáo, ngay lập tức, hắn được đáp ứng. Cán bộ quản giáo và các bác sỹ Trại tạm giam gần gũi, động viên, chia sẻ để hắn thoải mái, tránh tư tưởng tiêu cực, ảnh hưởng tới sức khỏe. Cơ thể dần hồi phục, bệnh tình thuyên giảm, hắn trở nền gần gũi, cởi mở hơn với các phạm nhân khác, chấp hành tốt hơn các nội quy của trại. Những biểu hiện chống đối cũng giảm dần. 

Hắn thẳng thắn “có gan làm liều thì có gan chịu  tội”, đó là quy luật nhân quả, duy chỉ có điều, hắn không còn cơ hội làm lại cuộc đời. Có lẽ, do tội trạng của hắn quá lớn, không thể tha thứ, ông trời bắt hắn phải sống trong khắc khoải, để cảm nhận cái chết đớn đau.

Rời Trại tạm giam Công an Hòa Bình giữa cái nắng chói trang, oi hè ngày hè, hình ảnh tử tù Hà Ngọc Lương cúi gằm mặt, lê từng bước trĩu nặng về buồng biệt giam lại gợi nhớ cho tôi những lần gặp những tử tù ma túy trước đây. Nó chất chứa phản xạ rất bản năng khi tiếp xúc với những người sắp vĩnh viễn giã từ cõi đời đang thèm sống, xen lẫn tiếc nuối cho những sai lầm không còn cơ hội sửa chữa và nỗi xót xa bởi sự mù quáng, tham lam vô độ của con người. 

Và có lẽ, lời khuyên này sẽ không bao giờ muộn với những người đã và đang định làm giàu từ "cái chết trắng": Hãy sớm tỉnh ngộ, bởi ma túy không phải con đường dẫn đến thiên đường giàu sang hạnh phúc, mà trái lại, nó đẩy con người ta đến địa ngục tối tăm không lối thoát.

Huệ Minh
.
.
.