Con đường của các bóng hồng trong đường dây phạm tội

Thứ Tư, 05/06/2013, 10:42

Phải thừa nhận là họ xinh đẹp, duyên dáng, vì vậy mà họ được cánh báo giới suy tôn là “kiều nữ”. Càng lộng lẫy, càng quý phái bao nhiêu thì họ càng trở nên lạnh lùng, vô cảm khi chân đã “nhúng chàm”...

Những “kiều nữ” tham gia bắt cóc con tin

Trong số những đối tượng bắt cóc bé gái 6 tuổi đưa từ Sơn La về Hòa Bình đòi chuộc bằng ma túy bị bắt ngày 6/3/2012 vừa qua, người ta thấy duy nhất có một bóng hồng là thôn nữ Đinh Thị Tâm, 28 tuổi, trú tại xã Sủ Ngòi, TP Hòa Bình. Không ít người đặt câu hỏi: Tâm là ai và có vai trò gì trong vụ án? Ngôi nhà của Đinh Thị Tâm nằm trên góc đồi sâu hun hút ở xóm 5, xã Sủ Ngòi, TP Hòa Bình, đóng cửa im lìm. Hàng xóm cho biết, từ hôm xảy ra vụ án, ngôi nhà luôn đóng cửa dù có người ở nhà. Ngôi nhà Tâm đang ở là nhà của bà ngoại. Mẹ của Tâm trước đây đi lấy chồng ở xóm 6 kế bên rồi có 3 người con, Tâm là con thứ hai.

Cách đây chừng 15 năm, bố bỏ nhà, bà mẹ đưa 3 đứa con về đây dựng nhà ở vườn của nhà mẹ đẻ. Không có bóng đàn ông trong nhà, bốn mẹ con đùm bọc nuôi nhau sống qua ngày bằng mấy sào ruộng khoán.

Rồi bà mẹ đi bước nữa, lấy một người ở huyện Tân Lạc (Hòa Bình), lớn hơn bà nhiều tuổi. Trong cuộc hôn nhân “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” này, nhiều năm lấy nhau vì không có con nên mẹ Tâm lại ly dị một lần nữa. Còn bố của Tâm sau khi ly dị cũng lấy vợ khác, nhưng sau một thời gian thì đột nhiên bị câm hoàn toàn. Nhiều người bảo nguyên nhân là ông uống rượu nhiều. Cô bé Tâm sống trong hoàn cảnh éo le nhưng càng lơn càng xinh như một bông hoa rừng. Đám trai làng nhiều người cũng thầm thương trộm nhớ Tâm.

Chẳng hiểu duyên số thế nào mà năm học lớp 9, Tâm quen một thanh niên cùng thành phố và có thai khi đang học lớp 10. Năm đó, nhiều người ngạc nhiên khi thấy nữ sinh này mặt hốc hác đi thi mà mặc quần áo cố bó chặt người như bó giò. Thi không được, gã Sở khanh kia cũng chối bỏ cái thai, tinh thần thiếu nữ này suy sụp hoàn toàn. Sinh con xong, cô bỏ học, ở nhà với mẹ.

Khi con đường tránh quốc lộ 6 đi qua TP Hòa Bình được mở, do bị thu hồi đất nên nhà Tâm không còn ruộng. Không có đất, cả gia đình chẳng có việc gì làm, sau một năm sinh con, Tâm thường đi chơi với đám thanh niên ở ngoài thành phố. Rồi Tâm quen một thanh niên ở phường Hữu Nghị và người này ngỏ ý muốn lấy cô làm vợ. Ngày cưới Tâm, ai cũng mừng thầm và mong muốn cho cô được hạnh phúc sau những tháng ngày truân chuyên. Ai cũng tưởng rằng Tâm được hạnh phúc bởi nhà chồng giàu có, nhưng nào ngờ, chồng của Tâm là một “con nghiện ma túy”.

Sống với nhau một thời gian, vợ chồng Tâm được gia đình chồng đưa sang Thái Lan làm ăn, đồng thời để cho chồng Tâm cai nghiện. Thế nhưng, sau vài năm xuất ngoại cai nghiện mà không thành công, vợ chồng Tâm về nước. Không chịu được cảnh nghiện ngập của chồng, cô gái này quyết định ly dị rồi về sống với mẹ. Đang quen sống trong cảnh giàu sang nên Tâm không chịu làm ăn, suốt ngày lang thang nay đây mai đó. Chẳng ai biết Tâm đi đâu, có khi đi cả tháng mới về nhà. Thế rồi, đến trưa 6/3/2012, cả xóm mới bàng hoàng khi biết Tâm cũng tham gia vụ bắt cóc tống tiền đòi tiền chuộc.

Trần Thị Thu Điệp.

Ông Nguyễn Văn Sòn – Trưởng xóm 5, xã Sủ Ngòi, thành phố Hòa Bình ngậm ngùi kể: Tâm có kết cục này do bố mẹ bỏ nhau nên việc dạy dỗ chăm sóc con cái không được chu đáo. Không có nghề nghiệp, gặp hoàn cảnh éo le, bị bố mẹ bỏ mặc cho xã hội nên dẫn đến hư hỏng. Tâm vốn là đứa trẻ thông minh, xinh xắn, nếu gia đình hạnh phúc thì cô ấy đâu bị sa ngã như thế.

Mắt xích quan trọng của đường dây ma túy lớn

Mới đây, phiên tòa xét xử vụ buôn bán 98 bánh hêrôin gồm 21 bị cáo tại tỉnh Hòa Bình thu hút đông đảo người dân tham gia chứng kiến. Đây là phiên tòa có số bị cáo lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Các bị cáo đã tham gia vận chuyển buôn bán trái phép chất ma túy xuyên 7 tỉnh là Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Lạng Sơn và Quảng Ninh.

Tại phiên tòa, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào bị cáo Trần Thị Thu Điệp (25 tuổi, trú tại Cẩm Phả, Quảng Ninh). Điệp cao ráo, khuôn mặt ưa nhìn, đặc biệt nước da trắng trẻo. Khi vị thẩm phán đọc cáo trạng của Điệp, người ta lại càng thấy ngạc nhiên hơn. Vì khi bị bắt (tháng 9/2009), Điệp đang là sinh viên Khoa Quốc tế học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trước đó, Điệp từng thi đỗ vào Trường Trung cấp Y Tuệ Tĩnh.

Là một sinh viên có tiềm năng, học hành cơ bản, song vì thiếu tu dưỡng, rèn luyện, ham chơi, đua đòi, Điệp dần sa ngã vào những thói hư, tật xấu của xã hội. Theo một số sinh viên cùng trường với Điệp thì thời gian học ở trường, Điệp đã nổi tiếng về thành tích chơi bời của mình. Vốn sinh ra trong gia đình khá giả nên Điệp được bố mẹ chu cấp đầy đủ mọi nhu cầu để cô con gái rượu yên tâm học hành.

Vậy nhưng, trái với mong muốn của các bậc sinh thành, Điệp đã nhanh chóng gia nhập hàng ngũ những sinh viên "quý tộc", thích ăn chơi và đua theo những thú vui xa xỉ của nhóm sinh viên lắm tiền. Bạn bè càng choáng váng hơn khi Điệp mỗi lần tới lớp lại vung vẩy trên tay chìa khóa của chiếc xế hộp BMW có giá trị gần 2 tỉ đồng. Người ta cũng thường thấy xe của Điệp đỗ tại những nơi ăn chơi xa xỉ nhất Hà Nội, những quán bar, vũ trường nổi tiếng đắt đỏ. Điệp như con thiêu thân, cô lao vào các cuộc ăn chơi thâu đêm, suốt sáng mà không biết ngày mai sẽ ra sao. Bản thân Điệp hàng ngày chưng diện những bộ quần áo đắt bằng mấy tháng tiền tiêu của một sinh viên bình thường.

Nhưng nếu có mặt tại phiên tòa, người ta sẽ biết được đằng sau lớp vẻ hào nhoáng của cô sinh viên xinh đẹp là cả một đường dây tội ác. Điệp là bồ nhí, đồng thời cũng là một mắt xích trong đường dây ma túy liên tỉnh do Hà Ngọc Lương (SN 1983, trú tại Tân Sơn, Mai Châu, Hòa Bình) cầm đầu. Toàn bộ số tiền cung cấp cho Điệp ăn chơi, cả chiếc xe hơi đều là những đồng tiền do Lương buôn bán ma túy mà ra cả.

Trong quá trình làm tình nhân của Lương, Điệp đã tham gia cùng với Lương trong các phi vụ mua bán ma túy và chính Điệp là người quản lý tiền, việc mua bán cho Lương. Hai đứa dọn đến thuê một căn hộ chung cư cao cấp ở làng Quốc tế Thăng Long (Cầu Giấy, Hà Nội), đồ đạc trong nhà toàn loại đắt tiền, xa xỉ. Sau mỗi phi vụ buôn bán “cái chết trắng”, Lương cùng Điệp đi đập phá ở những tụ điểm chơi bời nức tiếng từ Bắc vào Nam, để cho bõ công những ngày khó nhọc. Thế rồi, như một lẽ tất yếu, cuộc đời Điệp dần bị cuốn vào vòng xoáy tội lỗi, không thể thoát ra được.

Từ một cô gái ngoan, hiền, là niềm tự hào của cả gia đình, dòng họ khi cô là sinh viên của một trường đại học danh tiếng tại Hà Nội, Trần Thị Thu Điệp nhanh chóng rơi vào cạm bẫy của đồng tiền, lao vào các cuộc ăn chơi trác táng mà không biết cuộc đời sẽ đi về đâu. Chắc hẳn nghe tin Trần Thị Thu Điệp tham gia vào đường  dây mua bán ma túy với số lượng lớn, không chỉ gia đình, người thân mà ngay cả những người chưa từng gặp cô, đều không khỏi ngỡ ngàng. Một cô gái xinh đẹp, trẻ tuổi lại là mắt xích quan trọng trong việc gieo rắc “cái chết trắng” cho xã hội. Phiên tòa khép lại, Trần Thị Thu Điệp bị tuyên án 18 năm tù giam.

Thay lời kết

Mặc dù còn trẻ tuổi, tương lai phía trước rộng mở song với lối sống buông thả, bất cần, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, nhất là sự quan tâm, giáo dục kịp thời từ phía gia đình, nhà trường, xã hội, 2 “kiều nữ” Đinh Thị Tâm và Trần Thị Thu Điệp sớm trượt dài về nhân cách, trở thành tội phạm bị xã hội lên án. Khi sự việc hé mở thì mọi người mới ngỡ ngàng “một cô gái thông minh, xinh xắn, ngoan hiền mà dám thực hiện việc tày trời”. Câu chuyện thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh bởi lối sống xuống cấp về đạo đức, lối sống thực dụng của một bộ phận giới trẻ hiện nay

Huệ Minh
.
.
.