Con đường đến nhà giam của một nhân viên chứng khoán

Thứ Tư, 03/01/2018, 19:55
Lẽ ra vào lúc này, Hạnh đã có thể được chuẩn bị đón Tết bên gia đình, có một cuộc sống sung túc, hạnh phúc. Thế nhưng, chỉ vì lòng tham và sự khinh nhờn luật pháp mà từ một nhân viên quản lý tài chính có tiếng, gã đã tự khoác cho mình bộ quần áo của tù nhân.


Trong những ngày làm việc tại Trại giam Tân Lập (Bộ Công an), có lẽ Hoàng Hồng Hạnh (34 tuổi, trú ở xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) là một trong những phạm nhân chúng tôi "ấn tượng" nhất trong những người đã tiếp xúc. Từng là một nhân viên công ty chứng khoán, chuyên quản lý tài khoản khách hàng, với tư chất thông minh, ai cũng tin rằng con đường tương lai đang rộng mở với Hạnh. Thế nhưng không, gã đã dùng sự thông minh của mình và sự tín nhiệm của khách hàng để làm những việc sai trái.

Trò chuyện với Hoàng Hồng Hạnh, sự lưu loát, trôi chảy của một nhân viên văn phòng, của một người làm kinh tế dường như vẫn còn đó. Sau ba năm chấp hành án tù, dường như gã chưa quên được cuộc sống tự do, công việc và thân phận của chính mình. Chính Hạnh cũng thổ lộ rằng, sau từng ấy thời gian, gã vẫn không tin rằng mình lại có ngày phải ngồi tù như vậy. So với ngày mới vào trại, Hạnh gầy hơn trước nhiều nhưng vẫn trắng trẻo và điềm đạm hơn bởi thời gian gã có để đối mặt với chính mình nhiều hơn trước.

Hoàng Hồng Hạnh tại Trại giam Tân Lập.

Kể lại hành vi phạm tội của mình, Hạnh cho biết, là nhân viên chứng khoán nên gã sử dụng tài khoản của khách để mua bán. Lúc đầu sử dụng tài khoản của khách để mua bán, Hạnh có lãi lớn nên hưởng lãi xong, Hạnh trả lại số cổ phiếu gốc cho chủ tài khoản. 

Cứ thế, càng ngày đồng tiền càng làm mờ mắt Hạnh. Thấy việc buôn bán thuận lợi, gã lại tiếp tục sử dụng tài khoản của khách để mua bán, giao dịch làm giàu cho bản thân. Thế nhưng chỉ một thời gian sau, lỗ lại chồng lỗ, Hạnh không có đủ tiền để chi trả nên chân tướng sự việc nhanh chóng bại lộ.

Cụ thể trong thời gian thuê trọ tại nhà bà Ninh Thị Thảo ở phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội), Hạnh biết bà Thảo có khoảng 25 nghìn cổ phiếu của Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ và 3.000 cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội đang lưu ký tại Công ty cổ phần Chứng khoán Euro Capital. Với đầu óc nhanh nhạy, Hạnh đã nảy sinh ý định sử dụng tài khoản để kiếm lời bất chính.

Nghĩ là làm, đầu tiên bằng mối quan hệ thân quen, thường xuyên gặp mặt, Hạnh tỉ tê để bà Thảo mở tài khoản chứng khoán tại Công ty Tân Việt nơi gã làm việc. Sau khi bà Thảo đồng ý chuyển tài khoản, Hạnh trực tiếp hướng dẫn bà Thảo hoàn thành các thủ tục mở tài khoản tại công ty gồm: Phiếu yêu cầu mở tài khoản, hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán, hợp đồng mở tài khoản ký quỹ, hợp đồng tín dụng cho các khoản vay trên tài khoản giao dịch ký quỹ. 

Những mục khác ghi trên các giấy tờ như: tên, tuổi, địa chỉ số CMND đều do Hạnh điền giúp bà Thảo. Còn các thông tin về địa chỉ email, số điện thoại, tài khoản tiền gửi thì Hạnh bỏ trống rồi đưa cho bà Thảo ký. Khi bà Thảo ký xong hợp đồng, bản đưa cho bà Thảo thì Hạnh để nguyên, bản chuyển Công ty Tân Việt lưu giữ thì Hạnh điền thêm địa chỉ email và số điện thoại của bạn Hạnh. 

Sau đó, Hạnh hướng dẫn bà Thảo mở tài khoản tại Ngân hàng Vietcombank có đăng ký sử dụng Internet. Khi thực hiện các thủ tục ký hợp đồng tại ngân hàng này, Hạnh cũng giúp bà Thảo điền các thông tin rồi đưa bà Thảo ký. Riêng số điện thoại trong hợp đồng thì Hạnh điền số của người thân trong gia đình mình.

Cơ quan Công an khám xét nhà riêng của Hạnh.

Khi các hợp đồng được ký kết, Công ty Tân Việt đã gửi mật khẩu giao dịch và mật khẩu truy cập vào tài khoản chứng khoán đến địa chỉ email mà Hạnh ghi trong hợp đồng mang tên bà Thảo. Phía Ngân hàng Vietcombank cũng gửi mã xác thực giao dịch trực tuyến vào số điện thoại mà Hạnh ghi của người thân mình.

Với những thông tin cụ thể từ phía Công ty Tân Việt và Ngân hàng Vietcombank chuyển tới, Hạnh hướng dẫn bà Thảo chuyển số cổ phiếu đang lưu ký tại Công ty cổ phần Chứng khoán Euro Capital sang Công ty Tân Việt. 

Do Hạnh đã có mã xác thực giao dịch trực tuyến và mật khẩu truy cập tài khoản chứng khoán của bà Thảo nên từ ngày 29-5-2013 đến ngày 21-8-2013, Hạnh đã nhiều lần sử dụng máy tính làm việc tại Phòng Giao dịch Công ty Tân Việt - Chi nhánh Tây Hồ kết nối mạng Internet để mua bán trái phép cổ phiếu và rút, chuyển tiền của bà Thảo sang tài khoản của Hạnh tại Ngân hàng Vietcombank. 

Số tiền Hạnh đã chiếm đoạt của bà Thảo là gần 300 triệu đồng. Cũng trong khoảng thời gian đang thực hiện hành vi lừa đảo bà Thảo, Hạnh đã mời chào được một khách hàng khác là ông Nguyễn Đình Lộc, ở phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chuyển cổ phiếu chứng khoán từ công ty khác về Công ty Tân Việt. 

Khi ông Lộc đồng ý, Hạnh cũng dùng các thủ đoạn như đã thực hiện đối với bà Thảo để từng bước đưa ông Lộc vào bẫy. Sau đó, Hạnh đã truy cập trái phép vào tài khoản của ông Lộc để thực hiện việc rút tiền từ tài khoản của ông Lộc số tiền hơn 200 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền Hạnh đã chiếm đoạt của bà Thảo và ông Lộc là hơn 500 triệu đồng.

Ngày 21-11-2014, TAND thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Hoàng Hồng Hạnh 7 năm tù về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng Internet… thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Những người có trách nhiệm trong Công ty Tân Việt có một phần trách nhiệm khi buông lỏng quản lý do không phát hiện kịp thời việc Hạnh cố ý không kê khai thông tin trong hợp đồng, thủ tục mở tài khoản chứng khoán, truy cập trái phép vào tài khoản của khách hàng để Hạnh có cơ hội chiếm đoạt tài sản. 

Tuy nhiên sau đó, công ty đã kịp thời phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của Hạnh và trình báo cơ quan chức năng nên đã thu hồi được tài sản trả cho bị hại, nên không có căn cứ xác định Công ty Tân Việt có hành vi vi phạm.

Hạnh tại phiên tòa xét xử.

7 năm tù, đó là một án phạt không chỉ Hạnh mà cả người thân, bạn bè của gã không nghĩ sẽ phải nghe thấy. Bởi nếu cứ tiếp tục công việc một cách bình thường, ai cũng tin rằng một người thông minh như gã sẽ thăng tiến không có một cản trở nào. 

Nhưng sự thật đã là như vậy, cho đến nay chỉ còn hơn 3 năm tù, 3 cái tết trôi qua nữa, Hạnh sẽ chấp hành xong án phạt của mình để trở về với xã hội. Gã cũng mong mỏi rằng, với thái độ cải tạo tích cực của mình, Hạnh sẽ được ra tù trước hạn.

Mỗi ngày trôi qua với gã nhân viên chứng khoán dường như dài dằng dặc. Chia sẻ với chúng tôi, Hạnh cho biết mình đã khao khát tự do đến tột cùng và ngày đó càng đến gần, gã càng cảm thấy thổn thức, mất ngủ. 

"Giờ tôi cũng quen công việc của trại, hằng ngày cùng mọi người lo dọn dẹp, vệ sinh toàn trại giam xong trở về buồng giam của mình, đó cũng là lúc tôi ăn năn, day dứt nhất. Vì chính tôi đã đạp đổ tương lai của mình trong một phút tham lam. Tôi còn làm ảnh hưởng đến nhiều người, nhất là gia đình và vợ con của mình", Hạnh chia sẻ.

Nhắc đến gia đình, đến bố mẹ già và con nhỏ, Hạnh rơi nước mắt và tỏ ra vô cùng ân hận. Hạnh kể rằng, gia đình gã là một gia đình cơ bản ở Phú Thọ, bố mẹ đều là đảng viên. Tốt nghiệp Học viện Tài chính, Hạnh đi làm trong lĩnh vực chứng khoán và chuyển nhiều công ty. 

Có vốn kiến thức về chứng khoán nên Hạnh cũng đầu tư mua bán cổ phiếu. Thời gian đầu lãi nhiều, nhưng càng về sau thua lỗ càng nhiều. Túng bấn, Hạnh mới nghĩ ra cách lợi dụng tài khoản khách hàng để mua bán, giao dịch. Mỗi lần thực hiện giao dịch, Hạnh đều tắt chức năng gửi SMS và thông báo đến điện thoại và mail của chủ tài khoản.

Ngày Hạnh bị bắt, cả bố mẹ, vợ con, anh ta bất ngờ bởi không nghĩ với công việc ổn định, lương cao, Hạnh lại có những việc làm sai trái để rồi phải đi tù để đền tội. Bố mẹ, vợ Hạnh đã khóc hết nước mắt bởi từ trước đến nay, Hạnh luôn là người con hiếu thảo, học hành đến nơi đến chốn. 

Ngày Hạnh bị bắt đứa con lớn mới 3-4 tuổi, đứa nhỏ mới sinh. Sau ba năm thụ án tại Trại giam Tân Lập, Hạnh vẫn chưa được gặp con vì bọn trẻ còn quá nhỏ lại đang sống với vợ Hạnh ở Hà Nội. Đường sá đi lại xa xôi, bất tiện, con lại còn nhỏ nên hãn hữu lắm vợ Hạnh mới lên thăm chồng. 

Gần đây, ông bà nội đã đón hai đứa cháu về Thanh Thủy ở cùng để tiện chăm sóc vì bọn trẻ cũng đã lớn. Hỏi về tương lai phía trước, Hạnh chỉ cười bảo cũng chưa biết thế nào. Chỉ mong cải tạo tốt, sớm trở về với các con, bù đắp cho những thiệt thòi mà bọn trẻ phải chịu đựng trong những năm tháng qua.

Phong Trâm
.
.
.