Cựu cán bộ phường và bản án tù chung thân

Thứ Hai, 12/06/2017, 11:37
Trong thời gian công tác tại một phường của Thủ đô, chỉ vì mê hụi họ mà Loan từng bước sa ngã vào tiền bạc rồi đánh mất tất cả, từ công việc đến gia đình. Với hành vi lừa đảo 33 người dân để chiếm đoạt số tiền gần 16 tỷ đồng, ngày 7-6, Loan đã bị TAND TP Hà Nội phạt tù chung thân.


Triệu Thị Phương Loan (32 tuổi, trú tại phường Cổ Nhuế I, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) sinh ra trong một gia đình cơ bản khi cả bố, mẹ đều là công chức nhà nước và có cuộc sống ổn định. Lập gia đình, Loan càng thuận lợi bởi chồng và gia đình nhà chồng cũng là công chức nhà nước.

Vậy nhưng trong thời gian công tác tại một phường của Thủ đô, chỉ vì mê hụi họ mà Loan từng bước sa ngã vào tiền bạc rồi đánh mất tất cả, từ công việc đến gia đình. Với hành vi lừa đảo 33 người dân để chiếm đoạt số tiền gần 16 tỷ đồng, ngày 7-6, Loan đã bị TAND TP Hà Nội phạt tù chung thân.

Trước khi hành vi phạm tội bị lật tẩy, Loan là mẫu hình mà nhiều người ước muốn. Ra trường có công việc ổn định ngay, cuộc sống tuy không sang giàu nhưng cũng chẳng thiếu thốn gì. 26 tuổi, Loan đã lên chức mẹ và 4 năm sau thì Loan đã là mẹ của hai đứa con.

Bị cáo Triệu Thị Phương Loan tại phiên xử.

Được hai bên gia đình chiều chuộng và có một gia đình riêng lý tưởng, tưởng như Loan phải biết giữ gìn và vun đắp những thứ mình đang có, nhưng chỉ vì ham mê hụi họ mà người đàn bà này đã đánh mất tất cả. Sự việc bắt đầu xảy ra từ cuối năm 2014. Thời điểm đó, Loan nảy sinh ý nghĩ phải kiếm được nhiều tiền và phương án lừa đảo bắt đầu được người đàn bà này sử dụng.

Ở gần một Học viện danh tiếng, bản thân có chút ít hiểu biết về trường này nên Loan giới thiệu với mọi người rằng, bố đẻ làm lái xe cho giám đốc Học viện, có nhiều mối quan hệ, ai có nhu cầu vào học ở trường này sẽ được Loan lo giúp và chắc chắn được việc.

"Thính" của Loan sau khi thả lập tức có tác dụng ngay. Người này truyền miệng người kia, nhà nào có con chuẩn bị thi đại học và mong muốn vào học ở Học viện này hoặc gặp trực tiếp, hoặc gọi điện để nhờ Loan giúp đỡ. Để mọi người tin tưởng, hầu hết các trường hợp nhờ đều được Loan mời về nhà mình nói chuyện.

Thực ra, Loan chẳng trân trọng họ đến mức đó, mà bản chất của việc người đàn bà này mời họ về nhà để khoe về gia cảnh mình. Sau khi hỏi về gia cảnh của các gia đình có con muốn vào học tại Học viện này hoặc các trường thấp hơn một chút, Loan đều nhận lời họ.

Qua người quen giới thiệu, anh Phạm Quốc (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đặt vấn đề với Loan xin cho hai con trai mình vào học tại hai trường Công an. Sau khi huyên thuyên đủ mọi thứ về mối quan hệ của bố, của mình với Ban Giám đốc, Ban Giám hiệu của hai trường mà anh Quốc muốn chạy cho hai con vào học, Loan thấy anh Quốc tin tưởng nên hỏi thăm về gia cảnh.

Thấy người giúp mình nói năng hoạt bát, hiểu biết xã hội và quan hệ nhiều nên anh Quốc hồn nhiên kể gia cảnh của mình. Biết gia đình anh Quốc có điều kiện, Loan nhận lời giúp đỡ hai con anh thi đỗ vào hai trường. Đổi lại, anh Quốc phải chi 1 tỷ 200 triệu đồng để Loan đi gặp gỡ, quan hệ và cảm ơn những người sẽ giúp hai con anh.

Thấy số tiền Loan yêu cầu có thể đáp ứng được nên anh Quốc đồng ý và chuyển đủ số tiền này. Ít ngày sau, Loan thông báo cho anh Quốc rằng, việc "chạy" học cho hai con anh đã được hai trường chấp nhận, đồng thời Loan yêu cầu anh Quốc phải chi thêm 30 triệu đồng gọi là chi phí xác minh lý lịch cho hai con anh trước khi nhà trường tuyển dụng. Không mảy may nghi ngờ về sự dối trá của người đàn bà này, anh Quốc lập tức đưa luôn cho Loan 30 triệu đồng và mỏi mòn chờ đợi cho đến khi biết mình bị lừa.

Một bị hại khác là chị Nguyễn Thị Thu (ở huyện Gia Lâm, Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế chưa tìm được việc làm, qua người quen giới thiệu, chị Thu đến gặp Loan đặt vấn đề nhờ xin giúp vào làm việc tại Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội.

Do người nhờ không xin vào trường nên lần này, Loan không giới thiệu bố làm lái xe cho giám đốc học viện nữa, mà nói dối bác ruột là Phó Tổng cục trưởng để chị Thu tin tưởng. Khi đã đánh trúng niềm tin của người nhờ, Loan ra điều kiện để được vào công tác ở đơn vị này, chị Thu phải chi số tiền 400 triệu đồng để Loan gặp gỡ và cảm ơn những người giúp đỡ.

Không mảy may nghi ngờ những lời dối trá của Loan, ít ngày sau, chị Thu đã đưa cho Loan số tiền theo yêu cầu. Một thời gian, chị Thu gọi điện hỏi về công việc của mình thì Loan nói dối là sắp được.

Gần đến ngày hẹn, sợ chị Thu nghi ngờ nên Loan liều lĩnh làm giả quyết định tuyển dụng công dân vào lực lượng Công an, sau đó chụp ảnh quyết định giả này rồi chuyển qua Viber cho chị Thu xem.

Tin tưởng đây là quyết định thật nên chị Thu rất vui mừng và chờ ngày đến nhận công tác. Đến ngày hẹn đi làm như trong quyết định ghi, chị Thu gọi điện hỏi thì Loan mới thú nhận là đã làm giả quyết định và không có khả năng xin được việc cho chị Thu như đã hứa.

Cũng qua quan hệ xã hội, anh Vũ Trọng (ở huyện Ninh Giang, Hải Dương) đặt vấn đề nhờ Loan xin cho con anh vào công tác tại Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội. Vẫn với chiêu lừa có bác ruột là Phó Tổng cục trưởng, Loan lại vẽ ra đủ mối quan hệ với Ban Giám đốc Công an thành phố nên việc anh Trọng nhờ sẽ giúp được.

Thấy Loan nói tên và lĩnh vực phụ trách của các đồng chí trong Ban Giám đốc quá đúng nên anh Trọng không hề nghi ngờ. Thấy "cá" cắn câu, Loan yêu cầu anh Trọng chuyển cho mình số tiền 450 triệu đồng để lo việc và yêu cầu của Loan đã được anh Trọng đáp ứng ngay.

Để anh Trọng tin tưởng nhưng điều mình nói là thật, gần đến ngày hẹn, Loan đã làm giả quyết định tuyển dụng con anh Trọng vào lực lượng Công an, nhận công tác tại Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội và chuyển quyết định này cho anh. Đến ngày hẹn như trong quyết định tuyển dụng giả ghi, anh Trọng đưa con đến Công an thành phố nhận nhiệm vụ thì mới biết đã bị Loan lừa.

Kết quả điều tra xác định, từ cuối năm 2014 đến tháng 4-2015, Loan đã sử dụng tên và chức vụ của những người đang công tác trong lực lượng Công an để "đánh bóng"cho mình nhằm tạo dựng niềm tin của người dân. Sau đó, Loan nhận hồ sơ của 33 bị hại chủ yếu xin việc, xin học vào các đơn vị Công an và một phần ít là đơn vị ngoài Công an.

Từ trò lừa đảo này, Loan đã nhận gần 16 tỷ đồng nhưng không thực hiện được như đã hứa và cũng không trả tiền cho họ. Sau khi các bị hại phát hiện ra hành vi lừa đảo và đòi tiền, nhưng do Loan đã sử dụng tiền của họ vào mục đích cá nhân và không có tiền trả. Để tránh bị phát hiện, người đàn bà này tiếp tục lừa đảo nhiều người khác dưới hình thức thuê xe ôtô tự lái mang bán.

Do khi đi thuê xe không có giấy tờ gốc mà chỉ có bản phôtô công chứng nên để mọi người tin tưởng mà giao tiền mua xe, Loan nói với họ rằng đang làm thủ tục đổi tên chính chủ. Tiền bán được từ ba xe ôtô của người khác, Loan trả ít một cho những bị hại thúc giục nhiều lần. Còn những người giục ít, Loan tiếp tục hẹn khất lần nhưng không trả.

Quá trình xét xử vụ án này, các bị hại cho biết, họ không biết gì về Loan ngoài sự giới thiệu của bạn bè xã hội. Khi họ nhờ xin việc, Loan đều đưa về nhà sau đó khoe khoang có nhiều quan hệ, có bác ruột làm to, thậm chí Loan còn cố tình để các bị hại thấy những bức ảnh của gia đình Loan phóng to treo ở nhà thể hiện đều làm cán bộ.

Nghĩ điều Loan nói là thật, từ đó họ mới đặt vấn đề xin việc và xin học cho con mình. Và tất cả các trường hợp nhờ "chạy" việc, "chạy" học đều được Loan nhận lời. Lý giải về việc làm giả các quyết định tuyển dụng, Loan khai, do đã từng công tác nên Loan biết mẫu các quyết định tuyển dụng nên tự làm giả để chuyển trước cho các bị hại nhằm gây dựng niềm tin để họ đỡ thúc giục.

Tại phiên xử, bị cáo Loan thừa nhận hành vi phạm tội như trên và cho biết. Trong giai đoạn điều tra, người thân của bị cáo mới khắc phục hậu quả được gần 1 tỷ đồng trả cho bị hại. Trong thời gian bị khởi tố điều tra, Loan và chồng đã ly hôn. Nghe Hội đồng xét xử tuyên phạt tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Loan bật khóc như một đứa trẻ ngay tại phòng xử án.

Với hành vi lừa đảo gây ra, Loan đã bị pháp luật xử phạt xứng với tội danh. Cũng vì lừa đảo mà Loan đã tự đánh mất những điều tốt đẹp nhất đã từng có. Buồn hơn là tội thì một mình Loan gây ra, nhưng hậu quả thì cả gia đình người đàn bà này phải gánh chịu, nhất là hai đứa trẻ.

Qua vụ án này là bài học cảnh tỉnh mỗi người, đừng cả tin vào sự giới thiệu từ quan hệ xã hội xã hội mà mang tiền đưa cho người mới quen dẫn đến cảnh tiền mất, tật mang. Dù Loan đã bị pháp luật xử lý, nhưng các bị bị hại chưa biết bao giờ mới có thể đòi lại được số tiền mà họ đã bỏ ra để cho Loan sử dụng (?).

Nguyễn Hưng
.
.
.