Cựu sinh viên sa ngã và nỗi cô độc chốn biệt giam

Chủ Nhật, 03/07/2016, 11:35
Là một trong số ít người dân tộc thiểu số có trình độ đại học, đã từng đứng vào hàng ngũ của Đảng. Thế nhưng, bi kịch đời người ập đến khi ra trường, về quê không xin được việc làm, vợ lại bị bệnh nan y. Cuộc sống túng quẫn, cùng cực, gã đã đi vận chuyển thuê ma túy.

Kết cục cay đắng khi phải nhận bản án tử hình. Những ngày nằm chốn biệt giam chờ ngày ra pháp trường, cựu sinh viên này chẳng có ai thăm nuôi.

Hạ Bá Hùa có lẽ là tử tù đặc biệt nhất trong số 23 tử tù đang nằm chốn biệt giam, đếm ngược thời gian chờ ngày ra pháp trường tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An. Hùa là tử tù có lai lịch "sáng" nhất, nhưng cũng là tội nhân khiến những người biết đến gã vừa tiếc cho một tương lai đang xán lạn, vừa ngậm ngùi tủi phận khi thấy gã phải nếm trải cảm giác cô đơn, bị bỏ rơi ngay từ lúc mới nhập trại cho đến nay, ngót đã gần một năm nay, tuyệt nhiên không có ai thăm nuôi, động viên. Dù trước đó, lá thư kháng cáo tại phiên sơ thẩm đã được Hùa gửi đi, với hy vọng mong manh được mở ra một cơ hội sống.

Đường sa ngã của một cử nhân thất nghiệp!

Hạ Bá Hùa (SN 1989), thường trú tại bản Sơn Hà, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Sinh ra trong gia đình với nghiệp sống chủ yếu là làm nương rẫy, Hùa là anh cả trong gia đình có 3 anh em. Là người thông minh, sáng dạ, trong quá trình theo học phổ thông, Hùa là một trong những "hạt giống" khi liên tiếp giành được những kết quả xuất sắc. Trong đó, một lần đạt học sinh giỏi cấp huyện và 2 lần là học sinh giỏi cấp tỉnh. 

Tốt nghiệp cấp 3, rời bản làng, Hạ Bá Hùa ra Thủ đô dùi mài kinh sử, nuôi giấc mộng đổi đời tại Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội. Cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học về quê, Hùa còn lập thêm một "kỳ tích" khác mà ít người Mông nào ở miền Tây Nghệ An làm được, đó là đứng vào hàng ngũ của Đảng. Thế nhưng, đó cũng là tất cả những gì gã làm được, bởi những ngày sau đó, rã chân đi gõ cửa khắp nơi xin việc làm song chẳng nơi nào nhận.

Năm 2013, Hùa lấy vợ, Hờ Y Dềnh (SN 1996) là một cô gái thôn quê chất phác, đã phải lòng gã rồi hai đứa nên duyên vợ chồng. Bất hạnh nối tiếp bất hạnh, sau nhiều năm không sinh được con, Hùa đưa vợ đi khám thì phát hiện bị bệnh u nang buồng trứng. Còn nước còn tát, gã đưa vợ đi chữa bệnh khắp nơi. Để có tiền trang trải, hai vợ chồng mở chiếc quán nhỏ buôn bán hàng vặt ở chợ vùng biên. 

Đầu năm 2014, Hạ Bá Hùa sang thị trấn Lạc Xao, tỉnh BôlyKhămxay (Lào) để làm thuê thì gặp một người bản địa, tên Khăm. Ông này gợi ý nếu Hùa tham gia vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam, mỗi chuyến hàng trót lọt sẽ được trả công số tiền 2.000 USD. 

Tháng 3/2015, Hùa đưa vợ xuống TP Vinh khám bệnh, tình cờ quen biết với Hoàng Văn Quang (SN 1973), trú xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An). Quang là mắt xích trong một đường dây đưa ma túy từ Lào về Nghệ An trước khi tuồn ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ mà Công an đang theo dõi. Khi nghe Quang gợi ý về việc vận chuyển ma túy, Hùa bất giác nhớ đến lời người đàn ông tên Khăm ở Lạc Xao nên đã sốt sắng nhận lời làm "người vận chuyển" cho Quang.

Tháng 5-2015, chuyến hàng đầu tiên với 4 bánh heroin đã được Hùa giao trót lọt. Nhận số tiền 2.000 USD, việc đầu tiên gã làm là đưa vợ đi phẫu thuật, cắt cỏ một bên buồng trứng. Hai tháng sau đó, Hùa tiếp tục chuyến hàng thứ hai. Mờ mắt vì tiền, Hùa đã biến mình trở thành mắt xích quan trọng trong đường dây ma túy của "ông trùm" Hoàng Văn Quang lúc nào mà chẳng hay. 

Đến ngày 19-8-2015, khi đang bàn giao 8 bánh heroin cho Quang tại một địa điểm gần nhà riêng của Quang thì bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ. Quá trình điều tra sau đó xác định, Quang và Hùa đã cùng nhau thực hiện 4 lần mua bán, vận chuyển tổng cộng 20 bánh heroin, trọng lượng hơn 7kg. 

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 25-3-2016, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên án tử hình đối với Hạ Bá Hùa và Hoàng Văn Quang. Lúc này, Hùa mới thấm thía cho cái giá quá đắt mà mình phải trả, nhưng mọi ân hận đều đã muộn màng. 

Tử tù cô độc

Theo cán bộ quản giáo đang làm nhiệm vụ trông coi đối với Hạ Bá Hùa, tử tù này không như những người khác đang nằm chốn biệt giam đếm ngược thời gian chờ ngày lên chuyến đò về với âm phủ, khi suốt từ đầu đến nay, Hùa luôn im lặng chịu đựng chứ không la lối, phá phách, chống đối và thậm chí là tuyệt thực. 

Dường như, từng được ăn học tử tế, Hùa đã xác định được hậu quả khủng khiếp của việc mình làm. Những ngày tháng sáu đổ lửa, nhiệt độ trong chốn biệt giam có lúc lên đến trên 40 độ C, thậm chí có những ngày cán bộ quản giáo phải "nhường" quạt nhưng tử tù Hạ Bá Hùa vẫn lặng lẽ cam chịu. 

Lá thư kháng cáo gửi đi sau phiên tòa sơ thẩm, Hùa vẫn mong có được một khe cửa hẹp để có con đường sống, dù hy vọng ấy rất mong manh nhưng tử tù này vẫn lấy đó làm niềm tin phía trước.

Tử tù Hạ Bá Hùa.

"Em làm tất cả là vì vợ bệnh tật hiểm nghèo và nợ nần chồng chất. Những ngày theo học đại học, gia đình đã phải vay nợ ngân hàng chính sách xã hội với số tiền 40 triệu đồng. Ra trường không công ăn việc làm, nợ nần chồng chất, vợ đau ốm đi viện liên miên và chính trong những lần đưa vợ đi chữa bệnh ấy, em đã sa ngã", Hạ Bá Hùa cay đắng nhớ lại. 

Chuyến hàng đầu tiên trót lọt, việc đầu tiên mà Hùa làm là đưa vợ đi phẫu thuật, cắt bỏ một bên buồng trứng. "Xác định tỉ lệ sinh con gần như không còn, nhưng vợ chồng em vẫn quyết định gắn bó bên nhau. Những tháng ngày vất vả của em và gia đình, vợ là người đã luôn bên cạnh, đồng hành, động viên và gánh vác. Em cứ nghĩ "đi" nốt vài chuyến rồi về "gác kiếm", làm chỗ dựa vững chắc cho vợ sau này. Thế nhưng, phần vì nghiệp chướng ma túy quá oan nghiệt, đã lỡ vướng vào thì không thể dứt ra được, phần vì cần tiền để trang trải, em đã không thể có đường lùi...". Có lẽ, sau gần một năm nằm  chốn biệt giam, tử tù Hạ Bá Hùa đã cay đắng đúc rút được bài học cho chính bản thân mình.  

Những ngày đếm ngược thời gian với niềm thao thiết sống đến mãnh liệt, cũng như một số tử tù khác ở nhà biệt giam Công an tỉnh Nghệ An, Hạ Bá Hùa gần như không có ai thăm nuôi, ký gửi. Nhà có 6 anh chị em, nhưng ai cũng đều đã có gia đình riêng, bố mẹ tuy chưa đến nỗi già cả nhưng từ nơi gia đình Hùa sinh sống đến nơi tử tù này đang bị giam giữ là cả một quãng đường rừng hơn 400 cây số. Phần vì xa ngái, phần vì không có tiền, bố mẹ, các em rồi vợ Hùa, gần như đã bỏ mặc. 

Đại úy Nguyễn Văn Thân, cán bộ trực tiếp trông coi tử tù tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An cho biết, so với các tử tù khác đang bị giam giữ tại đây, Hạ Bá Hùa thuộc vào dạng những tử tù "thuần" nhất. 

Bởi theo Đại úy Thân, 23 phận đời đang nằm chốn biệt giam tại đây là những phận đời đầy giông bão, từ khi bị bắt giam cho đến lúc bị kết án tử, có không biết bao nhiêu lần đập đầu vào tường, đòi thắt cổ tự vẫn đến viết thư xin thi hành án sớm. Tuy nhiên, Hạ Bá Hùa lại là một người tù lặng lẽ, gần như đến cam chịu số phận. Đôi khi, Hùa còn mở lời tâm sự với cán bộ quản giáo về nỗi nhớ thương người vợ trẻ da diết, và Hùa ước được một lần sống để làm lại cuộc đời, nếu được trở lại, chắc chắn bản thân sẽ không còn xốc nổi như quá khứ đã sai lầm.

Điều khiến tử tù này nhẹ lòng phần nào, là số tiền kiếm được, dù không hề trong sạch, đã được Hạ Bá Hùa sử dụng để chữa bệnh cho vợ, và đó cũng là niềm an ủi duy nhất. Ngày nối tiếp ngày, nỗi sợ hãi lớn nhất của Hùa không phải là tiếng mở khóa lách cách lúc nửa đêm, hay tiếng cán bộ quản giáo gọi dậy làm vệ sinh cá nhân khi trời chưa sáng hẳn, bởi Hùa biết, lá đơn kháng cáo gửi đi, tòa phúc thẩm chưa mở thì có nghĩa là thời gian sống của Hùa đang được "bảo lãnh" thêm. 

Cũng theo tử tù này, từ khi vào chốn biệt giam đến nay, Hùa cũng chưa lần nào phải chứng kiến cảnh bạn tù phải "đi" thi hành án cả, nên cảm giác rất vững tâm. Nỗi sợ ập đến mỗi ngày, theo Hùa, chính là phải đối diện với bản thân, với nỗi day dứt ân hận vì những sai lầm khủng khiếp của quá khứ. Những lúc như thế, Hùa thường xúc động và gần như đã nắm bắt được tâm lý của tử tù, người có mặt kịp thời để động viên không ai khác chính là những người cán bộ quản giáo. Bất luận nóng bức hay giá rét, những người quản giáo làm nhiệm vụ luôn sẵng sàng "nâng giấc" cho tử tù vượt qua được xúc cảm bĩ cực nhất thời của phận người.

Thiên Thảo
.
.
.