Đau lòng chuyện đứa con nghịch tử mắc bệnh tâm thần giết chết mẹ ở Bình Định

Thứ Tư, 05/06/2013, 23:59

Trong lúc nổi cơn điên, người con trai dùng cây “dạy” mẹ ruột, khiến mẹ vỡ sọ tử vong. Sau khi nhận được tin báo, Công an huyện Tuy Phước bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Ba, 37 tuổi, thôn Vân Hội 1, thị trấn Diêu Trì (Tuy Phước, Bình Định) để điều tra làm rõ hành vi “Giết người” mà nạn nhân chính là mẹ ruột của y, bà Lê Thị Hoa (59 tuổi, ở cùng thôn).

Dùng gậy tre “dạy” mẹ đến chết

Cái chết của bà Hoa làm xáo động vùng quê yên bình, người dân vẫn không thể tin người con trai ruột lại xuống tay dã man hại chết mẹ mình. Người mẹ xấu số Lê Thị Hoa một mình gồng gánh nuôi hai đứa con, con lớn Nguyễn Cảnh (41 tuổi) đã có gia đình sống gần bên nhà mẹ, người con trai út Nguyễn Ba (37 tuổi) ở cùng mẹ già. Vào buổi chiều ngày 8/5, người dân nơi đây phát hiện Nguyễn Ba đang dùng cây rượt đuổi đánh mẹ mình. Khi hàng xóm và người thân chạy đến can ngăn thì bà Hoa đã bị đánh đến tử vong tại hàng rào sau nhà.

Theo bà Trần Thị Tố M. (64 tuổi, xóm 5, thôn Diêu Trì, thị trấn Diêu Trì), một trong những người chứng kiến sự việc hôm đó kể lại: “Chiều 8/5, lúc đó khoảng 5 giờ, tôi đến nhà người quen là ông Tuyển (thôn Vân Hội 1, thị trấn Diêu Trì) chơi thì nghe tiếng “bình bịch”, tiếng la hét và có tiếng một người phụ nữ nói “đừng đánh nữa, đừng đánh nữa!”. Khi tôi nhìn qua thì thấy một người đàn ông cầm theo một cây cọc tre nhọn đấm đá vào người phụ nữ nằm dưới đất. Thấy vậy, tôi vội chạy đến nhà ông Tuyển gọi ông và mọi người trong đó có con trai lớn của bà Hoa đến can ngăn. Khi mọi người ra tới nơi thì không còn kịp nữa, bà Hoa bị đánh chết tại chỗ”.

Sau khi gây án, Nguyễn Ba vào nhà nằm nghỉ trên giường, gần đó là xác của mẹ mình. Người dân trong thôn lập tức báo cáo lên cơ quan chức năng, Công an huyện Tuy Phước tiếp nhận nguồn tin và bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Ba ngay trong đêm. Tại cơ quan công an, bước đầu Nguyễn Ba thừa nhận dùng gậy đánh mẹ để “dạy” mẹ vì cho rằng mẹ mình chửi mắng ông bà ngoại. Tại hiện trường vụ án, cơ quan chức năng và cơ quan pháp y tỉnh Bình Định khám nghiệm hiện trường, bước đầu xác đinh bà Hoa tử vong do bị đánh vào đầu dẫn đến vỡ sọ.

Dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt?

Sau khi sự việc xảy ra, người dân tại thôn Vân Hội đều cho rằng do bị tâm thần nên Nguyễn Ba mới xuống tay tàn độc như vậy. Cô Nguyên Thị Cẩm N. (45 tuổi, ở cùng thôn), nói: “Vụ việc xảy ra thật quá đau lòng, chiều hôm đó tôi không có ở nhà nên không biết tường tận vụ việc. Bà con trong xóm nói thằng Ba đánh chết mẹ nó, tôi nghe mà nổi hết gai ốc. Thực ra, thằng Ba vốn bị bệnh lâu rồi, thường ngày nó cứ đi vẩn vơ ngoài đường, lúc tỉnh lúc say. Biết nó có bệnh, lâu nay không ai trong thôn đụng vào nó, lắm lúc nó la hét đập đồ trong nhà thường xuyên. Nhà nó khó nên không đưa đi chữa bệnh, giờ nó càng bị nặng mới gây ra chuyện đau lòng đó”.

Hiện trường vụ án.

“Hai anh em nhà nó (Nguyễn Cảnh, Nguyễn Ba) trước giờ sống không mếch lòng ai đâu. Thằng anh thì bị bệnh gai cột sống nên chỉ ở nhà trông con, thằng em bấy lâu vẫn đi làm thợ hồ. Nghe đâu nó có bị bệnh nhưng thấy nó còn tỉnh táo, ngờ đâu lại gây ra vụ việc trên. Giờ mẹ nó mất, nó bị bắt mà biết mình hại chết mẹ có lẽ nó sẽ điên thêm. Nghĩ mà thương cho mẹ con nhà nó!” – bà Nguyễn Thị Cảnh (50 tuổi) nói.

Trước ngày gây án, Nguyễn Ba vẫn đi làm thợ quét vôi và sinh hoạt bình thường. Nguyễn Ba bị bệnh tâm thần từ gần 10 năm nay và đang trong quá trình điều trị tâm thần ngoại trú tại địa phương. Mọi việc vẫn bình thường cho đến ngày Nguyễn Ba gây án.

Năm 2005, Nguyễn Ba bắt đầu có những dấu hiệu không bình thường như không ngủ được, đi lại nhiều không rõ mục đích, thường xuyên la hét và đập phá đồ đạc trong nhà. Nguyễn Ba đã hai lần khám bệnh tại Bệnh viện Tâm thần Quy Nhơn (Quy Nhơn, Bình Định) và được bác sỹ chẩn đoán bị rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi, rối loạn tư duy, hoang tưởng… là những dấu hiệu của căn bệnh tâm thần phân liệt. Năm 2006, Nguyễn Ba về điều trị tâm thần ngoại trú tại địa phương và nhận thuốc theo chỉ định của bác sỹ.

Chị Hà Thị Kim Dung, nhân viên cấp phát thuốc tại Trạm y tế thị trấn Diêu Trì, nói: “Hàng tháng mẹ ruột của Ba vẫn đến trung tâm nhận thuốc đều đặn. Tại trung tâm, Nguyễn Ba là bệnh nhân tâm thần nặng nhất bởi số thuốc thần kinh được cấp lên 120 viên/tháng trong khi nhiều người chỉ 60 viên/tháng. Trường hợp Nguyễn Ba gây án là rất bất ngờ, trước đó  Ba hoàn toàn tỉnh táo, hòa nhập cộng đồng tốt. Ngày 4/5 (trước khi gây án 4 ngày), mẹ ruột của Ba vẫn đến đây để nhận thuốc cho con”.

Theo hồ sơ bệnh án của Nguyễn Ba tại trung tâm y tế địa phương, Nguyễn Ba trong quá trình điều trị ngoại trú diễn biến bệnh tình ổn, hòa nhập cộng đồng tốt. Tuy nhiên, vào cuối năm 2010, sức khỏe của bệnh nhân ổn định nhưng có dấu hiệu thay đổi như lầm lỳ, ít nói và ít vận động hơn trước. Thời gian này, Nguyễn Ba không làm công nhân gỗ mà chuyển qua làm thợ quét vôi, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường.

Tại cơ quan công an, Nguyễn Ba khai nhận là “dạy” mẹ đến chết do mẹ mắng chửi ông bà ngoại (2 mẹ con ở cùng nhau, người con trai lớn đã ra riêng). Tuy nhiên, một người họ hàng cho hay: “Chiều 8/5, bà Hoa mua nước mía về và cho thuốc vào nước mía để thằng Ba nó uống thuốc. Mỗi lần bảo nó uống thuốc rất là khổ sở. Thấy mẹ cho thuốc vào nước mía, Ba nghĩ rằng mẹ đang muốn đầu độc mình nên đã ra tay đánh mẹ. Không chỉ đánh, nó lấy ngay cọc tre nhọn làm hàng rào đánh vào đầu, đâm nhiều nhát vào đầu khiến bà Hoa vỡ sọ mà chết trong tức tưởi như thế”.

Thương mẹ, xót em, người anh Nguyễn Cảnh nói: “Em tôi bị tâm thần rồi gây ra cái chết đau đớn của mẹ. Giờ đây gia đình tôi chỉ trông chờ vào pháp luật, nhà nước cho em tôi đi chữa bệnh. Nó phát bệnh nên không biết mình đã làm chuyện gì. Gia đình tôi đã quá lắm những nỗi đau rồi”.

Nỗi hoảng sợ sau thảm án

Vụ việc xảy ra khiến vùng quê này thêm môt lần rúng động, bởi trong vòng 2 tháng trên địa bàn huyện Tuy Phước đã xảy ra hai vụ án mạng mà đều do người tâm thần gây án. Hàng xóm láng giềng đều tiếc thương cho người mẹ xấu số và càng lo lắng trước những vụ việc người tâm thần gây án. Bởi lẽ người tâm thần không nhận thức được hành vi, không thể gánh chịu hậu quả nên những vụ án do người tâm thần gây ra rất đau lòng. Ở Bình Định, nhiều vụ án người tâm gây án đều do không được chữa trị kịp thời, hoặc là cho về địa phương khi chưa điều trị lành bệnh.

Cách đây hơn 1 năm, một vụ án thương tâm do người tâm thần gây ra làm dư luận rúng động. Tại thôn Gia An, xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn, Bình Định), khoảng đầu tháng 3/2012, trong cơn điên loạn do bệnh tâm thần tái phát, Lê Minh Nay đã dùng rựa chém chết mẹ ruột là bà Lê Thị Đôi. Sau đó, Nay châm lửa đốt xác mẹ mình. Được biết trước khi gây án, Nay đã mắc chứng tâm thần phân liệt vừa được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Quy Nhơn. Sau quá trình điều trị được hơn một năm rưỡi, Nay được đưa về thì gây ra vụ việc trên. Mới đây nhất lại thêm một bà mẹ bị tâm thần tên Nguyễn Thị Hoa (35 tuổi, ở Ân Hảo Tây, Hoài Ân, Bình Định) nhốt con, bỏ đói nhiều ngày liền và đòi giết một trong 4 đứa con để tế trời.

Bác sỹ Huỳnh Mộng Đức – Trưởng khoa điều trị I - Bệnh viện Tâm thần Bình Định, cho biết: “Tâm thần là tên gọi chung của 300 mã bệnh liên quan đến các bệnh lý về thần kinh của con người. Trong đó, tâm thần phân liệt là đáng chú ý nhất, bởi đây là thể nặng nhất trong các bệnh lý về tâm thần. Người mắc chứng bệnh này thường bị hoang tưởng, ảo giác, kích động…, nếu không có biện pháp quản lý, điều trị thì mức độ nguy hiểm cho gia đình và xã hội là rất lớn. Do vậy, khi người thân bị bệnh tâm thần người nhà nên cho vào bệnh viện chữa trị, đây là biện pháp hữu hiệu nhất để hạn chế người tâm thần gây án bên ngoài cộng đồng”.

Gần 2 năm nay, tại Bình Định đã có trên 5 vụ án mạng mà nguyên nhân là do những người tâm thần gây ra. Những vụ án do người tâm thần gây ra ngày càng tăng tại Bình Định, vụ án của Nguyễn Ba thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo mà cơ quan chức năng tỉnh Bình Định cần vào cuộc sớm hơn. Cần phải có một biện pháp kịp thời ngăn chặn việc người tâm thần gây án, tránh những hậu quả khôn lường về sau

Nguyên Thu
.
.
.