Đấu mưu với tội phạm "ngoại"

Thứ Ba, 16/06/2020, 15:56
Khi ấy, tôi đang là chỉ huy Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) - Công an TP Hà Nội, tham gia Ban chuyên án và trực tiếp triển khai các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu nhất để đấu tranh với một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. Một chuyên án kỳ công vắt qua 2 năm, đến lúc "hạ màn" chúng tôi được Chính phủ khen thưởng.


Tuy nhiên, điều khiến anh em "sướng" nhất lại là lúc nghe những tên tội phạm "ngoại" khen Công an Việt Nam quá giỏi, vì chúng đã gây án nhiều nơi cho đến khi bị công an Việt Nam bắt.

Cựu trinh sát hình sự Đào Trung Hiếu, Hieubaocand@gmail.com

"Đầu vào" của trận đánh

Năm 2009, từ đề xuất của Đại tá Nguyễn Đức Chung - (Trưởng phòng CSHS, Công an thành phố (CATP) Hà Nội khi đó, nay là Chủ tịch UBND TP Hà Nội) mà lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm công nghệ cao đầu tiên của Công an Việt Nam, được thí điểm thành lập tại ngôi nhà số 7 Thiền Quang, đặt phiên hiệu là Đội 14. 

Trước đó, nhờ thành tích khám phá nhanh vụ phát tán clip "sex" Nhật ký Vàng Anh của Đội điều tra trọng án, mà chúng tôi được lãnh đạo khen là "biết cả vi tính!", rồi phân công làm nòng cốt tại đội nghiệp vụ mới toanh này. Cho đến lúc tiếp nhận "đầu bài" điều tra vụ lừa đảo quốc tế bằng thẻ tín dụng giả, chúng tôi đã có "gia tài" 3 năm kinh nghiệm với nhiều chuyên án lớn về tội phạm công nghệ cao tại Hà Nội được khám phá thành công.

Còn nhớ buổi chiều hôm đó, ông chủ cửa hàng vàng bạc T.L ở phố Hàng Bạc, Hà Nội hớt hải tới Đội 14 trình báo việc bị lừa đảo bằng thẻ tín dụng giả. Câu chuyện trở thành bị hại của ông xem ra cũng khá ly kỳ. Giờ nghỉ trưa ngày 18/7/2011, chị Lan - nhân viên cửa hàng đang ngồi ngáp vặt, chợt có một tốp khách xì xồ tiếng lạ bước vào, xem hàng rồi nhặt không chán tay. Xong, hoá đơn báo gần 250 triệu đồng. Khách cười nhạt, rút ví lấy ra cả vốc thẻ tín dụng, đưa cho thu ngân bảo thanh toán. Sau hàng chục lần quẹt thẻ vào máy POS, cuối cùng thì cũng đủ số tiền trong "bill", họ ôm túi hàng rồi biến nhanh vào đường phố tấp nập. 

Chiều muộn, một giọng nữ gọi điện đến cửa hàng, gạ bán lại số đồ trang sức đã mua với giá chỉ bằng 1/3. Sinh nghi, chị Lan mang tập hoá đơn quẹt thẻ đến ngân hàng để rút tiền, bỗng lảo đảo như phải cảm, khi nhà băng cho biết: "giao dịch giả mạo, ngân hàng phát hành thẻ yêu cầu từ chối thanh toán". Hàng trăm triệu tiền hàng đã vĩnh viễn chia tay khổ chủ!

Nhóm tội phạm người Trung Quốc vào Việt Nam trốn truy nã vừa bị bắt thời gian gần đây.

Khi bắt đầu vào trận, cái duy nhất chúng tôi có trong tay là số sim "rác" đã gọi đến cửa hàng vào cuối giờ chiều hôm đó. Ấy vậy mà đến tối hôm sau, hai trong số ba tên đã đến mua vàng bạc tại cửa hàng TL đã có mặt tại Đội 14. Tôi đã có "màn" đấu tranh xét hỏi trực tiếp bằng tiếng Hoa suốt 2 ngày với Lin Cheng (người Trung Quốc) trong sự ngạc nhiên của anh em, vì thời đi học đã có vài năm làm quen với thứ tiếng này. 

Kết quả, Lin Cheng sụt sùi khai chỉ được chia mấy trăm đô, còn toàn bộ số hàng do tên cùng đi đã cầm về Malaysia. Truy đến cùng, lực lượng phá án đã "vớ" được một "cái lưỡi" rất quan trọng… nhưng chuyện này xin không kể sâu.

"Cuộc săn" căng thẳng

Nhiều ngày sau đó, Trung tá Ngô Minh An (Đội trưởng), Thiếu tá Phạm Đức Hà (Đội phó) và tôi chụm đầu tính toán các bước đi tiếp theo, rồi báo cáo trực tiếp Đại tá Đào Thanh Hải (Trưởng phòng CSHS khi đó, nay là Phó Giám đốc CATP Hà Nội). 

Hàng loạt biện pháp nghiệp vụ được chúng tôi triển khai, làm bật ra thông tin về một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia với tên "trùm" có bí danh là "Choi" ở KualaLumpur, Malaysia. Trong tay y có mạng lưới thành viên gồm vài chục tên, chia thành nhiều tốp nhỏ. Công việc của chúng là mang thẻ tín dụng giả đi khắp thế giới để mua hàng hoá có giá trị cao, mang về nước tiêu thụ. 

Để bảo đảm bí mật, chúng liên lạc với nhau bằng biệt danh, dùng hộ chiếu, thẻ công dân giả, không tên nào được biết đầy đủ về ông "trùm" và đồng bọn, kể cả kẻ cùng đi, cùng ăn nằm với nhau trong thời gian "săn mồi". Thậm chí, chúng chỉ gặp nhau tại nước ngoài trước giờ gây án không lâu, theo điều tiết qua điện thoại từ "nhà" của tên "trùm". Trước khi đồng bọn lên đường đi "công tác" nước ngoài, Choi thông qua các nấc trung gian để giao thẻ tín dụng giả và tiền lộ phí, ăn ở đi lại cho "chân rết". 

Tài liệu trinh sát phản ánh nhóm tội phạm này đã "đi chợ" (gây án) khắp thế giới, như tại Mỹ, Pháp, Anh, Phần Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Indonesia, Thái Lan, Singapore… Với Việt Nam, chúng cũng đã "ra vào" nhiều lần trước đó, nhưng không bị phát hiện.

Với những "thứ" đã có trên bàn, tôi trực tiếp viết báo cáo đề xuất chỉ huy phòng CSHS và Ban Giám đốc CATP Hà Nội cho xác lập chuyên án trinh sát để tổ chức đấu tranh. Lần đầu tiên, lực lượng CSHS Thủ đô đấu tranh với một ổ nhóm tội phạm quốc tế, trong khi "khách hàng" truyền thống của họ là đám lưu manh, giang hồ nội địa. 

Để chủ động nắm tình hình từ ngoại biên, chúng tôi đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt nhất, chưa từng áp dụng với hệ Cảnh sát hình sự. Từng việc một phải được Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT- CATP Hà Nội phê duyệt trước khi triển khai.

Cuộc "đi săn" kéo dài ròng rã, vắt qua 2 năm 2011 - 2012 với bao nhọc nhằn, vất vả… chả kể được với ai. Thực hiện chiến thuật trinh sát liên hoàn, toàn đội đã huy động 100% quân số bất kể ngày đêm, mưa nắng khi có tin. Còn nhớ có đêm Hà Nội mưa lụt đường, rét tê tái, cả đội sũng sĩnh trong mưa, mắt không rời xe taxi phía trước. Từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố, "khách" lòng vòng qua bao tuyến phố rồi chui tọt vào trong các khách sạn lớn. Lính ta ngáp ngủ trong mưa lạnh. Bằng mọi giá phải biết rõ "nó" đi đâu, làm gì, với ai…

Với kinh nghiệm "đi chợ" nhiều năm ở khắp các nước, bọn tội phạm "ngoại" rất cao thủ về khả năng "đánh hơi" nguy hiểm. Chỉ cần một biểu hiện khác thường, chúng chấp nhận bỏ "mồi", mua vé xuất cảnh ngay. Chẳng thế mà nhiều phen công sức anh em trở thành công cốc, khi rất dày công "chăm sóc" chợt chúng bỏ ra sân bay về nước mà không chịu "động thủ". Sau này khi phá án, mới biết có nhiều tên là tội phạm đang trốn truy nã của nước bạn. 

"Cất vó"

Tuy nhiên, "cao thủ" đến mấy rồi chúng cũng phải "ngã ngựa", bởi những nỗ lực đến mức kỳ công, lạ thường của lực lượng phá án. Khi biết một tên chủ chốt vừa dẫn theo một tốp đã nhập cảnh Việt Nam qua ngả sân bay Tân Sơn Nhất, tôi cùng Đại uý Vũ Văn Thành đã lập tức theo chuyến bay đêm vào Nam thực hiện các biện pháp nghiệp vụ. Những ngày tại TP Hồ Chí Minh, mọi hành tung của nhóm này đã thu vào tầm mắt của trinh sát Hà Nội. Chúng tôi đã nắm được mọi thứ về chúng, kể cả kế hoạch sẽ rời ra Hà Nội nên ung dung "mắc màn" chờ đợi.

Tên Valentinov - một tội phạm quốc tế dùng thẻ giả rút tiền ở Việt Nam mới bị bắt.

Ngày 12/8/2011, lực lượng phá án quyết định "úp sọt" mẻ lưới đầu tiên, với Yee Chin H… và Hoh Swee T... đều là người Malaysia. Cả hai ngỡ ngàng khi bị các trinh sát quật sấp mặt xuống đất, ngay khi chúng vừa mua xong lô hàng điện tử trị giá 45 triệu đồng tại Cửa hàng điện tử I-Shop ở 24B Bà Triệu. Lúc bị bắt, cả 2 cứ nhìn tôi trân trối, vì ngờ ngợ như đã gặp nhau ở đâu đó!

Trận đầu thành công đã làm anh em tự tin có thể "chiến" với lưu manh quốc tế, nhất là khi nghe chúng… khen Công an Việt Nam giỏi, vì đã làm được điều mà Cảnh sát ở các nước khác bó tay.

Sau khi bắt tốp thứ nhất, "lưới" vẫn giăng ra. 15 giờ ngày 15/10/2011, khi  Wong Kim F… và Koon Wen L… (đều quốc tịch Malaysia) vừa lễ mễ khuân túi hàng điện tử trị giá gần 69 triệu đồng ra khỏi cửa hàng "Digi World" ở số 6 Hàng Bài thì "gặp" chúng tôi.

Tiếp đến 17h ngày 7/2/2012, khi Soon Kok L… và Saw Wei L… (quốc tịch Malaysia); Yan Q… (quốc tịch Trung Quốc) vừa rời khỏi cửa hàng Istore, số 72 Nguyễn Du, Hà Nội để lên xe taxi, cùng chiếc ba lô chứa lô hàng điện tử trị giá hơn 40 triệu đồng, thì bị chúng tôi "vẫy xuống". Đấu tranh khai thác nóng, chúng tôi "phăng" ra cả một "xưởng" sản xuất thẻ tín dụng giả trong một khách sạn chúng thuê tại Cầu Giấy, với đầy đủ công cụ phương tiện phạm tội.

Chuyên án thắng lợi không chỉ kịp thời ngăn chặn hậu quả tội phạm, mà còn giúp nâng cao ý thức cảnh giác của các ngân hàng và cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội để chủ động phòng ngừa loại tội phạm này. Cú đánh của "Hình cảnh Thủ đô" còn làm trùm Choi khiếp vía. Sau khi đợi mãi không thấy đàn em trở về, biết đã "bể sô", gã đã ra lệnh dừng các nhóm xâm nhập vào Việt Nam gây án.

Đào Trung Hiếu
.
.
.