EU trước vấn nạn phụ nữ bị người thân sát hại

Thứ Tư, 25/09/2019, 22:31
Vào ngày 1-9-2019, một cư dân của Cagnes-sur-Mer ở miền Nam nước Pháp phát hiện có bàn chân thò ra từ một chiếc chăn cũ trong đống rác. Đó là cơ thể dị dạng của một người phụ nữ, nạn nhân của một vụ tấn công tàn bạo.


Salome, 21 tuổi, là nạn nhân thứ 100 của Pháp trong năm 2019 của "femicide" - hành vi sát hại phụ nữ bởi người tình, chồng cũ hoặc thành viên gia đình. 

Một ngày sau khi xác của Salome được tìm thấy, một người phụ nữ 92 tuổi đã bị người chồng 94 tuổi của mình sát hại. Đây là nạn nhân thứ 101 của Pháp! Trong vài giờ sau đó, chính phủ Pháp đã công bố một loạt các biện pháp để bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực gia đình.

Các quốc gia châu Âu khác cũng đã phản ứng với một tội ác không có biên giới hoặc tầng lớp xã hội. Theo các số liệu gần đây nhất, tỷ lệ các vụ "femicide" ở Pháp là cao nhất trong khối Liên minh châu Âu (EU). 

Nhưng như Viviana Waisman từ tổ chức Women's Link Worldwide (Liên kết Phụ nữ Toàn thế giới) cho rằng  bạo lực đối với phụ nữ không thể được đơn giản hóa bằng những con số. 

Bà giải thích: "Bạo lực đối với phụ nữ là một vấn đề vượt ra khỏi biên giới, giai cấp và tình trạng kinh tế xã hội. Nó tác động đến phụ nữ và trẻ em gái trong tất cả các xã hội. Có thể có ít nhiều sự kỳ thị về việc nói về nó trong một số xã hội nhất định nhưng nó có mặt trong tất cả các xã hội".

Thống kê có thể không nói lên toàn bộ câu chuyện, nhưng Romania và Bắc Ireland rõ ràng có vấn đề. Theo Sonya McMullan từ tổ chức Trợ giúp Phụ nữ Bắc Ireland, "bạo lực gia đình sẽ không biến mất và nhiều phụ nữ tiếp tục mất mạng mỗi năm". 

Phụ nữ cầm trên tay những con số thể hiện nạn dịch "femicide" ở Pháp năm 2019.

Các vụ bạo lực gia đình đang gia tăng và sự bảo vệ phụ nữ ở Bắc Ireland yếu hơn so với phần còn lại của Anh. Không giống như phần còn lại của Anh và Ireland, Bắc Ireland không có luật hình sự hóa đối với những kẻ giết hại phụ nữ. Phần Lan, được coi là ngọn hải đăng của bình đẳng giới, cũng có một trong những tỷ lệ giết phụ nữ cao nhất ở EU. 

Paivi Naskali, nữ giáo sư nghiên cứu về giới Đại học Lapland, chia sẻ: "Ở các nước Bắc Âu, quyền bình đẳng của phụ nữ được bảo vệ trong phạm vi công cộng chứ không phải trong phạm vi tư nhân. Phúc lợi nhà nước đã trao nhiều quyền cho phụ nữ, nhưng chính sách này tập trung vào thị trường lao động ... không phải là sự bình đẳng trong cuộc sống riêng tư".

Các nước cộng hòa Baltic cũng có tỷ lệ "femicide" cao. Tây Ban Nha thường được coi là một ví dụ cho phần còn lại của châu Âu về các biện pháp nhằm bảo vệ phụ nữ chống lại bạo lực trên cơ sở giới. 

Năm 2004, chính quyền Tây Ban Nha đã thông qua luật thành lập một mạng lưới các tòa án chuyên về bạo lực gia đình và nhắm mục tiêu bơm thêm nhiều tiền vào các chương trình hỗ trợ những phụ nữ nạn nhân sống sót. 

Nhưng vào tháng 6-2019, Tây Ban Nha đã ghi nhận vụ giết hại phụ nữ thứ 1.000 bởi "đối tác tình cảm". Beatriz Arroyo đã 29 tuổi và quyết định chia tay bạn trai vào tháng 6 để bắt đầu một cuộc sống mới. Khi cô gái đến căn hộ ở tầng 5 của họ gần thành phố phía đông của Valencia để nói lời chia tay và đã bị anh ta siết cổ. Sáng hôm sau, hung thủ ném mình từ ban công tự tử. 

Được xác định là nạn nhân thứ 1.000 của Tây Ban Nha, cái chết của cô vào ngày 10-6 được đánh dấu là một ngày đen tối trong lịch sử bạo lực chống phụ nữ của Tây Ban Nha. Số phụ nữ thiệt mạng trong năm 2019 tại Tây Ban Nha đã nhiều hơn gấp đôi số lượng được ghi nhận vào năm 2018.

Vào giữa tháng 9-2019, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe công bố chi 5 triệu euro để giúp chống tội phạm "femicide", cung cấp 1.000 địa điểm trú ẩn mới tiếp nhận phụ nữ nạn nhân của bạo lực gia đình và kiểm tra 400 đồn cảnh sát để xem xét cách xử lý khiếu nại của phụ nữ. 

Thẻ điện tử sẽ được sử dụng để ngăn chặn những kẻ phạm tội tiếp cận nạn nhân của họ và tòa án gia đình sẽ được phép ngăn chặn những người cha đến thăm con của những bà mẹ bị bạo hành. 

Đường dây nóng được Tổng thống Pháp Macron chọn để làm nổi bật chiến dịch đã chứng kiến sự tăng đột biến trong các cuộc gọi điện thoại vào ngày công bố. 

Các nhóm ủng hộ quyền phụ nữ tin rằng cần nhiều tiền hơn để chống lại tai họa của bạo lực gia đình. Ở Litva, một cuốn truyện tranh được thiết kế để giải thích các hình thức bạo lực gia đình khác nhau.

Diên San
.
.
.