Gây trọng án chỉ vì… 300 ngàn đồng?!

Thứ Ba, 06/09/2016, 15:51
Công an quận Bình Tân, TP HCM vừa cho biết, đang tạm giữ nghi can Lê Văn Trường (sinh ngày 19-10-2000, quê Cần Thơ) để điều tra, làm rõ về hành vi "giết người". Nạn nhân của Trường là ông Phan Mỹ Đô (tên gọi khác là Tài, 39 tuổi, quê Cần Thơ, cha dượng của Trường)...


Từ quê Cần Thơ lên TP Hồ Chí Minh chơi với mẹ và cha dượng gần nửa tháng nay, nhưng Lê Văn Trường (chỉ mới 16 tuổi) thường xuyên qua đêm, thậm chí đi mấy ngày mới về. Hôm trở về phòng trọ của mẹ và cha dượng với dáng điệu của một kẻ say xỉn, Trường hỏi nhờ cha dượng ứng 300 ngàn đồng để đi chơi tiếp nhưng không được. 

Lời qua tiếng lại, Trường đã cầm dao đâm 1 nhát vào người cha dượng gây nên vụ án mạng thương tâm. Đằng sau vụ án này là số phận của những người khốn khổ từ hoàn cảnh gia đình ly tán, là những đứa trẻ không được dạy dỗ đến nơi đến chốn và hậu quả khôn lường đã xảy ra.

Vụ án mạng thương tâm

Công an quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh vừa cho biết, đang tạm giữ nghi can Lê Văn Trường (sinh ngày 19-10-2000, quê Cần Thơ) để điều tra, làm rõ về hành vi "giết người". Nạn nhân của Trường là ông Phan Mỹ Đô (tên gọi khác là Tài, 39 tuổi, quê Cần Thơ, cha dượng của Trường).

Trước đó, vào chiều 28-8, Trường đi nhậu và về phòng trọ của mẹ là bà Huỳnh Thị Sến (47 tuổi, quê Cần Thơ) ở hẻm 17, đường Liên khu 5-6 (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) nằm ngủ. Lúc này, ông Đô (chồng sau của bà Sến) đi từ trên gác của phòng trọ xuống cằn nhằn, la mắng Trường: "Mày tối ngày đi ăn nhậu" nhưng Trường nằm yên không trả lời.

Nghi can Lê Văn Trường khi gây án mới 16 tuổi.

Biết Trường đang có hơi men nên ông Đô bỏ ra ngoài phía trước phòng ngồi ở chiếc ghế đá nhưng vẫn tiếp tục lẩm bẩm chửi mắng. Không ngủ được, Trường nổi "máu điên" chạy xuống bếp lấy dao Thái Lan lao ra đâm vào người cha dượng khiến nạn nhân gục ngã ngay tại chỗ. Lúc này, bà Sến đang ngồi gần đó phát hiện chạy đến can ngăn, hô hoán mọi người. Nghe tiếng la hét trong dãy trọ, anh Nguyễn Văn Tú (SN 1983) là người sống chung dãy trọ tại đây chạy đến tước dao của Trường ném vào chậu kiểng…

Ông Đô nhanh chóng được những người trong dãy trọ đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất, tuy nhiên do vết thương quá nặng nên nạn nhân đã tử vong sau đó. Về phần mình, sau khi đâm cha dượng, Trường chạy vào trong góc phòng trọ ngồi một chỗ, ai hỏi gì cũng không nói.

Nhận được tin báo, Công an quận Bình Tân đã có mặt phong tỏa, khám nghiệm hiện trường, đồng thời đưa Trường về trụ sở làm rõ. Tại cơ quan điều tra, Trường thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Nghi can Lê Văn Trường tại cơ quan điều tra.

Tìm hiểu thực tế tại khu nhà trọ và qua lời kể của những người biết chuyện thì đằng sau vụ án mạng này còn ẩn chứa những lý do khác nữa, không đơn thuần chỉ vì nạn nhân chửi mắng con riêng của vợ.

Chia sẻ về sự việc hôm đó với chúng tôi, bà Đào Thị Mỹ Nga (57 tuổi), chủ nhà trọ cho biết: "Sau khi cầm dao đâm gục cha dượng, Trường có vẻ sợ hãi chạy vào góc phòng ngồi im lặng một mình… Tôi nghĩ Trường không có ý định giết người mà có vẻ chỉ muốn "dằn mặt" ông Tài vì dám chửi mắng mình nhưng không ngờ hậu quả đau lòng đã xảy ra". Bà Nga cũng cho biết, sau khi sự việc xảy ra, bà Sến đã đau xót theo chuyến xe chở thi thể chồng về quê Cần Thơ chịu tang.

Trong khi đó, chị Huỳnh Thị Tuyên là em gái bà Sến kể lại nội tình sâu xa của sự việc: "Sáng hôm đó (28-8), hai anh chị tôi xin nghỉ làm để dẫn cả nhà đi chơi vì Trường mới từ quê lên. Nhưng sau bữa cơm trưa, giữa anh Tài và Trường xảy ra tranh cãi.

Lý do là vì anh Tài khuyên Trường còn nhỏ không nên tụ tập cùng bạn bè lêu lổng mà phải xin việc làm thêm phụ giúp cha mẹ. Không những không nghe mà Trường tỏ ra ấm ức bởi ngày trước khi cha đẻ còn sống, anh em Trường ít phải chịu la mắng. Trong khi anh Tài chỉ là cha dượng lại "dám can thiệp" sâu vào đời sống cá nhân của nó…".

Theo lời chị Tuyên thì từ mâu thuẫn ở buổi cơm trưa, Trường bỏ đi không ở chung phòng với dượng và mẹ. Đến chiều, Trường lại quay về phòng trọ hỏi xin ông Tài 300 ngàn đồng vì bảo có việc cần tiền gấp. Nhưng ông Tài nói hết tiền rồi. Trường tiếp tục đề nghị cha dượng sang tạm ứng của người chủ thầu nhận công nhân bốc vác.

Nghe Trường nói vậy, ông Tài ra sức giải thích rằng ông mới ứng tiền, giờ ứng thêm sợ người chủ không cho. Nhưng nếu Trường thực sự cần thì để sáng mai ra công trường ông sẽ hỏi ứng hoặc vay mượn bạn bè cho dễ. Không tin lời cha dượng nói, Trường vùng vằng la lối, cho rằng cha dượng keo kiệt, ngoài miệng nói chuyện đạo lý nhưng thực sự không thương yêu mẹ con Trường.

Nghe con trách móc nặng lời, ông Tài lớn tiếng quát lại, la lối Trường, trẻ con ham chơi không hiểu chuyện… Sau đó, ông Tài buồn chán ra trước ghế đá khu trọ ngồi và vẫn tiếp tục chửi bới Trường. Ông không ngờ rằng Trường dám gây ra một bi kịch đau lòng như vậy.

Chị Tuyên buồn bã chia sẻ sự việc.

"Ngày thường, Trường ở quê sống cùng hai anh trai, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Cháu thi thoảng mới lên thành phố thăm mẹ. Trường và hai anh không chỉ khổ về mặt vật chất mà còn sớm thiếu đi tình thương yêu của cha, mẹ nên khi bị cha dượng chửi bới, la rầy, Trường có thể đã hành động, suy nghĩ theo bản năng. Có lẽ chính tâm lý tự ti, mặc cảm đã khiến Trường phản ứng thái quá khi anh Tài buông lời dạy bảo", chị Tuyên nhận định.

Bi kịc h từ đứa con hư

Tìm hiểu thêm về cuộc sống của mẹ con bà Sến, chúng tôi được biết Trường mới từ Cần Thơ lên ở với mẹ khoảng 15 ngày nay. Tuy nhiên, Trường thường đi chơi qua đêm, thậm chí 3-4 ngày mới quay lại phòng trọ một lần. Trường được mẹ và cha dượng chu cấp tiền ăn uống, đi lại.

Thường ngày, ông Tài làm nghề bốc vác thuê, còn bà Sến làm công nhân ở một xưởng sản xuất nhôm kính. Theo nhận xét của những người trong khu trọ thì hai ông bà sống ở đây đã 6 năm và luôn hòa thuận, thương yêu nhau. Mỗi lần Trường lên chơi, ông Tài luôn đối đãi rất tốt. Ông Tài chưa bao giờ la mắng hay chửi bới con riêng của vợ.

Ngược lại, Trường được coi là đứa trẻ không ngoan và có phần ham ăn chơi lêu lổng. Bản thân ông Tài hiểu mình chỉ là cha dượng nên cũng góp ý chừng mực. Hôm vụ án xảy ra là lần hy hữu ông Tài thẳng thắn góp ý khuyên bảo Trường.

Cũng giống như nhận xét của mọi người trong dãy trọ, chị Tuyên chia sẻ thêm rằng công việc bốc vác thuê của ông Tài khá bấp bênh, ngày có, ngày không. Trong khi thu nhập của bà Sến cũng ít ỏi. Vì thế cuộc sống của vợ chồng ông Tài có phần khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Dù vậy, hai ông bà vẫn chung sống đầm ấm, vui vẻ.

Cũng theo lời chị Tuyên thì trước đây bà Sến đã có gia đình riêng, sống với chồng và ba người con ở quê nhà Cần Thơ. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn vì  không có ruộng vườn, hai vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn nuôi ba đứa con. Sau đó, do thường xuyên xích mích, mâu thuẫn, bị chồng chửi bới, đánh đập nhiều lần nên bà Sến quyết định ly hôn và để ba đứa con lại cho chồng cũ nuôi dưỡng, một mình lên TP Hồ Chí Minh mưu sinh.

Con dao, hung khí gây án.

Hơn 6 năm trước, tại chính xóm trọ ở phường Bình Hưng Hòa B, bà Sến đã gặp và nảy sinh tình cảm với ông Tài. Ông Tài khi đó là trai chưa vợ, ít hơn bà Sến gần 10 tuổi. Từ mối quan hệ "chị em" ban đầu, hai người nghèo khổ thấu hiểu, cảm thông cho hoàn cảnh của nhau nên quyết định cùng góp gạo thổi cơm chung mà không hề tổ chức cưới hỏi hay đăng ký kết hôn.

Về phần Trường, sau khi cha mẹ đường ai nấy đi, Trường cũng tự ý bỏ học ở nhà chơi bời, quậy phá. Mỗi lần nhớ mẹ, Trường lại gọi điện thoại xin tiền xe lên chơi vài ngày. Bốn năm trước, Trường và hai anh của mình tiếp tục gặp phải cú sốc lớn khi người cha ruột không may gặp tai nạn qua đời.

Thiếu thốn về vật chất cộng với việc suy sụp tinh thần khiến Trường chán nản, buông xuôi, chỉ biết chơi bời lêu lổng. Bà Sến biết chuyện, nhưng không thể đưa cùng lúc ba đứa con trai ở quê lên thành phố nuôi dưỡng nên cả ba anh em Trường vẫn sinh sống ở quê. Bản thân Trường chẳng phải làm gì chỉ ở nhà theo bạn bè xấu đua đòi quậy phá. Lúc nào có tiền, Trường lại bắt xe lên TP Hồ Chí Minh ở cùng mẹ một thời gian.

Nhận xét về ông Tài, nhiều người trong dãy trọ cho biết ông là người hiền lành, chăm chỉ. Ít khi nào ông nhậu nhẹt hay gây sự với hàng xóm. Mỗi khi nhận lương ông đều đưa hết cho bà Sến trang trải cuộc sống. Dù chung sống nhiều năm nhưng ông Tài và bà Sến không có con nên về mặt nào đó ông Tài luôn xem các con riêng của bà Sến như con mình và đối đãi tử tế, đặc biệt với cậu út Trường. Ngay như hôm vụ án xảy ra, ông Tài biết Trường lên chơi nên đã bàn với vợ cùng nhau nghỉ làm ở nhà để tổ chức ăn uống cho vui vẻ. Nhưng không ngờ cơ sự đau lòng trên lại xảy ra.

Ánh Xuân - Ngọc Chi
.
.
.