Giá của sự bội tín

Thứ Ba, 06/01/2015, 16:30
"Những ngày sống vạ vật nơi đất khách hay nhiều đêm thức trắng trong trại tạm giam, tôi vô cùng ân hận về tội lỗi của mình. Vì tôi mà bao người thân phải buồn phiền, tủi nhục. Tôi cầu mong Hội đồng xét xử mở rộng lòng thương, cho tôi một cơ hội để tôi sớm được về đoàn tụ cùng gia đình, bên cha mẹ già yếu và 2 đứa con thơ” - bị cáo Trần Mạnh Hùng giọng nhỏ dần, đầu cúi thấp khi trình bày lời nói sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án.
1. Sau những ngày hanh hao, nắng bụi, sáng nay trời trở lạnh. Thành phố nhòa đi trong làn mưa mỏng. Tại một phòng xử tầng 3 của TAND TP Hà Nội, hơn chục con người đang ngồi lặng lẽ, khuôn mặt lo âu nhìn về phía trước. Họ là những người thân của bị cáo, có mặt từ rất sớm để mong gặp con em mình, hỏi han những ngày sống trong trại tạm giam rồi dặn dò bị cáo chấp hành tốt quy định của trại. Hơn một lần, bị cáo ngoái lại nhìn những hàng ghế phía dưới, ánh mắt dừng lại hồi lâu trên gương mặt từng người rồi cố nở nụ cười gượng gạo để mọi người an lòng.

Đó là Trần Mạnh Hùng, 39 tuổi, trú tại tổ 30, phố Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Giám đốc Công ty CP sản xuất và thương mại Hùng Ngọc. Hồi trẻ, Hùng cũng lo bươn chải như bao thanh niên khác trước ngưỡng cửa cuộc đời. Có gia đình, những đứa trẻ lần lượt ra đời khiến lo toan nhiều hơn. Sau nhiều lần cân nhắc, Hùng quyết định thành lập công ty, kinh doanh văn phòng phẩm và dịch vụ vận tải. Làm ăn lúc được, lúc không nhưng Hùng không nản chí với hy vọng một ngày nào đó, việc kinh doanh sẽ thuận chèo mát mái. Thế rồi gặp thời buổi suy thoái, kinh nghiệm quản lý non nớt khiến việc kinh doanh không được như mong muốn, số tiền thu về chỉ là một phần nhỏ so với những khoản đã đổ vào. Đâm lao phải theo lao, Hùng đành đến gõ cửa nhà bạn thân là anh Lê Vũ Quyết, 39 tuổi, trú tại phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội để hỏi vay tiền với hy vọng sẽ phục hồi công ty.

Anh Quyết nhớ lại: Tôi và Hùng là bạn học hồi phổ thông, cùng trường nhưng khác lớp, tuy vậy vẫn chơi thân với nhau. Cùng là dân kinh doanh (tôi làm cơ khí, Hùng kinh doanh vận tải và văn phòng phẩm) nên thỉnh thoảng vẫn gặp nhau. Hùng nói năng rất khéo, nhất là khi cần thuyết phục một người nào đó. Khi Hùng làm ăn trục trặc, nhiều lần Hùng đến nhà tôi vay tiền.

Có đêm, Hùng gõ cửa, đốt hết một bao thuốc rồi nói trong nước mắt rằng cậu ấy đang bị dồn vào bước đường cùng, nếu tôi không giúp thì cậu ấy cũng không thiết sống nữa. Tin và thương bạn, tôi không đắn đo gì mà tìm mọi cách vay tiền giúp Hùng. Tổng cộng, tôi đã đưa cho Hùng 15 lần với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng với lãi suất hai bên thỏa thuận. Đến nay, nếu tính cả tiền gốc và lãi phát sinh, Hùng còn nợ tôi gần 1,5 tỷ đồng.

Bị cáo Trần Mạnh Hùng tại phiên tòa.

Lúc hỏi vay "ngọt" là thế, đến thời hạn trả nợ thì Hùng tìm mọi cách lánh mặt, khất lần khiến anh Quyết rất tức giận bởi để có tiền đưa cho Hùng, anh Quyết đã phải dùng tới uy tín, danh dự của mình để vay giúp bạn. Hùng không cần hiểu điều đó, vì vậy, tình bạn cứ thế sứt mẻ dần. Qua tìm hiểu, anh Quyết còn biết Hùng không chỉ vay tiền anh mà còn vay nhiều người khác với lý do trả nợ ngân hàng và đầu tư tiếp vào kinh doanh. Song, những người này không đòi nợ cũng như tố cáo Hùng tới cơ quan điều tra, nếu không, số tiền mà Hùng phải trả sẽ là con số rất lớn.

Giữa lúc anh Quyết lo lắng trăm mối với các khoản vay hộ chưa được thanh toán thì nghe tin Hùng cùng vợ con bỏ trốn vào TP Hồ Chí Minh. Cơn tức giận bị đẩy tới đỉnh điểm, không còn lựa chọn nào khác buộc lòng anh Quyết phải làm đơn tố cáo hành vi phạm tội của Hùng tới cơ quan điều tra. Thấy có đủ cơ sở pháp lý, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Trần Mạnh Hùng về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đồng thời ra quyết định truy nã Hùng trên phạm vi toàn quốc. Gần 4 năm sau ngày bỏ trốn, ngày 13/1/2014, Hùng đã bị bắt.

Phiên tòa sơ thẩm sáng 2/12 diễn ra khá nhanh bởi bị cáo nhận lỗi thành khẩn và bị hại cũng không đòi hỏi gì ngoài việc bị cáo phải hoàn trả lại tiền gốc đã vay trước đó. Sự độ lượng của bị hại được Hội đồng xét xử ghi nhận. Ngay tại phiên tòa, bị cáo cũng có lời cảm ơn và hứa sau khi chấp hành xong bản án sẽ tiếp tục có trách nhiệm thanh toán toàn bộ số tiền đã vay.

2. Giờ nghị án, từ hàng ghế cuối cùng của phòng xử, tôi tiến đến gần bị cáo. Như những lần tiếp xúc với các bị cáo khác, tôi muốn một câu chuyện gần gũi gửi tới bạn đọc, bởi xét cho cùng, bị cáo cũng là con người, họ từng có một quá khứ tốt đẹp hay những khát vọng lớn lao về sự bình yên với tổ ấm của mình. Cuộc sống bon chen, những bước ngoặt của số phận, những âu lo của trách nhiệm đặt lên vai họ đã buộc họ phải nhắm mắt đưa chân. Và chính vào thời điểm khắc nghiệt ấy, họ đã đánh mất mình. Đến lúc này, những bi kịch không còn là của riêng họ nữa mà là của cả những người thân.

- Trước ngày xét xử, Hùng có cảm giác gì?

- Em lo lắng nhiều.

- Đêm qua ngủ được không?

- Dạ, ngủ không nhiều như mọi ngày.

- Trốn vào TP Hồ Chí Minh cùng vợ con, Hùng ở đâu?

- Dạ, em ở đường 61, quận 2.

- Làm gì để sống?

- Chúng em bán nước mía.

- Đủ sống không?

- Dạ, có.

- Những ngày chui lủi đó, điều em nghĩ nhiều nhất là gì?

- Em nghĩ về các con, về số nợ phải trả và vô cùng ân hận.

- Nếu được làm lại từ đầu, Hùng sẽ làm gì?

Im lặng, không có câu trả lời. Tôi không có ý định hỏi thêm bởi vào lúc này, bị cáo cũng đang bị xáo trộn rất nhiều. Một lần nữa, bị cáo quay lại, đưa mắt nhìn người thân phía dưới. Nơi ấy, có người cha đã ngoài 70 tuổi cả đời lam lũ với gánh nặng gia đình 7 đứa con, đến giờ vẫn chưa được thanh thản tuổi già. Và ngay sau bị cáo, ở khoảng cách gần nhất là người vợ với nét mặt đượm buồn, đôi mắt đỏ hoe. Người đàn bà ấy đã khóc nhiều và hôm nay, những giọt nước mắt lại rơi xuống, thương cho chồng vướng vòng lao lý để rồi phải trả giá, thương cho mình sẽ phải vò võ nuôi con và với mọi cố gắng, không biết chị có vượt qua không?

3. 14 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là sự trừng phạt của pháp luật đối với bị cáo Trần Mạnh Hùng. Ngoài ra, bị cáo còn có trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt. Đó là cái giá quá đắt mà bị cáo phải trả cho tội lỗi của mình.

Vay tiền hoặc cho người khác vay, đó là hoạt động hết sức bình thường trong cuộc sống thường ngày, nhất là với những quan hệ trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Thật đáng tiếc, một số người vì coi trọng vật chất mà sẵn sàng bất chấp tất cả. ở vụ án trên, bị cáo đã bội tín, đặt đồng tiền lên trên tình bạn để rồi tự mình đánh mất tất cả. Như lời bị hại Vũ Lê Quyết tâm sự: Tiền mất có thể làm ra được, nhưng mất một người bạn tốt, sẵn sàng giúp nhau lúc hoạn nạn thì sẽ không bao giờ có thể tìm được. Và đó chính là cái mất lớn nhất trong cuộc đời một con người.

Nguyễn Tuấn
.
.
.