Giá đắt của lối sống buông thả!

Thứ Năm, 07/03/2013, 16:11

Một tuần sau khi bản án cao nhất được tuyên cho Hoàng Hữu Hùng - kẻ thủ ác gây ra vụ trọng án gây xôn xao dư luận TP Yên Bái (Yên Bái) cách đây không lâu- tôi nhận được điện thoại của ông Hoàng Hữu Hà, cha đẻ Hùng. "Chị có cách nào cứu con trai tôi không, cháu còn trẻ người non dạ, tội ác của nó chưa đến mức phải nhận bản án cao nhất…", người đàn ông ấy nói với tôi bằng một giọng tuyệt vọng, sự tự tin trước đó vài ngày đã biến mất.

Cha mẹ nào mà chẳng yêu thương con, tôi đồng cảm và sẻ chia với nỗi đau mất con của ông Hà nhưng không đồng tình với cách bào chữa của người cha ấy. Dẫu là vô tình hay cố ý thì sự nuông chiều thái quá của ông Hà cũng là nguyên nhân khiến Hùng đi từ sai lầm này đến sai lầm khác và rồi phải trả một giá đắt như ngày hôm nay?.

1. Từ lúc Hùng bị tuyên án tử hình, nhà ông Hà như có đám, vợ ông  ngất lên ngất xuống, vật vã chẳng thiết gì ăn uống còn ông thì cũng già xọm hẳn đi.

Ông Hà sụt sùi: "Con trai tôi là đứa hiền lành, ngoan ngoãn. Từ bé đến lớn, nó chẳng đánh nhau với ai bao giờ… Hành động của cháu chẳng qua là do bột phát!. Lúc trước, tôi cứ nghĩ tội của cháu chắc đi tù khoảng hơn chục năm rồi sẽ được trở lại với cộng đồng, chẳng ngờ".

Sự ấu trĩ về nhận thức, sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người cha ấy khiến tôi cảm thấy chua xót. Ông Hà đau xót khi sắp phải mất đi cậu con trai mà ông ta hết mực thương yêu nhưng ông ta quá ích kỷ khi quên mất nỗi đau của những đứa con mất mẹ, người chồng mất vợ và một mái ấm gia đình bỗng dưng tan đàn xẻ nghé… nguyên nhân bắt nguồn từ tội ác do con trai của ông ta gây nên?

- Đã bao giờ ông đặt mình vào vị trí và hoàn cảnh của những người thân trong gia đình người bị hại?, tôi đột ngột cắt ngang câu nói của ông Hà?

- Tôi biết con trai tôi đã sai… nhưng hành động của Hùng chỉ mang tính bột phát, nhất thời, bản chất nó không phải là đứa như vậy. Ngưng một lát ông Hà trả lời.  

- Đây không phải là lần đầu Hùng phạm tội?

- Vâng, trước đó Hùng từng có một tiền án tội giao cấu với trẻ em bị TAND quận Ba Đình (Hà Nội) tuyên phạt 36 tháng nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm.

- Nghĩa là khi gây ra tội ác đặc biệt nghiêm trọng này, Hùng chưa hết thời gian thử thách?

- Đúng như vậy, ông Hà trả lời. Lúc đó, Hùng còn trẻ người non dạ… Ông Hà luôn tìm cách biện bạch cho con trai của mình…

- "Dạy con từ thủa còn thơ…." phải chăng ông đã quá nuông chiều Hùng để dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay?

Ông Hà không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi, giọng trầm trầm ông nói: "Vì tôi chưa biết thờ cúng đúng cách nên con trai tôi không tránh được tai họa tày trời như thế này. Hùng có tướng mạo khác người, nếu biết sớm thì cháu sẽ trở thành người có ích và làm rạng danh cho gia đình…", ông Hà nói với tôi nhưng cũng là để an ủi cho chính mình. Khi rơi vào tuyệt vọng người ta thường tìm đến tôn giáo như một sự an ủi cuối cùng và ông Hà cũng vậy. Lý giải cho những lời nói của mình, ông Hà bảo con trai ông có đôi lông mày đặc biệt, đôi lông mày to, đậm và ở phần đầu thì cắt nhau sẽ làm nên nghiệp lớn…

Hoàng Hữu Hùng là con trai lớn của ông Hà, dưới Hùng còn có một người em trai, kém Hùng vài tuổi. Vợ chồng ông Hà là những người lao động hiền hành, chân chính nhưng nhờ thật thà, cần mẫn nên ở cao nguyên trắng Bắc Hà (Lào Cai), họ cũng vào hộ gia đình có của ăn của để. Cũng chính vì thế mà ngay từ nhỏ Hùng đã được ông Hà và vợ nuông chiều, anh ta muốn gì được nấy…

Khi những đám bạn cùng trang lứa phải vất vả lần hồi từng bữa ăn, hết chăn trâu lại cắt cỏ thì Hùng chỉ có một việc duy nhất là cắp sách đến trường. Vì thương con, ông Hà và vợ dồn hết tâm huyết cho cậu con trai học hành như để bù đắp cho sự thiếu hụt về tri thức của họ. Học hết phổ thông trung học, Hùng thi đỗ rồi về Hà Nội theo học tại một ngôi trường chuyên về lĩnh vực tin học. Mỗi tháng vài triệu đồng gồm cả tiền ăn và tiền học, đó là một khoản tiền không nhỏ đối với những người lao động như vợ chồng ông Hà. Song vì thương con, ông Hà và vợ đáp ứng mọi yêu cầu của Hùng.

Cuộc sống đô thị ồn ào, Hùng vốn được nuông chiều lại thiếu bản lĩnh bắt đầu sa ngã. Thay vì việc học tập, Hùng thường xuyên lên mạng chat. Và lần Hùng dính tới pháp luật là vụ quan hệ tình cảm với một học sinh phổ thông trung học, đang ở tuổi vị thành niên. Khi gia đình người bị hại đâm đơn tố cáo, Hùng vừa tròn 18 tuổi.

Lúc ấy, ông Hà và vợ cũng cho rằng Hùng bồng bột, mới lớn và do yêu đương mà phạm tội nên chạy vạy khắp nơi, gặp gỡ gia đình người bị hại…xin cho Hùng được nhận hình phạt nhẹ nhất là được tại ngoại. "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" thay vì việc phải giáo dục Hùng, chỉ bảo Hùng biết đúng sai thì ông Hà lại luôn biện minh cho Hùng bằng tình yêu mù quáng của một người cha…?

Đối tượng Hùng tại cơ quan điều tra.

2. Tôi gặp Hùng vào một chiều đông ảm đạm, trước thời điểm vụ án chuẩn bị được đưa ra xét xử vài ngày. Hơn 3 tháng trong trại, Hùng đã xác định được tâm lý nên tâm trạng khá ổn định song anh ta rất kiệm lời?

- Hôm đó Hùng cần tiền để làm gì?

- Tôi cần để trả tiền thuê nhà nghỉ. Trước đó, tôi và bạn gái đã thuê một căn phòng ở trong 2 ngày…

- Hùng quen người bạn gái này được bao lâu?

- Tôi quen được khoảng từ một đến 2 tháng, cô ấy học cùng trường với tôi, chúng tôi yêu nhau…

- Bố mẹ Hùng biết mối quan hệ này?

- Thực ra chúng tôi chỉ là bạn cùng trường, quý mến nhau thì tìm đến với nhau, tôi chưa xác định điều gì với cô ấy.

- Vậy những lần trước Hùng làm gì để có tiền ăn, chơi và bao bạn gái?

- Tiền của bố, mẹ cho để đóng học thì tôi dùng để ăn tiêu…

- Bố và mẹ Hùng có biết việc Hùng dùng tiền học phí và sinh hoạt hàng tháng để ăn chơi và sống trụy lạc như thế này?

- Không, bố mẹ tôi nghĩ rằng tôi dùng tiền này để đóng học, Hùng trả lời giọng ráo hoảnh.

- Hùng từng có một tiền án về hành vi giao cấu với trẻ em, vì sao vẫn tiếp tục sống một cách buông thả như vậy?

- Hùng im lặng, không trả lời câu hỏi của tôi.

- Từ một sinh viên y khoa, trở thành kẻ giết người, cướp tài sản, vết trượt tội lỗi của Hùng bắt đầu từ cờ bạc và lối sống phóng túng?

- Là do tôi suy nghĩ và nhận thức kém. Sau khi nhận giấy đuổi học, tâm lý tôi bị tác động mạnh, tôi muốn buông xuôi mọi thứ, Hùng trả lời.

Sau khi được tại ngoại về hành vi giao cấu với trẻ em, Hùng bỏ học về Bắc Hà (Lào Cai) sinh sống một thời gian và đến tháng 11/2010 tiếp tục theo học tại trường Cao đẳng y Yên Bái. Mỗi tháng một lần, gia đình vẫn đều đặn gửi cho Hùng gần 2 triệu đồng để ăn học. Để có được số tiền đó, bố và mẹ Hùng phải thắt lưng, buộc bụng tằn tiện gửi cho con. Họ luôn hy vọng rằng Hùng học hành tấn tới có thể trở thành một lương y vẹn toàn về tài, đức giúp bố, mẹ nương tựa lúc tuổi già. Sai lầm của cha, mẹ Hùng là ở chỗ này.

Họ chỉ biết Hùng xin tiền là cho, còn cụ thể Hùng dùng tiền để làm gì, học hành thế nào thì họ cũng không biết. Hùng dành toàn bộ khoản tiền để chơi cờ bạc và sau đó bị nhà trường đuổi học nhưng bố, mẹ Hùng cũng chẳng biết và chẳng hay. Và rồi điều gì đến sẽ phải đến…

"Đói ăn vụng, túng làm liều" Hùng bắt đầu trộm cắp tài sản, ban đầu là của những người bạn quen biết. Vụ việc này bị phát hiện, Hùng sau đó bị bắt giữ nhưng được tại ngoại chờ thi hành án. Vậy nhưng khi hồ sơ vụ án chưa kịp ráo mực thì đối tượng này lại tiếp tục phạm tội ác tày trời. Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 9/11/2012, Hùng từ Lào Cai xuống Yên Bái chơi. Khi đến TP Yên Bái, Hùng rủ bạn gái cũng là một sinh viên cùng trường thuê một nhà nghỉ trên địa bàn ăn, ở với nhau như vợ chồng.

Để có tiền trang trải cho khoản tình phí trên, Hùng nảy ý định phạm tội. 7 giờ 40 sáng 12/11/2012, Hùng đi bộ trên đường Nguyễn Thái Học thì phát hiện chị Nguyễn Thị Yên  (bị hại của vụ án) ra khỏi nhà… Thấy cơ hội thuận lợi, Hùng liền lẻn vào nhà. Trong khi đang lục soát tài sản tại tầng 2, Hùng phát hiện thấy chiếc điện thoại di động của anh Đặng Duy Nam, con trai bà Yên để ở đầu giường liền cho vào túi. Hùng tiếp tục lục soát ở tầng hai và tầng một thì bà Yên đi từ bên ngoài về, Hùng sợ hãi liền nép vào trong cầu thang.

Khi bà Yên đi đến gần đối tượng này bất ngờ dùng con dao nhọn mang theo người đe dọa bà Yên, sau đó liều lĩnh cướp đi mạng sống của người đàn bà  vô tội. Sau khi gây án, kẻ thủ ác vẫn bình thản lục soát nhà của người bị hại và lấy thêm được một chiếc ví, bên trong có 4,2 triệu đồng cùng một số giấy tờ tùy thân. Chỉ đến khi chồng của nạn nhân Yên trở về, đối tượng này mới sợ hãi bỏ trốn khỏi hiện trường vụ án…

- Vì sao lúc đó, Hùng lại bỏ trốn về nhà?

- Vì tôi muốn gặp bố, mẹ tôi nói lời xin lỗi…

- Nghĩa là Hùng biết hành vi phạm tội của mình sẽ bị phát hiện?

- Sau khi bỏ chạy khỏi hiện trường vụ án, tôi biết đã để quên chiếc điện thoại di động nên tôi nghĩ rằng trước sau gì tôi cũng sẽ bị Công an phát hiện… Tôi muốn về gặp bố, mẹ lần cuối và nói lời xin lỗi với những người đã sinh thành ra tôi. 

-Vậy Hùng đã kịp nói gì chưa?

- Tôi vừa vào đến sân thì cũng là lúc các anh Công an ập vào bắt giữ, tôi chưa kịp nói gì.

- Hùng có muốn nhắn gì cho bố, mẹ không?

- Khi tôi nhắc đến mẹ, Hùng thoáng buồn nhưng tuyệt nhiên anh ta không nhỏ một giọt nước mắt. "Tôi làm thì tôi chịu. Tôi chỉ xin bố, mẹ tha thứ cho tội lỗi của đứa con bất hiếu này…" Hùng nói với tôi.   

3. Những ngày đầu vào Trại tạm giam, Hùng trằn trọc chẳng được yên giấc. Đêm đêm cơn ác mộng kinh hoàng cùng những hình ảnh tội lỗi cứ quay cuồng, ám ảnh trong đầu. Rồi Hùng lại nghĩ đến bố mẹ, nhớ đến mảnh đất quê hương nơi thấm đẫm những kỷ niệm tuổi ấu thơ. Vào những ngày Tết đến xuân về, nỗi nhớ đó còn nhân lên gấp bội phần.

Những ngày này Hùng luôn nguyện cầu có một phép nhiệm màu ấy là Hùng được xét giảm án tử hình để có cơ hội làm lại cuộc đời… "Sau này nếu không được sống, tôi cũng chẳng oán trách ai. Tôi làm thì tôi chịu, tội ác của tôi chẳng thể tha thứ. Nhưng còn một cơ hội được sống tôi vẫn muốn níu giữ", Hùng nói rồi nhìn ra ngoài ô cửa sổ, ánh mắt đầy sự nuối tiếc.

Mỗi tháng một lần, Hùng được gặp cha, mẹ. Lúc nào cũng vậy, Hùng luôn giữ tâm lý thật bình tĩnh, động viên mẹ và bố tiếp tục sống nuôi em trai Hùng khôn lớn thành người. Trong trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái, Hùng một mình gặm nhấm nỗi đau, sự giày vò, day dứt, còn ở bên ngoài cha, mẹ Hùng cũng đã và đang sống trong tâm trạng khắc khoải, sự tủi hờn và cả những tia hy vọng, dẫu là mong manh

Xuân Mai
.
.
.