Vụ án bàng hoàng dư luận ở Ninh Thuận:

Giết người đốt xác để trả thù cho cha

Thứ Hai, 26/05/2014, 16:51

Cơ quan Cảnh sát ĐTTP về trật tự xã hội, Công an tỉnh Ninh Thuận vừa bắt tạm giam các đối tượng Đồng Xuân Ngọc (tên gọi khác là Ve), 19 tuổi, ngụ tại thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận Hán Tấn Jet, 17 tuổi, Lưu Văn Khải, 17 tuổi; Phú Quốc, 19 tuổi và Quảng Đại Lãm, 19 tuổi, tất cả cùng ngụ tại thôn Hoài Ni, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận để điều tra về vụ án mạng kinh hoàng vừa xảy ra tại Ninh Thuận. Cả nhóm đánh trọng thương rồi châm lửa đốt chòi lán trông rẫy, khiến ông Bá Sỹ, 57 tuổi, ngụ cùng địa phương tử vong.

 

Sự trượt dài của thằng con bất trị

Đắng lòng nhìn thằng quí tử gây ra án mạng tày đình, ông Đồng Xuân Liệm cho biết: Đặng Xuân Ngọc là con trai một, từ nhỏ được vợ chồng ông Liệm chăm sóc rất chu đáo và dạy dỗ theo lễ giáo của dân tộc Chăm. Tuy nhiên, với bản tính ngỗ ngược, lại ham ăn chơi lêu lổng nên khi đang theo học lớp 9, Ngọc đã rủ thêm Jet, Khải, Quốc, Lãm trộm hai con cừu của gia đình đem bán lấy tiền đi TP Hồ Chí Minh ăn chơi.

Hết tiền, Ngọc bảo Jet, Khải, Quốc ở lại, còn hắn và Lãm mò về nhà tại Ninh Thuận định tiếp tục trộm cừu thì bị ông Liệm phát hiện, sau đó đưa ra kiểm điểm trước dòng tộc và hàng xóm láng giềng theo tục lệ của người Chăm. Những tưởng sau lần kiểm điểm ấy sẽ khiến Ngọc tu tỉnh để trở thành người tốt, nhưng ngược lại, kể từ thời điểm ấy, trước mặt hắn tỏ ra  ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ, sau lưng hắn lại tỏ ra là kẻ bất trị với lối sống buông thả. Ban ngày, khi cha mẹ hắn lo cuốc cày ngoài đồng kiếm miếng cơm manh áo thì hắn lại cùng đám bạn tụ tập rượu chè, cờ bạc.

Để có tiền ăn chơi, hắn ngang nhiên bắt những con dê nái trong nhà đem bán và chẳng mấy chốc đàn dê thuộc loại đông nhất xã mà vợ chồng ông Liệm dày công chăm sóc trong nhiều năm đã không còn một mống. Hết dê, Ngọc còn đem bán cả tivi, tủ lạnh, xe gắn máy của gia đình để lấy tiền trả cho đám chủ nợ ở ngoài huyện. "Phúc đâu chưa thấy, chỉ thấy họa. Có thằng con hư hỏng thế này thì từ giờ đến cuối đời làm sao dám ngẩng đầu lên mà nhìn hàng xóm láng giềng nữa…", ông Liệm than thở.   

Tội ác không thể dung thứ

Nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân, Công an xã Phước Thái đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường phối hợp để truy tìm tung tích ông Sỹ. Đến 2 giờ sáng hôm sau thì phát hiện thi thể ông Sỹ nằm úp xuống đất, cách căn chòi bị đốt cháy khoảng 300 mét, thi thể trong tình trạng bị đốt cháy đen, trên cổ có một sợi dây thép quấn ngang, siết chặt. Sau khi tiến hành công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lực lượng chức năng khẳng định đây là một vụ án mạng bởi nạn nhân bị đánh nhiều nhát vào đầu, cổ và thân người. Sau đó nạn nhân bị đốt cháy và tử vong khi cố gắng bò lết trên khúc đường mòn để tìm sự cứu giúp.

Các đối tượng Đồng Xuân Ngọc, Hán Tấn Jet, Lưu Văn Khải, Phú Quốc và Quảng Đại Lãm tại cơ quan Công an.

Trong khi lực lượng Công an đang  tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm thủ phạm gây ra cái chết cho ông Sỹ thì  ngay chiều hôm sau, hung thủ Đồng Xuân Ngọc đã tìm đến cơ quan Công an đầu thú. Khai thác nhanh từ Ngọc, lực lượng Công an truy bắt thêm các đồng phạm khác là Hán Tấn Jét, Lưu Văn Khải (Dỉ), Phú Quốc, Quảng Đại Lãm.

Theo lời khai của Ngọc, trước đây đã vài lần ông Sỹ rầy la về tội đi ăn nhậu say xỉn về quậy phá xóm giềng nhưng hắn chỉ cãi lại mấy câu rồi tìm cách lảng tránh. Đến khi thấy cha mình bị ông Sỹ vô tình làm cho bị thương thì máu côn đồ trong người Ngọc nổi lên và hắn ấp ủ âm mưu phải đánh cho ông Sỹ một trận thật đau để trả thù. Song âm mưu ấy đã bị ông Liệm phát hiện và ông đã gọi Ngọc ra nghiêm cấm. Tuy nhiên, sau lần bị cha la mắng, Ngọc lại càng tỏ ra cay cú. Và để thực hiện âm mưu tàn độc của mình, đêm 10/4, Ngọc rủ các tên Jet, Khải, Quốc, Lãm đến nhà mình nhậu và bàn chuyện trả thù.

Rạng sáng 11/4, sau khi nốc hết gần 10 lít rượu đế, cả bọn mỗi đứa cầm một khúc củi khô tìm đến chòi rẫy của ông Sỹ tính chuyện gây sự. Khi đến nơi, thấy ông Sỹ đang say rượu nằm ngủ trong chòi nên cả bọn dùng cây củi đánh tới tấp khiến ông Sỹ bị thương nặng và ngất xỉu. Chưa hả cơn giận, Ngọc còn kêu đồng bọn châm lửa đốt chòi rồi cả bọn quay về nhà Ngọc nhậu tiếp. Sáng hôm sau, ông Liệm dậy sớm đi làm rẫy thì phát hiện các lực lượng chức năng đang khám nghiệm hiện trường để tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Sỹ. Nghi ngờ đám của Ngọc gây ra cái chết cho ông Sỹ, ông Liệm về nhà gọi cả đám dậy tra hỏi thì bốn tên kia bỏ trốn, một mình Ngọc ngồi lại và được ông Liệm khuyên đi đến cơ quan Công an đầu thú. "Thật ra giữa cháu và chú Sỹ cũng không có thù hằn gì sâu. Tại cha cháu bị thương nên cháu muốn trả thù bằng cách đánh cho chú ấy một trận rồi đốt chòi cho hả giận chứ đâu có nghĩ sẽ giết chết chú ấy…", Đồng Xuân Ngọc trả lời khi được hỏi cung.

Nỗi đau người ở lại

Thẫn thờ ngồi nhìn vào vô định, bà Quảng Thị Nhánh, vợ ông Bá Sỹ chia sẻ: Sáng 11/4, bà làm đám giỗ và chờ chồng về cúng. Sau khi hoàn tất công đoạn nấu nướng, bà nhấc điện thoại gọi điện cho chồng nhưng gọi mãi không được. Linh tính có chuyện chẳng lành, bà nhờ người thân lên chòi rẫy của gia đình tại thôn Giếng Tiên, xã Phước Thái tìm một vòng vẫn không thấy người, chỉ thấy căn chòi lá cùng toàn bộ chăn màn chiếu gối đã bị đốt cháy thành tro bụi. Thấy vậy, bà bỏ mặc nhà cửa, tức tốc chạy vào rẫy thì đã thấy tất cả như một đống hoang tàn, ông Sỹ đang được cáng ra xe cứu thương đưa về nhà xác bệnh viện tỉnh.

Cũng theo bà Nhánh cho biết, thì từ nhiều năm nay, tuy ông Sỹ và ông Liệm có đôi lúc khắc khẩu nhưng vì cả hai là bạn nhậu, lại thường xuyên giúp đỡ nhau trong công việc nương rẫy nên không mấy khi xảy ra to tiếng. Trước khi vụ án xảy ra, ông Sỹ cùng với cha của Ngọc là ông Đồng Xuân Liệm đã cùng nhau tổ chức nhậu trong chòi rẫy. Lúc đầu, họ chỉ nói với nhau về công việc trồng tỉa rồi ôn lại những ngày lam lũ, cực khổ trước kia. Khi mỗi người uống gần hết một chai rượu thì chuyển qua nói chuyện gia đình, chuyện con cái để nối dõi tông đường.

Vì không có con, ông Sỹ nghĩ mình bị ông Liệm nói móc nên có to tiếng nạt lại rồi yêu cầu ngừng cuộc nhậu, đồng thời kêu ông Liệm đi về. Cho rằng mình không được tôn trọng, ông Liệm cự cãi lại và hai bên đã xảy ra xô xát. Khi bị ông Đồng Xuân Liệm dồn vào góc chòi, ông Sỹ vơ lấy cây rựa la lên: "Ông lùi ra mau, nếu không tôi sẽ không chịu trách nhiệm về hậu quả đâu…".

Hiện trường vụ án.

Tuy nhiên, ông Liệm vẫn lao vào và bị phần gáy cây rựa chạm vào mặt làm bị thương. Sau khi tỉnh rượu, ông Sỹ ân hận mang sự việc kể lại cho bà Nhánh nghe và bảo bà mượn tiền mua thuốc để ông mang sang đưa cho ông Liệm gọi là chút chia sẻ, đồng thời nói lời xin lỗi về hành động thiếu kiềm chế của mình và xin ông Liệm bỏ qua. " Sợ bị trả thù, sau khi mua thuốc, tôi đã bảo ông Sỹ ở nhà để tôi sang một mình tìm cách năn nỉ. Tưởng rằng sau khi người lớn gặp nhau để nói chuyện phải quấy thì mọi việc êm xuôi, ai ngờ đêm hôm đó con trai ông ấy lạy rủ bạn bè trả thù chồng tôi một cách tàn nhẫn…".

Ông Bá Dũng, một Công an viên ngụ tại làng Hiếu Lễ cho biết: Vợ chồng ông Sỹ tuy nghèo nhưng rất hiền lành, chịu khó làm việc. Đôi khi có xích mích nhỏ với hàng xóm nhưng dù đúng hay sai thì bao giờ vợ chồng ông cũng chủ động xin lỗi trước nên có thể nói là không có thù oán với bất cứ ai. Hai vợ chồng không có ruộng đất để trồng tỉa nên quanh năm suốt tháng chỉ lo canh rẫy thuê cho các chủ đất kiếm cơm qua ngày. Không ngờ ông ấy lại vắn số như vậy, ở hiền cả đời mà phải chịu chết thảm. 

Theo phong tục của người Chăm thì một đám tang bình thường phải tốn hết khoảng từ 40-50 triệu đồng. Ngoài ra còn phải lo tiền để rước thày về cúng cho linh hồn người đã khuất sớm siêu thoát. Đối với trường hợp ông Sỹ được liệt vào dạng chết oan nên chuyện làm đám tang phải trải qua rất nhiều công đoạn, cúng bái giải oan cũng phải thực hiện nhiều lần, khiến cho chi phí có thể lên đến trên 100 triệu đồng.

"Nói thật là hoàn cảnh gia đình ông ấy thuộc diện nghèo có sổ. Cuộc sống của hai vợ chồng họ trước đây hoàn toàn trông chờ vào những đồng tiền kiếm được từ công việc trông rẫy thuê của ông Sỹ. Khi ông ấy nằm xuống, trong nhà không còn lấy một đồng, tôi cùng bà Nhánh phải chạy vạy mãi mới vay được chút ít tiền lo chôn cất cho ông ấy, còn việc cúng giải oan thì đành khất lại bởi chỉ với số tiền vay nợ lo chôn cất chắc có đến hết đời bà Nhánh cũng khó có khả năng trả nổi. Có lúc quẫn trí, bà Nhánh nghĩ chỉ có chết theo ông ấy mới có thể giải thoát cho mình được. Nhưng cũng may được bà con hàng xóm tận tình khuyên can nên giờ này bà ấy cũng nguôi ngoai bớt phần nào", ông Bá Dũng cho biết

Đức Cương
.
.
.