Hành trình truy bắt tên trùm ma túy quy mô lớn từ Bắc vào Nam

Thứ Sáu, 12/09/2014, 22:30

Những ngày cuối năm 2013, tình hình tội phạm các loại, đặc biệt là tội phạm về ma túy tại TP Hồ Chí Minh nói chung và địa bàn quận Bình Thạnh nói riêng đột ngột gia tăng. Để triệt phá tận gốc các loại tội phạm, bảo đảm bình yên cuộc sống cho bà con nhân dân, lãnh đạo Công an quận Bình Thạnh đã cử lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy lập tức vào cuộc. 

Sau hơn ba tháng tích cực đấu tranh, lực lượng Công an đã phát hiện và triệt phá thành công đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với quy mô rất lớn từ tỉnh Nam Định vào TP Hồ Chí Minh do Vũ Hồng Sơn (“Sơn trố”), sinh năm 1977, tại số 18/43 đường Cù Chính Lan, phường Trần Kế Xương, TP Nam Định (tạm trú dài hạn tại quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) cầm đầu. Ngoài ra, lực lượng Công an còn bắt thêm các đối tượng là mắt xích trong đường dây của Sơn, bao gồm: Đỗ Duy Khanh, sinh năm 1976, ngụ tại quận Bình Thạnh; Trần Thị Lương (Yến), sinh năm 1970, ngụ tại TP Nam Định (tạm trú tại phường 12, quận Gò Vấp); Lê Thị Kim Ánh (Chín), sinh năm 1982, ngụ tại quận 4; Nguyễn Thụy Bích Trâm (Bảy), sinh năm 1985, ngụ tại quận 8 và Nguyễn Huỳnh Minh Châu, sinh năm 1979, ngụ tại quận 5. Qua công tác khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng tại các quận Bình Tân, Gò Vấp, Bình Thạnh, quận 4, quận 5, quận 8, lực lượng Công an thu giữ 12 bánh heroin còn bọc trong giấy bạc, 10 bọc heroin dạng bột tương đương với một bánh, 1.800 viên thuốc lắc, 82 gam ketamine, 1 khẩu súng ngắn, 1 hộp tiếp đạn và 12 viên đạn.

Lấy số má ở "chợ trời" Nam Định

Theo hồ sơ ban đầu của cơ quan Công an, dù nhà rất nghèo, nhưng thuở nhỏ, Vũ Hồng Sơn cũng được cha mẹ tạo mọi điều kiện để hắn được cắp sách đến trường như bao đứa trẻ cùng trang lứa khác. Tuy nhiên, với bản tính ngỗ nghịch, ngay từ những ngày đầu tiên cắp sách đến trường, Sơn không chịu học hành gì mà suốt các buổi học chỉ tìm cách chọc phá thầy cô giáo và đánh nhau với đám con trai trong lớp nên bị nhà trường liệt vào dạng học sinh cá biệt, cần có một chế độ giáo dục riêng.  Đến năm 13 tuổi, hắn đã nhiều lần đánh bạn bè gây thương tích nặng và cũng sau nhiều lần cảnh cáo trước toàn trường, Ban Giám hiệu Trường THCS Nguyễn Du, TP Nam Định đành phải ký quyết định đuổi học đối với Sơn. Xấu hổ với bà con xóm giềng vì có thằng con trai hư hỏng, cha mẹ Sơn đã đưa hắn về nhà nện cho một trận tơi bời rồi nhờ một người anh họ là dân quân ngày đêm quản lý hộ để ông bà đi làm.

Tang vật thu được tại nơi ở của Vũ Hồng Sơn.

Giống như một con thú hoang bị nhốt trong lồng, những ngày chịu sự quản lý của người anh họ, Sơn liên tục gây sự: lúc thì túm áo xé quần, lúc lại tháo cả bình ắc qui lấy axit tưới lên chiếc xe đạp (hiệu Phượng Hoàng) của người anh khiến anh này điêu đứng. Đỉnh điểm của sự bất trị ấy là việc Sơn dùng búa đập vỡ chiếc tivi đen trắng (một tài sản rất lớn của số ít người dân miền Bắc lúc bấy giờ) của cha mẹ rồi rời bỏ gia đình theo đám giang hồ sống lang thang ở khu vực bến xe TP Nam Định, tỉnh Nam Định. Hằng ngày, hắn được đám đàn anh giao cho một khay với đủ thứ bánh kẹo, thuốc lá, nhưng không phải để bán mà trà trộn vào khu vực có đông hành khách hoặc leo lên xe trước giờ xuất bến để tìm cách móc túi, giật đồ của hành khách đi xe. Được “sổng chuồng”, Sơn điên cuồng lao vào thực hiện các phi vụ trộm cắp, móc túi, cướp dật, đâm chém… và với một loạt thành tích bất hảo ấy, cùng với cặp mắt trố, mặc dù ít tuổi nhất nhưng chỉ hơn một năm gia nhập thế giới giang hồ, Sơn đã được đám thanh niên sống lang thang ở bến xe Nam Định tôn lên làm đại ca rồi đặt cho Sơn biệt danh “Sơn trố”.

Tuy đã trở thành một tay anh chị, nhưng cái hỗn danh “Sơn trố” cũng chỉ dọa nạt được một ít người trong cái bến xe rộng chừng hơn ngàn mét vuông, còn khi đi ra khỏi khu vực ấy thì chẳng ai biết và cũng chẳng tên giang hồ nào thèm sợ hắn. Để thể hiện số má của mình, đồng thời cũng muốn mở rộng lãnh địa để chuyển sang hình thức bảo kê, Sơn nhiều lần huy động đám đàn em thực hiện các vụ gây hấn đánh chém đối với một số băng nhóm hoạt động tại khu vực Chợ Rồng. Sự lộng hành của Sơn khiến cho hầu hết tiểu thương buôn bán trong chợ cùng những đám mặt rô trước đó mỗi khi nhìn thấy hắn đều phải kiêng dè.

Vào Sài Gòn để... ăn cơm tù

Năm 1992, trong một lần gây hấn đòi thu tiền bảo kê cho một cửa hàng bán giày dép, Sơn cùng đồng bọn bị lực lượng Công an bắt gọn, nhưng vì khi ấy hắn mới 15 tuổi nên sau khi bị xử lý hành chính, cơ quan Công an đã giao hắn về cho gia đình tiếp tục quản lý giáo dục.  Cuối cùng, với hy vọng mong manh giúp Sơn có điều kiện tu tâm trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, cha mẹ Sơn đã bàn nhau gửi hắn vào nhà một người chú họ ở huyện Bình Chánh (nay thuộc quận Bình Tân), TP Hồ Chí Minh, học nghề sửa chữa xe ôtô. Nhận thấy địa bàn rộng lớn của TP Hồ Chí Minh có thể giúp cái chất lưu manh côn đồ của mình có đất sống, thay vì học nghề thì Sơn lại thường xuyên lui tới với đám thanh niên bất hảo, ban ngày lấy Công viên Phú Lâm làm nơi tá túc, tối đến thì tìm đủ mọi cách trộm cắp tài sản của những người dân xung quanh đem bán lấy tiền hút chích. Chỉ một năm sau khi vào Sài Gòn, Sơn đã cầm đầu một nhóm đột nhập vào một nhà dân ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh lấy trộm xe gắn máy mang bán lấy tiền tiêu xài. Chỉ ít ngày sau khi thực hiện vụ ăn hàng, Sơn cùng đồng bọn bị lực lượng Công an bắt gọn và sau đó bị tòa án xử 4 năm tù giam. Do đã lỡ nhận lời với cha mẹ của Sơn nên mặc dù không ưa gì kẻ trộm cắp nhưng ông chú họ vẫn chờ đợi ngày hắn ra tù để gửi đến Trung tâm dạy nghề quận 6 cho học nghề thợ tiện, với mong muốn hắn có thể tự kiếm tiền nuôi thân. Nhưng thay vì trở về nhà gặp ông chú họ thì Sơn lại tụ tập đám bạn tù từng tham gia vụ trộm trước đó với hắn đến bến xe Miền Tây thực hiện nhiều cuộc gây hấn, đánh chiếm lãnh địa của “Long đầu bò”. Song, do băng của “Long đầu bò” đông hơn, lì lợm hơn nên qua ba lần “giao chiến”, băng của Sơn bị nhóm của “Long đầu bò” dùng mã tấu chém cho tơi tả và hắn đành kéo đám “tàn quân” đầy thương tật về khu vực chợ Bình Chánh làm nơi cát cứ và từ năm 1997 đến cuối năm 2005, băng của hắn đã 4 lần bị lực lượng Công an bắt quả tang khi đang trộm tiền của những người đi chợ, đồng thời cũng bị Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh xử tổng cộng 7 năm tù giam cho 4 lần phạm tội này. Sau một thời gian dài thực hiện hàng chục vụ trộm cắp, lừa đảo mà cuộc sống vẫn lay lắt nên những ngày cuối cùng trong trại giam, Sơn đã ấp ủ cho mình một âm mưu làm giàu bằng cách đi ăn cướp. Để thực hiện âm mưu này, được sự giới thiệu của một người bạn cùng cảnh ngộ, ngày đầu tiên khi được tha tù, Sơn bắt xe đi thẳng đến nhà một tay cò ở cửa khẩu Mộc Bài thuộc huyện biên giới Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh (tên này chuyên môi giới mua bán súng từ Campuchia về Việt Nam) tuyển cho một khẩu súng K59 và 25 viên đạn mang về TP Hồ Chí Minh chờ cơ hội gây án, nhưng chưa kịp thực hiện vụ ăn hàng nào thì Sơn đã bị bắt về tội tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép và lại tiếp tục nhận mức án 7 năm tù giam.

Hành trình phá án

Trở lại với vụ án, nhận thấy đây là đường dây mua bán trái phép chất ma túy có quy mô lớn, ngay từ những ngày đầu tháng 1/2014, Công an quận Bình Thạnh đã thành lập chuyên án do Thượng tá Dương Ngọc Danh, Phó trưởng Công an quận làm Trưởng ban, Thượng úy Đặng Vĩ Thành, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, làm Phó ban, trực tiếp chỉ huy các trinh sát bám sát đối tượng, nắm chắc địa bàn, nhanh chóng làm rõ được quy trình hoạt động của bọn chúng để tiến hành phá án.

Thượng úy Đặng Vĩ Thành, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an quận Bình Thạnh cho biết: “Ngay sau khi chuyên án được thành lập, chúng tôi được giao nhiệm vụ bằng mọi giá phải bắt được toàn bộ các đối tượng của đường dây này trong thời gian sớm nhất, đồng thời phải bảo đảm an toàn tính mạng cho toàn bộ các cán bộ, chiến sỹ tham gia chuyên án và phải giữ bí mật cho đến phút chót để khi tấn công, Sơn và đồng bọn không kịp trở tay. Những ngày đầu của chuyên án, mặc dù các trinh sát đã phát hiện được Đỗ Duy Khanh (một mắt xích trong đường dây của Sơn) thường giao ma túy cho các đại lý bán lẻ ở quận Bình Thạnh, nhưng do yêu cầu bí mật của chuyên án nên các trinh sát vẫn tiếp tục theo dõi mà chưa thể bắt Khanh được vì sợ bứt dây sẽ động rừng. Lúc này hình như đánh hơi được hành tung của các thành viên trong đường dây đang bị Công an theo dõi nên bọn chúng đã ngưng toàn bộ các hoạt động giao dịch, mỗi tên tản ra một hướng, đứa thì đi du lịch, đứa giả bộ mở xe bánh mì để buôn bán, riêng Sơn tìm về Nam Định thuê khách sạn ở. Trước tình hình này, mặc dù lực lượng trinh sát có hạn, nhưng để hoàn thành kế hoạch mà cấp trên giao phó, Thượng úy Đặng Vĩ Thành đã chỉ huy lực lượng chia nhỏ thành nhiều mũi tiếp tục ngày đêm bám sát đối tượng, riêng anh nhận lấy phần việc khó khăn nhất là đi ra thành phố Nam Định lần tìm dấu vết của Sơn. Với bản chất cáo già của mình, Sơn liên tục thay đổi nơi ở và thường xuyên có những chuyến đi thăm bạn bè ở các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh và thành phố Điện Biên thuộc tỉnh Sơn La. Do lần đầu tiên mới ra miền Bắc lại, chưa biết gì về địa hình các tỉnh mà Sơn lui tới nên Thượng úy Thành phải bở hơi tai mới bám theo kịp.

Trải qua gần 6 tháng tích cực theo dõi, lực lượng Công an đã nắm cơ bản về hành tung cũng như các hoạt động của Sơn cùng hệ thống chân rết của hắn. Nhận thấy thời cơ đã chín mùi nên đến ngày 29/6, lãnh đạo Công an quận Bình Thạnh đã huy động toàn bộ lực lượng chia thành bốn mũi bất ngờ tấn công đồng loạt tấn công vào hang ổ của Vũ Hồng Sơn, Đỗ Duy Khanh, Trần Thị Lương, Nguyễn Huỳnh Minh Châu, Lê Thị Kim Ánh, Nguyễn Thụy Bích Trâm, đồng thời tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của các tên này. Mặc dù đã quán triệt nghiêm ngặt những yêu cầu của lãnh đạo Ban chuyên án nhưng vẫn có lúc lực lượng Công an phải đối mặt với ranh giới sinh-tử, đó là lúc truy bắt Vũ Hồng Sơn tại khách sạn Thanh Bình, đường Lữ Gia, phường 5, quận 11. Quá trình vây bắt hoàn toàn bất ngờ, nhưng với phản xạ của một kẻ nhiều năm hoạt động trong giới giang hồ, Sơn cũng đã kịp rút khẩu súng ngắn đã lên đạn sẵn cầm trên tay. Cũng nhờ đã lường trước sự việc nên ngay trong thời khắc hiểm nguy ấy, một trinh sát với thế võ thuật cơ bản đã tung cú đá khiến khẩu súng văng ra xa, giải tỏa toàn bộ nguy hiểm để những trinh sát khác ập đến khống chế tên Sơn.

Đối tượng cầm đầu Vũ Hồng Sơn, Đỗ Duy Khanh, Trần Thị Lương, Trần Thụy Bích Trâm, Lê Thị Kim Ánh.

Khi đối mặt với cơ quan điều tra, Sơn vênh mặt, hất hàm bảo: “Cuộc đời tôi từ năm 1993 đến đầu năm 2013, liên tục lãnh 4-5 cái án và cũng chịu gần 20 năm tù, ngán lắm rồi nên tôi xác định, dấn thân vào con đường mua bán ma túy một là làm giàu, hai là chết nên trong người lúc nào cũng có súng đã lên đạn sẵn để bắn trả mỗi khi bị các anh phát hiện để chạy thoát thân hoặc tự bắn vào đầu mình khi bị dồn vào đường cùng, thậm chí xử luôn bất kỳ thành viên trong nhóm nếu không tuân theo ý đồ hoặc để lộ tung tích của tôi... Tôi chỉ tiếc một điều là chỉ chậm hơn các anh một giây, nếu không, với tài bắn súng của tôi cùng với độ chính xác đến từng phân của đầu đạn thì ít nhất các anh cũng sẽ phải bỏ lại hai mạng người mới mong hạ được tôi…”. Do bọn chúng đã có những quy định ngầm với nhau từ trước nên tại cơ quan Công an, Sơn cùng đồng bọn nhất quyết không khai nhận bất cứ điều gì, kể cả số ma túy mà hắn đã giấu trong cốp xe gắn máy (đã bị cơ quan Công an thu giữ). Chính vì vậy mà phải mất hơn một tuần, với sự kiên trì đấu tranh của lực lượng Công an, Sơn mới chịu hé miệng khai nhận nhưng cũng chỉ khai nhỏ giọt.

Cũng theo lời khai nhận của Sơn, điều kiện để hắn bước vào con đường buôn bán “cái chết trắng” này là do trong thời gian thụ án tù về tội tàng trữ vũ khí quân dụng ở Trại giam Cái Tàu, Sơn được một bạn tù cùng quê giới thiệu và cung cấp địa chỉ, số điện thoại của người anh trai chuyên buôn bán ma túy ở vùng biên giới Việt-Lào tại các tỉnh Tây Bắc nên đến đầu năm 2013, khi vừa được tha tù, Sơn đã mò đến nhà tên này để móc nối mua ma túy. Sau khi thông báo một loạt thành tích bất hảo của mình cùng những năm tháng vào tù ra tội, người đàn anh này chấp thuận cho Sơn lấy hàng và còn ưu tiên cho trả tiền sau. Có được nguồn hàng, Sơn liền nghĩ phải có “công cụ mạnh” để bảo vệ và hắn liền xuôi vào Nam, vượt biên giới sang Campuchia mua một khẩu súng ngắn có xuất xứ từ Mỹ cùng 12 viên đạn và 2 hộp tiếp đạn với ác tâm là sẽ “tặng kẹo đồng” cho bất cứ ai ngăn cản công việc làm ăn của Sơn, kể cả lực lượng Công an, sau đó trở về TP Hồ Chí Minh tìm đến các điểm nóng về ma túy ở các quận Bình Thạnh, Gò Vấp, quận 4 và 5 tìm mối tiêu thụ hàng để hình thành đường dây mua bán khép kín. Và chỉ trong ít ngày, hắn đã chọn được các nhân vật mà sau này trở thành tay chân rất đáng tin cậy để hình thành hai nhánh tiêu thụ ma túy, gồm các tên: Khanh, Lương, Trâm, Châu, Ánh. Ngay trong lần họp mặt đầu tiên để bàn bạc chuyện phân phối ma túy, Sơn tuyên bố chỉ trực tiếp nhận tiền, còn hàng thì do tên Châu làm trung gian giao cho Đỗ Duy Khanh và Trần Thị Lương để hai tên này đem bán lại cho các đại lý thứ cấp như Trâm, Ánh và một số đại lý bán lẻ khác tại quận 4, 5, 7, 8, Bình Thạnh, Nhà Bè.

Theo Thượng tá Dương Ngọc Danh, Phó trưởng Công an quận Bình Thạnh, cho đến lúc này, tất cả các đối tượng hình thành đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy trong chuyên án đã bị bắt, tang vật của vụ án cũng đã được thu giữ. Tuy nhiên, điểm lại toàn bộ hành trình thì đây là vụ án thuộc dạng nguy hiểm nhất bởi đối tượng luôn kè kè súng bên người 24/24 giờ và đạn luôn lên nòng để sẵn sàng nhả đạn khi bị phát hiện. Ngoài ra, vụ án này còn thuộc dạng khó khăn nhất, vì đối tượng cầm đầu là một kẻ lọc lõi, từng có đến 20 năm vào tù ra tội, hơn nữa điểm xuất phát của ma túy lại ở tỉnh Nam định, cách TP Hồ Chí Minh gần 2.000km mà hầu hết các trinh sát đều chưa một lần đặt chân lên đất Bắc nên công tác trinh sát đối tượng gặp nhiều khó khăn. Song cũng chính từ việc vượt qua những khó khăn, nguy hiểm ấy mà khi các trinh sát trong đội chia thành bốn mũi đồng loạt tấn công vào hang ổ của bốn tên cầm đầu đều tóm gọn được đối tượng, thu giữ nhiều tang vật liên quan đến vụ án và đặc biệt là bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sỹ tham gia vụ án.

Chuyên án kết thúc thành công, 13 bánh heroin cùng rất nhiều tang vật như súng, đạn cùng các phương tiện được lực lượng Công an thu giữ tại chỗ mà vẫn bảo đảm an toàn cho tất cả những cán bộ, chiến sỹ tham gia. Nhưng đối với ban chuyên án thì thành công lớn nhất trong vụ này là triệt phá tận gốc đường dây mua bán “cái chết trắng”, mang lại bình yên cuộc sống cho nhân dân

Đức Cương
.
.
.