Hão huyền kẻ cướp nuôi mơ ước!

Thứ Năm, 19/12/2013, 10:00

Bị bắt sau khi gây ra 5 vụ cướp, Hồ Trọng Sơn, SN 1991, ở xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, Thái Bình luôn mồm kêu muốn chết. Tôi bảo hắn, sống mới khó, sống để chuộc lại lỗi lầm, để còn báo hiếu cha mẹ, chứ chọn cái chết để trốn chạy thì quá dễ. Sơn rơm rớm nước mắt, kể rằng, bố hắn đang bị HIV giai đoạn cuối, người mẹ nông dân chưa có một ngày được nhờ chồng, giờ lại đón tiếp tin dữ từ thằng con trai duy nhất, không hiểu bà có vượt qua được không!

Tên cướp "nhân đạo"?

Ngày 10/12, Công an quận Đống Đa cho biết, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các anh đã làm rõ chiếc điện thoại tang vật trong một vụ cướp xảy ra từ ngày 15/8 tại cửa hàng bán quần áo số 112 Chùa Bộc mà một người đàn ông sinh sống ở huyện Sóc Sơn đang sử dụng là của chị Nguyễn Thị Hiền (nạn nhân của vụ cướp). Từ việc thu giữ chiếc điện thoại trên, Công an quận Đống Đa đã bắt khẩn cấp đối tượng gây án là Hồ Trọng Sơn.

Gần 4 tháng trôi qua, Sơn không ngờ vụ cướp anh ta đã thực hiện lại vẫn bị phát hiện. Chiều 15/8, Sơn vào cửa hàng 112 Chùa Bộc hỏi mua 1 chiếc quần và 3 chiếc áo rồi yêu cầu nhân viên là chị Nguyễn Thị Hiền gói lại. Xong xuôi, Sơn giả vờ xin nước uống. Chị Hiền tưởng thật đi vào nhà trong lấy nước cho khách thì Sơn cũng đi theo sát rồi dùng tay trái bóp cổ chị Hiền, tay phải dùng dao khống chế đẩy chị Hiền vào nhà vệ sinh đe dọa giết, cấm không được kêu. Sau đó, Sơn cướp đi 450 ngàn đồng, 1 điện thoại Samsung, 1 máy tính xách tay rồi nhanh chóng chuồn khỏi hiện trường.

Chiếc điện thoại Sơn bán được 1 triệu, còn chiếc máy tính, Sơn bán được 5 triệu đồng. Trước đó, anh ta đã từng mò đến địa chỉ 112 Chùa Bộc một lần định ra tay nhưng vì cửa hàng lúc đó đông người nên Sơn lại về đợi cơ hội khác. Ngoài ra, Sơn còn gây ra 4 vụ cướp khác nhằm vào các nhân viên bán hàng quần áo với thủ đoạn tương tự.

Ngày 25/7, Sơn dùng dao đe dọa và nhốt nữ nhân viên của cửa hàng 264 Phố Huế vào kho quần áo rồi cướp đi một máy tính xách tay, một Ipad2 và 940 nghìn đồng. Hắn là một tên cướp "đặc biệt". Đặc biệt ở chỗ, đôi lúc hắn thấy… thương các nạn nhân của mình. Đó là lần gây án ở cửa hàng bán quần áo tại 139 Kim Mã. Khi Sơn dùng dao đe dọa và cướp đi 1,4 triệu đồng tiền hàng và 3 triệu đồng của nữ nhân viên bán hàng, nạn nhân của hắn đã van xin, cô nói rằng, nếu như hắn lấy đi hết số tiền hàng thì cô sẽ bị bắt đền, sẽ bị trừ lương, Sơn ngần ngừ giây lát rồi lấy bút viết vài dòng nguệch ngoạc vào một tờ giấy gửi chủ cửa hàng với nội dung: "Cướp 1,4 triệu, đừng mắng cô bé. Xin lỗi". Ở một vụ khác, khi nạn nhân của hắn khóc lóc xin lại chiếc điện thoại, Sơn đã… đồng ý.

Bi đát cảnh "giật gấu vá vai" của thủ phạm

Hồ Trọng Sơn khóc nhiều lần trong quá trình trò chuyện với tôi. Giọng anh ta nghẹn lại khi nói về gia đình. Sơn là đứa con duy nhất của bố mẹ anh ta. Một số người đàn ông ở vùng quê Thụy Trường nghèo khó của tỉnh Thái Bình khi đi ra ngoài làm thuê đã nhiễm tệ nạn xã hội. Bố của Sơn cũng nằm trong số ấy. Đến khi phát hiện ra bệnh thì con virus HIV cũng bắt đầu tàn phá cơ thể. Ngày đó cách đây đã gần 7 năm. Mẹ Sơn may mắn không lây bệnh từ chồng, nhưng từ đấy, gia cảnh vốn bần hàn lại càng khó khăn hơn. Tiền thuốc thang cho bố cũng một tay mẹ cấy cày làm thuê.

Khi Sơn đỗ Đại học Mỏ Địa chất, bố mẹ hắn mừng bao nhiêu thì cũng lo lắng bấy nhiêu vì kiếm đâu ra tiền để nuôi con học trên Hà Nội. Gồng gánh rồi cũng qua được hai năm đại học. Đến năm thứ ba thì Sơn bỏ học. Theo lời Sơn thì anh ta không thích ngành Mỏ địa chất mà chỉ thích làm giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học nên quyết định bỏ học để ôn thi sư phạm. Khóc hết nước mắt vì bao công lao bỗng chốc đổ xuống sông xuống biển, nhưng bố mẹ hắn cuối cùng cũng phải đồng ý vì Sơn nói không thể theo được môn học mình không yêu thích.

Đợt thi vào sư phạm vừa rồi, Sơn không đỗ, anh ta quyết định sang năm vẫn thi tiếp, thi đến khi nào đỗ sư phạm mới thôi. Nhưng trước khi trở thành thầy giáo, Sơn đã trở thành kẻ cướp để có tiền nuôi ước mơ của mình. Thời gian này, anh ta sống cùng người yêu cũng đang là sinh viên trong căn nhà trọ ở huyện Gia Lâm. Không nghề nghiệp, lại không thể ăn bám mãi vào số tiền gia đình người yêu gửi lên hàng tháng, Sơn đã vay mượn bạn bè, anh em, đến giờ số nợ lên tới khoảng 10 triệu đồng. Không còn cách nào khác, Sơn đành lên kế hoạch đi cướp để trang trải sinh hoạt. Và kẻ cướp ấy đã "giật gấu vá vai", cứ cướp được một vụ, Sơn lại dùng tiền kiếm được trả nợ bạn bè hoặc trả tiền ăn tháng trước, xong xuôi lại tính tiếp vụ thứ hai. Cho đến vụ cuối cùng trước khi bị bắt là vào ngày 1/10, Sơn cướp được 5 triệu đồng tại cửa hàng quần áo 645 Kim Mã, anh ta đã quyết định dừng lại không đi làm thêm vụ nào nữa vì số tiền đã "hòm hòm" đủ để trả hết nợ. Nhưng "oan có đầu, nợ có chủ", tội lỗi của Sơn, cuối cùng đã bị đưa ra ánh sáng.

Thông tin về một loạt các vụ cướp xảy ra trên địa bàn quận Đống Đa, Ba Đình với các thủ đoạn tương tự đã khiến cơ quan điều tra tốn nhiều công sức xác minh, truy tìm. Suốt 3 tháng lần theo manh mối nhưng thông tin về đối tượng rất mờ nhạt. Đến ngày 19/11, Công an quận Đống Đa đã thu được chiếc điện thoại tang vật trong vụ cướp xảy ra tại 112 Chùa Bộc. Chủ hiệu cầm đồ bán chiếc điện thoại này cho biết, có một sinh viên trường Cao đẳng May, ở xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm đã mang tới đặt với giá 600 nghìn đồng. Lục tìm gần 5.000 bộ hồ sơ sinh viên, cuối cùng các anh đã tìm được một đối tượng khả nghi. Đó là Lê Hồng Vương, SN 1993, quê ở Bắc Giang. Vương khai nhận, một người bạn cùng xóm trọ với anh ta là Hồ Trọng Sơn đã nhờ anh ta mang chiếc điện thoại này cầm cố ở hiệu cầm đồ. Ngay sau đó, lệnh bắt khẩn cấp Hồ Trọng Sơn được thực hiện.

Vẫn mơ ước được làm thầy giáo

- Tại sao đã học được 2 năm Đại học Mỏ địa chất rồi, anh lại còn bỏ?

- Vì nhà em hướng em vào đấy, bố mẹ em bảo con trai học Mỏ thì dễ xin việc nhưng em lại thích sư phạm. Em thích làm thầy giáo dạy tiểu học từ bé. Em thích dạy tiếng Anh vì cô giáo chủ nhiệm cấp 3 của em dạy tiếng Anh. Em không chú tâm khi học địa chất nên lơ là học hành, sau em bỏ về ôn thi sư phạm.

- Sau khi thi trượt sư phạm thì anh làm gì?

- Em đi làm công nhân, làm thuê linh tinh. Em định sang năm lại thi tiếp sư phạm, không ngờ giờ lại bị bắt thế này. Sau này không biết em còn có cơ hội thi nữa không, nếu được em vẫn tiếp tục nuôi ước mơ của mình.

- Đi cướp như thế không sợ người yêu biết sẽ nghĩ như thế nào về mình à?

- Tội lỗi của em thì một mình em chịu, em không muốn cô ấy bị liên quan. Em rất nhớ cô ấy nhưng giờ em thấy em không xứng đáng với cô ấy nữa.

- Sao không về quê Thái Bình để ôn thi, ở lại Hà Nội lang thang vất vưởng làm gì cho khổ?

- Em nói thật, em bỏ lên Hà Nội cũng vì không muốn nhìn thấy sự đau khổ của bố em. Dù rất thương bố mẹ nhưng cứ về nhà là em lại chỉ muốn đi luôn, vì không chịu nổi khi phải chứng kiến cảnh bố em lê lết với bệnh tật đau đớn. Nhiều hôm em cứ đi cả đêm lang thang trên phố, rét mướt mưa gió em cũng đi. Em làm thế để cảm nhận sự khổ sở là thế nào, để tự mình nói với mình, ở nhà bố khổ như thế thì trên này mình cũng khổ không kém. Gần 1 năm qua, hai đứa sống bằng tiền chu cấp của gia đình cô ấy. Em vẫn ôn thi. Em luôn nghĩ mình phải là người đi học. Bọn em cũng khó khăn nên vay mượn bạn bè nhiều. Em mượn máy tính của bạn, quẫn bách rồi mang đi cắm. Em cắm cả chứng minh thư, trong người em giờ không có một vật chất gì, điện thoại em cũng không có, em bán hết để trả nợ. Em cứ lấy được tiền thì em lại trả nợ tiền ăn em vay trước đó. Rồi tiền điện, tiền nước...

- Thanh niên sức dài vai rộng thế này, làm thuê ở đâu chả được mỗi tháng vài triệu, sao anh lại chọn việc đi cướp?

- Thời gian gần đây, các chủ cầm đồ cứ đi vào tận nơi giục, họ tìm em suốt ngày, rồi bạn bè, anh em cũng tìm để đòi nợ nên em không còn cách nào khác  mới phải làm thế chứ thực ra em không phải là con người xấu xa. Bản chất của em không đến nỗi tệ như thế.

- Nói gì thì cũng là để biện minh cho hành vi phạm tội của mình. Kẻ tội phạm nào cũng nói đó là lần cuối cùng gây án. Anh nói gì về vụ “cuối cùng” của mình?

- Đúng thật, khi em gây ra vụ cuối cùng, em về vứt dao đi luôn, thề không bao giờ làm nữa. Hôm đó em lấy được 5 triệu, em nghĩ là trả nợ đủ rồi. Em nói với người yêu em, đợt này anh về quê làm lụng rồi ôn thi, năm sau anh sẽ lên. Mấy đêm nay em nghĩ về gia đình nhiều. Em ân hận vì làm liên lụy đến người yêu em. Cô ấy chả có lỗi gì. Việc em làm một mình em chịu. Mấy hôm trước, em đã nghĩ đến việc tự tử…

- Anh là đàn ông, phải có trách nhiệm với gia đình. Mẹ anh đã khổ sở khi có người chồng bệnh tật, trong khi thời gian của bố anh cũng không còn dài. Anh phải là thằng con trai lo cho mẹ và thờ cúng tổ tiên sau này chứ.

- Vâng. Em cũng biết như thế. Em cũng thương mẹ lắm nhưng tương lai của em còn gì đâu. Sau này em có được đi thi nữa không, được đi học nữa không, vì em tù tội thế này?

- Quan trọng là anh còn ước mơ, còn nghị lực thì sẽ thực hiện được ước muốn của mình.

- Em mong sau này được lên vùng cao dạy học. Em sẽ đi thật xa để quên quá khứ.

Công an quận Đống Đa cho biết, hiện cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với Hồ Trọng Sơn về tội “cướp tài sản”. Vụ việc vẫn đang được tiếp tục khai thác mở rộng, xác minh bị hại và thu hồi tang vật, hoàn chỉnh hồ sơ để xử điểm đối với Hồ Trọng Sơn

Đinh Hiền
.
.
.