Nữ nhân viên tẩm quất bị khách treo ngược lên lan can tra tấn

Hèn hạ, ác hiểm như "xã hội đen"

Thứ Bảy, 14/12/2013, 15:00

Thiêm thiếp trên giường bệnh, chị M khó nhọc kể lại câu chuyện đau đớn mà chị vừa trải qua. Đối với chị cũng như các nhân viên ở quán tẩm quất TP, thì ngày 2/12 là một ký ức kinh hoàng, không bao giờ họ có thể quên được.

Vì hoàn cảnh, vì không có bằng cấp, họ buộc phải làm những cái nghề vốn được coi là nhạy cảm trong xã hội. Lâu nay, người ta vẫn coi những cô gái hành nghề tẩm quất, đứng phất phơ đằng sau những tấm mành cáu bụi ở thị trấn Yên Viên, Gia Lâm hay ở chốn ăn chơi rẻ tiền nhất Hà Nội là khu vực đường Phạm Văn Đồng là những cô gái chả ra gì. Thực tế thì họ cũng phải chai tay tẩm quất, cũng tốn mồ hôi tốn sức, nhưng bù lại chỉ là vài chục nghìn tiền công khách trả và ê chề tủi nhục, cay đắng khi bị khách mắng chửi, đánh đập, thậm chí bị bắn chết. Ngày 2/12, một nữ nhân viên quán tẩm quất ở Yên Viên, Gia Lâm đã bị hai gã khách treo ngược lên trong tình trạng không mảnh vải che thân và đánh đập dã man...

Vừa ăn cướp vừa la làng

Trưa 2/12, quán tẩm quất TP trên đường Hà Huy Tập, thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội đón hai vị khách nam là Phạm Thế Thắng, 30 tuổi, trú tại Đình Xuyên, Gia Lâm và Nguyễn Đức Thọ, 36 tuổi, trú tại xóm 8, Ninh Hiệp, Gia Lâm. Chị Nguyễn Thị M, nhân viên của quán được điều lên phục vụ Nguyễn Đức Thọ. Thời gian tẩm quất kết thúc, Thắng và Thọ xuống thanh toán tiền công cho chủ quán rồi đi ra cửa. Không hiểu sao, hai người này lại dừng lại chụm đầu bàn bạc điều gì đó và bất ngờ quay lại nói đã bị mất 1 triệu đồng trong lúc được tẩm quất tại đây. Hai người khách này nghi ngờ cho chị M lấy nên dùng dép tát vào mặt chị M, vừa tát, đấm, đạp vừa tra hỏi. Chúng lôi chị M lên phòng bắt phải chỉ chỗ giấu tiền nhưng vì chị M không lấy nên ra sức thanh minh. Một trong hai gã khách đã rút dao gí vào cổ chị M đe dọa, gã còn lại tiếp tục dùng dép "khảo" chị M.

Lan can nơi các đối tượng treo chị M. lên tra tấn.

Thấy không khuất phục được chị M, một gã rút điện thoại gọi cho đồng bọn. Khoảng 15 phút sau, có 6 thanh niên dáng vẻ côn đồ ầm ập lao tới. Chúng xông vào nhà, bắt chủ quán tẩm quất là chị Đỗ Thị P cùng các nhân viên khác ngồi im, không được ra ngoài cũng không được báo Công an.

Thấy chị M bị đánh đập dã man, chị P và các nhân viên khác đã lên tiếng xin đám khách côn đồ tha cho chị M nhưng chúng bỏ ngoài tai và tiếp tục đánh chị M cho đến khi chị này ngất xỉu. Chưa đã, chúng lôi chị M vào toilet, xối nước cho tỉnh rồi ấn mặt chị M vào bồn cầu và lấy kéo cắt tóc chị M nham nhở. Đồng thời, chúng cũng chửi mắng, đe dọa chủ quán và tuyên bố, chúng đánh chị M không chết ngay mà 6 tháng sau mới chết. "Chúng còn dọa sẽ dùng dao lam rạch mặt M, một đứa còn nói: "Mày đấm lưng cho tao mà không biết người tao toàn hình xăm à, tao toàn đi ăn cướp của người ta mà giờ lại bị mày ăn trộm à?" - chị P kể lại.

Thấy chị M bị đánh dã man quá, các nhân viên trong quán khuyên đại, thôi thì cứ nhận đi cho khỏi bị đánh đã rồi tính tiếp. Quá đau đớn và sợ hãi, chị M liền nhận thì lại bị chúng lôi lên gác xép bắt tìm tiền. Vì không lấy nên chẳng biết chỉ chỗ nào nên chị M lại bị những gã khách côn đồ tiếp tục trút lên cơ thể bé nhỏ yếu đuối của chị những ngón đòn thù.

Cuối cùng, những tên khách ác ôn đã xé nát quần áo chị M, lấy dây buộc hai tay chị M ra sau lưng, trói chân rồi treo lên lan can gác xép, trong tư thế không mặc quần áo. Chúng dùng một tuýp nước bằng thép thúc vào bụng và vào chỗ kín của chị M khiến máu chảy đầm đìa. Chị M hết la hét vì đau đớn rồi lại van xin nhưng chúng không mảy may động lòng. Thậm chí, chúng còn bắt chị M không được kêu la.

Cuộc tra tấn kéo dài hơn một tiếng rưỡi đồng hồ. Thấy tình thế nguy hiểm, chị P đã lao vào can ngăn. Bọn Thọ, Thắng liền đổi giọng đề nghị dàn hòa nếu như chị P chịu "bồi thường" cho chúng 2 triệu đồng (dù lúc đầu chúng kêu mất 1 triệu đồng) nhưng chị P nói chỉ có 1,8 triệu đồng thì chúng cũng đồng ý. Nhận được tiền, cả lũ bỏ đi sau khi đe dọa chị P và các nhân viên không được báo Công an, nếu không chúng sẽ quay lại trả thù. Riêng tên Thắng ở lại, giở giọng ngọt nhạt: "Thôi chuyện xảy ra rồi, coi như chị em mình làm hòa, không có chuyện gì chị nhé. Em đang ở nhà giặt quần áo chăn màn cho vợ em mà nó cứ rủ rê em đi".

Nạn nhân Nguyễn Thị M. đang điều trị tại bệnh viện.

Chị M đã được mọi người đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong tình trạng hết sức nguy kịch. Chị P bàng hoàng: "Chúng tra tấn M như thời trung cổ, tôi bảo, có một triệu thôi mà định đánh chết người ta hay sao. Tôi rất lo cho tính mạng của M nên bất chấp nguy hiểm lao vào can ngăn, gào thét thì chúng mới dừng lại".

Giang hồ giẻ rách

Thiêm thiếp trên giường bệnh, chị M khó nhọc kể lại câu chuyện đau đớn mà chị vừa trải qua. Đối với chị cũng như các nhân viên ở quán tẩm quất TP, thì ngày 2/12 là một ký ức kinh hoàng, không bao giờ họ có thể quên được. Quê ở một tỉnh cách Hà Nội hàng trăm cây số, chị M ra thành phố với mong muốn làm lụng có tiền đỡ đần gia đình. Nhưng chị cũng như nhiều nhân viên làm nghề tẩm quất, massage khác đều không bao giờ dám nói thật công việc mình đang làm với gia đình, mà chỉ nói làm nghề bán hàng chung chung để mọi người ở quê không phải lo lắng. Tôi đã gặp nhiều người phụ nữ như M, họ cần một công việc để sinh sống, nhưng vì học ít, không có bằng cấp, mà cuộc sống vùng nông thôn quanh năm vất vả cũng không đủ ăn khiến họ phải nhao ra thành phố. Điều mà họ nhận được nhiều hơn hết, đó là sự ê chề, tủi nhục.

M không còn trẻ, năm nay đã bước vào tuổi 36, cái tuổi mà các cụ hay nói là tuổi hạn. Chồng M không được khôn ngoan như người khác nên chẳng đỡ đần gì được cho vợ, hai đứa con ăn học cũng do một tay M cáng đáng. Nhà nghèo, làm nương làm rẫy không đủ sống nên M quyết định để lại hai đứa con cho chồng nuôi rồi xuống Hà Nội làm thuê. Ban đầu, M xin đi làm osin nhưng những nơi người ta cần giúp việc lại chỉ nhận người đã có tuổi, không vướng bận con cái để toàn tâm toàn ý làm cho người ta. Rồi có người giới thiệu, M xin vào làm nhân viên tẩm quất cho quán Tp, đến nay cũng đã được vài năm. Mỗi tháng, M được trả 2,5 triệu tiền lương, còn ăn uống thì chủ quán nuôi. Tằn tiện mỗi tháng M cũng gửi về được cho chồng nuôi con từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng.

Theo lời chị P - chủ quán tẩm quất thì Phạm Thế Thắng là khách quen của quán chị nhiều năm nay. Chị P không lạ gì Thắng, gã cũng thuộc dạng đầu gấu đầu mèo, đã nhiều lần đề nghị chị P để cho hắn được bảo kê quán tẩm quất nhưng vì khách ít, lại còn nuôi thêm bảo kê thì lấy đâu ra tiền, nên chị P đã từ chối. Từ đó, thỉnh thoảng Thắng lại cho đàn em hoặc chính hắn đến quán quậy phá, như cách thông thường của đám giang hồ, quậy đến khi nào chủ quán không chịu nổi nữa thì đồng ý để cho chúng bảo kê. Trước hôm 2/12, tức là ngày 1/12, chúng đã đến quán tẩm quất 2 lần (buổi chiều và buổi tối) và được chị M phục vụ. Đến trưa 2/12, chúng lại đến lần nữa. Một nhân viên khác được điều lên đấm lưng cho Thọ, một lúc thì hắn yêu cầu đổi chị M lên phục vụ, sau đó vu vạ cho chị này lấy trộm tiền.

Có lần, Thắng đến quán tẩm quất, hắn sờ soạng trêu nhân viên, bắt làm theo ý hắn. Mỗi lần như thế, chị P lại nhẹ nhàng: "Các em nó còn trẻ, toàn tuổi con, tuổi cháu mình, chúng nó lại là phụ nữ, em trêu chúng nó làm gì". Lần khác, hắn đi dép vào phòng tẩm quất, trong khi quy định là dép phải bỏ bên ngoài. Nhưng Thắng vẫn đi vào để dép ngang mặt khách. Khi được chị P nhắc nhở, hắn chửi luôn và nói: "Dép tôi mua ở Vincom mấy triệu bạc, mất bà có đền được không?". Thế nào rồi hôm ấy hắn lại kêu mất dép, báo hại chị P phải ngồi sau xe hắn chở đến cửa hàng dép mua đền hắn.

Một lần, Thắng cãi nhau với chị P rồi gọi đồng bọn đến dọa dẫm sẽ giết chết chị P. Sau vụ đó, Thắng ngỏ ý muốn làm chung quán với chị P, hắn nói, hắn sẽ cho một thằng đàn em ra làm cùng vì hắn nhiều tiền án, tiền sự, xin giấy phép kinh doanh chắc khó nhưng chị P không đồng ý. Thấy thế, Thắng bảo: "Bà có thích tôi cướp không cái quán này của bà không?". Dù đưa ra nhiều "đòn" nhưng có vẻ không khuất phục được chị P nên cuối cùng Thắng lại giở giọng ngọt nhạt xin được bảo kê: "Chị làm ở đây, nếu có chuyện gì thì cứ gọi em, em sẽ đứng ra dàn xếp, mỗi tháng chị cho em bao nhiêu thì cho".

Thời điểm cách đây khoảng vài tháng, không hiểu sao quán của chị P liên tục có những đám khách đầu gấu mò vào, chúng vô cớ gây sự, cãi nhau, xô xát với khách. Sau mỗi lần như thế, Thắng lại bắn tiếng, ý rằng nếu không có hắn thì quán của chị P sẽ bị phá nát. Chị P nghi ngờ đám khách đầu gấu đó có liên quan đến Thắng. 

Trở lại nạn nhân Nguyễn Thị M. Tối 6/12, em trai của Nguyễn Đức Thọ đã đến bệnh viện hỏi thăm chị M. Đi cùng người này là một gã mặt mày bặm trợn, ăn nói lấc cấc, gã nhìn chằm chằm chị M để uy hiếp tinh thần. Theo chị P thì gã này đã một lần đến quán nhà chị tẩm quất nhưng bùng tiền. Hiện tại, chị P cũng như chị M và các nhân viên trong quán đều rất lo sợ bọn Thắng, Thọ sẽ cho đàn em quay lại quậy phá trả thù. Dù có nhắm mắt thì hình ảnh khủng khiếp trưa 2/12 vẫn hiện ra rõ mồn một trước mắt họ: Một đám đàn ông gần chục tên, to cao lực lưỡng, xăm trổ vằn vện, đã hèn hạ dùng sức mạnh cơ bắp của mình để tra tấn một người phụ nữ yếu đuối và uy hiếp tinh thần của những người phụ nữ khác. Hành động của chúng vừa dã man vừa hèn hạ, không thể nào chấp nhận được.

Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết, cơ quan điều tra đã ra lệnh bắt khẩn cấp hai đối tượng đánh đập dã man chị Nguyễn Thị M là Phạm Thế Thắng, 30 tuổi, trú tại Đình Xuyên, Gia Lâm và Nguyễn Đức Thọ, 36 tuổi, trú tại xóm 8, Ninh Hiệp, Gia Lâm. Đây là hai đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự. Một trong hai đối tượng vừa đi tù về. Tuy nhiên, hai đối tượng này đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Hiện Công an huyện Gia Lâm đang tích cực triển khai các biện pháp truy bắt hai kẻ côn đồ này để xử lý trước pháp luật.

Đinh Hiền
.
.
.