Vụ kiện đòi nợ 30 tỷ vay kinh doanh BĐS tại Hải Dương:

Hủy bản án sơ thẩm vì vi phạm tố tụng

Thứ Ba, 07/10/2014, 14:00
Gần một năm sau ngày bà Phạm Thị Hương tại TP Hải Dương khởi kiện vợ chồng bà Đinh Thị Bích Hợp ra tòa dân sự để đòi số nợ "khủng" 30 tỷ đồng, vụ án đã quay lại "vạch" xuất phát, với việc Bản án phúc thẩm do TAND tỉnh Hải Dương tuyên hôm 15/9/2014, đã hủy bản án sơ thẩm bị kháng cáo trước đó, vì vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Vụ việc xảy ra giữa hai "đại gia" thành Đông từng là chị em "con chấy cắn đôi", đã gây xôn xao dư luận trong suốt thời gian qua. Diễn biến căng thẳng tại phiên phúc thẩm cho thấy, sự việc còn có thể kéo dài và phức tạp, bởi chứng lý các bên đưa ra đều có những điểm thiếu thuyết phục và khó chứng minh kết luận.

Hành trình vụ án

Theo bản án sơ thẩm số 03 ngày 2/4/2014, bà Hợp và bà Hương có quan hệ bạn bè thân thiết và cùng đầu tư kinh doanh bất động sản. Từ năm 2008 đến năm 2011 bà Hợp đã nhiều lần vay tiền của bà Hương để kinh doanh. Đầu năm 2013, bà Hương đã cộng các khoản nợ gốc và lãi lên đến 33 tỷ 127 triệu đồng và yêu cầu bà Hợp trả nợ. Vì không có tiền trả nợ, vợ chồng bà Hợp đồng ý gán nhà đất cho bà Hương để cắt nợ.

Bà Hương đồng ý nhận khối tài sản của gia đình bà Hợp, gồm một biệt thự 04 tầng gắn liền với hai thửa đất có ký hiệu 120.19 và 120.20, tổng diện tích 450 m2 tại khu biệt thự cao cấp Đỉnh Long, Tây Nam Cường, TP Hải Dương và một căn hộ chung cư cao cấp tại khu Ciputra Hà Nội. Khối tài sản trên được hai bên nhất trí với nhau định giá là 35 tỷ đồng, trong đó ngôi biệt thự trị giá 30 tỷ đồng, căn hộ giá 5 tỷ đồng.

Vì vậy bà Hương đã đưa thêm cho bà Hợp 2 tỷ đồng. Ngày 26/3/2013 vợ chồng bà Hợp đã viết "giấy bán nhà nhượng đất" đưa cho bà Hương. Còn bà Hương viết giấy "Biên nhận thoả thuận công nợ và bán nhà". Ngày 23/7/2013, bà Hương tiếp nhận ngôi biệt thự rồi thế chấp để vay 27 tỷ đồng của ông Phạm Phùng Long và bà Nguyễn Thị Ngát ở TP Hải Dương. Còn căn hộ ở Ciputra bà Hương cho người khác thuê.

Phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ đòi nợ hơn 30 tỷ đồng tại Hải Dương.

Ngày 01/10/2013 bà Hương khởi kiện vợ chồng bà Hợp ra TAND TP Hải Dương đề nghị giải quyết hai vấn đề. Một là, hủy giấy bán nhà nhượng đất đề ngày 26/3/2013 giữa bà và vợ chồng bà Hợp đối với ngôi biệt thự ở khu đô thị Đỉnh Long. Lý do việc công chứng và đăng ký chuyển quyền sử dụng/sở hữu tại Văn phòng giao dịch nhà đất Hải Dương không thực hiện được, do giấy tờ đất không hợp nhất được và căn nhà xây dựng sai phép. Hai là, buộc vợ chồng ông bà Hợp phải trả số tiền 30 tỷ đồng chẵn cho bà Hương theo giấy bán nhà nhượng đất đề ngày 26/3/2013 và tiền lãi của số tiền này, kể từ ngày 25/1/2013 đến ngày Tòa tuyên bản án.

Tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án này, TANDTP Hải Dương đã quyết định chấp nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc hủy hợp đồng chuyển nhượng nhà và đất tại khi đô thị Đỉnh Long; tuyên bố hợp đồng ủy quyền ngày 28/3/2013 giữa vợ chồng bà Hợp và bà Hương vô hiệu; chấp nhận một phần yêu cầu của bà Hương, buộc vợ chồng bà Hợp phải trả cho bà Hương số tiền gốc là 7,5 tỷ đồng và tiền lãi hơn 2,5 tỷ đồng, tổng cộng là hơn 10 tỷ đồng; không chấp nhận yêu cầu của bà Hương đòi bà Hợp phải trả số tiền 30 tỷ đồng theo yêu cầu khởi kiện.

Bản án sơ thẩm sau khi tuyên đã bị nguyên đơn (bà Hương) kháng cáo toàn bộ bản án, với lý do cấp sơ thẩm đã vi phạm nhiều thủ tục tố tụng dân sự và bỏ lọt chứng cứ, không xem xét, kết luận về một số tài liệu của bà đã xuất trình. Bản thân bà Hợp cũng có kháng cáo, đề nghị tòa xem xét về việc gán nợ cho bà Hương căn hộ Ciputra, tính lại số tiền đã trả cho bà Hương.

Diễn biến tại phiên tòa phúc thẩm

8 giờ 15 ngày 15/9/2014, phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ kiện đòi nợ đã khai mạc tại TAND tỉnh Hải Dương, dưới sự chủ tọa của Thẩm phán Vũ Thị Nhàn. Các đương sự gồm nguyên đơn Phạm Thị Hương (trú tại số 12, Bắc Sơn, P.Quang Trung, TP Hải Dương, Hải Dương), bị đơn Đinh Thị Bích Hợp (trú tại lô 53.49 đường Hoàng Quốc Việt, TP Hải Dương, Hải Dương) có mặt theo giấy triệu tập. Ông Lương Đức Thái (chồng bà Hợp) vắng mặt có lý do. Ông Phạm Phùng Long (trú tại số 83 đường Hồ Chí Minh, phường Nguyễn Trãi, TP Hải Dương, Hải Dương) là anh trai bà Hương được tòa triệu tập tham gia tố tụng. 

Cũng giống như tại phiên sơ thẩm, trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, lời trình bày của các bên đương sự bà Hương và bà Hợp đều chứa đựng mâu thuẫn nhau về cùng một sự việc. Xoay quanh việc cho vay, thỏa thuận tính lãi suất và xác định nợ gốc...

Bà Hợp cùng luật sư của mình đưa ra các chứng cứ chứng minh khoản vay gốc chỉ có 7,5 tỷ đồng. Trong đó có các bản kê cụ thể số tiền vay từng ngày, số tiền chốt gốc, lãi nợ... Đây là điểm mấu chốt của vấn đề. Theo phân tích của luật sư Lê Hồng Hiển bảo vệ quyền lợi cho bà Hợp, thì con số 33 tỷ 127 triệu đồng mà bà Hương chốt nợ, là kết quả của việc áp đặt lãi suất lên tới 72%/năm, có thời điểm đến trên 140%/năm,  cao vượt hẳn so với quy định của pháp luật. Từ số tiền gốc vay ban đầu chỉ là 7,5 tỷ đồng, tại thời điểm chốt nợ ngày 5/6/2010 đã lên tới con số gần 14,6 tỷ đồng, và sau một loạt các lần chốt nợ tiếp sau đó, đến ngày 25/1/2013 tổng số tiền gốc và lãi mà bà Hương đòi bà Hợp phải trả đã lên tới 33 tỷ 127 triệu đồng.

Đó là cách tính lãi mẹ đẻ lãi con. Đối với mỗi một khoản vay, sau khi kết thúc tháng thì số tiền lãi vay phát sinh trong tháng đó được cộng dồn với số tiền gốc để tạo thành một khoản gốc mới và tiếp tục phát sinh lãi trong tháng tiếp theo. Việc tính lãi đều đặn hàng tháng theo ý chí của bà Hương" - ông Hiển phân tích. Vì các giấy vay nợ không quy định về lãi suất cho vay, nên ông Hiển đồng tình với phiên sơ thẩm TAND TP Hải Dương áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian cho vay, để buộc bà Hợp trả lãi cho bà Hương từ số gốc 7,5 tỷ đồng.

Trái ngược với thông tin và tài liệu do bà Hợp cung cấp tại phiên tòa, bà Hương cho rằng số tiền gốc bà đã cho bà Hợp vay nhiều hơn số tiền 7,5 tỷ đồng. Tuy nhiên cũng như tại phiên sơ thẩm, bà Hương không chứng minh được cụ thể số tiền gốc đã cho vay là bao nhiêu, do việc vay - trả diễn ra nhiều lần. Chỉ biết khi chốt công nợ là 33 tỷ 127 triệu đồng. Bà Hợp đã ký xác nhận nợ tại Giấy biên nhận đề ngày 25/1/2013.  Bà Hợp viết tay số tiền (bằng số và chữ) và ký tên.

Đáng chú ý tại phiên tòa lần này, bà Hương có xuất trình thêm một số tài liệu giấy vay tiền của bà Hợp. Theo bà Hương số tài liệu này đã không được cấp sơ thẩm xem xét, kết luận. Bà Hương khẳng định số tiền trong các giấy vay này, nằm trong số tiền 30 tỷ mà bà Hợp đã nợ của mình.

 Luật sư của bà Hương có cách tiếp cận đi sâu phân tích những vi phạm về tố tụng của cấp sơ thẩm, như việc không làm thủ tục tiếp nhận đơn, khi bà Hợp có yêu cầu "phản tố" tòa sơ thẩm đã không buộc bà Hợp tạm ứng án phí, không thông báo cho nguyên đơn biết, không tổ chức hòa giải, việc tuyên hợp đồng công chứng vô hiệu là sai, việc không đưa ông Long vào diện tham gia tố tụng để làm rõ các quyền và nghĩa vụ của ông này là vi phạm.v.v...

Với những thiếu sót đó, ông yêu cầu tuyên hủy bản án sơ thẩm.  Về khoản nợ bà Hợp phải trả, luật sư này cho rằng chỉ cần dựa trên giấy biên nhận nợ đã chốt là 33 tỷ 127 triệu đồng mà bà Hợp đã ký là đủ, vì các bên giao dịch tự nguyện thỏa thuận.

Phản bác lại quan điểm này, luật sư Lê Hồng Hiển đã viện dẫn Khoản 2 Điều 476 Bộ luật dân sự 2005 cho rằng, lãi suất vay do các bên thoả thuận, nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.

Phát biểu tại phiên tòa, Đại diện VKSND tỉnh Hải Dương sau khi phân tích các vi phạm về tố tụng của cấp xét xử sơ thẩm, đã yêu cầu Hội đồng xét xử tuyên hủy bản án sơ thẩm.

Hồi 15 giờ 25 cùng ngày, Thẩm phán Vũ Thị Nhàn đã tuyên đọc bản án phúc thẩm, chấp nhận kháng cáo của các đương sự là hợp lệ. Sau khi phân tích những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng dân sự của cấp sơ thẩm, như chưa giải quyết triệt để các vấn đề cần chứng minh trong vụ án, bỏ lọt tài liệu chứng cứ, việc chấp nhận thỏa thuận của các bên chưa đúng, việc không đưa ông Phạm Phùng Long vào diện người tham gia tố tụng dẫn đến không thể giải quyết triệt để vụ án, không thể thi hành án.

Việc không đưa Văn phòng công chứng Thành Đông tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là thiếu toàn diện. Ngoài ra, cấp sơ thẩm chưa làm rõ các khoản vay, cách tính lãi suất trong từng thời điểm.v.v... Với những thiếu sót không thể khắc phục tại phiên phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã tuyên hủy bản án sơ thẩm số 03 ngày 2/4/2014 của TAND TP Hải Dương, chuyển vụ án trở lại TAND TP Hải Dương để xét xử lại từ đầu

Nhóm PV
.
.
.