Kẻ chặt cây của làng

Thứ Tư, 26/08/2015, 15:00
Bất ngờ có tiếng động mạnh ở ngoài đường làm mắt bà nháy giật lên. Tiếng động lại dồn dập. Bà định thần nghe như tiếng đập phá. Bà ngồi bật dậy. Rõ ràng là có tiếng dao chém và tiếng thở hồng hộc trong bóng đêm. Bà Liên lao ra cửa. Trước mắt bà là tấm lưng mập ú, trùng trục của thằng Hưng. Nó đang ra sức chặt cây bàng. Vừa chặt, nó vừa gầm như con thú...

Bà Liên đang hí húi xới cơm thì có tiếng con cún sủa. Vừa lúc đó, thằng Hưng hầm hầm đi vào. Nó lia chân đá con cún một cái rồi chỉ tay vào mặt bà hỏi:

- Có phải chính bà làm đơn để ông trưởng thôn không cho tôi chặt cây bàng ấy?

Bà Liên nhìn thẳng vào mắt của Hưng, nói:

- Đúng vậy! Tôi đã trồng nó hơn ba mươi năm nay. Từ ngày tôi đỡ đẻ cho mẹ anh để anh cất tiếng khóc chào đời đó. 

Hưng trợn tròn mắt quát lên:

- Nó án ngữ trước cửa nhà tôi. Năm nay, chuyến hàng nào tôi cũng bị lõm vốn...

Đúng lúc đó, Hạnh - con gái của bà Liên về, biết là có chuyện, vội hỏi:

- Anh Hưng cứ bình tĩnh nói chuyện. Sao lại ầm ĩ thế?

Hưng vẫn không kìm giữ được sự tức giận:

- Chỉ tại cái tính tai quái của bà ấy. Cây bàng ấy nằm trong phạm vi đất của nhà tao...

Lúc này Hạnh không nhịn được, cũng dằn giọng:

- Đất nào của nhà anh? Giấy tờ còn chưa xong. Cả làng này ai cũng rõ anh bỏ tiền ra cướp chỗ ở của mẹ tôi.

Hưng đỏ mặt sửng cồ:

-  À! Con này láo. Tao có giấy xã phân sau khi đấu thầu nhá!

Bà Liên kéo tay con gái lại rồi nói với Hưng:

- Thôi anh cứ về đi. Đất cát thì tuỳ xã giải quyết. Nhưng cây bàng ấy ở ngã ba đường. Từ xưa đến nay là nơi bà con dừng chân, trẻ con vui chơi dưới bóng mát. Đừng chặt nó mà tội nghiệp.

Lúc này Hưng chẳng dừng cơn khùng:

- Tôi cứ chặt, bà làm gì được tôi. Làm con hộ lý quèn ở cái làng này là cái thá gì. Lắm điều thế chả trách, cô độc cô quả, phải đi nhận con nuôi...

Bà Liên mím chặt môi lại vì sợ lúc này bật tiếng khóc vì bỗng nhớ lại hình ảnh Hưng, một thằng bé ngày nào bà còn bế nó khi cất tiếng chào đời, mà giờ đây lại thóa mạ mình. Hạnh không thể chịu được nữa, hét lên:

- Cút ra khỏi nhà tao. Đồ mất dạy!

Hạnh lao tới đẩy Hưng ra khỏi cửa. Hưng nổi cơn điên, bất ngờ dang tay tát Hạnh một cái. Hạnh ôm mặt khóc nức nở. Bà Liên chạy ra cửa kêu la ầm ĩ. Thấy mấy người cùng thôn chạy tới, thằng Hưng định bỏ về thì ngay lúc đó con cún lao tới cắn vào gót chân thằng Hưng làm nó hét lên tưởng như bị chọc tiết vậy.

* * *

Bữa ấy, bà Liên không nhá nổi cơm nữa, cứ ngồi thừ ở bàn nước. Hạnh nói thế nào bà Liên cũng chỉ im lặng, vì bà nghĩ, nếu bây giờ chỉ nhỡ hé miệng thôi là không nhịn được những tiếng khóc đang nghẹn ở cổ họng sẽ rức lên. Đấy là cách mà bà đã gắng nín nhịn trong những ngày tham gia chiến trường. 

Là một y tá, bà Liên đã chứng kiến biết bao cảnh đau đớn của những chiến sĩ trên giường bệnh. Ngày ấy ở cái tuổi đôi mươi, bà đã phải cắn răng cho khỏi bật ra tiếng khóc vì chỉ lo những người đồng đội gục ngã bởi số mệnh... Và, có lần bà đã hiến máu để cứu một chiến sĩ trẻ cùng lứa tuổi. 

Sau đó hai người xa nhau, biền biệt tin tức cho đến ngày chiến thắng giải phóng miền nam. Mãi, phải tới hơn hai mươi năm sau ngày hòa bình lập lại, bà mới có dịp gặp lại người chiến sĩ tên là Tùng ấy, trong ngày bà được trao huy hiệu ba mươi năm tuổi Đảng. 

Khi hai bố con bác Tùng, sau bao ngày tìm kiếm, mới đến được đây. Biết bà Liên sau này bị nhiễm chất độc da cam, buộc phải ở vậy, nên bác Tùng đã cho con gái lên ở cùng để chăm sóc ân nhân của mình. Và từ đó, Hạnh - con gái lớn của người chiến sĩ ấy - đã trở thành con nuôi của bà.

 *  * *

Tối nay bà Liên thấy mỏi mệt, muốn đi ngủ sớm. Sau khi cho con cún ăn, bà ra cửa ngó lại cây bàng, bởi nó đã bắt đầu rụng những chiếc lá khô đầu tiên, rồi mới vào nhà. Hạnh nói với bà tối nay chi đoàn thôn họp để chuẩn bị ra quân làm vệ sinh môi trường toàn xã, nên xin phép đi. Bà dặn con gái phải về sớm rồi vào giường nằm nghỉ. 

Bà chợt nhớ lại mùa đông năm ấy, khi theo đơn vị chuyển quân vào chiến dịch đánh lớn ở Tây Nguyên lại thấy nôn nao trong lòng. Với lứa tuổi hai mươi, cô y tá Liên ngày ấy được bao chàng trai yêu quý. Nhưng tất cả cho tiền tuyến, cho cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, cô y tá Liên cố gạt mọi ý nghĩ lãng mạn vẩn vương và tình yêu thầm kín trong lòng... Ấy vậy mà giờ đây đã hơn bốn mươi năm, những gương mặt ấy lần lượt hiện về rạng rỡ, tươi rói như những ngày đầu gặp mặt... 

Rồi bà lại nhớ những ngày khốn khó, bà đã cất tiếng hát để cho những chiến sĩ bớt cơn đau khi vào ca mổ vì thiếu thuốc gây tê. Và những bài hát ngày ấy cứ theo bà suốt những năm tháng sau này về quê hương.

Giờ đây, cũng với những bài hát ấy và những bài hát dân ca, bà lại ru cho những em bé ở căn nhà hộ sinh của xã. Những lời hát như truyền nhựa sống cho những cuộc đời mới. Hàng trăm đứa trẻ đã nghe bà ru khi mẹ chúng nghỉ ngơi. Mặc cho những đứa trẻ còn chưa biết nghe tiếng người nhưng những lời hát thực sự như phép bùa đã ru chúng ngủ và nhếch môi cười. Trong lòng bà Liên thấy phấn chấn, xua tan đi những mỏi mệt vừa qua, vì mỗi gương mặt sơ sinh trong tay bà đều là những thiên thần của trái tim và tâm hồn mình. 

Ước ao làm mẹ của bà theo năm tháng được bù đắp bằng những con tim nhỏ bé đập rung lên trong lòng bàn tay yêu quý của bà. Nào là thằng Tuất, nào là thằng Thành, thằng Huy... Mà bây giờ thằng Huy là Trưởng Công an xã rồi chứ bộ. Lại còn thằng cu Dũng nữa chứ, là thầy giáo rồi đấy, nó ngâm thơ hay đáo để. Thảo nào nó là giáo viên đại học đầu tiên của làng đó.  Cứ thế, những gương mặt thân quen và những gương mặt thơ trẻ long lanh hiện về...

Chợt bà lại nghĩ tới cây bàng và gương mặt béo căng của Hưng đang gườm gườm nhìn bà. Ngày nào sao mà nó đáng yêu thế. Vậy mà  thời gian đổi thay. Con người cũng đổi thay. Hai mươi tuổi, nó bỏ làng đi làm ăn, rồi bất chợt trở về với một cuộc sống ngông nghênh bạt mạng. 

Thôi thì đất cát cũng chả là gì. Mình già rồi. Nhưng quả thật nó làm ăn tử tế thì cũng là cái phúc, cái đức. Nhưng ngược lại, nay bị Công an huyện gọi đi, mai nó lại bị giam giữ xét hỏi. Nghe đâu, có người nói nó còn bị nghi dúng tay vào buôn bán ma tuý. Cả tháng nay nó đi đâu xa lắm. Thằng bé con vẫn chạy sang chơi với bà. Lúc này, cơn mơ ngủ dần dần kéo đến làm bà thiếp đi trong hình ảnh của những gương mặt xinh xinh...

Bất ngờ có tiếng động mạnh ở ngoài đường làm mắt bà nháy giật lên. Tiếng động lại dồn dập. Bà định thần nghe như tiếng đập phá. Bà ngồi bật dậy. Rõ ràng là có tiếng dao chém và tiếng thở hồng hộc trong bóng đêm. Bà Liên lao ra cửa. Trước mắt bà là tấm lưng mập ú, trùng trục của thằng Hưng. Nó đang ra sức chặt cây bàng. Vừa chặt, nó vừa gầm như con thú:

- Mày án ngữ con đường làm ăn của bố mày. Vì mày mà lần này tao mất trắng hết... hừ... hừ.

Vừa nói, thằng Hưng vừa ra sức vung tay dao. Ngay lập tức, bà Liên lao đến quát to:

- Anh Hưng say rồi. Đừng làm bậy!

Bất ngờ một nhát dao bổ xuống lớp bê tông làm toé lửa. Thằng Hưng loạng choạng mất đà ngã dúi xuống rồi lại bật lên vung tay dao. Thấy vậy, bà Liên lao tới chặn tay lại. Hắn thở phì phì đầy hơi rượu gầm lên như mãnh thú:

- Vì bà đó! Cây bàng này đã chặn đường làm ăn của tôi. Quá khứ của bà à? Tôi phải đạp đổ cái quá khứ ấy hừ... hừ...

 Bà Liên bíu lấy tay dao của thằng Hưng rồi kêu ầm lên:

 - Bà con ơi! Thằng Hưng chặt cây bàng của làng. Bà con ơi...!

 Lúc này, Hạnh cũng lao ra hô hoán cùng mẹ. Nhiều ánh đèn bật sáng. Tiếng chó sủa râm ran khắp thôn. Bất ngờ con cún nhảy lên cắn vào tay thằng Hưng. Hắn rú lên đẩy bà Liên ngã xuống đất, rồi lao tới chém ngang lưng con cún. Một dòng máu phụt toé lên. Hạnh hốt hoảng hét to rồi chạy đến ôm con cún đang giãy giụa trong vũng máu. Ngay lúc đó, ông Trưởng thôn chạy tới cùng ba Công an viên. Thấy Hưng vẫn hùng hổ chém tới tấp vào thân cây bàng. Mặc cho một Công an viên thổi còi, hắn còn dọa:

- Đứa nào vào tao sẽ chém vỡ đầu!

Mọi người chưa biết xử lý thế nào. Trong ánh đèn pin chiếu sáng, bà Liên bất ngờ từ phía sau lao đến ôm ghì lấy cánh tay thằng Hưng, thế là một Công an viên nhảy sáp vô khoá tay hắn lại. Đột nhiên có tiếng còi và ánh đèn pha ôtô chiếu rọi. Chiếc xe bon nhanh tới rồi có hai người Cảnh sát trên huyện nhảy xuống đọc lệnh bắt và khám nhà thằng Hưng. 

Lúc này ai cũng rõ chuyện nó đã tham gia đường dây buôn ma tuý xuyên quốc gia. Một túi mười cân má túy đá. Hắn mới buôn về. Hắn muốn chặt cây bàng để tìm vận may cho chuyến hàng lần này. Nhưng kết cục hắn không thể thoát khỏi lưới trời đã định đoạt số phận của một tên đạp bằng mọi tội ác để làm giàu bất chính. Đúng là ông trời có mắt. Cây bàng của làng vẫn còn đó. Hình ảnh thân thương của làng không bị mất đi.

Đêm ấy dường như tất cả mọi người trong thôn thức trắng bởi tiếng khóc của bà Liên vẳng đến nghe thảm lắm. Không phải đó chỉ là tiếng khóc cho cái chết của con cún, mà nghe nẫu ruột như tiếng nức nở than cho một phận đời. Trời gần sáng, tiếng gà gáy ran, tự nhiên trong lòng mỗi người lại dậy lên tiếng khóc oa oa của những đứa trẻ ra đời trong mỗi đêm. Khi ấy gương mặt phúc hậu của bà Liên, một chiến binh năm xưa, đã nâng niu yêu thương từng đứa trẻ, hiện lên với mỗi gia đình. Gió ù ù thổi ngoài cánh đồng.

Thu Hiền
.
.
.