Từ vụ bắt giữ con tin ở Thanh Xuân Bắc, Hà Nội:

Khốn nạn những kẻ cùng đường

Thứ Ba, 07/10/2014, 14:30

Luôn mặc cảm thân phận mình là "chó chui gầm chạn" và tự ti về công việc bảo vệ hèn kém, Trần Thanh Bình - kẻ vừa bị bắt về hành vi bắt giữ người trái pháp luật và cố ý gây thương tích đã đột nhập vào căn hộ 401 nhà E6, tập thể Thanh Xuân Bắc, vào ngày 16-9, dùng dao khống chế 3 phụ nữ và 2 trẻ em. Mục đích ban đầu của hắn là định cướp tài sản, nhưng sau thấy sự việc bị phát hiện nhanh quá, người dân xung quanh nghe tiếng hô hoán đã nhào sang, hắn đành chuyển hướng yêu cầu chủ nhà đi tìm… vợ con cho hắn.

Làm giàu… rất khó!

Hơn 6h sáng 16/9/2014, bà Đỗ Thị Ánh Hồng, 48 tuổi, trú tại phòng 401, nhà E6, khu tập thể Thanh Xuân Bắc, mở cửa xuống đường đi chợ sớm như mọi ngày. Khi bước đến chiếu nghỉ thứ ba, bất ngờ bà giật mình thấy một thanh niên đi lom khom đằng sau mình với biểu hiện rất đáng ngờ. Bà không hề biết rằng, mấy ngày nay, gã thanh niên này đã lang thang nhòm ngó khu vực nhà tập thể E6 và các nhà lân cận để tìm cơ hội gây án. Hắn chính là kẻ đang vô cùng chán đời vì công việc chả ra gì của mình, cũng như day dứt về số tiền nợ vẫn đeo dai dẳng trên lưng như khối u ác tính.

Bà Hồng hốt hoảng "ớ" lên một tiếng. Ngay lập tức, Trần Thanh Bình túm lấy bà đẩy ngược lên, bắt quay lại nhà. Hắn gí dao đẩy bà vào phòng rồi đóng cửa lại. Trong lúc giằng co, con dao bầu trong tay hắn đã làm bị thương bàn tay phải của bà Hồng. Thấy máu ra nhiều, bà Hồng hốt hoảng xin gã: "Cháu muốn gì cứ lấy, tiền bạc, tài sản… nhưng đừng giết hại mọi người trong nhà". Lúc đó, ngoài bà Hồng, trong nhà còn có hai người chị gái của bà là Đỗ Thị Hương, Đỗ Thị Bích Hạnh và hai đứa con của bà Hồng, một cháu đang học lớp 6, một cháu học lớp 7. Mọi người sợ hãi kêu cứu, Bình lạnh lùng dọa sẽ giết chết nếu tất cả vẫn "gào mồm lên".

Đối tượng Trần Thanh Bình (X).

Một vài người hàng xóm vội vàng chạy sang, thấy sự việc bị bại lộ nhanh chóng, không còn cách nào khác, Bình đành chốt cửa lại và khống chế những phụ nữ và hai đứa trẻ yếu đuối trong phòng. Hắn chuyển hướng không cướp nữa mà bắt bà Hồng đi tìm… vợ con cho mình. Bình nghĩ bụng, giờ này mà chui ra thì không những bị bắt, mà còn có nguy cơ sẽ bị đòn hội đồng của người dân đánh chết. Đó cũng là lý do vì sao khi Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an Hà Nội, người đã một mình lên động viên Bình quy hàng, khi gọi điện thuyết phục, Bình đã yêu cầu phải đảm bảo an toàn cho hắn.

Sau này, khi được đưa về trụ sở số 7 Thiền Quang rồi, Trần Thanh Bình khai nhận, ngày 30/8, hắn bỏ nhà xuống Hà Nội để tìm cơ hội đổi đời. Bình thuê nhà bên Long Biên tá túc rồi lên Lào Cai mua súng bắn đạn bi, dao, bình xịt hơi cay, côn ba khúc mang về Hà Nội tìm cơ hội cướp tài sản để trả nợ và có tiền ăn tiêu sinh hoạt. Thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở trọ của Trần Thanh Bình tại quận Long Biên (Hà Nội) vào ngày 16/9, cơ quan điều tra đã thu giữ 1 súng bắn đạn bi cùng hơn 100 viên đạn, 1 bình xịt hơi cay, 1 côn 3 khúc.

Vợ chồng hắn đã có hai đứa con, đứa lớn 4 tuổi, còn đứa nhỏ mới được 5 tháng. Lương tháng không được bao nhiêu, nợ nần chồng chất, cộng với nỗi tự ti luôn thường trực trong tâm trí hắn, rằng làm bảo vệ, thân phận thấp kém, không cần so bì với ai mà so với ngay vợ hắn, hắn cũng đã kém cỏi hơn rồi. Có lúc, không kìm chế được nỗi niềm của một thằng đàn ông luôn nghĩ mình kém vợ, Bình thốt lên: "Cháu về nhà là như chó chui gầm chạn". Hắn quyết tâm tìm đường về Hà Nội và định thực hiện kế hoạch "làm giàu không khó". Tuy nhiên, mọi dự tính của hắn đã nhanh chóng bị phá sản.

Đầu ngõ nhỏ giữa nhà E5,E6 đã được phong tỏa.

Chiều 15/9, một là hết tiền, không thể về Quảng Ninh, hai là muốn tăm tia xem có gia đình nào sơ hở, Bình đã lên chiếu nghỉ tầng 4-5 nhà E6 để ngủ, và sáng hôm sau, khi bà Hồng xuống đường đi chợ, hắn đã đi theo và gây ra vụ việc như đã kể trên.

Không nghiện hút, không rượu chè, có lẽ khi chưa xảy ra vụ án này, Trần Thanh Bình cũng là một người chồng, người cha biết sống vì gia đình. Có lẽ cũng vì thế mà hắn luôn cảm thấy có lỗi khi không lo cho vợ con mình được một cuộc sống đầy đủ. Tâm sự với điều tra viên, Bình nói rằng, nhiều lần hắn đòi xin đi làm công nhân nhưng vợ hắn cũng như mọi người trong nhà không đồng y,á mà vẫn bắt hắn phải chung thủy với công việc bảo vệ - cái nghề mà trong mắt hắn là vô cùng hèn kém.

"Nếu anh đói…"

Không bao giờ được lấy bất cứ lý do gì để biện minh cho những hành động phạm tội, nhưng có một câu nói thế này: "Nếu anh đang đói, anh sẽ không nói thế". Có thể hiểu rằng, những kẻ như Trần Thanh Bình đang ở ngõ cụt trong một giai đoạn nhất định của cuộc đời, và hắn luôn day dứt về việc  làm thế nào để thoát ra được những bí bách về tiền bạc nhưng lại bằng con đường  nhanh nhất. Và như thế thì chỉ có cách đi cướp. Rõ ràng, bản chất của Bình không ác, vì nếu ác, hắn đã làm hại những con tin của mình. Không những thế, hắn còn đồng ý cho một cháu bé ra ngoài đi học theo sự thuyết phục của Công an, đồng thời khi nghe điện thoại động viên của Giám đốc Công an Hà Nội, hắn tiếp tục cởi trói cho cháu bé còn lại, cho cháu bé này chơi điện tử và để bà Hương đi lại trong phòng, làm việc bình thường. Vì thế, người dân đứng dưới đường vô cùng ngạc nhiên khi có lúc còn nhìn thấy cháu bé ra ban công đứng chơi.

Việc đối xử "tử tế" với con tin của Trần Thanh Bình khiến tôi nhớ tới vụ bắt cóc con tin cũng trong tình huống tương tự xảy ra tại Hà Đông (Hà Tây cũ) vào năm 2005. Kẻ tội đồ Tống Văn Hậu, 48 tuổi, trú tại phường Ngọc Lâm, Long Biên (Hà Nội), là con út trong một gia đình có 8 anh chị em, gồm 7 trai, 1 gái. Quê gốc ở TP Hải Dương nhưng bố mẹ Hậu chuyển lên Hà Nội sinh sống đã khá lâu và sinh hắn tại đây.

Sau khi xuất ngũ, Hậu lấy vợ, sinh con và đi làm thuê kiếm tiền mưu sinh. Năm 2002, Hậu quyết định vào TP Hồ Chí Minh sống lang thang vất vưởng tìm cơ hội đổi đời. Hắn xin vào làm thợ phụ xây dựng tại các công trình nhà dân ở quận 3. Nghèo, không có tiền nhưng lại có… duyên, tại vùng đất mới, Hậu được một phụ nữ đã bỏ chồng yêu thương và sinh được với người này một đứa con trai.

Một lần ra Bắc, hắn ở lại chơi nhà người anh trong thời gian hơn 1 tháng. Chỉ cách hôm quay trở vào Nam vài ngày, Hậu nhận được điện thoại của người đàn bà gá nghĩa với hắn báo tin, đứa con chung của hắn với người đàn bà này bị bệnh nặng, nếu không có tiền chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.

Trần Thanh Bình tại cơ quan điều tra

Hắn đi lang thang đến khu vực Hà Đông để tìm cơ hội gây án rồi đột nhập vào ngôi nhà số 18 đường Phùng Hưng (thị xã Hà Đông, Hà Tây cũ), khống chế cháu Lê Thanh Phong. Qua điện thoại, hắn bắt ông chủ nhà phải mang đến một cái xe ôtô 4 chỗ ngồi và 100 triệu đồng, nếu không sẽ lấy mất mạng cháu Phong.

Vụ bắt giữ con tin đòi 100 triệu đồng khi đó đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, trong quá trình bắt giữ con tin, Hậu đã ngồi… tâm sự với cháu Phong về cuộc sống bí bách cơm áo gạo tiền của mình, rằng hắn buộc phải làm cái việc này là cực chẳng đã, không còn cách nào khác. Đời thằng đàn ông đã không lo nổi cho vợ con lại còn đèo bòng nó mới sinh ra khốn khổ khốn nạn đến thế. Hắn tuyệt nhiên không động đến một sợi tóc của con tin.

Một vụ án gây xôn xao dư luận xảy ra dưới chân cầu Dục Quang, Bắc Giang, cũng là một vụ án đau đớn, điển hình cho sự bế tắc trong cuộc sống khi thủ phạm luôn luôn phải loay hoay, day dứt về công việc, về cuộc sống mưu sinh, để rồi khi bị đẩy đến đường cùng, chúng đã chọn con đường gây tội lỗi.

Phạm Trung Kiên sống tại thành phố Thái Nguyên. Tháng 2/1996, Kiên đóng quân tại Hữu Lũng, Lạng Sơn. Từ  tháng 8/1998, Kiên xuất ngũ về ở với bố mẹ tại số 29 phường Tân Long, TP. Thái Nguyên.

Nhà nghèo nên Kiên không đua đòi và rất thương bố mẹ. Luôn mặc cảm với thân phận nghèo khó của mình, Kiên không mấy khi đi chơi cùng bạn bè, mà chỉ chí thú vào công việc tăng gia sản xuất, nuôi gà công nghiệp, sửa xe đạp, đóng gạch thuê... để có tiền phụ giúp gia đình.

Trước khi cùng một đối tượng gây ra vụ cướp 2 khẩu súng AK và 6 băng đạn tại một doanh trại Quân đội để làm phương tiện đi cướp tài sản, Kiên và mẹ là bà Nguyễn Thị Mùi có mâu thuẫn với nhau. Đêm 2/8/1999, bà Mùi mắng mỏ, mạt sát Kiên và bảo y lớn thế này vẫn còn ăn bám gia đình.

Nỗi cay đắng của thằng con trai bị coi là đồ ăn bám khiến hắn trằn trọc không ngủ được. Hắn mò sang ngủ cùng đứa em họ là Phạm Trung Sơn. Sơn cũng có hoàn cảnh éo le, bố hắn đã vào tù, mẹ đi làm ăn xa nên không ai quan tâm chăm sóc. Do có dị tật bàn tay trái 6 ngón nên khi đi học luôn bị bạn bè trêu chọc, mặc cảm thân phận, Sơn bỏ học và luôn sống khép mình. Sáng hôm sau, được Kiên rủ đi cướp súng, hắn đã đồng ý.

Trong quá trình trốn chạy, hai kẻ này đã cướp đi sinh mạng của hai người dân vô tội và làm một đồng chí Công an bị thương. Sau cuộc đọ súng kéo dài, lực lượng Quân đội Bắc Giang đã điều xe bọc thép đến tiêu diệt hai tên cướp.

Mới đây nhất, Trần Công Tuấn, ở Triệu Phong, Quảng Trị - học viên Trung tâm đào tạo kỹ thuật nghiệp vụ đường sắt Đà Nẵng, đã khiến những người dự phiên tòa không sao cầm được nước mắt. Tuấn gây án trong một phút quẫn bách vì không có tiền nộp học và tiền thuê nhà (tổng cộng 1,1 triệu đồng). Ngày 30/4, Tuấn về quê xin cha mẹ tiền vì nếu không đóng sẽ không được thi. Đúng vào thời điểm giáp hạt, cha mẹ Tuấn cố gắng lắm cũng chỉ có thể đưa cho con trai được 170.000 đồng.

21h30 ngày 4/5, Tuấn mang theo con dao lấy được từ bếp ăn nhà trọ lang thang ra quốc lộ 1A. Đi khoảng 500m, thấy Bưu điện Nam Ô (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) chỉ có một nhân viên làm việc, Tuấn cầm dao vào uy hiếp, cướp đi 1,2 triệu đồng và bị bắt.

Những bế tắc không được giải quyết, những quan điểm sống sai lầm, lại thiếu sự động viên, định hướng của gia đình đã là nguyên nhân đẩy những kẻ lẽ ra là rất tử tế trong bài viết này vào con đường tội lỗi

Đinh Hiền
.
.
.