"Kịch bản" nào cho phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng?

Thứ Tư, 07/05/2014, 11:11
Kéo dài gấp đôi thời gian so với dự kiến ban đầu, phiên tòa phúc thẩm xét xử "đại án Vinalines" đang được nhiều luật sư cũng như dư luận đánh giá là rất khó để HĐXX đưa ra bản án tử hình đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc...

Dường như, những căn cứ mà các luật sư đưa ra để bảo vệ cho thân chủ của mình đang rất... có lý, và cũng dường như, việc kéo dài thời gian xét xử, cho các luật sư tranh tụng thoải mái, đồng thời cho dừng phiên xét xử để... nghỉ lễ, là một ứng xử hết sức nhân văn của những người cầm cân nảy mực. Ngoài việc rất khó để tuyên tử hình thì một kịch bản nữa mà nhiều người quan tâm theo dõi phiên tòa cho rằng, rất có thể, hồ sơ vụ án sẽ được trả cho cơ quan Công an điều tra lại.

Khó tuyên tử hình!

Sau 3 ngày xét xử phúc thẩm (từ 22 đến 24/4), theo dự kiến Tòa phúc thẩm sẽ tuyên án đối với Dương Chí Dũng và đồng phạm, tuy nhiên, cho đến buổi sáng thứ 2 (ngày 28/4), những tưởng số phận của Dương Chí Dũng sẽ được định đoạt thì HĐXX tiếp tục quay lại phần xét hỏi để làm rõ các tình tiết của vụ án, cho thấy, đã có điều gì đó "lăn tăn" khiến các vị cầm cân nảy mực không thể "khai đao" chắc nịch như phiên sơ thẩm diễn ra trước Tết Giáp Ngọ. Và, Tòa "hẹn" đến ngày 7/5, sau một kỳ nghỉ lễ dài sẽ quyết định số phận Dương Chí Dũng và đồng phạm của ông ta.

Thứ nhất là lời khai của các bị cáo còn mâu thuẫn nhau. Việc Dương Chí Dũng có nhận 10 tỷ đồng và Mai Văn Phúc có nhận 10 tỷ đồng mà Trần Hải Sơn đưa cho hay không, chỉ có 3 người này và... trời biết, đất biết. Từ đầu đến cuối, cả Dũng và Phúc đều kiên quyết không nhận, thậm chí có những lời thề thốt độc địa ngay trước vành móng ngựa khiến người nghe phải nổi da gà.

Lời khai của bị cáo là một trong những chứng cứ quan trọng của vụ án, tuy nhiên nó phải được đối chiếu, đặt trong sự phù hợp với các vật chứng, kết luận giám định hay các tài liệu, đồ vật khác thu thập được trong quá trình điều tra xét xử. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào lời khai của Trần Hải Sơn mà chưa làm rõ được các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án, khẳng định chính xác việc các bị cáo giao nhận tiền thì rất khó để buộc tội Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc tội "tham ô tài sản". Hơn nữa, cho đến giờ này, tức là qua mấy tháng điều tra, qua phiên xét xử sơ thẩm, nhưng Trần Hải Sơn đưa tiền cho Dương Chí Dũng đựng trong vali hay túi kéo hay túi đựng máy tính vẫn chưa thống nhất.

Xưa nay, số tiền "đi đêm" thường vô cùng khó chứng minh nếu chẳng may bị phát hiện, bởi nó được giao dịch trước hết là dựa trên niềm tin giữa hai người với nhau. Trong vụ án này, rõ ràng giữa Sơn và Dũng cũng như giữa Sơn và Phúc, phải có sự tin cậy nhau như các ngón tay trên một bàn tay thì họ mới dám trao cho nhau cả 10 tỷ đồng, còn trong trường hợp Sơn "vu oan giá họa" thì cũng không ai biết ngoài chính những người trong cuộc, và việc Dũng phủi tay, cho rằng chưa từng nhận 10 tỷ đồng cũng vô cùng dễ hiểu bởi làm gì có người thứ ba chứng kiến. Hơn nữa, dường như "phần thắng" đang nghiêng về Dương Chí Dũng, bởi trước tòa, vị đại diện Ngân hàng Hàng hải cho biết, đã tập trung lực lượng tìm kiếm rất kỹ nhưng không tìm thấy giao dịch nào của Trần Hải Sơn cho thấy người này rút tiền từ ngân hàng như lời Sơn khai trước đó.

Đối với bất cứ một vụ án kinh tế nào, điều dư luận chờ mong nhất là việc khắc phục hậu quả của các bị cáo. Nó không giống với các vụ án mà bị cáo là các đối tượng hình sự giang hồ cộm cán, dư luận đòi hỏi pháp luật phải tước quyền sống của họ. Thì trong phiên tòa này, Dương Chí Dũng khi được nói lời sau cùng, đã khẳng định sẽ khắc phục tối đa những thiệt hại gây ra trong "đại án Vinalines". Còn vợ ông ta - bà Phạm Thị Mai Phương cũng phát biểu, trình bày nguyện vọng, dù có phải bán hết nhà cửa, của cải thì cũng chấp nhận để cứu chồng thoát án tử. Trước ngày xét xử đầu tiên của phiên phúc thẩm, bà Phạm Thị Mai Phương đã đến Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội nộp 4,7 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Tương tự, gia đình bị cáo Mai Văn Phúc cũng nộp 3,5 tỷ đồng khắc phục.

Một lý do nữa khiến dư luận có quyền tin rằng, Dương Chí Dũng rất có thể sẽ thoát án tử là vì gia đình bị cáo này có truyền thống cách mạng, bản thân Dũng có huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐTV của Vinalines và là Bí thư Đảng ủy của cơ quan này.

Trả hồ sơ, đề nghị điều tra lại(!?)

Có nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng, thời gian gần đây, do sức ép của dư luận mà một số vụ "đại án" thường được đưa ra xét xử nhanh chóng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc vụ án chưa thực sự được điều tra kỹ lưỡng. Qua diễn biến vụ án Vinalines cho thấy, đã lộ ra những vấn đề thực sự chưa được làm rõ trong cáo trạng, trong kết luận điều tra. Không chỉ Vinalines, vụ xét xử bầu Kiên mới đây cũng tương tự. Khi phiên tòa chưa bắt đầu, đã có thông tin chắc chắn sẽ tạm hoãn. Và quả thực, ngay trong ngày đầu tiên xét xử, HĐXX đã cho tạm hoãn, đúng như dự đoán của nhiều người.

Có rất nhiều điều cần làm rõ mà các luật sư nêu ra để đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra lại. Đó là các tài liệu mới mà phía Nga cung cấp có từ năm 2013, tuy nhiên, đến phiên tòa phúc thẩm, mới được mang đến (tại sao trong phiên sơ thẩm không xuất hiện những tài liệu này). Chưa kể, phía Nga cho biết họ sẽ tiếp tục chuyển tài liệu đến sau. Nội dung tài liệu đề cập đến một công dân Nga, là đại diện của công ty môi giới GS tại Nga.

Công dân này đã tham gia ký hợp đồng với Công ty AP. Người này khai, ông ta không hề biết về khoản tiền được chuyển về Việt Nam thông qua Công ty Phú Hà. Nghĩa là, công dân này đã khai rằng không hề biết về số tiền 1,666 triệu USD từ dự án mua ụ nổi. Cũng trong số tài liệu mới phía Nga cung cấp, có biên bản thẩm vấn Tổng Giám đốc Công ty CP Nakhodka. Ông này nói rằng chính ông Goh là người đại diện Công ty AP đàm phán, ký hợp đồng và mua ụ nổi của Công ty Nakhodka. Hợp đồng được ký giữa ông Goh và ông Tổng Giám đốc Công ty Nakhodka, ký tại văn phòng làm việc của ông tại thành phố Nakhodka (Nga).

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người thắc mắc là giá trị pháp lý của các tài liệu này. Theo luật sư Nguyễn Huy Thiệp thì: "Về hình thức đã không đảm bảo, về nội dung lại không có gì chứng minh tính xác thực thì không thể đưa ra làm chứng cứ được". Tài liệu phía Nga đưa ra chỉ bao gồm bản dịch ra tiếng Việt, không theo một trình tự nào theo luật tố tụng, không có công chứng, không có bản gốc để đối chiếu. Và nếu theo nội dung các tài liệu mới này thì rõ ràng Dương Chí Dũng không hề có mối liên hệ nào với phía Nga. Điều này rất có lợi cho Dương Chí Dũng. Nếu coi đây là một chứng cứ quan trọng thì cần có một cơ quan có thẩm quyền dịch thuật, xác định tính pháp lý của bộ tài liệu mới này.

Dương Chí Dũng sau buổi xét xử.

Tương tự, luật sư Thủy cũng nêu quan điểm về các tài liệu mới từ phía Nga cung cấp. Theo luật sư Thủy thì các tài liệu này cũng mới chỉ ra được một phần của vụ án. "Chúng ta cần làm rõ có sự thỏa thuận giữa Công ty GS và Công ty AP về việc ăn chia tiền hoa hồng...

Cần làm rõ ai là người quyết định việc ăn chia số tiền 1,666 triệu USD từ dự án mua ụ nổi 83M. Bị cáo Sơn trong quá trình xét hỏi, lúc thì khai là không nhớ, lúc thì khai là nhớ không rõ. Như vậy chưa đủ căn cứ để buộc tội chết cho hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc" - ông Thủy nói. Đồng thời, luật sư Thiệp cũng bổ sung cho rằng, tất cả các khâu từ việc nhận chào giá, liên hệ, thỏa thuận và trao đổi, kể cả việc nhận khoản tiền 1,666 triệu USD đều là bị cáo Trần Hải Sơn đảm trách chứ không phải hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc.

Bác các quan điểm của luật sư, đại diện VKS cho rằng, các tài liệu này được bổ sung theo đúng trình tự pháp lý và bản gốc đã được chuyển đến cho HĐXX xem xét.

Không thể đoán được bản án mà Dương Chí Dũng cũng như các đồng phạm của ông ta sẽ phải đón nhận trong ngày 7/5, như "lời hứa" của Tòa. Nhưng cho dù "kịch bản" có xảy ra như thế nào, thì quả thật là cánh phóng viên theo dõi cũng như dư luận và người nhà bị cáo đã quá mệt mỏi khi phải "đuổi theo" tòa đến hơn nửa tháng trời vẫn chưa đưa ra được bản án cuối cùng. Điều dư luận mong mỏi nhất trong vụ án này là HĐXX cần phải làm rõ hơn các tình tiết nhằm đưa ra một bản án khiến các bị cáo phải tâm phục khẩu phục và dư luận cũng cảm thấy thỏa mãn.

Vụ án càng quan trọng, các bị cáo từng giữ chức vụ, càng phải cẩn trọng trong quá trình điều tra, xét xử. Vì vậy, rất có thể vụ án sẽ được trả hồ sơ để điều tra lại, như mong muốn của đa số luật sư bào chữa, và cũng đúng như mong muốn của các bị cáo. Còn nếu Tòa vẫn tuyên án vào ngày 7/5, thì rất có thể, hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc sẽ thoát án tử hình, bởi cứ nhìn gương mặt hớn hở, thoải mái của Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc qua phiên phúc thẩm (khác hẳn phiên sơ thẩm), nhiều người lại có quyền tin vào điều đó

Nhóm PV
.
.
.