Tội ác ghê rợn trong đám cháy

Kỳ 2: Cuộc truy xét dày công

Thứ Hai, 21/09/2020, 08:52
Hoạt động điều tra, xác định bản chất của một sự việc mang tính chất pháp lý hình sự, giải đáp các vấn đề cần phải chứng minh trong một vụ án chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Hành trình đi tìm lời giải cho những bài toán khó luôn phải đánh đổi bằng bao vất vả, nỗ lực, hy sinh thầm lặng của những người làm nghề. Không dễ để một tội ác man rợ được phơi bày sau vụ hoả hoạn ấy.


Gian truân tìm lời giải

Tiếp tục họp án, Ban chỉ đạo điều tra yêu cầu hằng đêm, từ 0 giờ trở đi, lực lượng điều tra trọng án cùng Công an huyện Từ Liêm phải toả ra đường, chặn hỏi tất cả những người dân có công việc, nghề nghiệp, sinh hoạt vào ban đêm, có lộ trình di chuyển qua hiện trường… về những hiện tượng họ bắt gặp vào đêm kinh hoàng đó.

Hằng đêm, trong mưa gió bịt bùng và cái lạnh thấu xương, chiến sĩ vẫn toả đi các ngả đường. Kinh nghiệm mách bảo họ, án nếu “ra” sẽ ra” trong vòng 10 ngày đầu. Càng để lâu càng khó làm. Sau thời điểm “vàng” này, án rất có thể sẽ lâm vào “câu dầm, bế tắc” do “cụt tin”; do dấu vết, vật chứng bị tiêu huỷ dưới tác động của thời tiết khí hậu, môi trường và hoạt động của con người; do trí nhớ của nhân chứng bị “mờ” dần về những thứ đã tri giác, nhìn thấy, nghe được…

Hiện trường sau vụ cháy ở Mỹ Đình.

Quần quật hàng tuần lễ, nhẵn mặt với các bà đi bán rau chợ đêm, nhặt rác, xe ôm, cả cánh “gái ăn sương”, nhậu đêm… nhưng cũng chẳng thu được chút tin tức nào có giá trị. Người dân từ chỗ hốt hoảng khi bị mấy thanh niên lạ hoắc chặn xe lại để hỏi chuyện, ghi chép thông tin vào quyển sổ con con rồi đút vào túi quần, dần dần thì cũng quen mặt. Nhiều người đã bắt đầu tỏ ra ái ngại, thương cảm với nỗi vất vả của lính, khi thấy họ cả tháng ròng lặn lội mưa gió đêm hôm, lập cập trong cái giá rét đến tê dại lúc đêm về sáng để làm nhiệm vụ...

Cứ thế, những nỗ lực không vơi đi, nhưng tin tức thì cạn dần. Chẳng có gì ngoài những lời khai, đại loại như tôi không đi qua tuyến ấy, hoặc lúc tôi đến thì lửa đã bốc cao, Công an đang cứu hoả…

Ngay từ lúc xuống hiện trường, bên cạnh việc tổ chức lực lượng rà soát, truy tìm nhân chứng thì các biện pháp trinh sát chuyên sâu khác cũng được khẩn trương triển khai để nắm tình hình về vụ cháy cùng những mâu thuẫn “nổi” trong quan hệ của gia đình nạn nhân...

Manh mối xuất hiện

Kết quả nắm tình hình đã đem về một nguồn tin cực “khét”. Rằng trước thời điểm xảy ra vụ cháy vài tháng, gia đình nạn nhân và nhà ông H. (hàng xóm) có xảy ra xích mích, lời qua tiếng lại do có khúc mắc về ranh giới đất đai. Đỉnh điểm mâu thuẫn, hai bên đã gọi đội quân xe ba gác gắn mác thương binh để “nói chuyện” với nhau. Sự việc được phát hiện và ngăn chặn kịp thời nên không gây ra hậu quả, rồi cũng chìm dần vào quên lãng nếu như không có sự kiện vào tối 24/1/2008.

Theo tin trinh sát, trước lúc xảy ra vụ cháy vài giờ, có một “sới phỏm” cò con được tổ chức tại nhà ông H. Thành phần đánh bạc gồm những người trong gia đình này và vài tay “vô công rồi nghề” ở gần đó. Giá như không xảy ra vụ cháy thì câu chuyện “vui chơi có thưởng”, nặn của nhau vài trăm nghìn bạc cũng chẳng có gì đáng nói. Nhưng với lính trọng án thì đó là tình tiết không thể bỏ qua. Thậm chí, khi phát lộ nguồn tin này, nhiều anh em đã khấp khởi mừng thầm, bởi thoả mãn một số “tiêu chí” của thủ phạm. 

Trước hết, đối tượng nghi vấn có mâu thuẫn với nạn nhân từ trước, đã từng chọn giải pháp “nóng” với nhau. Do đó, có thể có động cơ gây án do mâu thuẫn thù tức, hoặc để giải quyết các xung đột, mâu thuẫn âm thầm giữa các bên mà người ngoài không biết. Thứ hai, ngay trước thời điểm vụ cháy xảy ra, tại nhà ông H. giáp với hiện trường lại tập trung nhiều người, mà dân cờ bạc thì không thể gọi là tử tế, không chứng nọ cũng tật kia. Nhất là trong số đó lại có một vài “tên tuổi” trong đám “du thủ, du thực” địa phương, có quá khứ phạm tội hoặc đang hoạt động hiện hành trong các nhóm đòi nợ thuê, bảo kê tại bến xe Mỹ Đình. 

Giả thuyết về việc tụ tập chơi bài đợi tới giờ để gây án… đã nảy ra ngay trong đầu các điều tra viên, vì “bộ môn” điều tra trọng án luôn cần những bộ óc có trí tưởng tượng phong phú và nhạy bén, khả năng liên tưởng cao về mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng rời rạc. Họ luôn là những người nhìn sự việc trong một chỉnh thể.

Ưu tiên của hoạt động điều tra lúc này là nhằm vào nhóm đối tượng này. Đồng thời, tất cả các băng nhóm giang hồ, xã hội đen, đòi nợ thuê, đâm thuê chém mướn, hoạt động cầm đồ, cho vay lãi nặng, bảo kê, chứa mại dâm, gây rối TTCC… ở địa bàn huyện Từ Liêm và các quận, huyện giáp ranh cũng được đưa vào diện nghiên cứu, quét vét, trấn áp. 

Nói cách khác, nhiều người trong ban chỉ đạo điều tra đều chung nhận định nguyên nhân sự việc xuất phát từ mâu thuẫn bên ngoài, nếu đây thực sự là một vụ án mạng. Còn nhớ khi đó có một vị chỉ huy nổi tiếng nóng nảy, trong lúc điều hành cuộc họp án đã áp đặt quan điểm với một điều tra viên đến mức căng thẳng, khi anh rụt rè phát biểu rằng cần phải truy theo cả mâu thuẫn bên trong, từ nội bộ gia đình nạn nhân. Chuyện này tới giờ nhiều anh em còn nhớ.

Cựu trinh sát hình sự Đào Trung Hiếu (Hieubaocand@gmail.com).

Trong làm án, việc có quan điểm trái ngược nhau về đánh giá chứng cứ, triển khai các biện pháp nghiệp vụ là “chuyện thường ngày ở huyện”. Tuy nhiên, vì lính hình sự nhìn chung đều có cá tính mạnh mẽ, làm việc quyết liệt, thực hiện chế độ “thủ trưởng chế” (quyền uy phục tùng) nên từ xung đột quan điểm, rất dễ biến thành việc mắng mỏ nhau nặng lời. Rất tiếc, nhiều khi tác phong gia trưởng, khiến vị chỉ huy không nghiêm túc lắng nghe và tiếp thu được những ý kiến phản biện hợp lý, hoặc cách tiếp cận sự việc ở các chiều cạnh khác nhau… để có được cái nhìn khách quan, toàn diện, đa chiều về sự việc đang điều tra. Quả thực, về sau chính ý kiến lẻ loi, đơn độc của người lính bị “đuổi cổ” ra khỏi cuộc họp hôm ấy lại được chứng minh là đúng. Việc này xin kể sau.

Bản thân tôi kể lại câu chuyện này cũng là muốn chia sẻ đến đồng đội đang làm nghề một kinh nghiệm quý, rằng việc nhận định, đánh giá chứng cứ trong hoạt động điều tra hình sự phụ thuộc vào kinh nghiệm, trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp của người đánh giá chứng cứ. Đây cũng chính là tính chất phức tạp và vô cùng hấp dẫn của nghề điều tra hình sự.

Trên thực tế, không ít những trinh sát dày dạn, điều tra viên kỳ cựu, quân hàm đã bạc phếch bởi thời gian… với kinh nghiệm sâu sắc và phong phú, do được đúc kết, tích luỹ qua bao năm tháng bám sát thực tiễn chiến đấu, là chỗ dựa vững chắc khai mở những vụ án hình sự phức tạp mà những điều tra viên thông thường không dễ giải quyết được.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo từ Ban chỉ đạo điều tra, lính trọng án, hình sự đặc nhiệm số 7 Thiền Quang, phối hợp với Công an huyện Từ Liêm và Công an tại các địa bàn giáp ranh đã đồng loạt triển khai một chiến dịch quy mô nhằm quét vét tất cả các băng nhóm xã hội đen đang hoạt động trên địa bàn xung quanh hiện trường. Một “núi” công việc đã được triển khai. Toàn bộ các đối tượng đánh bạc tại nhà ông H. bị bắt giữ về hành vi “đánh bạc” để khai thác những thông tin có liên quan đến vụ án đang điều tra.

Thiếu tá Ngô Văn Đáp (Phó đội trưởng Đội điều tra trọng án khi đó) trực tiếp chỉ huy mũi trinh sát của tôi điều tra về đối tượng Hoa “sọ não” cùng băng nhóm cưỡng đoạt tài sản của gã tại bến xe Mỹ Đình. Đây là một nhóm đối tượng hình sự có máu mặt, kiếm ăn bằng nghề bảo kê, thu “phế” bến bãi của cánh xe ôm, những người bán hàng rong. Dưới trướng của Hoa có hàng chục tên lưu manh, côn đồ, sẵn sàng bổ dao xuống đầu người khác. Từ lâu, chúng là nỗi khiếp đảm của những người buôn bán nhỏ tại đầu mối giao thông quan trọng này.    

(Còn nữa)

Đào Trung Hiếu
.
.
.