Lật tẩy bộ mặt thật của hai nữ quái buôn người làm lộ diện những mức giá bí ẩn

Thứ Tư, 05/06/2013, 17:38

Một đường dây buôn bán trẻ em vừa được Cục C45 (Bộ Công an) cùng với đồn biên phòng Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng) triệt phá. Đây đường dây buôn bán xuyên quốc gia được tổ chức chặt chẽ và chuyên nghiệp. Các đối tượng tham gia đều là nữ giới nhưng lại có thủ đoạn vô cùng tinh vi. Cũng từ việc khám phá ra vụ án này, lực lượng chức năng cũng đã làm rõ được những mức giá bí ẩn mà giới con buôn vẫn áp dụng trong việc buôn bán của mình.

Hai lúa đi buôn người

Ngày 6/5, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cao Bằng cho biết đã điều tra làm rõ vụ án mua bán trẻ em đặc biệt nghiêm trọng. Bị can của vụ án này là Cao Thị Thuận, 29 tuổi, trú tại xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa và Bế Thị Điệu, 54 tuổi, trú tại thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Đây là hai đối tượng được đánh giá là mắt xích quan trọng nằm trong đường dây buôn người từ Việt Nam sang Trung Quốc đã tồn tại trong một thời gian khá dài. Đến thời điểm bị bắt, Thuận và Điệu đã tham gia thực hiện trót lọt một số vụ đưa trẻ em vượt biên trái phép để bán cho đầu mối bên Trung Quốc. Tuy nhiên, xét vai trò trong toàn bộ đường dây thì Thuận và Điệu chỉ là những “tay sai” của một đối tượng đầu nậu chuyên nghiệp thứ 7.

Theo lời khai của Thuận thì bản thân thị vốn là một nông dân, có hoàn cảnh nghèo khổ. Kinh tế gia đình eo hẹp, Thuận phải tìm ra cách thành phố lớn sinh nhai kiếm tiền nuôi con. Tuy nhiên, vì không có trình độ lại chẳng có nghề nghiệp nên rất nhiều năm sống ở thành phố, Thuận vẫn chưa thể giúp gia đình mình có được một cuộc sống khấm khá hơn. Đi hầu hết các tỉnh từ Nam ra Bắc nhưng Thuận vẫn chẳng thể nào kiếm được một công việc cho mình, mỗi nơi chỉ tồn tại một thời gian là lại tìm chỗ khác.

Đối tượng Bế Thị Điệu. Đối tượng Cao Thị Thuận.

Đến cuối năm 2012, tại Hà Nội, Thuận quen với một người phụ nữ tên Hương. Sự quen biết tình cờ, lại trong thời gian ngắn nhưng Hương lại luôn tỏ thái độ gần gũi và cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của Thuận. Thi thoảng rủ đi chơi, thậm chí là lên tận cửa khẩu Cao Bằng để mua sắm… chỉ vài tuần sau khi quen biết, Thuận và Hương đã thân nhau như hai chị em ruột. Rất nhiều lần Hương rủ đi lên biên giới buôn bán nhưng Thuận đều từ chối phần vì sợ, phần vì không có vốn. Rồi trong một lần hai chị em “thủ thỉ” Hương đã bảo với Thuận rằng, nhà nghèo vậy sao không mang đứa con trai bán cho người Trung Quốc họ nuôi, con vừa có được cuộc sống sung sướng còn mình có cả một khoản tiền lớn để làm ăn. Dĩ nhiên Thuận không chấp nhận nhưng vì nể Hương nên Thuận đã đánh tiếng rằng sẽ giúp đỡ tìm giúp.

Vì đã từng làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh nên Thuận biết việ cở Bệnh viện Từ Dũ có rất nhiều trẻ em bị bỏ rơi, hơn nữa ở đây còn có cả một “dịch vụ” cung cấp trẻ em. Nhận lời hứa với Hương, Thuận đi vào miền Nam với mục đích tìm hộ “hàng”. Vài ngày lang thang ở cổng bệnh viện Từ Dũ, Thuận đã tìm được đầu mối là một người phụ nữ tên Hồng, đây là đối tượng vẫn được biết đến là nguôn cung cấp trẻ em. Hồng đưa ra mức giá một bé trai khoảng 1 tháng tuổi sẽ là 30 triệu đồng; còn bé trai từ 2 đến 5 tháng tuổi có giá là 40 triệu đồng, Thuận liên lạc với Hương và mức giá này được hai bên thỏa thuận với nhau.

Bắt mối xong nơi cung cấp “hàng”, Thuận ra Hà Nội chờ đến khi Hương thông báo và tự tăng giá cao hơn so với của Hồng tới 20 triệu. Vài ngày sau đó, khi Hương đã tìm được người mua trẻ em bên Trung Quốc đã ngay lập tức gọi điện thoại cho Thuận. Hồng nhận nhiệm vụ đưa cháu bé ra tới Hà Nội, tại đây Thuận cùng với Hương và Điệu, là người lái xe ôm được Hương thuê sẽ “nhận hàng”. Ngay sau khi nhận được cháu bé Thuận, Hương, Điệu đã ngay lập tức bắt xe khách đi lên Cao Bằng trong đêm để đưa sang Trung Quốc. Vụ buôn bán này trót lọt nhưng Hồng bị giữ lại nửa số tiền vì Hương đưa ra lý do nếu tìm được “hàng” nữa sẽ trả nốt số còn lại.

Bóc gỡ đường dây

Vì bị Hương giữ lại tiền nên Hồng tức tốc đi tìm “hàng” để bàn giao cho phía của Hương. Đến khoảng đầu tháng 5/2013, Hồng đã tìm được một bé trai khoảng 5 tháng tuổi và ngay lập tức đã gọi điện thông báo cho phía của Hương. Vì đã có nhắn nơi nhận mua nên ngay lập tức Hương cắt cử Điệu đi xuống Hà Nội tìm gặp Thuận để cùng đi đón cháu bé ở sân bay Nội Bài. Khác với lần trước, lần này Hương ở Cao Bằng để sắp xếp việc giao nhận đứa bé với đối tác bên Trung Quốc.

Đối tượng Cao Thị Thuận tại cơ quan điều tra.

Nhận được cháu bé tại sân bay, cũng như lần trước, Điệu và Thuận mang lên Cao Bằng giao cho Hương. Tuy nhiên, lúc này, Hương lại bảo Thuận là vượt biên qua đường tiểu ngạch giao đứa trẻ cho thị chứ không ở Cao Bằng. Làm theo chỉ thị này, chuyến đi của Thuận trót lọt và được Hương đưa cho hơn 80 triệu đồng, số tiền mua bán đứa bé và để trả nợ cho Hồng. Nhận tiền xong, Thuận và Điệu ung dung trở về Việt Nam. Tuy nhiên, trên đường vượt biên bằng đường tiểu ngạch, Thuận và Điệu đã bị lực lượng tuần tra của đồn biên phòng Hùng Quốc bắt giữ. Đấu tranh khai thác, cả hai đối tượng này đã khai nhận toàn bộ hành vi mua bán trẻ em của mình.

Trước những thông tin từ Thuận và Điệu cũng, kết hợp với một số thông tin từ quá trình trinh sát trong nước, Cục C45 đã tiến hành mở rộng điều tra với hai nhiệm vụ cơ bản, thứ nhất bóc gỡ toàn bộ đường dây này, thứ hai là truy tìm tung tích những cháu bé đã bị chúng mua bán. Thực hiện chuyên án này, Cục C45 đã liên hệ với đồn biên phòng Hùng Quốc và công an bên phía Trung Quốc để cùng vào cuộc thực hiện nhiệm vụ. Vấn đề khó khăn đặt ra là bản thân Thuận và Điệu không biết chính xác thông tin về Hương, hơn nữa đối tượng này lại ở bên kia biên giới, việc truy tìm bắt giữ sẽ không đơn giản.

Đến ngày ngày 3/5, tại cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), Công an tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây (Trung Quốc) đã tiến hành bàn giao 10 bé trai bị các đối tượng bắt cóc vượt biên đem bán sang Trung Quốc cho cơ quan chức năng của Việt Nam. Cục C45 phối hợp với Bộ Lao động Thương binh - Xã hội và Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận 10 bé để chăm sóc. Đây là một trong những biện pháp tình thế trước mắt để ổn định cuộc sống cho các cháu bé.

Theo đại diện phía Cục C45 thì trong thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục khai thác và mở rộng chuyên án này. Việc bóc gỡ các đường dây buôn bán trẻ em đang trở nên hết sức bức thiết, nếu để kéo dài nó sẽ biến thiên ra rất nhiều phức tạp. Ngoài việc tích cực điều tra, đấu tranh với các loại tội phạm này ở phía trong nước thì vấn đề đảm bảo tính chặt chẽ trong khâu quản lý biên giới cũng cần nâng cao hơn nữa. Cần có sự đồng bộ của nhiều lực lượng khác nhau trong việc triệt phá các đường dây buôn bán người kiểu như thế này thì mới tạo ra hiệu quả cao nhất được.

Cũng theo phía Cục C45 thì ở Việt Nam loại tội phạm về buôn bán người đang có chiều hướng gia tăng và thay đổi khá nhiều về bản chất cũng như thủ đoạn hoạt động. Bên cạnh một đội ngũ “con buôn” chuyên nghiệp thì việc một số những đối tượng bị rủ rê, lôi kéo (kiểu như đối tượng Thuận) cũng đặt ra nhiều vấn đề với các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, việc quản lý chặt ở các cơ sở y tế cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng và nó chính cội nguồn, nơi mà giới tội phạm thường xuyên tìm đến để tìm các cháu bé. Việc ở một số các bệnh viện, đặc biệt là các khoa sản, việc tồn tại đội ngũ “cò mồi” chuyên đi săn lùng những cháu bé bị bỏ rơi là có thật. Triệt phá đội ngũ này không đơn giản là của riêng Cục C45 mà của toàn thể xã hội...

Nguyễn Nguyễn
.
.
.