Lừa đảo bán hàng qua mạng

Thứ Hai, 22/06/2015, 10:00
Sáng 16/6, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (C45) - Bộ Công an đã đồng loạt tiến hành bắt giữ, khám xét khẩn cấp nơi ở của nhiều đối tượng trong một đường dây lừa đảo bán hàng qua mạng cực lớn, chiếm đoạt số tiền lên đến vài tỷ đồng… Vụ việc này cùng nhiều vụ trước đó cho thấy với sự nở rộ của các loại hình kinh doanh online bán hàng qua mạng … 

Triệt phá đường dây lừa đảo

Theo kết quả điều tra ban đầu, Cục C50 phối hợp với C45 - Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã lập chuyên án theo dõi, điều tra từ hai năm nay bởi thủ đoạn của các đối tượng rất chuyên nghiệp, tinh vi. Sau một thời gian xác định toàn bộ hoạt động trái phép của đường dây lừa đảo này, sáng sớm 16/6, sáu mũi trinh sát thuộc C50 và C45 đã đồng loạt ra quân, ập vào bắt giữ nhiều đối tượng và khám xét nhiều địa điểm tại TP Hồ Chí Minh nằm trong đường dây lừa đảo bằng công nghệ cao chiếm đoạt tiền của rất nhiều người trên khắp cả nước.

Theo đó, khoảng 4 giờ sáng cùng ngày, tại phòng 405 căn nhà số 28A đường Phan Văn Sửu (phường 13, quận Tân Bình), tổ trinh sát bắt quả tang Nguyễn Văn Đô (SN 1994, quê Quảng Ngãi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) đang cùng bạn gái giao dịch với khách hàng trên mạng. Cảnh sát đã đọc lệnh bắt giữ Đô, thu giữ một số laptop, điện thoại, thẻ ATM và những tài liệu được cho là có liên quan đến hành vi lừa đảo. Tại cơ quan Công an, Đô khai mới gia nhập vào nhóm tội phạm, số tiền lừa đảo được của các nạn nhân khoảng 100 triệu đồng.

Cảnh sát khám xét, bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Đô tại căn phòng thuê tại quận Tân Bình.

Sau khi khám xét những địa điểm khác tại TP Hồ Chí Minh, trong buổi sáng cùng ngày, Cảnh sát đã bắt giữ thêm các đối tượng khác gồm: Nguyễn Ngọc Tây (SN 1994, quê Quảng Ngãi), Đinh Phong Phú (SN 1988, quê Nghệ An), Nguyễn Thành Nhơn (SN 1989, quê Quảng Ngãi) cùng tạm trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trương Ngọc Duẩn (SN 1992, quê Thanh Hóa, ngụ tỉnh Bình Phước)… Ngoài ra, còn nhiều đối tượng trong đường dây ở các tỉnh thành khác mà cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiếp tục mở rộng điều tra, truy bắt.

Có thể thấy các đối tượng trong đường dây lừa đảo này đa số còn rất trẻ, không có công ăn việc làm ổn định nhưng hầu hết đều có trình độ tin học để sử dụng máy tính, mạng Internet phục vụ cho mục đích lừa đảo. Trong số các đối tượng đã sa lưới thì Đinh Phong Phú là đối tượng đang bị Công an quận Tân Bình truy nã về tội cướp giật tài sản.

Thủ đoạn chung mà băng nhóm này sử dụng là rao bán các mặt hàng điện tử như điện thoại, máy tính bảng, máy vi tính... trên mạng với giá rẻ hơn nhiều lần so với giá trị thật trên thị trường, để đánh vào lòng tin mù quáng, hám rẻ của khách hàng. Ngoài ra, chúng còn rao hàng loạt thông tin nhận làm bằng cấp các loại, lo thủ tục cấp giấy tờ nhà đất... Khi nạn nhân đồng ý mua hàng hoặc muốn làm giấy tờ thì phải chuyển trước cho chúng một số tiền (từ 30 đến 50% tổng trị giá sản phẩm).

Tang vật các đối tượng sử dụng để lừa đảo.

Sau khi nhận được tiền do khách hàng gửi vào tài khoản ngân hàng của chúng, các đối tượng lừa đảo lập tức rút tiền rồi tiếp tục làm các vận đơn giả (hóa đơn giả xác nhận đã vận chuyển hàng) gửi cho khách hàng khiến các khách hàng tin rằng đã được chuyển hàng nên gửi hết số tiền mua hàng còn lại. Sau đó thì chúng sẽ chơi trò "im thin thít, lặn mất tăm".

Để thực hiện việc chiếm đoạt tiền, các đối tượng này đã sử dụng các giấy chứng minh nhân dân nhặt được từ các nguồn người dân đánh rơi, làm mất, thậm chí là nhờ người không hiểu biết đứng tên để mở tài khoản ngân hàng, hoặc sử dụng tài khoản của các trang mạng đánh bạc... nhằm yêu cầu khách hàng gửi tiền vào đó khi có giao dịch. Chính thủ đoạn này nhằm đánh lạc hướng cơ quan điều tra, khó tìm ra tung tích. Sau khi khách gửi tiền, các đối tượng lập tức rút tiền rồi tắt điện thoại, biến mất mà nạn nhân không thể liên lạc được. Việc lừa đảo đã thực hiện mấy năm nay và có rất nhiều nạn nhân đã sập bẫy.

Đối tượng Nguyễn Ngọc Tây bị dẫn giải về cơ quan điều tra.

Theo cán bộ Ban chuyên án cho biết thì kết quả thống kê sơ bộ ban đầu cho thấy giá trị nhóm này lừa đảo khách hàng đã lên đến nhiều tỷ đồng.

Hiện cơ quan Công an đã xác định được một số nạn nhân của đường dây lừa đảo này, đồng thời kêu gọi ai từng là nạn nhân của nhóm tội phạm  này hãy đến liên hệ với C45 - Bộ Công an, số 258 Nguyễn Trãi, quận 1 để cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra.

"Mảnh đất béo bở" cho những kẻ lừa đảo

Vụ việc này cùng nhiều vụ trước đó cho thấy với sự nở rộ của các loại hình kinh doanh online đã khiến cho phương thức bán hàng qua mạng đang trở thành "mảnh đất béo bở" cho những kẻ lừa đảo.

Điểm chung của các trường hợp bị lừa thường là đánh vào tâm lý ham hàng xịn giá rẻ, lừa người mua chuyển tiền rồi không giao hàng, hoặc giao sản phẩm kém chất lượng chênh lệch nhiều với sản phẩm cam kết. Tuy nhiên, với số tiền không quá lớn, không nắm được các quy trình mua hàng qua mạng, nên hầu hết người bị lừa đảo đều xảy ra một cách dễ dàng.

Điều đáng nói, nhóm này quảng cáo hầu hết là hàng chính hãng mới 100% nhưng "giảm giá" toàn bộ mặt hàng chỉ bằng 60% giá thị trường. "Mồi ngon" này đã thu hút nhiều khách đăng ký mua hàng là máy ảnh, iPhone, iPad và các loại điện thoại đời mới khác.

Đối tượng Nguyễn Ngọc Tây.

Theo Trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thì tội phạm công nghệ cao bây giờ kiếm tiền rất dễ, có khi chúng chỉ ngồi trong căn phòng với một vài thiết bị và máy tính là đã có thể kiếm được tiền, và thậm chí là kiếm được nhiều tiền. Ông cũng cho biết thêm, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khác khám phá và phát hiện nhiều vụ án lớn trong thời gian qua đã có tác dụng phòng ngừa, tác dụng răn đe, trừng trị các đối tượng vi phạm.

Có thể thấy, bán hàng qua mạng nói riêng và hoạt động thương mại điện tử nói chung hiện nay vẫn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, gây thiệt hại cho khách hàng. Trong khi đó, hệ thống pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa theo kịp với tình hình thực tế.

Theo nhận định của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), tình trạng lừa đảo khi mua bán qua mạng ngày càng gia tăng là trở ngại chính trong việc phát triển của thương mại điện tử hiện nay ở Việt Nam, trong khi phương thức mua bán này ngày càng trở nên phổ biến và rất hiệu quả ở nhiều nơi trên thế giới.

Theo nhiều chủ cửa hàng kinh doanh hàng điện tử, khi mua hàng qua mạng, khách hàng nên xem kỹ mặt hàng mình cần mua, không mua những sản phẩm giá quá rẻ so với thị trường, không chuyển khoản thanh toán trước hoặc đặt cọc và chỉ nên mua hàng trao tay, hạn chế tối đa việc chuyển gửi hàng.

Mặt khác, các khách hàng cũng cần nhận thức được rằng việc mua hàng qua mạng internet hoàn toàn dựa vào lòng tin của người mua đối với người bán và không có cơ chế bảo đảm giao dịch nào. Do đó, khách hàng có nguy cơ gặp nhiều rủi ro, vì thế cần luôn cẩn trọng, cảnh giác. Nên chọn những công ty có uy tín và thông tin rõ ràng, có thể thỏa thuận giá cả qua mạng và xem hàng thực tế trước khi trả tiền hoặc có thể yêu cầu nhận hàng mới trả tiền để tránh rủi ro.

Phú Lữ
.
.
.