Bài 1: Bỏ ngỏ việc lập hồ sơ đưa đối tượng nghiện đi cai nghiện bắt buộc - tiềm ẩn những nguy cơ phức tạp về ANTT:

Mòn mỏi chờ được đi cai nghiện...

Thứ Bảy, 22/11/2014, 16:00

"Có cầu ắt có cung" và ngược lại… Tệ nạn sử dụng ma tuý thời gian qua diễn biến phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng. Tội phạm ma túy là nguyên nhân phát sinh của các loại tệ nạn xã hội, trong khi đối tượng ngày càng trẻ hóa, tập trung chủ yếu vào các đối tượng là thanh niên, học sinh, sinh viên, con em các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, đối tượng không nghề nghiệp bỏ nhà đi lang thang… Trong khi đó, số người nghiện ma túy ngoài xã hội giảm không đáng kể, công tác tổ chức thi hành đưa số đối tượng có quyết định cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221/NĐ-CP của Chính phủ và truy tìm số đối tượng trốn khỏi Trung tâm Cai nghiện gặp nhiều khó khăn.

Sng trong lo s

Trong quá trình thực hiện bài phóng sự này, chúng tôi đã gặp không ít người thân của các đối tượng nghiện ma túy và cả những người đang là "nô lệ" của thứ bột trắng chết người ấy… Không phải gia đình nào cũng có điều kiện đưa con, em đi cai nghiện tại các cơ sở do tư nhân thành lập và quản lý, bởi gia đình có người nghiện phần lớn của nả đều lần lượt đội nón ra đi. Vậy nên, gần một năm nay, kể từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, theo đó quyền quyết định đưa người nghiện ma túy từ UBND cấp quận, huyện và thành phố thuộc tỉnh sang tòa án nhân dân quận, huyện và thành phố thuộc tỉnh thiếu các hướng dẫn áp dụng biện pháp xử lý thì các địa phương đều lúng túng trong việc này.

Tình trạng trên kéo theo sự tiềm ẩn phức tạp về ANTT ở nhiều địa bàn trong cả nước, đặc biệt là các khu vực phức tạp về ma túy… nhiều ông bố, bà mẹ đang mòn mỏi mong con, em được đi chữa bệnh bắt buộc tại các trung tâm chữa bệnh nhưng không thể thực hiện được. Tâm sự sau đây của ông Nguyễn Văn Hậu, người cha có con nghiện ma túy mà chúng tôi có dịp tiếp xúc khi viết bài báo này, phần nào khắc họa được tâm trạng và tình cảnh của gia đình những người nghiện ma túy hiện nay.

Theo lời kể của ông Hậu thì ông có ba người con, Nguyễn Văn Hùng là con trai lớn trong gia đình. Gia cảnh khó khăn nên ngoài làm nông nghiệp, ông Hậu lại lao ra Hà Nội làm thuê, làm mướn. Trong suy nghĩ của mình, ông Hậu  mong các con có được một cuộc sống vật chất đầy đủ, được bằng bạn bằng bè. Trong khi người cha ấy "đổ mồ hôi trán, rán mồ hôi lưng" trên các công trường xây dựng thì Hùng bê trễ việc học hành. Hùng chỉ học hết lớp 4 thì ở nhà chăn trâu, cắt cỏ rồi theo bố đi phụ vữa. Đến năm 2002, Hùng học thêm ghề sửa xe máy. Đối tượng này có biểu hiện nghiện ma túy vào khoảng năm 2004, sau một vụ tai nạn giao thông. Để giảm những cơn đau, Hùng nghe theo đám bạn xấu sử dụng ma túy…

Chị Bùi Thị Nhâm, một trong những người mẹ tự nguyện đưa con đi cai nghiện, trao đổi thông tin với Công an huyện Đan Phượng.

Khi vợ của ông nói rằng, thường có hai đối tượng nghiện thậm thụt đến nhà, ông Hậu mới biết con trai nghiện ma túy. Thương con, vợ chồng ông Hậu tìm đủ mọi cách để cứu con. Vợ chồng ông cho Hùng đi học nghề sửa chữa xe máy rồi 3 lần vay tiền, bỏ vốn cho con mở cửa hàng làm ăn. Không ít lần, người cha ấy bỏ dở công việc làm ăn, cùng ở và quản lý con trai nhưng chỉ được một thời gian ngắn, Hùng lại ngựa quen đường cũ.

Trong một lần cùng đồng bọn mua ma túy về sử dụng, Hùng bị Công an xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm cũ bắt giữ khi đang tàng trữ trái phép chất ma túy. Hôm đó, Hùng bảo ông Hậu trông hộ cửa hàng rồi vay của ông Hậu 50 nghìn đồng nói để đi mua săm xe… Ông Hậu tin con cho đến khi nhận được thông báo của Công an xã Thụy Phương.

Cha mẹ nào mà chẳng thương con, nhưng ông Hậu biết nếu để Hùng ở bên ngoài thì nó tiếp tục dấn thân vào con đường xấu. Bởi thế, sau lần đó, ông đã đưa Hùng đi cai nghiện. Hơn 2 năm Hùng ở trung tâm cai nghiện, không tuần nào vợ chồng ông không đến thăm con, rồi động viên nhắc nhở. Năm 2010, Hùng ra trại sau đó thì vào các tỉnh miền Nam làm ăn. Và một lần nữa, Hùng đã không giữ được mình, lần này Hùng còn sử dụng ma túy đá. Chính vì điều đó, tâm lý của đối tượng này thời gian gần đây có biểu hiện rất khác thường…

Nói đến đây, ông Hậu gạt nước mắt: "Cứ đói thuốc là nó đòi tiền của mẹ nó. Bà ấy không cho thì nó đuổi, đánh chạy khắp nhà. Ngay cả bản thân tôi cũng bị nó đánh. Sự việc mới xảy ra cách đây không lâu. Ba giờ sáng hôm đó, trời mưa tầm tã nó cứ ngồi ngoài trời. Tôi bảo nó vào nhà thì nó đấm vào mặt tôi. Nó đánh mẹ 2 lần, còn đánh cả hàng xóm…". Ai sinh con ra cũng mong muốn con thành người, ông Hậu đã nhiều lần gặp Công an xã, xin cho con được đi cai nghiện nhưng do vướng mắc về thủ tục nên đành chờ. Và trong thời gian này, Hùng tiếp tục mua ma túy về sử dụng nên vừa bị Công an huyện Đan Phượng bắt giữ về tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

Xin đi cai nghin ma túy t nguyn…

Theo chân Thượng tá Nguyễn Ngọc Thảo, Phó trưởng Công an huyện Đan Phượng (Hà Nội), chúng tôi tìm đến nhà chị Bùi Thị Nhâm, ở Hồng Hà (Đan Phượng). Đón chúng tôi trong căn nhà hai tầng hưu quạnh là người đàn bà trung tuổi, sự khắc khổ hiện trên gương mặt lam lũ, sớm già hơn tuổi tác. "Chiếc máy ép nhựa này, chúng tôi mua về định bụng để cháu làm ăn, tránh xa đám bạn xấu vậy mà…", chị Nhâm chỉ tay vào chiếc máy để ở góc nhà, bùi ngùi nói với chúng tôi.

Chị Nhâm và chồng có 2 mụn con, Phạm Nhật Khánh là con trưởng trong gia đình. Mải miết với gánh nặng mưu sinh, từ tờ mờ sáng đến tối mịt, chị quần quật với mấy mẻ rượu mang đi bán còn anh thì cũng bươn chải kiếm sống nên chẳng biết cậu con trai đang dần sa ngã. Năm đó, Khánh đang là học sinh cấp 3 của một trường THPT trên địa bàn huyện Đan Phượng. Mê chơi điện tử, Khánh đi mua ma túy hộ, sau đó thì nghiện ma túy lúc nào không hay. Khi những người hàng xóm xung quanh xì xào về chuyện Khánh chơi với các đối tượng nghiện thì chị Nhâm và chồng mới biết. Ngày đó, vợ chồng anh chị bỏ việc làm ăn, xích chân Khánh ở nhà, giúp con cai nghiện…

Đó là những cuộc vật lộn vô cùng đau đớn mà chỉ những người trong cùng cảnh ngộ mới hiểu được. Chồng chị Nhâm, anh Phạm Văn Phương là người nóng tính nhưng rất mực thương yêu con… Với sự nỗ lực của người cha, tình yêu thương của người mẹ, Khánh đã cắt cơn và có biểu hiện tiến bộ. Vậy nhưng chỉ sau đó vài tháng. Khánh lại không giữ được mình. Hai lần cho con cai nghiện tại nhà đều không thành công, chị Nhâm và anh Phương gần  như kiệt sức. Khánh sau đó được đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc chữa bệnh và ra trại vào đầu tháng 1/2014.

Khi con trai trở về nhà, chị Nhâm và chồng thường xuyên gần gũi, động viên giúp con xoa dần mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng. Khánh ở trong nhà được khoảng 20 ngày thì bắt đầu ra ngoài… Và bắt đầu có biểu hiện bất thường. "Nó không ăn không ngủ, có khi uống cùng một lúc 4 viên thuốc màu hồng như thuốc chữa bệnh", chị Nhâm nói với chúng tôi. Chị Nhâm đâu có biết đó là ma túy tổng hợp, một loại ma túy mới gây tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần, khiến người sử dụng bị ảo giác, có những hành động nguy hiểm. Sau khi sử dụng các viên thuốc trên, Khánh có lúc cầm dao lam định cứa vào bụng và nói rằng mẹ ơi con chỉ muốn chết thôi. Sau đó thì đối tượng này quỳ xuống lạy bố mẹ có lúc lại đâm đầu vào tường định tự sát. Đỉnh điểm của sự việc này là vào những ngày giáp Tết Nguyên đán vừa qua, Khánh bị ảo giác do sử dụng ma túy tổng hợp không làm chủ được hành vi của mình đã leo cột chống sét mà không chịu xuống…

Sau nhiều lần thuyết phục Khánh không thành, gia đình chị Nhâm phải nhờ đến sự giúp đỡ của Công an huyện Đan Phượng. Thượng tá Nguyễn Ngọc Thảo, người trực tiếp vận động thành công Khánh cho biết: Lúc đó, Khánh bị chi phối bởi ảo giác nên hành động rất liều lĩnh. Với những tình huống như thế này thì phải nhẹ nhàng khuyên giải… Thượng tá Thảo đã thuyết phục được Khánh, đồng ý xuống bảo đảm tính mạng cho Khánh. Không thể chờ đợi đến thời điểm các văn bản có đầy đủ, bố mẹ Khánh buộc phải đưa con đến một trung tâm cai nghiện tự nguyện do tư nhân quản lý. Những trường hợp trên cũng là cảnh ngộ của nhiều gia đình trong tình cảnh hiện nay…

"Hổ dữ chẳng ăn thịt con, vợ chồng tôi chỉ mong cháu từ bỏ được ma túy. Gia đình tôi đã sức tàn, lực kiệt rồi…" gặp chúng tôi tại Công an huyện Đan Phượng (Hà Nội), ông Nguyễn Văn Hậu, cha đẻ của Nguyễn Văn Hùng (30 tuổi) rầu rầu chia sẻ. Tâm sự của ông Hậu có lẽ cũng là nỗi lòng của không ít các gia đình có con sa chân vào ma túy. Gần một năm trở lại đây, do thiếu các văn bản hướng dẫn, việc lập hồ sơ đưa đi chữa bệnh bắt buộc là không thể thực hiện được…

Xuân Mai
.
.
.