My “sói” và khát vọng hoàn lương

Thứ Ba, 16/10/2018, 09:00
Tám năm trước Đào Thị Thu Hương, ở phố Bạch Mai, Hà Nội, được biết đến với cái tên My “sói” trong vụ hiếp dâm trẻ em, cướp tài sản gây xôn xao dư luận. Còn bây giờ, đứa con gái ngổ ngáo ấy đã trở thành một phụ nữ đằm thắm với mái tóc dài và sự chín chắn trong từng lời ăn, tiếng nói.


24 tuổi - cái tuổi đủ độ chín cho một người phụ nữ để tính toán chuyện tương lai sau những bầm dập, vấp ngã... Gặp tôi ở trại giam, Hương chia sẻ về những dự định tương lai của mình.

Lần đầu tôi gặp My “sói” khi cô bé bị bắt, tạm giữ ở Công an quận Đống Đa, Hà Nội. Lúc đó, My “sói” đã bị tạm giữ 3 ngày. Tóc cắt ngắn nhuộm vàng hoe, mắt quầng thâm, làn da xanh xao, My liếc tôi bằng ánh nhìn mỏi mệt. Cái vẻ ngây thơ của tuổi 14 không còn nữa với ánh mắt trợn trạo, với vẻ bất cần. 

Tuy nhiên, đứa trẻ trong My thực sự được đánh thức khi tôi hỏi về gia đình, về con đường dẫn My đến những vết trượt dài. My trải lòng về những bất hạnh của mình, đó là những tháng ngày đằng đẵng khi không được ai quan tâm bởi bố mẹ bỏ nhau từ lúc cô mới sinh ra, My ở với ông bà nội. 

Biến cố lớn nhất vào năm My 12 tuổi thì ông bà đều mất nên My bỏ học, chơi bời thâu đêm suốt sáng cho quên sự đời. “Con tự coi mình là đứa trẻ lạc loài. Phải bằng mọi cách để tự làm chủ đời mình, nhất thiết con phải "xù lông" lên thì mới tồn tại được" - My cho biết. 

Cả cái tên My “sói” cũng do chính cô tự đặt cho mình cũng là sự “xù lông, giương vuốt”, lấy le với những kẻ bụi đời lâu năm. Lúc đó, My giận bố, giận mẹ vì cho rằng, chính sự không quan tâm của họ mới đẩy mình vào con đường tội lỗi. 

“Dù bố là người cho con tiền đóng học phí, nhưng nói thật là con cũng không biết bố làm nghề gì. Thỉnh thoảng gặp mẹ, con chỉ biết mẹ sinh sống bằng "nghề"… cờ bạc. Mẹ muốn con về ở cùng. Mẹ từng đi tìm con, từng khóc lóc... rồi chán chường, mẹ không đi tìm nữa. Con cũng chẳng muốn về, vì mẹ còn có bố dượng, có em...

Ba năm sau, khi My đã “yên vị” với bản án 12 năm tù tại Trại giam số 5, tôi gặp lại My. Vẫn mái tóc ngắn, vẫn vẻ tinh nghịch nhưng My đã trưởng thành hơn rất nhiều. Không còn hận bố mẹ vì những đổ vỡ của họ nữa, My trải lòng về cuộc sống trong trại giam. 

Đó là những ngày đằng đẵng xa gia đình, đối mặt với thực tế khắc nghiệt, là sự yêu thương quan tâm của các cán bộ quản giáo dành cho, là những lần ốm, sốt, là những mong ước, những buồn phiền khi nghĩ về tương lai sau này. 

“Nhiều lúc con buồn lắm cô ạ. Bố với dì thi thoảng vào thăm, cho con tiền. Mẹ cũng đến thăm. Nhưng sao con vẫn thấy họ xa cách quá. Giờ con không giận họ nữa, con hiểu ra rồi, bố mẹ cũng phải có cuộc sống của bố mẹ. Nhắc đến người yêu - Trịnh Thăng Long - đối tượng trong vụ án, My bảo “con với anh ấy chả còn liên hệ gì, hình như anh ấy đang ở Trại 6. Con cũng không quan tâm nữa vì giờ mỗi đứa một phận thế này, đã biết sau này thế nào đâu”.

Lúc mới "nhập khám", My "sói" tỏ thái độ nhơn nhơn, trơ trẽn, cười nói thản nhiên, xem như mọi việc chẳng có gì nghiêm trọng. My "sói" chỉ đau khổ và "chết lặng", khi biết người yêu của mình khai nhận với CQĐT, Long chỉ trực tiếp hiếp dâm 1 trong số 3 nạn nhân chúng bắt cóc được. Lúc đó, My "sói" đã khóc rất nhiều, gần như suy sụp hoàn toàn. 

Sau 3 năm ở trại, My trở nên già dặn, cứng cáp hơn rất nhiều so với tuổi 17 của My bởi ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” này, My đã trải qua rất nhiều biến cố của cuộc đời. Thiếu nữ 17 tuổi hồ hởi trở lại khi nhắc đến những chuyện vui vẻ trong trại giam như được cán bộ quan tâm, được học, được tham gia văn nghệ.  

“Hôm nọ cô Huyền (cán bộ quản giáo – PV) cho con mấy thứ con thích nên con vui lắm. Con còn vị thành niên nên chủ yếu là đi học thôi, chứ không phải làm nhiều. Các cán bộ bảo, con học làm mi mắt, sau này về còn có việc mà làm” - My cho biết.

Lần này, sau 5 năm nữa, tôi gặp lại My khi cô đang thi hành án ở Trại giam Thanh Phong. Sở dĩ My “chuyển trại” vì theo quy định mới thì tất cả các phạm nhân vị thành niên trên địa bàn đều được đưa về Trại giam Thanh Phong để quản lý, giáo dục. 

Thấy tôi, My ngạc nhiên hỏi “Sao cô đi trại nhiều thế?”. Rồi cả tôi, My cả cán bộ quản giáo cười ngất với câu nói hồn nhiên nhưng rất thật của My. “Ừ, cô đi trại nhiều để xem My thay đổi thế nào chứ” - tôi bảo. My hồ hởi “Cô thấy cháu thế nào, khác không?”. 

Quả thật, nếu gặp ở ngoài đời, chắc tôi không thể nhận ra đứa trẻ 14 tuổi có mái tóc ngắn, vàng hoe với vẻ mặt bất cần năm đó, giờ đã thành một cô gái tóc dài, miệng cười, mắt cười như cô gái đang đứng trước mặt tôi. 

My khoe “cháu “biên chế” chính thức vào đội văn nghệ rồi nhé. Chúng cháu đang gấp rút tập để biểu diễn kỷ niệm 40 năm thành lập Trại cô ạ. Tí cô lên hội trường xem cháu đi”. Quả thật, dù không được học hành bài bản nhưng My múa khá đẹp, đôi chân nhỏ chạy lướt trên sân khấu không khác các vũ công ba lê.

Giờ đây mong ước của My “sói” là được trở về với với gia đình.

Sau màn trình diễn, My hồ hởi “cô thấy cháu múa đẹp không? Cháu tập mãi đấy”. Nhìn đôi tay mỏng mảnh của My, tôi chợt nghĩ về quá khứ. Đôi tay này nếu không bị bắt, không được dừng lại đúng lúc chắc chắn nó sẽ còn làm những việc nghiêm trọng, có thể tày trời khác. Việc bị bắt và những tháng ngày trong trại giam, chắc chắn là sự may mắn của My, bởi, có như thế, My mới dừng lại đúng lúc, mới không tiếp tục trượt dài.

Thấy tôi trầm ngâm, My nhắc “Cô... Cháu tự trang điểm này, xinh không”. Tôi cười “Xinh, nhưng già lắm, mới hơn 20 tuổi mà”. My bảo “hôm sau cháu đánh son nhạt cho trẻ nhé. Hôm sau cô vào xem cháu biểu diễn thật nhé. Cứ lên sân khấu là cháu “cháy” hết mình. Vui lắm cô ạ”.

Rồi My kể, sau khi được chuyển từ Trại giam số 5 về đây, lúc đầu, lạ nước lạ cái My cũng lo lắng, bồn chồn lắm. “Các cán bộ thân thiện, thương cháu  nên cháu hoà nhập cũng nhanh. Giờ cháu ở đội văn nghệ nên khi nào có chương trình thì chủ yếu đi tập, đi biểu diễn, nếu không thì cháu vẫn làm ở đội thủ công. Nói chung công việc phù hợp với cháu. Các phạm nhân khác khi biết hoàn cảnh của cháu cũng thương, hay giúp đỡ cô ạ”.

Nghe tôi hỏi chuyện gia đình, giọng My chợt chùng xuống khi nhắc đến bố: “Bố con bị ung thư, mới mất rồi cô ạ. Bố con mới 56 tuổi thôi...". Rồi My cúi xuống, gạt nước mắt. “Con hiểu nhầm bố, cô ạ. Dù bố không nói ra, dù bố quá nghiêm khắc nhưng bố thương con lắm. Lúc nào cũng quan tâm đến con, bố bị bệnh nhưng giấu con. Cô ơi, giá như con hiểu bố hơn, con biết suy nghĩ hơn, chắc chắn con sẽ không thế...”, My nức nở.

Nhắc đến mẹ, My kể, sau khi bố ốm thì mẹ là người gửi tiền lưu kí nhưng mẹ rất ít khi đến thăm. “Cháu cũng chả trách mẹ đâu cô ạ. Mẹ 3 đời chồng rồi, còn các em nữa”. Nói về 7 triệu đồng hình phạt bổ sung trong vụ án, tôi bảo My “hay mẹ khó khăn quá không nộp được. Hay cháu làm đơn xin xác nhận hoàn cảnh khó khăn, bố mất, mẹ không có kinh tế để xin miễn”. 

My cúi đầu “con cũng chả biết  nữa. Con không có hộ khẩu. Với lại không ai đi xác nhận cho con. Con chỉ mong mẹ tha thứ cho con, mong con được giảm án để làm lại cuộc đời...”. Rồi My kể dự định của mình, sau khi ra tù, cô sẽ học cắt tóc, gội đầu hoặc trang điểm cô dâu. “Con chỉ cần có cuộc sống bình yên, con sợ làm anh, làm chị lắm rồi...”.

Về nhà, tôi tìm mọi cách liên hệ với mẹ đẻ của My nhưng dường như chị không muốn gặp. Nhớ câu nói của cán bộ quản giáo “My nó cải tạo tốt lắm nhưng không được giảm án sợ cháu nó chán nản. Hơn nữa sẽ lỡ cơ hội làm lại cuộc đời của cháu” nên tôi kiên trì gọi điện, đề nghị được gặp mẹ của My để tìm giải pháp giúp My. 

Thậm chí, tôi đề nghị, nếu chị bận có thể cho phép tôi và bạn bè được giúp đỡ, nộp cho My số tiền trên để cháu được giảm án, nhưng chị từ chối, hẹn sẽ gặp sau. Và, cuộc hẹn đó đã nhiều tháng, nhiều lần nhưng tôi chưa gặp được... Hi vọng, sau bài báo này, biết đâu, mẹ của My sẽ nghĩ lại và có cách giúp đỡ cô con gái lớn của mình.

Phương Thủy
.
.
.