Nếu kẻ ngồi sau là... cướp

Thứ Hai, 30/05/2016, 14:33
Không phải đầu tư gì nhiều, chỉ với một chiếc xe máy để chở khách, họ đã có kế sinh nhai, đảm bảo cho gia đình một cuộc sống ở mức độ tùng tiệm. Tuy nhiên, đây là một nghề nguy hiểm. Miệt mài trên những cung đường, bên cạnh nỗi lo về an toàn giao thông, cùng những vất vả, nhọc nhằn khuya sớm nắng mưa, người lái xe ôm còn phải đối mặt với hiểm họa đến từ lòng tham, sự tàn bạo của bọn tội phạm.


Nguồn nguy hiểm luôn đến với họ từ phía sau lưng, khi mà người khách họ đang chuyên chở hiện nguyên hình là tên cướp máu lạnh, với hung khí sắc nhọn trên tay và dã tâm đoạt mạng cướp xe.

Đã có quá nhiều vụ án mạng thảm thương mà nạn nhân là những người lái xe ôm tội nghiệp. Làm gì để bảo toàn tính mạng và tài sản trong những tình huống hiểm nghèo ấy là mối quan tâm hàng đầu của những người mưu sinh trên những dặm đường.

Nhận diện thủ đoạn

Cướp xe ôm trên tuyến giao thông không ngừng gia tăng trong những năm gần đây. Tính chất nguy hiểm của hành vi này không chỉ là nhằm chiếm đoạt tài sản (xe máy, tiền, điện thoại) của người lái xe, mà trong nhiều vụ, bọn tội phạm đã xuống tay tàn bạo, giết hại nạn nhân một cách dã man. Động cơ giết người của tội phạm là nhằm “diệt khẩu”, bịt đầu mối để cản trở hoạt động điều tra.

Đối tượng Nguyễn Văn Nghĩa – thủ phạm vụ cướp xe ôm tại khu đô thị Kim Chung – Di Trạch (Hoài Đức, Hà Nội) bị bắt giữ.

Trao đổi với PV Chuyên đề CSTC, Trung tá Nguyễn Văn Sơn, Cục Cảnh sát Hình sự (C45) - Bộ Công an) nói: “Thủ đoạn phổ biến của bọn cướp xe ôm thường là đóng vai khách thuê xe ôm chở đến những cung đường, địa điểm hẻo lánh để thuận tiện cho việc gây án.

Địa điểm đón xe thường trên đường giao thông và những nơi tập trung đông người (như bến xe, nhà ga, chợ…). Chúng thường lựa chọn những người lái xe đã đứng tuổi, thể lực kém, đứng đón khách riêng lẻ, có xe máy tương đối mới. Khi thỏa thuận, chúng tỏ ra rộng rãi và không mặc cả.

Có vụ đối tượng nữ cùng tham gia với nam như một cặp đôi thuê đi chung một xe, hoặc đón dọc đường. Trước khi gây án, chúng tính toán kỹ về mặt thời điểm thuê xe và thời điểm cướp xe.

Khoảng thời gian thích hợp để thuê xe thường vào cuối giờ chiều, buổi tối hoặc ban đêm. Để thực hiện tội phạm, chúng luôn mang trong người hung khí, như dao, súng, dùi cui điện, bình xịt cay… hoặc thuốc độc, thuốc mê (trong những vụ cướp bằng đầu độc).

Trên đường đi, chúng thường điều người lái xe đi theo hành trình rất lắt léo, như bảo chở vào các đường nhánh, đường liên xã, liên thôn, qua các nghĩa địa, công trường xây dựng vắng người, đồng ruộng, đồi núi…

Khi đến địa điểm thích hợp, tên cướp thường bảo lái xe đi chậm lại, hoặc dừng lại hẳn để đi vệ sinh, để hỏi thăm đường, tìm nhà, để đợi bạn, trả tiền xe, hoặc giả vờ đánh rơi dép, mũ… Bất ngờ chúng dùng hung khí tấn công quyết liệt, như đâm dao từ phía sau,  bắn súng, chích điện vào cổ, dùng vật cứng đập vào gáy, đầu, mặt… tới tấp, nhằm đè bẹp sự kháng cự của nạn nhân trong thời gian ngắn nhất.

Trong những vụ cướp xe bằng đầu độc, trên đường đi tên cướp thường rủ lái xe vào quán ngồi đợi bạn. Trong quá trình đó, đối tượng mời người lái xe nước uống, đồ ăn… đã hòa thuốc độc, thuốc mê.

Có những vụ đối tượng cùng đồng bọn dàn dựng hoàn cảnh để đẩy người lái xe rơi vào tình thế bất khả kháng, như lôi kéo vào việc đánh cờ bạc bịp… để xiết nợ chiếc xe máy, hay tạo sự cố mâu thuẫn, va chạm để đánh cướp xe.

Sau khi giết người, đối tượng thường lục soát quần áo, tư trang hành lý của nạn nhân để lấy tài sản, phi tang xác nạn nhân (vứt xuống những nơi kín đáo, khuất lấp tầm nhìn) rồi nhanh chóng sử dụng chiếc xe máy của bị hại để tẩu thoát.

Chiếc xe máy cướp được, chúng thường cầm cố tại các hiệu cầm đồ hoặc gửi tại các bãi xe công cộng để chờ yên ổn sẽ quay lại lấy sau. Nếu bị phát hiện truy đuổi, đối tượng sẽ chống trả quyết liệt để chạy thoát thân”.

Cảnh giác để tự cứu mình

Khuyến cáo những biện pháp để chủ động phòng ngừa tội phạm, Đại úy Lê Minh Hải (Phòng PC45 -Công an TP Hà Nội) nói: “Người lái xe ôm cần thường xuyên nêu cao ý thức cảnh giác, rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống, chuẩn bị từ trước những cách thức đối phó nếu chẳng may bị cướp xe.

Nạn nhân trong một vụ án cướp xe ôm.

Chủ động không để bản thân rơi vào những tình huống nguy hiểm là cách phòng ngừa tốt nhất. Trước hết, không nên chở quá số người quy định, vào thời gian quá khuya, hoặc điểm đến là những nơi vắng người. Phải cảnh giác cao độ khi vào thời điểm chiều, tối hoặc ban đêm… có khách đến thuê chở về các địa điểm xa mà mình không thông thuộc, hoặc đã biết rõ nơi đó hẻo lánh, vắng người qua lại.

Khi đó, nên gọi bạn xe ôm đến chứng kiến việc thỏa thuận; nói rõ cung đường, điểm đến; xin lỗi khách vì lý do an toàn đề nghị trả tiền trước, cho xem giấy tờ tùy thân. Người bạn chứng kiến có thể dùng điện thoại chụp người khách hay giấy CMND của họ.

Thậm chí, có thể khéo léo tiếp chạm để xem khách có dắt dao và các hung khí khác hay không. Nếu cảm thấy chưa yên tâm thì rủ người bạn lái xe đi cùng mình (chấp nhận trả một phần tiền). Nếu không có bạn gần đó, thì vẫn làm các động tác trên, rồi chụp ảnh, gọi điện cho người thân, nói rõ lộ trình đi, gửi ảnh khách cho họ qua điện thoại…

Những biện pháp này có tác dụng dập tắt ý định phạm tội của tên cướp từ “trứng nước”. Vì chúng biết nếu gây án sẽ bị phát hiện vì có nhân chứng, có ảnh… nên sẽ tìm cớ để bỏ đi ngay. Còn với người khách thực sự, thì các động tác kiểm tra nói trên sẽ không làm họ khó chịu và sẵn sàng hợp tác.

Trên đường đi, người lái xe cần ý thức rằng mình có thể đang gặp nguy hiểm để cảnh giác đề phòng. Cần đi nhanh qua những cung đường, địa điểm vắng vẻ như đồng ruộng, nghĩa địa, đồi núi…, không chấp nhận yêu cầu dừng lại hoặc đi chậm lại của khách.

Khi đang lái xe cần lắng nghe các cuộc điện thoại và chú ý đến cách ăn nói, trả lời điện thoại của khách… để có cơ sở đánh giá về con người cùng đi với mình. Có thể bắt chuyện, hỏi nhiều về công việc, địa chỉ, gia đình, nghề nghiệp của khách.

Tranh thủ những lúc dừng lại, người lái xe nên gọi điện cho người thân, bạn bè, thông báo vị trí của mình và mô tả người khách đang chở. Dọc đường, người lái xe nên chú ý quan sát người khách qua gương chiếu hậu.

Nếu phát hiện thấy khách có những biểu hiện nghi vấn (như vẻ mặt bồn chồn, nháo nhác quan sát xung quanh, hay nhìn chằm chằm vào mình, thái độ như đang toan tính…), hoặc yêu cầu chở theo lộ trình vòng vèo, hoặc chỉ dẫn đi vào những đoạn đường quá xấu và linh cảm có nguy hiểm, hay liên tục yêu cầu chở đến các địa điểm mới không theo thỏa thuận ban đầu, thì cần chủ động dừng lại ngay ở địa điểm cảm thấy an toàn, hoặc quay lại chỗ có đông người, hoặc rẽ vào trụ sở các cơ quan Công an, Ủy ban, nếu không có thì rẽ vào hàng quán bên đường…

Lấy lý do hợp lý như đau bụng, hỏi đường, ăn tối… để cùng khách vào quán. Có thể hỏi thẳng đối tượng về đường đi, đích đến, rồi hỏi người dân tại chỗ về các địa danh này để đối chiếu, xác minh. Cần cho nhiều người biết việc đang chở người khách đó.

Điều này sẽ khiến đối tượng từ bỏ ý định gây án, vì tâm lý của chúng nếu biết lái xe đã cảnh giác và có nhiều người biết sự việc sẽ không dám ra tay. Nếu khách liên tục yêu cầu chở đến các địa điểm mới không theo thỏa thuận ban đầu, nếu trời đã tối thì kiên quyết không chở nữa, cho dù khách có hứa sẽ trả tiền cao đến mấy.

Một bác tài xế xe ôm đợi khách.

Trên đường đi không chấp nhận đón thêm người lên ngang đường cùng với khách, cho dù đó là nữ giới. Không ăn uống bất cứ vật gì khách mời, không tham gia bất cứ hoạt động nào của khách (như đánh bạc, xóc đĩa). Cần cảnh giác cao độ khi dừng xe theo yêu cầu của khách. Chỉ đi chậm và dừng lại ở nơi cảm thấy an toàn, có nhiều người qua lại.

Khi nhận tiền hay móc tiền trả lại, luôn đứng ngoài tầm tay đối tượng, hoặc đứng cách qua chiếc xe. Không quay lưng lại phía khách khi đã xuống xe, lúc móc tiền trả lại nhưng mắt phải luôn để ý đến những biểu hiện của khách. Ngoài ra, nên hành nghề xe ôm theo tổ chức, đăng ký danh sách với các đơn vị quản lý bến bãi, đội tự quản.

Thường xuyên cập nhật thông tin tội phạm để nâng cao ý thức cảnh giác; tham gia các buổi hướng dẫn cách nhận biết và phòng chống cướp xe ôm do cơ quan Công an tổ chức; thường xuyên thảo luận với đồng nghiệp về các kỹ năng xử lý tình huống bị cướp xe để chuẩn bị trước về mặt tâm lý và phương án đối phó tối ưu nhất”.

Vẫn theo Đại úy Hải, nếu đã bị đối tượng khống chế bằng súng, trong tình thế hoàn toàn bị động thì cần tỏ ra hợp tác, sẵn sàng giao tài sản và liên tục xin đối tượng tha chết vì còn gia đình, vợ con... Không nên manh động phản ứng làm đối tượng bị kích động sẽ ra tay giết hại.

Nếu xe mới đi chậm lại, mà bị đối tượng gí dao, gí gậy điện vào người, cần phanh gấp, chống chân nghiêng xe sang một bên. Theo phản xạ, đối tượng cũng sẽ chống một chân xuống đất, đúng lúc này người lái xe rồ ga cho xe lao vọt đi. Nếu xe vừa dừng mà bị đâm bất ngờ, cần bỏ xe chạy và hô hoán thật to.

Trường hợp bị đối tượng tấn công quyết liệt, cần xác định phải chống trả đến cùng, vì tên cướp đã hạ quyết tâm giết chết mình. Lúc này, cần tận dụng tối đa địa hình, địa vật xung quanh, vơ gạch đá, cành cây thủ thế. Khi tấn công, hãy nhằm đánh vào mặt, mắt, bộ hạ đối tượng.

Nếu có trên tay đoạn gậy, hãy tìm cách vụt thật mạnh vào tay cầm dao, hoặc ống đồng (cẳng chân) đối tượng. Tuyệt đối không nên lao vào ôm bẻ tay để tước dao, vì lúc đó đã bị thương và hoảng loạn, sức lực và khả năng tự vệ đã giảm đi rất nhiều.

Ngay sau khi bị cướp xe, cần phải báo tin cho người dân gần đó hoặc điện thoại cho người nhà biết sự việc, rồi tự mình hoặc nhờ người khác trình báo ngay với đơn vị Công an gần nhất. Nội dung trình báo mô tả đặc điểm và hướng trốn của đối tượng, giúp cơ quan Công an tổ chức truy xét nóng để bắt thủ phạm.

Đào Trung Hiếu
.
.
.