Xét xử vụ án Lý Nguyễn Chung tại TAND tỉnh Bắc Giang:

Người dự phiên tòa bức xúc với 'nhân chứng mới'

Thứ Tư, 29/07/2015, 15:26
Trong 3 ngày (từ ngày 21/7 đến 23/7), Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã đưa vụ án Lý Nguyễn Chung - hung thủ thực sự trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn ra xét xử. Tại phiên tòa, người ta đã nhìn thấy thủ phạm đích thực gây ra cái chết của người phụ nữ bán tạp hóa ở xóm Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang cách đây hơn chục năm. Trái ngược với đôi lông mày rậm rạp, đôi mắt sắc lạnh, lời nói của Lý Nguyễn Chung nhỏ nhẹ, thái độ của anh ta cũng tỏ ra vô cùng ăn năn hối hận. Chung đã thành tâm nhận tội mà không bám vào vị "nhân chứng mới" như bám vào phao cứu sinh, theo lẽ tâm lý thường thấy của đám tội phạm.

"Nhân chứng mới" bảo có, thủ phạm bảo không

Dư luận cả nước cũng như những người dự phiên tòa đều tỏ ra bức xúc khi bà Nguyễn Thị Thu Hà, 53 tuổi, trú tại Song Mai, TP Bắc Giang - người được coi là "nhân chứng mới" có mặt tại phiên tòa, với tư cách người làm chứng. Tuy nhiên, những lý lẽ bà này đưa ra buộc tội ông Chấn đã nhanh chóng bị Viện Kiểm sát bác bỏ.

Chưa có một phiên tòa nào mà "nhân chứng mới" lại gây bức xúc, phẫn uất dư luận như ở phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang này. Một vụ án oan khuất, người bị kết tội đã ngồi tù được 10 năm, khi ông được minh oan, đồng nghĩa với việc cơ quan chức năng tìm ra được thủ phạm đích thực của vụ án. Cứ tưởng từ đây, yên ổn sẽ ở lại trong ngôi nhà ông Chấn, để vợ chồng ông sớm tối bên nhau, ngày ngày chăm đàn lợn, dọn dẹp chuồng bò.

Bị cáo Lý Nguyễn Chung.

Nhưng trước khi phiên xét xử diễn ra gần 1 tháng, bỗng dưng xuất hiện một người đàn bà có nhân thân xấu, từng bị kết án về tội chứa mại dâm, gửi đơn tố cáo cho rằng ông Chấn mới là thủ phạm. Và bà ta cho rằng, Lý Nguyễn Chung được bà Thân Thị Hải - người đã cùng vợ ông Chấn vác đơn đi kêu oan nhiều năm trời thuê nhận tội với lời hứa, sau này sẽ chia cho 30% số tiền được Nhà nước bồi thường do xử oan ông Chấn.

Những lời cáo buộc của bà Hà khiến Lý Nguyễn Chung - kẻ đang đứng trước vành móng ngựa cũng có lúc phải bật cười vì không hiểu tại sao người đàn bà này lại có thể dựng lên một câu chuyện nhố nhăng, làm tốn thời gian của các cơ quan chức năng đến vậy. Bị cáo Chung nói: "Bị cáo còn có vợ và con. Ai cho bao nhiêu tiền thì bị cáo cũng không thể đứng ra nhận tội giết người nếu bị cáo không làm" và: "Không biết bà Hà lấy căn cứ bị cáo không giết người ở đâu ra".

Đồng thời chi tiết quan trọng nhất mà Chung đưa ra để phản bác lại lời của bà Hà đó là: "Bị cáo chưa từng gặp bà Thân Thị Hải", thì nói gì đến việc được bà Hải mặc cả chuyện nhận tội "thay ông Chấn" để được chia 30% số tiền bồi thường trong số 7,2 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - “nhân chứng mới”.

Có nhiều chi tiết cảm động tại phiên tòa này. Cả Lý Nguyễn Chung, bố và bà mẹ kế của anh ta đều đưa ra những bằng chứng phản bác lại lời của bà Hà mà cho rằng, chính Lý Nguyễn Chung mới là thủ phạm. Xét về tâm lý, đó là điều bất thường, bởi trong đường cùng, con người ta sẵn sàng làm bất cứ việc gì để thay đổi tình thế, nhưng những người thân của Lý Nguyễn Chung lại không tìm cách "bám" vào vị "nhân chứng mới" như bám vào chiếc phao cứu sinh như lẽ thường thấy.

Bị cáo Lý Nguyễn Chung trước sau khẳng định, mình mới là kẻ giết chị Hoan và hành động một mình. Bố của Lý Nguyễn Chung đã trả lời: "Con tôi đẻ ra, máu mủ của tôi chẳng lẽ tôi không biết. Vụ án tôi cho rằng quá khách quan rồi", khi ông được HĐXX hỏi: "Tại sao ông khẳng định là con ông gây án?". Còn chị Lý Thị Nhín - chị gái của Chung thì kể rành rọt, sau khi giết chị Hoan, Chung có trốn lên Lạng Sơn, tá túc tại nhà chị trước khi trốn vào Đắk Lắk và có đưa cho chị hai chiếc nhẫn cướp được của chị Hoan. "Hôm đó Chung bảo: "Chị ơi em giết người rồi, em giết chị Hoan rồi””. Chị Nhín hỏi tại sao, Chung vừa khóc vừa trả lời: "Em cũng không biết nữa". Chị Nhín hỏi tiếp: "Thế chị Hoan chết chưa?", Chung nói: "Chắc chết rồi, vì em đâm nhiều nhát lắm".

Vậy thì vì lý do gì mà một người đàn bà không quen, không biết, không thù không oán với gia đình ông Chấn, lại nghĩ ra một kịch bản "quái thai" trong phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung? Những lời khai của bà Hà được Viện Kiểm sát đánh giá là suy diễn, không có căn cứ. Bà Hà bị những người tham dự phiên tòa không nén được bức xúc, dành cho nhiều lời lẽ không hay. Không biết có phải vì áp lực của dư luận hay chợt "ngộ" ra những gì mình đang làm là trái với đạo đức, lương tâm nên buổi chiều đầu tiên của phiên xét xử, bà này vắng mặt không lý do khiến luật sư cũng bức xúc không kém.

Tiếp xúc với những người dân Bắc Giang đứng ở bên ngoài tòa án, chúng tôi ghi nhận họ cũng bày tỏ sự phẫn uất đối với "nhân chứng mới" Nguyễn Thị Thu Hà. Một người dân là hàng xóm với bà Hà, cho biết: "Bà Hà trước đây hành nghề chứa mại dâm, bị xử tù, không biết có phải do cay cú với Công an, với Tòa án hay không mà bây giờ bà ấy nghĩ ra chiêu trò này để làm rối tinh lên mọi việc". Còn một bạn trẻ hơn khi chúng tôi hỏi cũng bức xúc: "Tôi nghĩ, bà ta có vấn đề về thần kinh hoặc ai đó giật dây cho bà ta làm việc này. Nếu loại trừ hai trường hợp trên thì chỉ có thể cho rằng, bà ta muốn nổi tiếng".

Người cha của Lý Nguyễn Chung tại phiên tòa.

Những lý lẽ mà bà Hà đưa ra, xâu chuỗi lại thấy cực kỳ mâu thuẫn. Đơn giản nhất là việc bà ta "tự về xóm Me điều tra" và được người dân cung cấp: Sau khi vụ án xảy ra, Lý Nguyễn Chung không bỏ trốn, mà một thời gian sau mới bỏ đi. Trong khi đó, người thân của Lý Nguyễn Chung lại khẳng định, Chung đã bỏ trốn ngay sau đó. Thời điểm ông Chấn được  minh oan, đồng nghĩa với việc cơ quan pháp luật đã lôi được thủ phạm đích thực của vụ án ra ánh sáng. Khi ấy, nào ai đã biết ông Chấn được bồi thường bao nhiêu tiền để mà "thuê" một kẻ đang sinh sống làm ăn yên ổn cùng vợ con ở Đắk Lắk "nhận tội thay" cho mình?

Bình thản nghe "nhân chứng mới" cáo buộc chồng

Khác với thái độ bức xúc của dư luận trước “nhân chứng mới”, bà Nguyễn Thị Chiến - vợ ông Nguyễn Thanh Chấn đứng bên ngoài tòa án, bình thản nghe "nhân chứng mới" cáo buộc chồng mình qua loa phát thanh.

Trước khi diễn ra phiên tòa này khoảng hai tuần, chúng tôi có về Bắc Giang, đến thăm vợ chồng bà, đó cũng là thời điểm dư luận sôi sùng sục vì lá đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Thu Hà được gửi đến một số cơ quan pháp luật cũng như một số cơ quan báo chí.

Bà Chiến khi đó đang điều trị bởi tai biến tại Hà Nội, nghe tin tất tả bắt xe khách về nhà. Nhưng cả bà Chiến và ông Chấn đều bình tĩnh trò chuyện với chúng tôi, cho biết, vợ chồng bà không hề lo lắng "nhân chứng mới" sẽ làm thay đổi kết quả điều tra của cơ quan pháp luật.

Phiên tòa này cũng vậy, nét khắc khổ, vất vả in đậm trên gương mặt bà Chiến. Nếu một người phụ nữ nông thôn vất vả một thì bà Chiến vất vả gấp 100 lần, vì ngoài những cơm áo đời thường đè nặng lên vai, bà Chiến từng có hơn 10 năm chịu sức ép của búa rìu dư luận, với cái tiếng kinh khủng: "Vợ của thằng giết người". Nhưng có lẽ, bà không còn có thể đau khổ hơn được nữa, nói chính xác là nỗi đau đã hóa đá, thế nên, mọi lời lẽ ăn đứng dựng ngược của vị "nhân chứng mới" cũng không khiến bà mảy may bận tâm.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Chiến cho biết: "Chồng tôi đã được minh oan, cơ quan pháp luật đã có đủ bằng chứng để khẳng định Lý Nguyễn Chung mới là kẻ gây án. Đó là điều gia đình tôi mong đợi nhất.  Tôi không quan tâm bà Hà nói gì, người hiểu biết sẽ không bao giờ nói thế. Bà ta làm sai với lương tâm đạo đức, sẽ phải nhận quả báo…".

Ông Nguyễn Thanh Chấn không có mặt theo dõi phiên tòa này. Có lẽ, chuỗi thời gian đau khổ trước đây đã ám ảnh ông quá sâu đậm, đến nỗi ông không thể cùng vợ "thăm" lại nơi mà cách đây hơn chục năm, ông từng có mặt và chịu nỗi oan khuất.

Điều duy nhất mà chúng tôi cảm thấy cả ông Chấn cũng như người thân của nạn nhân Nguyễn Thị Hoan được an ủi phần nào, đó là bị cáo Lý Nguyễn Chung đã thành tâm nhận tội. Thời điểm Chung gây án anh ta còn quá trẻ, không lường hết được hậu quả. Như Chung chia sẻ, 10 năm sống trong nỗi day dứt bởi tội lỗi của mình, nhất là khi đã có vợ, sinh con, Chung luôn đau đáu một ngày nào đó sẽ về đầu thú, như lời khuyên của bố anh ta. Được nói lời sau cùng, Lý Nguyễn Chung đã xin lỗi gia đình nạn nhân và mong được tha thứ. Đồng thời, anh ta cũng bày tỏ nguyện vọng được thụ án ở Đắk Lắk để được gần vợ con.

Trước khi được đưa về trại tạm giam, Lý Nguyễn Chung đã lí nhí xin lỗi bà Hội (mẹ đẻ nạn nhân Nguyễn Thị Hoan). Có lẽ, sự trưởng thành không chỉ bởi tuổi tác, mà do cả quãng thời gian dài quăng quật xa gia đình, đã giúp anh ta ngộ ra nhiều điều để hiểu rằng: Kẻ gây ra tội ác sẽ phải đối diện với phiên tòa đầu tiên, đó là phiên tòa của lương tri, của đạo đức!

Sáng 23/7, HĐXX đã tuyên án, xử phạt bị cáo Lý Nguyễn Chung 12 năm tù giam cho hai tội giết người và cướp tài sản.
Nhóm PV
.
.
.