"Người lính Mỹ ở vùng Vịnh" và những cú lừa ngoạn mục

Thứ Bảy, 02/05/2020, 18:11
Cô gái ấy quê ở Lạng Sơn nhưng về Bắc Ninh làm công nhân khu công nghiệp. Dù đã ở tuổi ngoài 30 nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên M, vẫn chưa có hạnh phúc gia đình. Sau mỗi buổi làm, khi mọi người trở về với gia đình thì M lại thui thủi ở nhà trọ. Thời gian rảnh, cô chỉ biết lên mạng xã hội để nói chuyện với bạn bè.


Làm quen qua mạng xã hội

Một ngày, qua mạng xã hội, có người đàn ông nước ngoài với bức ảnh đại diện rất điển trai, mặc quần áo lính đã vào làm quen với M. Anh này tự giới thiệu tên là John, người Mỹ đang được Chính phủ điều đến chiến đấu ở vùng Vịnh. 

Ngày qua ngày, người lính Mỹ tỉ tê tâm sự về nỗi chán ngán chiến tranh, anh ta sắp hết hạn đi lính nhưng không muốn trở về Mỹ nữa mà muốn có cuộc sống an bình bên một người vợ ở Việt Nam. 

John cũng bàn với chị M về việc sẽ mang tiền về để mua một căn nhà ở Việt Nam và tính cuộc sống lâu dài bên nhau. Những thổ lộ cảm tình của người lính Mỹ khiến cho M cảm động. Và cô công nhân ấy cũng đã mơ về một tương lai bỗng dưng tốt đẹp…

Cảnh báo chiêu lừa đảo trên mạng khiến nhiều người "ngậm trái đắng" .

Dù chỉ qua mạng xã hội facebook nhưng tình cảm của M và người lính Mỹ ngày càng nồng thắm, gắn bó.M gửi cho John số điện thoại của mình. Một ngày, M thấy John thông báo rằng, sẽ gửi cho M một món quà giá trị để thể hiện tình cảm và mong muốn của mình về cuộc sống lâu dài của hai người.

Vài ngày sau, M nhận được điện thoại của một người phụ nữ, tự xưng là nhân viên hải quan tại Việt Nam thông báo, có một bưu kiện từ nước ngoài, mang tên của người lính Mỹ ấy gửi cho M. Nữ nhân viên này thông báo, chị M cần phải chi trả 15 triệu đồng tiền phí vận chuyển vào một tài khoản ngân hàng để nhận bưu kiện trên. 

Chị M tin ngay, dồn tất cả số tiền dành dụm được từ nhiều tháng lương công nhân của mình để gửi vào tài khoản mà nữ nhân viên hải quan đưa ra. Đến hôm sau, nhân viên hải quan lại thông báo, trong gói quà có tiền mặt giá trị lớn nên cần phải lo thêm một khoản chi phí khác nữa để tránh bị xử lý về hành vi rửa tiền. 

Nhưng đối với một công nhân như chị M, lấy đâu ra tiền. Khi thấy chị thông báo không có tiền, nữ nhân viên hải quan này cũng biến mất, chị M cũng không thể liên lạc được với anh lính Mỹ từ vùng Vịnh…

Chỉ tính riêng từ tháng 5/2019 đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh đã nhận được 5 đơn tố giác tội phạm của các bị hại ở TP Bắc Ninh và huyện Yên Phong, Lương Tài với nội dung đều bị lừa đảo với thủ đoạn làm quen qua mạng xã hội, rồi giả vờ chuyển gói quà có giá trị cao như trên. Số tiền các bị hại bị lừa đảo lên tới 1,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi tiến hành điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh đã gặp rất nhiều khó khăn, như: các đối tượng gây án triệt để sử dụng công nghệ cao, sim rác và các ứng dụng mạng xã hội; mua nhiều tài khoản ngân hàng của người khác để nhận tiền lừa đảo, sau khi nạn nhân mắc bẫy chuyển tiền vào các số tài khoản chúng chỉ định, chúng tiếp tục chuyển số tiền đó đến các tài khoản khác hoặc rút ra ngay và không sử dụng lại tài khoản cũ đó nữa; một số đối tượng cầm đầu là người nước ngoài, chúng móc nối, chỉ đạo số đối tượng người Việt tiến hành hành vi lừa đảo…

Và những cú lừa ngoạn mục

Với sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, Phòng Cảnh sát hình sự đã phân công các lãnh đạo, cán bộ có kinh nghiệm trong điều tra án sử dụng công nghệ cao vào cuộc. 

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chỉ một thời gian ngắn, các trinh sát đã dựng được ổ nhóm gồm 2 đối tượng: Nguyễn Thị Chanh Em, SN 1979, HKTT tại ấp 8, Vị Trung, Vị Thuỷ, Hậu Giang và Domoraud Chales- Romain, SN 1986, quốc tịch Ghi-nê, số hộ chiếu O00139400. Cặp đôi này sống với nhau như vợ chồng, dù chẳng có nghề nghiệp gì nhưng lúc nào cũng tiêu pha rủng rỉnh, thuê sống trong một căn hộ chung cư khá sang trọng ở Sài Gòn. 

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, Cục Cảnh sát hình sự, ngày 13/3, các lực lượng phối hợp đã bắt giữ được Nguyễn Thị Chanh Em và Domoraud Chales- Romain khi cặp đôi này đang lẩn trốn ở quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. 

Hai đối tượng Nguyễn Thị Chanh Em và Domoraud Chales- Romain bị cơ quan Công an bắt giữ vì sử dụng công nghệ cao lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Từ lời khai của cặp đôi này, một đường dây lừa đảo tinh vi đã lộ diện với nhiều đối tượng và danh sách các cô gái mà chúng sẽ nhằm vào lừa đảo. 

Domoraud Chales- Romain khai rằng, từ tháng 1/2020, anh ta cùng một số đối tượng quốc tịch châu Phi và Nguyễn Thị Chanh Em bắt đầu tiến hành thu thập thông tin cá nhân của một số phụ nữ Việt Nam để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Chúng đã thu thập được thông tin về khoảng 56 nạn nhân trên địa bàn toàn quốc, có đầy đủ thông tin gồm: họ tên, số điện thoại, địa chỉ… Sau đó, chúng lên kịch bản tặng quà từ nước ngoài, sắp xếp người nhận, dự kiến thời gian giao hàng, nhận hàng, rồi giao cho Chanh Em đóng vai nhân viên bưu điện, hoặc nhân viên hải quan để gọi điện cho nạn nhân thông báo gói hàng và yêu cầu chuyển tiền chi phí giao nhận và chi phí để tránh bị xử lý về hành vi rửa tiền…

Các đối tượng trong đường dây lừa đảo đã sử dụng 4 tài khoản để chuyển cho các bị hại chuyển tiền vào. Đó là các tài khoản mang tên: DOAN QUANG PHONG; NGUYEN TRUNG HIEU; NGUYEN TRI HUNG; LUU THỊ TUYET PHUONG, mở tại các chi nhánh ngân hàng ở Nha Trang, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. 

Theo kết quả điều tra, xác định đến ngày 16/3, 4 tài khoản trên đã nhận số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. Ngoài 2 nạn nhân ở Bắc Ninh, có 8 bị hại khác cũng đã chuyển tiền vào tài khoản mang tên LUU THI TUYET PHUONG. Người chuyển ít nhất là 12 triệu đồng, người chuyển nhiều là 81 triệu đồng…

Theo các trinh sát, điều tra viên tham gia vụ án, thủ đoạn này của các đối tượng lừa đảo không hề mới. Từ năm 2015, đường dây đầu tiên lừa đảo của các trai Tây này đã bị Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an tỉnh Cần Thơ và Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá. 

Đối tượng gây án cũng là những cặp "già nhân ngãi, non vợ chồng" giữa các gã đàn ông quốc tịch Phi và cô bồ người Việt Nam thích đua đòi ăn chơi, hưởng thụ. Vì thời điểm đó, thủ đoạn lừa đảo trên rất mới mẻ nên đã có gần trăm phụ nữ trên khắp các tỉnh, thành "sập bẫy" lừa đảo của bọn chúng. 

Sau khi cơ quan Công an điều tra, khám phá vụ án, các phương tiện truyền thông đã thông tin rầm rộ về phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới mẻ này của các đối tượng trai "Tây". 

Những tưởng, mọi người dân sẽ nâng cao tinh thần cảnh giác. Thế nhưng, năm này qua năm khác, tháng này qua tháng khác, là những phóng viên theo dõi mảng vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, chúng tôi nhận thấy, vẫn liên tục có các nạn nhân sập cái bẫy không hề mới này. 

Ngay cả các nạn nhân trong vụ án trên cũng vậy, thủ đoạn của các đối tượng vẫn "bổn cũ soạn lại", nhưng hàng chục nạn nhân vẫn bị lừa đảo với số tiền lớn. 

Mạng xã hội hiện đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống của một bộ phận lớn người dân. Tuy nhiên, sử dụng mạng xã hội như thế nào để tiện ích, không bị những kẻ phạm tội lợi dụng gây án là cả một vấn đề. Trong nhóm các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội như trên, đa số, các đối tượng đánh vào tình cảm và lòng tham của bị hại. 

"Miếng phomat miễn phí chỉ có trong bẫy chuột", đề nghị người dân này nâng cao tinh thần cảnh giác, đừng để mình tự chui vào bẫy lừa đảo của những băng nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao, vừa bị mất khoản tiền lớn, vừa bị hẫng hụt trong tình cảm.

Minh Châu
.
.
.