Người mẹ giả trai trong suốt 43 năm để làm việc kiếm tiền nuôi con

Thứ Bảy, 09/05/2015, 07:00
Tấm lòng của những người mẹ đã được viết, được truyền tải dưới nhiều dạng khác nhau nhưng khó có ngòi bút nào có thể tả hết được tình yêu của những người mẹ dành cho con cái. Sống trong một đất nước có nền văn hóa kỳ lạ, phụ nữ không được xuất hiện ở những nơi làm việc nên người phụ nữ ấy phải cải trang thành nam giới trong suốt 43 năm qua để kiếm tiền mưu sinh và nuôi con cháu trưởng thành.

Bi kịch cuộc đời

Ai Cập được biết đến là một đất nước có đến 90% dân số theo tín ngưỡng đạo Hồi. Họ sùng ái và tôn sủng đạo Hồi nên tất cả nền văn hóa của Ai Cập được gọi là văn hóa của đạo Hồi. Luôn tồn tại chế độ trọng nam khinh nữ nên có những nét văn hóa được coi là cổ hủ. Những người phụ nữ không được tham gia chính trường, không được xuất hiện ở những nơi công sở đã khiến cuộc sống của nhiều người phụ nữ trở nên bế tắc.

Đối với bản thân bà Sisa Abu Daooh thì nét văn hóa này đã mang đến cho bà và gia đình sự khó khăn không biết chia sẻ cùng ai. 20 tuổi, bà Sisa Abu Daooh kết hôn với một người đàn ông trong làng. Cũng như tất cả những người phụ nữ khác, bà được mọi người chúc phúc và cha mẹ thì mãn nguyện bởi con gái của họ đã tìm được bến đỗ. Cuộc sống gia đình diễn ra không sung túc nhưng cả hai vợ chồng bà Sisa Abu Daooh đều cảm thấy hài lòng với cuộc sống.

Hằng ngày chồng đi làm, còn bà Sisa Abu Daooh ở nhà dọn dẹp nhà cửa, cơm nước chờ chồng. Hạnh phúc của hai người còn tăng lên gấp bội khi bà Sisa Abu Daooh bắt đầu mang thai. Để chuẩn bị cho đứa con đầu lòng chào đời, chồng bà Sisa Abu Daooh đã làm việc chăm chỉ hơn và bà Sisa Abu Daooh cũng cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa và hạnh phúc hơn.

Mọi chuyện tưởng chừng cứ thế trôi đi, dung dị, vui vẻ nhưng tai họa bất ngờ đã ập xuống gia đình bà Sisa Abu Daooh. Nhận được tin chồng bị tai nạn và không qua khỏi, bà Sisa Abu Daooh tưởng chừng không đứng vững được bởi đứa con vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Hai ông bà cưới nhau chưa tròn năm, con chung của hai người còn chưa sinh ra vậy mà người đàn ông trụ cột của gia đình, chỗ dựa duy nhất của mẹ con bà đã ra đi vĩnh viễn. Quá đau buồn trước cái chết của chồng, bi quan với những khó khăn trước mắt nhưng bà Sisa Abu Daooh vẫn phải cố gắng gượng để sống, để sinh con rồi nuôi dạy con.

Bà Sisa Abu Daooh.

Sau những ngày tháng đau buồn, bà Sisa Abu Daooh cũng đã hồi phục, ai cũng biết được những khó khăn trước mắt bà sẽ phải trải qua. Với nền văn hóa không cho phép phụ nữ có mặt ở các nơi làm việc thì liệu bà Sisa Abu Daooh sẽ phải tiếp tục đối đầu với cuộc sống thế nào.

Các anh trai của bà Sisa Abu Daooh thuyết phục bà đi bước nữa để có thể tìm được chỗ dựa cho cả hai mẹ con nhưng bà Sisa Abu Daooh nhất định không đồng ý. Bà nghĩ rằng người chồng của bà vì kiếm tiền nuôi sống mẹ con bà mà đã gặp tai nạn thì không có lý do gì để bà có thể đi bước nữa.

Những tình cảm bà dành cho chồng cũng như cho đứa con còn chưa chào đời đã khiến bà Sisa Abu Daooh vững tin và quyết tâm hơn, nhưng những khó khăn hà khắc về văn hóa ở đất nước này đã khiến việc bà tìm kiếm được một công việc không phải dễ dàng gì. Công việc lao động chân tay thì chắc chắn không có chỗ để cho phụ nữ chen chân vào, còn công việc văn phòng lại càng khó khăn gấp bội. Không trình độ, cũng không bằng cấp nên bà Sisa Abu Daooh đã không thể tìm được công việc để sống qua ngày. Khó khăn là thế nhưng không thể ngồi chờ chết được.

Vượt lên số phận bằng mọi giá

Sau khi sinh con, bà Sisa Abu Daooh đã chuyển đến một thị trấn khác cùng với cô con gái của mình. Tại nơi ở mới, bà Sisa Abu Daooh đã cải trang thành một người đàn ông để có thể xin được những công việc lao động chân tay phù hợp. Bà Sisa Abu Daooh cạo tóc, mặc áo khoác jilbab, quấn khăn cho giống đàn ông rồi đi chiếc giày nam màu đen để có thể tìm việc ở các khu lao động.

Những công việc bà phải làm rất nặng nhọc nhưng vì con, vì cuộc sống và tương lai của con nên bà đã cố gắng vượt qua. Nếu như chứng kiến cảnh bà Sisa Abu Daooh làm việc thì không ai có thể tin được bà là một phụ nữ. Cô con gái của bà Sisa Abu Daooh cũng hiểu được phần nào nỗi khổ và sự vất vả của mẹ nên càng lớn cô càng xinh đẹp và ngoan ngoãn.

Mọi mệt nhọc nhanh chóng tiêu tan mỗi khi trở về căn nhà tạm có cô con gái đang chờ, bà Sisa Abu Daooh nghẹn ngào hạnh phúc: “Để tự bảo vệ mình khỏi những cái nhìn khắc nghiệt hay bị bắt nạt khi làm việc cùng những người đàn ông khác, tôi quyết định tự biến mình thành một người đàn ông, mặc quần áo của họ và làm việc cùng họ ở các làng khác, nơi mà không ai quen biết tôi. Tôi chỉ cần sống và làm việc vì con gái tôi mà thôi".

Bà Sisa Abu Daooh thường phải vác cả bao tải xi măng trên vai, rồi từng chồng gạch cao hơn mặt vượt qua một đoạn đường dài nhưng niềm vui của bà được bù đắp lại, đó là cô con gái ngày một lớn khôn.

Bà Sisa Abu Daooh gầy gò, già nua, sức khỏe suy sụp bởi bà đã làm những công việc nặng nhọc trong suốt nhiều năm. Cái ngày mà bà hạnh phúc nhất đó là ngày cô con gái lấy chồng. Những tưởng cuộc sống sẽ khá hơn, bà sẽ không còn phải dốc sức để làm những công việc nặng nhọc, cô con gái tìm được hạnh phúc thì bà chẳng còn mong ước gì hơn, nhưng số phận lại một lần nữa không mỉm cười với mẹ con bà.

Tổng thống Ai Cập trao bằng khen cho bà Sisa Abu Daooh.

Khi cô con gái đang mang thai thì con rể của bà đổ bệnh nằm liệt một chỗ. Mọi công việc lại dồn lên đôi vai đã quá già yếu của bà Sisa Abu Daooh. Thương con, xót cháu, bà Sisa Abu Daooh lại lao vào làm việc nhưng giờ tuổi bà đã nhiều, bà không thể làm được những công việc quá nặng nhọc nên bà Sisa Abu Daooh đã làm nghề đánh giày, có khi còn phải xin ăn trên vỉa hè để kiếm tiền nuôi con, nuôi cháu.

Cô con gái của bà nói rằng mẹ cô là người duy nhất có thể nuôi sống gia đình. Ngày nào bà cũng dậy từ 6h sáng để đi đánh giày, còn cô con gái thì đi theo giúp mẹ cầm đồ nghề. Mẹ cô đã phải giả làm đàn ông trong suốt 43 năm qua nhưng bà chưa bao giờ than thân trách phận, có chăng bà chỉ cảm thấy xót xa khi con cháu bà không có một cuộc sống hạnh phúc.

Những tháng ngày giả làm đàn ông của bà cũng đã qua, giờ đây bà Sisa Abu Daooh đã 64 tuổi và cuộc đời bà cũng như giới tính thật của bà được biết đến rộng rãi, chính quyền tỉnh Luxor ở miền Nam Ai Cập vinh danh bà Sisa Abu Daooh là "người mẹ lý tưởng" và "người phụ nữ trụ cột gia đình". Chính quyền cũng dựng giúp bà một quầy hàng để mưu sinh và bà mong rằng cuộc sống của con gái và cháu ngoại bà sẽ được tươi sáng hơn.

Hải Hiền
.
.
.